Thực hiện đường lối đổi mới và 19 năm sau khi tách tỉnh, Quảng Trị đã có những bước phát triển rất cơ bản. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa tiềm năng của tỉnh, Quảng Trị còn phải giải quyết nhiều vấn đề mới đặt ra trong những năm trước mắt.

Nằm ở trung độ của cả nước, Quảng Trị có 10 huyện, thị với diện tích tự nhiên 4.745,73 km2, trong đó đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm 15,06%, đất lâm nghiệp có rừng chiếm 34%, đất chưa sử dụng chiếm 47,94%(1). Phía bắc giáp Quảng Bình, phía nam giáp Thừa Thiên - Huế, phía tây giáp Sa-van-na-khẹt và Sa-la-van (Lào) và có 75 km bờ biển Đông. Hiện nay, dân số có 62 vạn người với 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Cô sinh sống, trong đó dân số ở nông thôn còn chiếm 74%.

1 - Thực hiện đường lối đổi mới và 19 năm sau khi tách tỉnh (1989 - 2008), Quảng Trị đã phát huy nội lực, thu hút ngoại lực tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đi lên và lập được những thành tựu nổi bật. Nhịp độ tăng trưởng 19 năm qua là 7%. Giai đoạn sau tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước, từ 5% (1986 - 1996) lên 8,6% (1996 - 2000), 8,7% (2001 - 2005), năm 2007 đạt 12%. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng từ 241,5 tỉ đồng (năm 1990) lên 3.841 tỉ đồng (năm 2007) và dự kiến năm 2008 đạt 4.301 tỉ đồng. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 8,9% (năm 1990) lên 15,08% (2000), 29% (2007), tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 65,7% (năm 1990) còn 36,8% (2005), 33% (2007); thương mại - du lịch - dịch vụ phát triển từ 25,4% (1990) lên 38% (2007). Thu nhập GDP bình quân đầu người tăng từ 1,2 triệu đồng/năm (năm 1990) lên 6,75 triệu đồng (2007). Tổng thu ngân sách tăng từ 33 tỉ đồng (năm 1990) lên 420 tỉ đồng (2007).

Khắc phục khó khăn, thách thức về cơ sở vật chất - kỹ thuật, trình độ tổ chức, lãnh đạo, quản lý, lao động, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh luôn luôn duy trì được nhịp độ phát triển: năm 2007 tăng 30 lần so với năm 1990, từ 35,99 tỉ đồng (năm 1990) lên 1.079,7 tỉ đồng (2007), với tốc độ tăng trưởng 21,9% (2001 - 2005), 24,07% (2007).

Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực đổi mới cơ chế chính sách, xây dựng và triển khai nhiều nghị quyết, dự án kinh tế, phát triển các khu, cụm công nghiệp và khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển.

Có được những thành tựu quan trọng đó, trước hết, bắt nguồn từ "Đường lối đổi mới của Đảng, sự vận dụng sáng tạo của các cấp ủy và sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh.... Bên cạnh đó, sự quan tâm lãnh đạo, sự đầu tư hỗ trợ thiết thực của Trung ương; sự chi viện giúp đỡ quý báu của đảng bộ và nhân dân các tỉnh thành trong cả nước, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; viện trợ của các tổ chức quốc tế; sự quan tâm động viên về nhiều mặt của con em Quảng Trị đang sinh sống trên mọi miền đất nước"(2). Đồng thời, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã nỗ lực đổi mới cơ chế chính sách, xây dựng và triển khai nhiều nghị quyết, dự án, chương trình hành động phát triển đô thị, kinh tế vùng biển, kinh tế miền Tây, khu cụm công nghiệp, doanh nghiệp, đặc biệt tháng 8-2004, tỉnh đã thành lập Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp.

Đạt được những kết quả trên còn do trong những năm qua, Đảng, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã tạo lập được một số khu, cụm công nghiệp như khu công nghiệp Nam Đông Hà, khu công nghiệp Quán Ngang, cụm công nghiệp đường 9, khu thương mại - dịch vụ đặc biệt Lao Bảo, cụm công nghiệp Khe Sanh, Hồ Xá, Vĩnh Linh. Các khu, cụm công nghiệp không chỉ là trung tâm kinh tế khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có tại địa phương mà còn là môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh. Nhiều cơ sở công nghiệp đã được xây dựng như nhà máy xi măng Cam Lộ, nhà máy sản xuất thủy tinh kính phẳng Gio Linh, nhà máy sản xuất bao bì đường 9, nhà máy cán thép Lao Bảo, nhà máy sản xuất giầy da cao cấp Đông Hà, nhà máy khai thác Cra-nít Đa-krông.... Sản xuất tiểu thủ công đa dạng trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Một số ngành nghề truyền thống được phục hồi như rượu Kim Long, nón Bố Liễu, bún bánh Phường Lang, dệt xăm lưới Thâm Khê, thêu ren Văn Quý, chế biến nước mắm Hải Khê. Đồng thời, tỉnh còn phát triển thêm nhiều ngành mới như mây tre đan, mộc mỹ thuật cao cấp...

Trong sự lớn mạnh của sản xuất công nghiệp những năm qua cũng còn có sự phát triển nhanh của các thành phần kinh tế. Công nghiệp quốc doanh vẫn đang có tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Do sắp xếp, đổi mới, số lượng doanh nghiệp nhà nước trung ương và địa phương giảm, nhưng chất lượng hệ thống doanh nghiệp nhà nước được củng cố. Số doanh nghiệp nhà nước sau khi chuyển đổi sở hữu, sản xuất trở nên ổn định và huy động được hàng chục tỉ đồng vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và đổi mới công nghệ, như công ty cao su Quảng trị. Giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước tăng, năm 2007 chiếm 35% tổng GDP công nghiệp của tỉnh. Doanh nghiệp dân doanh phát triển rầm rộ về số lượng, từ 1.598 cơ sở (năm 1990) lên 9.341 cơ sở (2007), thu hút mạnh vốn đầu tư xã hội và hoạt động ở nhiều lĩnh vực. "Sự phát triển nhanh doanh nghiệp dân doanh đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và tăng nhanh nguồn thu ngân sách cho địa phương"(3). Riêng Đông Hà, đến hết năm 2007 đã có 202 doanh nghiệp tư nhân, 325 công ty trách nhiệm hữu hạn, 100 công ty cổ phần. Về đầu tư nước ngoài, bước đầu tỉnh đã thu hút được từ 0,3 tỉ đồng (năm 2001), tăng lên 150 tỉ đồng (2007). Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 38 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký 1.510 tỉ đồng.

2 - Bên cạnh những tiến bộ và kết quả đạt được, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn nhiều hạn chế và yếu kém. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp cao, nhưng giá trị tuyệt đối và tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế còn thấp, năm 2007 mới chiếm 20% trong GDP của tỉnh. Nhịp độ tăng trưởng công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của xã hội. Hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp thấp. Chất lượng, mẫu mã hàng hóa chưa theo kịp yêu cầu của thị trường. Các doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, số lượng còn ít so với số dân, quy mô nhỏ. Sự phân bố các cơ sở công nghiệp không đều, quá tập trung ở Đông Hà, chưa gắn kết được cơ sở công nghiệp với vùng nguyên liệu. Tỉnh chưa thu được nhiều vốn đầu tư nội tỉnh và ngoại tỉnh, nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới bắt đầu phát triển nhưng phát triển chậm, năm 2007 mới chỉ có 12 cơ sở. Nhìn chung, vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp trên địa bàn còn nhỏ, nên chưa hình thành được các cơ sở công nghiệp mũi nhọn hiện đại. Những tồn tại đó do các nguyên nhân chủ yếu sau:

Về nguyên nhân chủ quan:
 
Công tác quy hoạch, kế hoạch có tác động lớn đến tốc độ, chất lượng phát triển công nghiệp, song công tác này của các cấp, các ngành ở địa phương còn nhiều yếu kém, thiếu căn cứ khoa học, chất lượng dự báo thấp, quy hoạch chi tiết chậm được thực hiện. Ngoài ra, sự chậm trễ, giản đơn, tùy tiện trong quản lý và tổ chức thực hiện cùng cơ chế chưa thông thoáng, nhất là chính sách thu hút vốn nhàn rỗi trong, ngoài địa phương và quốc tế cũng là nguyên nhân quan trọng làm chậm tốc độ phát triển công nghiệp. Việc sắp xếp, đổi mới, nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm: đến năm 2007 mới sắp xếp được 39/52 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 25 doanh nghiệp. Tỉnh chưa xây dựng được mối liên kết giữa các ngành, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế trong các lĩnh vực vốn, khoa học - công nghệ và lao động. Tính cục bộ ngành, cục bộ thành phần kinh tế, cục bộ địa phương còn khá phổ biến. Bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về công nghiệp và thủ công nghiệp ở các cấp còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Chưa chú ý đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Về nguyên nhân khách quan:

- Tỉnh ở vị trí địa lý cách xa các trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong vùng có khí hậu khắc nghiệt, lúc nắng hạn, khi mưa lũ, vùng cát trắng trải rộng trên 29 xã, vùng gò, đồi chiếm tới 70% diện tích của tỉnh;

- Xuất phát điểm kinh tế rất thấp, GDP bình quân đầu người năm 2007 chỉ đạt 400 USD, bằng một nửa bình quân chung cả nước; trong khi thu ngân sách từ GDP rất thấp, hằng năm sự trợ cấp của Trung ương chiếm 50% - 60% tổng chi ngân sách tỉnh, nên đầu tư từ nội bộ cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp rất hạn chế;

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường, trạm còn lạc hậu, nhất là hệ thống giao thông, nước sạch, chợ, bưu chính viễn thông.... Các huyện miền núi, Hướng Hóa, Đa-krông, huyện đảo Cồn Cỏ, các xã vùng cát Vĩnh Linh, Gio Linh còn gặp rất nhiều khó khăn;

- Chất lượng giáo dục đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế. Trình độ học vấn, chuyên môn của tỉnh còn thấp: trình độ phổ thông chiếm 84,41%, cao đẳng 0,55%, đại học 1,2%, trên đại học 0,16%; công nhân kỹ thuật: 9.067 người, trung học chuyên nghiệp: 1.308 người; số người được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ mới chiếm 12,09% tổng số lao động;

- Không những thế, Quảng Trị là tỉnh bị tàn phá nặng nề trong suốt thời gian chiến tranh và nhiều hậu quả đến nay vẫn chưa được khắc phục. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính đều là huyện thị anh hùng với 17.521 liệt sĩ, 822 bà mẹ anh hùng. Trong 72 nghĩa trang liệt sĩ có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia có tới 70.532 mộ.

Để đánh thức tiềm năng, khắc phục tình trạng tụt hậu, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Quảng Trị không thể thực hiện con đường và biện pháp công nghiệp hóa truyền thống mà phải dựa vào lợi thế của địa phương, liên kết tốt giữa các ngành, thành phần, địa phương trong, ngoài tỉnh và quốc tế...

3 - Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế Quảng Trị cũng có một số điều kiện tốt với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở đầu cầu đường xuyên á trên hành lang Đông - Tây qua cửa khẩu Lao Bảo và ở trung độ giao thông cả nước. Đường 9 qua cửa khẩu Lao Bảo là tuyến đường tơ lụa của hàng hóa miền Trung với Lào, Thái Lan, My-an-ma. Bờ biển dài, ngư trường rộng trên 8.400 km2 với trữ lượng 60.000 tấn/năm là tiềm năng để tỉnh phát triển kinh tế biển. Miền biển và vùng cát lớn thuộc các xã ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng (trên 7.000 ha) rất có điều kiện nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Ngoài ra, vùng rừng núi rộng 371,174 ha, trong đó có 30.390 ha rừng trồng, 65.793 ha rừng phòng hộ, 17.049 ha đất trồng cây lâu năm, 20.725 ha đất trồng cây hằng năm cũng là tiềm năng lớn. Quảng Trị quan trọng về quốc phòng, an ninh bởi có tuyến biên giới dài 206 km với cửa khẩu La Hay, cửa khẩu Lao Bảo, bờ biển dài. Điều đó còn đem lại cho tỉnh lợi thế để tạo sự liên kết, thúc đẩy kinh tế nội tỉnh, trong nước và quốc tế phát triển.
 
Tài nguyên khoáng sản của Quảng Trị khá đa dạng, trong đó có một số khoáng sản có trữ lượng lớn đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như đá vôi, sét xi-măng, đá xây dựng, cát, si-líc, ti-tan.
 
Quảng Trị có nhiều bãi biển đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy..., có những cánh rừng nguyên sinh với nhiều động vật quý hiếm, có hang động và suối nước nóng là điều kiện quan trọng cho phát triển ngành du lịch. Quảng Trị có hệ thống 398 di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như Đường mòn Hồ Chí Minh, đường 9, Khe Sanh, đôi bờ Hiền Lương, Đảo Cồn Cỏ anh hùng, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia...
 
Để đánh thức tiềm năng, khắc phục tình trạng tụt hậu, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, Quảng Trị không thể thực hiện con đường và biện pháp công nghiệp hóa truyền thống, mà phải biết dựa vào lợi thế của địa phương với việc thực hiện tốt sự liên kết các ngành, lĩnh vực, thành phần, địa phương trong, ngoài tỉnh và quốc tế cả về vốn, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực nhằm phát triển mạnh các sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao, dựa nhiều vào lợi thế so sánh mà Quảng Trị đang có. Để thực hiện tư tưởng Đại hội X của Đảng, Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh (2005 - 2010), ngoài việc tích cực khắc phục những hạn chế chủ quan, chúng tôi cho rằng, Quảng Trị cần triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đặc thù sau:

Một là, tập trung phát triển nâng cấp các khu, cụm kinh tế tổ hợp Nam Đông Hà, khu công nghiệp Quán Ngang, đường 9, Lao Bảo, các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở những thị trấn Vĩnh Linh, Gio Linh, Hồ Xá, Hải Lăng, Cam Lộ, Đa-krông... gắn liền với các vùng chuyên canh nông, lâm, thủy sản, khoáng sản và du lịch. Sớm khắc phục tình trạng cục bộ ngành, cục bộ thành phần, cục bộ địa phương, từng bước hình thành mối liên kết chặt chẽ về vốn và tri thức của mọi lực lượng nội tỉnh với ngoại tỉnh và quốc tế. Quảng Trị cần có chính sách ưu đãi, mời gọi các nhà đầu tư, chuyên gia hoạch định chính sách, chuyên gia khoa học - công nghệ và công nhân kỹ thuật tay nghề cao. Trong 5 - 10 năm tới, Quảng Trị cần nhiều ngoại lực để phát triển nội lực. Vì thế Quảng Trị rất cần Nhà nước tiếp tục hỗ trợ ngân sách để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hình thành được chuỗi đô thị liên hoàn theo tuyến quốc lộ 1A, trục quốc lộ đường 9; xây dựng nâng cấp các tuyến đường Dốc Miếu - Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - đôi bờ Hiền Lương, tuyến đường Cửa Việt - Cửa Tùng - Vĩnh Mốc, tuyến đường Khe Sanh - Sa Trầm - Tà Long, tuyến đường Nghĩa trang đường 9 - Ba Lòng - Đa-krông - sân bay Tà Cơn - cứ điểm làng Vây - nhà tù Lao Bảo... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp phát triển.

Hai là, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại nhưng phải phù hợp với những lợi thế của tỉnh. Cần chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tạo ra sản phẩm "giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức". Phát triển nông nghiệp bền vững, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến và thị trường. Phát triển nhanh công nghiệp khai thác sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng nhà máy xi-măng 35 vạn tấn/năm ở Cam Lộ, nhà máy xi-măng Tà Rùng, nhà máy nghiền Clin-ke ở Đông Hà. Phát triển công nghiệp chế biến cao su ở Gio Linh, công nghiệp chế biến cà phê ở Đa-krông, hồ tiêu ở Cam Lộ, chế biến tôm hải sản ở Vĩnh Linh... Nâng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng lên 35% - 40% vào năm 2010. Phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại Đông Hà, Quán Ngang, Lao Bảo, Quảng Trị, Cửa Việt, Cửa Tùng... Đặc biệt, phát triển du lịch hoài niệm, du lịch hồi tưởng tâm linh, du lịch biển, sinh thái và du lịch Đông Tây. Đó là toàn bộ các điều kiện để bảo đảm nâng tỷ trọng thương mại - du lịch - dịch vụ lên 42% - 45% vào năm 2010.

Quảng Trị cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa trên lợi thế của tỉnh, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các hình thức liên kết kinh tế, chú trọng phát triển nguồn nhân lực...

Ba là, phát triển mạnh các thành phần kinh tế. Đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa 30 doanh nghiệp nhà nước còn lại trong vài ba năm tới, đồng thời cơ cấu lại và tập trung vào một số lĩnh vực kết cấu hạ tầng, dịch vụ quan trọng và lĩnh vực công ích. Thúc đẩy hình thành doanh nghiệp đa sở hữu, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó chỉ một số doanh nghiệp trong những lĩnh vực then chốt thì Nhà nước mới giữ cổ phần chi phối. Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách và thủ tục hành chính theo Quyết định 984/QĐ-UB, ngày 25-5-2005 của Uy ban nhân dân tỉnh về phát triển doanh nghiệp dân doanh. Để tạo môi trường tâm lý, pháp lý thuận lợi hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dân doanh, đảng viên cần đi đầu trong tạo dựng doanh nghiệp. Cần tôn vinh những chủ doanh nghiệp giỏi. Các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng trong tỉnh cần trang bị kiến thức, kỹ năng quản trị kinh doanh cho học sinh, sinh viên để sau một thời gian tốt nghiệp có thể trở thành chủ doanh nghiệp. Phấn đấu nâng số doanh nghiệp dân doanh lên tới 20.000 cơ sở vào năm 2010 và chính quyền cần có chính sách ưu đãi cho sự khởi nghiệp ở mọi vùng miền trong tỉnh, đặc biệt vùng sâu, vùng Đa-krông, Hướng Hóa, huyện đảo Cồn Cỏ.

Bốn là, phát triển mạnh các hình thức liên kết kinh tế giữa các ngành, vùng và các loại hình doanh nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng vì nó không những tạo cho doanh nghiệp phát huy ưu điểm về chuyên môn hóa, tận dụng tốt năng lực sản xuất, mà còn có lợi cho Nhà nước và xã hội, khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí trong đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, gắn kết các ngành, các loại hình doanh nghiệp, các vùng kinh tế để tăng khả năng cạnh tranh và đồng đều về trình độ phát triển. Để thực hiện liên kết kinh tế, cần đa dạng hóa các hình thức liên kết, xây dựng và thực hiện các quy hoạch ngành và vùng kinh tế, nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong quan hệ liên kết kinh tế.

Năm là, lập kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, chú ý đào tạo nhân lực có tay nghề cao tương xứng với yêu cầu phát triển của công nghiệp theo hướng hiện đại. Một mặt, lồng ghép, củng cố và phát triển các trung tâm đào tạo của Nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền và phổ biến rộng rãi Bộ Luật Lao động nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, các tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, kỹ thuật viên lành nghề và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao./.
 

(1) Các số liệu trong bài lấy từ Niên giám thống kê của Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị các năm 1990, 2000, 2005
(2) Tỉnh ủy Quảng Trị (2005): Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tr 20
(3) Tỉnh ủy Quảng Trị (2005): Báo cáo đã dẫn, tr 6