Giá trị giáo dục đặc thù của di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Ninh
TCCS - Quảng Ninh là vùng đất địa đầu Đông Bắc, từ ngàn xưa đã là “phên giậu” của Tổ Quốc, vùng đất địa linh nhân kiệt gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc. Quảng Ninh tự hào là vùng đất do Bác Hồ đặt tên, vinh dự 9 lần được đón Bác về thăm. Di sản Người truyền lại cho quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh vô cùng quý báu là tư tưởng, phong cách, niềm tin, lời căn dặn của Người, cùng hệ thống di tích, công trình và địa điểm lưu niệm trong toàn tỉnh.
Hệ thống các di tích, công trình lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Ninh
Quảng Ninh vinh dự và tự hào còn lưu giữ được 15 di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được kiểm kê; trong đó có 8 di tích đã được xếp hạng(1), với 3 khu di tích được xếp hạng quốc gia và quốc gia đặc biệt: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô(2) được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 93-QĐ/TTg, ngày 18-1-2022, của Thủ tướng chính phủ; địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ than Đèo Nai ngày 30-3-1959 được xếp hạng Di tích quốc gia theo Quyết định số 3742/QĐ-BVHTTDL, ngày 28-10-2016, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn theo Quyết định số 401/QĐ-BVHTTDL, ngày 24-2-2023, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhận thức rõ các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài nguyên quý báu, di sản vô giá, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Hiện nay, các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp hạng đều ở trạng thái tốt và dần phát huy giá trị đặc thù trong công tác giáo dục về truyền thống văn hóa, lịch sử cho các thế hệ người dân tỉnh Quảng Ninh.
Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - kết tinh các giá trị cao quý, vĩnh hằng
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất “đã hiến cả đời cho nhân dân”(3) Việt Nam. Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mọi miền đất nước đều in dấu hoạt động của Người, lưu giữ những kỷ vật và kỷ niệm về Người - những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh và đại diện cho tư tưởng của Người.
Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là cầu nối để các thế hệ sau này có thể tiếp cận với “di sản” về tư tưởng của Người. Các di tích đều là biểu tượng kết tinh, phản ánh, hiện thân các giá trị tư tưởng của Người về những vấn đề của cách mạng Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn diện và sâu sắc. Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng khẳng định “thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”(4).
Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là “chứng tích” lịch sử.
“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”(5) và từ đó Người làm nên lịch sử và trở thành lịch sử. Mỗi điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, kiến thiết nước nhà và giải phóng giới cần lao khỏi ách áp bức, bóc lột.
Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước, từ một thanh niên yêu nước tiến bộ trở thành người chiến sĩ cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hội tụ tất yếu của chủ nghĩa yêu nước chân chính, chủ nghĩa cộng sản khoa học và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng. Cả đời Người chỉ có một “ham muốn tột bậc” với quyết tâm “không gì quý hơn độc lập tự do”, do đó, mỗi di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gắn với một sự kiện, một dấu mốc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người và trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nếu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên, Nghệ An gắn với tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung yêu nước thì Bến cảng Nhà Rồng lại ghi dấu thời khắc người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước… Trên khắp mọi miền Tổ Quốc hiện có đến 885 di tích và địa điểm di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 32 tỉnh, thành phố; các di tích gắn liền với sự kiện Người đến thăm, làm việc trong suốt thời kỳ kháng chiến trường kỳ và giai đoạn kiến thiết, xây dựng nước nhà. Các điểm di tích đều thể hiện sự quan tâm, động viên của Người đối với các tầng lớp nhân dân, khích lệ cùng mong muốn xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo lập một “nhà nước của dân, do dân và vì dân”…
Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh mang giá trị cầu nối di sản văn hóa Việt Nam và tinh hoa nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất, biểu tượng sáng ngời của sự hội tụ, kết hợp văn hoá Đông - Tây, truyền thống - hiện đại. Người từng căn dặn và nhắc nhở các nhà văn hoá Việt Nam: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Tức là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam có tinh thần thuần tuý Việt Nam, để hợp với tinh thần dân chủ”(6). Chính yếu tố văn hóa trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Người có sức thu hút mạnh mẽ, khả năng cảm hóa đặc biệt đối với người xung quanh. Như nhà thơ Ôxip Mandenxtam khẳng định: “Trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới… Nguyễn Ái Quốc, cũng đang toả ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị… Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hoá, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”(7). Người là một trong số ít chính khách sớm nhận thức được vai trò động lực của văn hoá, đã sớm đưa văn hoá vào chiến lược phát triển của đất nước ngay từ những ngày đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập. Do đó, hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trải dài khắp cả nước đã lưu giữ và kiểm chứng cho quan điểm tiếp biến văn hóa của Người, tạo nền tảng để Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gìn giữ, bảo tồn và kiến tạo nền văn hóa “hòa nhập” nhưng không “hòa tan”.
Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng thể hiện tình cảm của nhân dân Việt Nam với người Cha già kính yêu của dân tộc.
Nhà thơ Tố Hữu từng viết: "Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ". Với mỗi người dân Việt Nam, hai tiếng Bác Hồ vô cùng thân thương và thiêng liêng. Người không chỉ là người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lỗi lạc, mà còn là vị cha già của dân tộc đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức đau khổ”(8). Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người vẫn không quên căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(9). Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi thể hiện sự kính trọng của các thế hệ nhân dân Việt Nam đối với người anh hùng vĩ đại của dân tộc, đồng thời cũng lưu giữ hình ảnh, hơi ấm và tình yêu thương của Người đối với nhân dân Việt Nam.
Giá trị giáo dục của di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với các thế hệ nhân dân tỉnh Quảng Ninh
Các khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn tỉnh Quảng Ninh không chỉ là nơi lưu giữ những dấu ấn, kỷ niệm của Người đối với Quảng Ninh, mà còn là địa chỉ đỏ, trường học thực tiễn sinh động để tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hiện nay, các khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn tỉnh Quảng Ninh còn lưu giữ những tài liệu, hiện vật, tượng đài,... mang giá trị lịch sử và văn hóa, có giá trị giáo dục to lớn đối với các thế hệ quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
Sinh thời, Người khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”(10). Là một nước nông nghiệp với nền văn minh lúa nước, từ ngàn xưa, người Việt Nam đã có tính cố kết cộng đồng cao, luôn được giáo dục về sự gắn bó, đùm bọc, chở che “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đối với giáo dục thế hệ trẻ, Người yêu cầu: “Cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”(11). Do đó, các khu di tích, điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn tỉnh Quảng Ninh là nơi để các thế hệ quân và dân các dân tộc Quảng Ninh ghi nhớ về những lời căn dặn của Người; là trường học thôi thúc các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ của tỉnh tìm hiểu về lịch sử, truyền thống quý báu của cha ông, nuôi dưỡng truyền thống cách mạng “kỷ luật và đồng tâm”, nuôi dưỡng niềm tự hào được là người con Vùng Mỏ.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô với tượng đài duy nhất được Bác cho phép xây dựng lúc Người còn sống trở thành điểm mốc thiêng liêng, khắc vào tâm khảm của mọi người dân Quảng Ninh nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung - “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”(12). Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ than Đèo Nai như vẫn còn âm vang lời Người: “Than ở Vùng Mỏ vào loại tốt nhất của thế giới. Cảnh của Vùng Mỏ vào loại kỳ quan của loài người”.(13)
Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho hậu thế là tài sản vô giá, do đó, cuối năm 2006, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị 06/ CT-TW về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sau đó là Chỉ thị 03/CT-TW, Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của địa phương trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Ban hành kế hoạch triển khai toàn khoá và từng năm(14); chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình trên các lĩnh vực, giai đoạn 2021 - 2025(15). Các khu di tích, điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành những “địa chỉ đỏ” được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang chọn làm nơi tổ chức các hoạt động, như: Lễ phát động, tổng kết, báo công, các chương trình sinh hoạt chính trị, như: Kỷ niệm ngày thành lập Đảng, Ngày sinh nhật Bác, Ngày Quốc khánh 2-9, ngày 30-4, lễ trưởng thành đoàn, kết nạp đảng viên, các chương trình giao lưu văn hoá, văn nghệ. Hằng năm, mỗi khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp hạng di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt của Quảng Ninh đều đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, dâng hương(16).
Khách tham quan các khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng tăng về số lượng, đa dạng thành phần (công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang…). Giá trị di tích dần vượt khỏi địa giới tỉnh Quảng Ninh khi các khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh của tỉnh phát huy giá trị như một sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh. Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một “kênh” tạo “sức mạnh mềm” góp phần lan tỏa các giá trị truyền thống yêu nước, lịch sử hào hùng của dân tộc; tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đồng bào, đồng thời quảng bá hình ảnh của Quảng Ninh nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung tới bạn bè quốc tế.
Ngày nay, đất nước đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo; các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước ta… Do đó, việc phát huy giá trị các khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, quần chúng nhân dân càng cấp thiết; thiết thực góp phần vào chiến lược phát triển con người, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
------------------------------
(1) Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ than Đèo Nai ngày 30-3-1959; Lưu niệm Bác Hồ xã Hồng Thái Tây; Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Tuần Châu; Lưu niệm Bác Hồ tại phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái năm 1961; Lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Uông Bí năm 1965; Di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng.
(2) Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô gồm: Khu tượng đài Bác Hồ, Đền thờ, Nhà trưng bày lưu niệm, Ao cá, Ruộng khoai, Cánh đồng muối
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 674
(4) Xem: Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018
(5) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 30, tr. 275
(6) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá văn nghệ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 71
(7) Hồ Chí Minh - Người mở đường xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, Báo Nhân dân điện tử, ngày 21-11-2021, https://special.nhandan.vn/HoChiMinh_nguoimoduong/index.html
(8) Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, 1990, tr. 174
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 38
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 120
(12) Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh: Bác căn dặn khi cùng ngư dân đánh cá trên vùng biển Tuần Châu, tr. 66
(13) Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh: Bác nói chuyện với công nhân tại công trường khai thác than mỏ Đèo Nai (Cẩm Phả), tr. 62
(14) Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW như: Kế hoạch số 84-KH/TU, ngày 4-11-2016 về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kế hoạch số 101-KH/TU ngày 27-3-2017 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017; Kế hoạch số 165-KH/TU ngày 30-1-2018 về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018; Kế hoạch số 254-KH/TU ngày 25-1-2019 về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019; Kế hoạch số 375-KH/TU ngày 10-1-2020 về triển khai, thực hiện chuyên đề năm 2020; Kế hoạch số 30-KH/TU ngày 15-1-2021 thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW năm 2021.
(15) Hướng dẫn số 04-HD/BTGTU ngày 18-1-2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy “xây dựng mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 - 2025”.
(16) Từ năm 2016 đến tháng 6-2023 đã có 198 đoàn đến tham quan và ghi lưu niệm tại Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Mỏ than Đèo Nai với hơn 11 ngàn lượt khách; từ năm 2020 đến tháng 6-2023 đã có 258 đoàn đến tham quan tại địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng với hơn 24 ngàn lượt khách; Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô đã đón khoảng trên 80.000 lượt khách tới tham quan
Quảng Ninh thực hiện tốt chính sách xã hội, nâng cao đời sống nhân dân  (16/09/2023)
Tỉnh Quảng Ninh phát triển logistics - ngành dịch vụ tiềm năng, tạo động lực dẫn dắt tăng trưởng vùng  (13/09/2023)
Nhận diện, đấu tranh với biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân - từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân của Đảng ta hiện nay  (10/09/2023)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên