Cơ cấu lại nông nghiệp Hà Nội dựa trên lợi thế so sánh
TCCS - Cơ cấu lại nông nghiệp là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao của cả nước, bên cạnh phát triển mạnh mẽ công nghiệp và dịch vụ, thì việc đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Một trong những chương trình hành động trọng tâm của Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 là đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.
Thực trạng cơ cấu lại nông nghiệp Hà Nội
Trước tác động mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ cấu lại nông nghiệp nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội vừa là xu hướng khách quan, vừa là yêu cầu cấp thiết đối với phát triển kinh tế nông nghiệp. Xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nền tảng then chốt, Hà Nội chú trọng đẩy mạnh cơ cấu ngành theo từng lĩnh vực cụ thể, hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 255/QĐ-TTg, ngày 25-2-2021, “Về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025” với mục tiêu thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; bảo đảm an ninh lương thực và quốc phòng an ninh. Căn cứ trên tình hình thực tiễn của Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17-3-2021, “Về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”.
Chương trình số 04-CTr/TU nhấn mạnh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của Thủ đô tiếp tục phát triển, tăng trưởng. Theo đó, thành phố thực hiện hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân (đạt 99,21%), có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc thực hiện Quyết định số 3629/QĐ-UBND, ngày 8-7-2019, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, “Về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm” bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Trong việc triển khai tổ chức, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn đạt 4,2% tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ một số ngành kinh tế. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn thành phố đạt 38.093 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2019. Đến năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp so với cùng kỳ năm trước có sự tăng trưởng ổn định, quý I tăng 2,51%, quý II tăng 3,09% và quý III tăng 4,39%.
Nhìn chung, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp ở Thủ đô đã đạt được những kết quả sau:
Một là, cơ cấu lại kinh tế ngành nông nghiệp góp phần quyết định thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả bền vững, cải thiện đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, việc cơ cấu được thực hiện đồng bộ ở các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Đối với nông nghiệp: Thành phố đã tập trung cơ cấu lại trồng trọt theo hướng tăng diện tích cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, như hoa màu, cây cảnh, hoa, dược liệu; giảm diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt (chủ yếu là lúa) và cây lâu năm hiệu quả kinh tế thấp. Tập trung xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng tiêu chí quy trình VietGAP, GlobalGAP.
Đối với chăn nuôi, Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng xã trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tăng số lượng đàn bò lên 150 nghìn con đến 160 nghìn con, đàn lợn lên 1,8 triệu con đến 2 triệu con...; đồng thời trở thành trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương.
Đối với lâm nghiệp: Cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ lệ rừng kinh tế trong tổng diện tích rừng; trồng mới những giống cây gỗ có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng sinh thái. Quản lý tốt việc khai thác tài nguyên rừng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non sang khai thác gỗ lớn, tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ. Bảo tồn các hệ sinh thái rừng và quỹ gen, bảo đảm đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan rừng để vừa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, du lich, vừa phục vụ nghiên cứu khoa học.
Đối với thủy sản: Thành phố tiếp tục tận dụng và khai thác có hiệu quả diện tích ao, hồ tự nhiên và dân đào để tăng lượng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, kết hợp nuôi cá theo phương thức thâm canh và quảng canh cải tiến, hướng vào các giống cá có giá trị kinh tế cao, như cá chép lai, cá rô phi đơn tính; cá lăng, cá điêu hồng, trắm đen, trắm giòn, chép giòn... Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác, bảo quản, chế biến nâng cao giá trị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết hợp nuôi, trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, du lịch, dịch vụ.
Hai là, cơ cấu lại kinh tế vùng nông nghiệp. Theo đó, thành phố chủ trương thực hiện tốt cơ cấu lại kinh tế vùng nông nghiệp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh từng vùng, từng chủ thể trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả bền vững. Hà Nội cũng cơ cấu lại kinh tế vùng nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh với những “cánh đồng mẫu lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng bảo đảm cơ giới hóa sản xuất, sản xuất khép kín. Tạo điều kiện liên kết vùng với nhiều hình thức phong phú đa dạng.
Ngoài ra, Hà Nội cũng chú trọng quy hoạch lại diện tích mặt nước ở các hồ tự nhiên, sông lớn để đầu tư xây dựng vùng sản xuất thủy sản hàng hóa lớn. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho các vùng nuôi, trồng thủy sản công nghệ cao, tăng nhanh năng suất, chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Ba là, cơ cấu lại các thành phần kinh tế trong nông nghiệp. Nội dung cốt lõi trong cơ cấu lại các thành phần trong kinh tế nông nghiệp là thực hiện đổi mới, sắp xếp lại các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Tăng nhanh số lượng và chất lượng kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, nhất là hợp tác xã nông nghiệp; các doanh nghiệp nông nghiệp, cụm liên kết sản xuất công, nông nghiệp, các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Hà Nội cũng chú trọng mô hình liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các chủ thể, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác kinh tế giữa kinh tế hộ nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác trên cơ sở hợp đồng kinh tế và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia.
Nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước vào sản xuất nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước, tập trung vào các lĩnh vực, như xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi; xây dựng các trung tâm, viện nghiên cứu, thử nghiệm giống cây trồng vật nuôi; hợp tác quốc tế về chuyển giao khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới.
Một số hạn chế và khuyến nghị
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp của Hà Nội còn một số hạn chế, bao gồm: 1- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ, nhưng còn chậm, chưa rõ nét, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. 2- Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu phát triển ngày càng cao. 3- Khả năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. 4- Kinh tế hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển còn nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu tính kết nối. 5- Hình thức tiêu thụ nông, lâm, thủy sản chủ yếu vẫn thông qua các tiểu thương, việc tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng còn ít dẫn tới tình trạng quyền lợi của người nông dân chưa thực sự được bảo đảm, việc bị ép giá vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Trước những hạn chế nêu trên, thời gian tới để cơ cấu lại nông nghiệp thực sự đạt được hiệu quả cần tập trung làm tốt các vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch; rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp của thành phố theo mục tiêu, định hướng đã xác định. Tập trung làm tốt công tác rà soát, xây dựng và hoàn chỉnh các quy hoạch ngành, vùng của thành phố. Từng bước cơ cấu lại diện tích cây trồng, vật nuôi bảo đảm phù hợp quy hoạch bố trí các vùng sản xuất nông sản hàng hóa cả trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Điều chỉnh, bổ sung chính sách đất đai, quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động hơn cho người dân được giao đất, thuê đất tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò của các chủ thể trực tiếp thực hiện tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nông nghiệp giữ vai trò là đầu tàu, là động lực của quá trình cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp; hợp tác xã nông nghiệp giữ vai trò trong việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người nông dân; các hộ nông dân, người nông dân là lực lượng trực tiếp sản xuất làm ra sản phẩm. Bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia thông qua hợp đồng nhằm bảo đảm tính xuyên suốt trong quá trình thực hiện liên kết.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của quá trình cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần làm tốt quy hoạch nguồn nhân lực từ đó đầu tư cho phát triển, bồi dưỡng nguồn cán bộ quản lý, điều hành, cán bộ có tay nghề giỏi. Làm tốt việc liên kết giữa 4 nhà trong đó nhấn mạnh tới xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học. Tăng cường giáo dục nâng cao kiến thức toàn diện và tổ chức đào tạo nghề cho nông dân gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Thứ tư, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Đẩy mạnh các hoạt động môi giới trung gian về khoa học và công nghệ trong nông nghiệp. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại đặc biệt trong việc nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiệu thụ trong nước và nước ngoài.
Thứ năm, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới chính sách tín dụng phục vụ cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, tạo mọi điều kiện về các thủ tục hành chính cho phép các cá nhân, các hộ gia đình, các tổ hợp tác và các tổ chức khác tiếp cận nguồn vay tín dụng đa dạng hơn, thuận lợi hơn./.
Hà Nội thúc đẩy hợp tác, xúc tiến đầu tư  (28/09/2022)
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng chính quyền điện tử ở thành phố Hà Nội  (28/09/2022)
Sự đồng thuận xã hội - yếu tố góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội  (28/09/2022)
Hà Nội: Phát triển kinh tế làng nghề từ du lịch và sản phẩm OCOP  (27/09/2022)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển