Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhận diện, phê phán và đấu tranh chống “bệnh hình thức” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
TCCS - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên về “bệnh hình thức” - một trong những “căn bệnh” nguy hiểm có tác động tiêu cực đến uy tín và danh dự, thậm chí là phá hỏng cả sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Trong giai đoạn hiện nay, các tổ chức đảng, cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cần nhận diện sâu sắc những tác hại do “bệnh hình thức” gây ra, để không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “bệnh hình thức”
Thứ nhất, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn gốc sâu xa của “bệnh hình thức” xuất phát từ “căn bệnh mẹ”, “bệnh gốc” là chủ nghĩa cá nhân.
Người cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”(1), trong đó có “bệnh hình thức”. Về bản chất, chủ nghĩa cá nhân là lối sống tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, đề cao sự tự do cá nhân một cách cực đoan, nhằm hướng tới thỏa mãn những nhu cầu, mục đích, hành vi vụ lợi, hưởng lạc theo chủ nghĩa vị kỷ, nuôi dưỡng tính hám lợi, hiếu danh, ích kỷ; “việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể”(2). Do đó, những người mắc “bệnh hình thức” - “căn bệnh” phát sinh từ chủ nghĩa cá nhân - luôn tìm mọi cách mưu lợi cho bản thân, bất chấp việc làm tổn hại đến lợi ích của người khác, của cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ những tác hại khôn lường nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng chưa thực hiện được “chí công vô tư” mà sa vào chủ nghĩa cá nhân. Người nhắc nhở: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(3).
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan do sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân nói trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ nguyên nhân khách quan, do hủ tục và những tàn dư đáng phê phán của xã hội cũ để lại: Vì Đảng ta là một Đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Do đó, không tránh khỏi “những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng”(4). Người cũng cho rằng: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa, v.v.. Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng”(5).
Thứ hai, “bệnh hình thức” biểu hiện đa dạng dưới nhiều dạng “bệnh” khác, như “bệnh hữu danh vô thực”, “bệnh khai hội”, “thói ba hoa”...
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bệnh “hữu danh vô thực” là: “Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch”(6) hay “báo cáo lông bông… Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng”(7).
Trong “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (1-3-1947), Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tẩy sạch khuyết điểm, trong đó có tật “ham chuộng hình thức”: “Việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”(8).
Một biểu hiện khá rõ ràng của căn bệnh hình thức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, đó là “bệnh khai hội”: “Khai hội không có kế hoạch, không sắp sửa kỹ lưỡng, không thiết thực. Khai hội lâu, khai hội nhiều quá”. Theo Người, chính vì cán bộ xa rời quần chúng, không xuất phát từ lợi ích của quần chúng, nên mới dẫn đến tình trạng trên.
“Thói ba hoa” trong cách nói và cách viết cũng là biểu hiện của “bệnh hình thức”. Thói ba hoa thể hiện ở: Dài dòng, rỗng tuếch; cầu kỳ; khô khan, lúng túng; báo cáo lông bông; lụp chụp, cẩu thả; bệnh theo “sáo cũ”; nói không ai hiểu; bệnh hay nói chữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mỗi đảng viên, mỗi cán bộ đều phải ra sức sửa chữa bệnh đó; nếu không, sẽ có hại to cho công việc của Đảng.
Từ những chỉ dẫn nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể thấy biểu hiện của “bệnh hình thức” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là: Thói làm việc qua loa, cẩu thả, không thiết thực, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra..., làm lãng phí thời gian, công sức và tài sản công. Nguyên nhân của “căn bệnh” này cũng không ngoài hai nguyên nhân căn bản: Khách quan, là do tàn dư và hủ tục của xã hội cũ níu kéo, ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân, tập thể. Chủ quan, là do kém tu dưỡng, rèn luyện tư cách đảng viên... của mỗi cá nhân trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày.
Thứ ba, “bệnh hình thức” có nhiều tác hại khôn lường.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những căn bệnh sinh ra từ chủ nghĩa cá nhân, trong đó có “bệnh hình thức”, gây ra nhiều tác hại. Người coi chủ nghĩa cá nhân là “kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”. Hệ lụy của chủ nghĩa cá nhân là vô cùng nguy hại, bởi đó là nguồn gốc sâu xa dẫn tới sự suy thoái, biến chất, làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, bởi vì “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(9); và “do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”(10). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người mắc căn bệnh này thì “không làm tròn nhiệm vụ của mình. Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”(11). “Bệnh hình thức” cũng như các căn bệnh khác, chính là “địch nội xâm”, luôn ngăn cản người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc; là nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng.
Thứ tư, biện pháp để khắc phục, loại trừ “bệnh hình thức”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “thang thuốc” tốt nhất để chữa các bệnh tật đó là thông qua tự phê bình và phê bình để giúp nhau sửa chữa hết các khuyết điểm; có như thế, Đảng mới chóng phát triển, sự nghiệp cách mạng mới chóng thành công.
Theo Người, để chống “bệnh hình thức” thì “việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc ít tốn tiền đến việc tốn nhiều tiền. Nói tóm lại: Kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát, kể hàng triệu người nhưng không thực hiện được”(12).
Không chỉ thông qua các bài nói, bài viết mà thông qua hành động, việc làm, bằng cả cuộc đời giản dị của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một tấm gương mẫu mực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân noi theo, với rất nhiều những việc làm thiết thực để chống lại “căn bệnh hình thức”. Người luôn nhấn mạnh: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”(13).
Trong công tác thi đua - khen thưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, để chống “bệnh hình thức”, phải có kế hoạch tỉ mỉ, cụ thể, nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. Khi đặt kế hoạch phải tránh đại khái, quá cao, gây phiền phức, miễn cưỡng khi thực hiện. Thi đua phải gắn liền với khen thưởng. Khen thưởng chính xác, kịp thời sẽ có tác dụng động viên, giáo dục, đồng thời, cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới. Ngược lại, nếu khen thưởng không đúng, không kịp thời sẽ triệt tiêu động lực, thậm chí còn gây hậu quả xấu đối với công tác thi đua. Khen thưởng phải đúng người, đúng việc, đúng với thành tích thì mới có tác dụng tốt với phong trào thi đua. Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gương mẫu không nhận bất cứ danh hiệu hay tấm huân chương, huy chương nào.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc đấu tranh chống “bệnh hình thức” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
Thấm nhuần những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống “bệnh hình thức”, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, “căn bệnh hình thức” đã và đang len lỏi vào tất cả các lĩnh vực, từ đời sống xã hội đến mỗi gia đình và từng cá nhân. Trong hoạt động của hệ thống chính trị cũng như xã hội, “bệnh hình thức” vẫn biểu hiện trên nhiều mặt, ở nhiều nơi. Một số địa phương, đơn vị xây dựng những công trình quá tốn kém, không thiết thực, trong khi đời sống nhân dân còn khó khăn; những hội nghị, lễ tổng kết, khánh thành, khởi công,... rình rang, lãng phí. “Bệnh hình thức” trong công tác chính trị, tư tưởng thể hiện ở việc học tập, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được tiến hành một cách đại khái, qua loa; hoặc ngược lại, lại quá rườm rà, nhiêu khê về thủ tục, giấy tờ, mà không đi sâu vào nội dung cần quán triệt. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt, hiệu quả”; “Công tác tư tưởng có nơi, có lúc chưa thực sự được cấp ủy coi trọng, chưa kịp thời, tính thuyết phục chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ” (14).
“Bệnh hình thức” trong công tác tổ chức, cán bộ và trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên biểu hiện ở việc thực hiện một số nội dung trong các khâu của công tác cán bộ còn hình thức. Công tác rèn luyện, quản lý đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu chặt chẽ; có nơi còn buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ không đúng định kỳ, thiếu nghiêm túc. Việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên ở một số nơi còn chưa thực chất. Công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức(15). Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”(16); “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””(17). Để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…, trong đó có “bệnh hình thức”, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về trách nhiệm và đạo đức của người đảng viên.
Coi trọng việc giáo dục, nâng cao bản lĩnh, phẩm chất chính trị cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Mỗi cán bộ, đảng viên kiên quyết đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, chủ nghĩa cơ hội, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,... Các cấp ủy đảng cần có các biện pháp tăng cường giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu cao đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, gương mẫu đi đầu, kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, “nhóm lợi ích”, địa phương, cục bộ; từ đó, góp phần đấu tranh ngăn chặn, khắc phục “bệnh hình thức” gắn với đấu tranh phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”” gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hai là, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”(18). Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, người đứng đầu cần “có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”(19); gương mẫu đi đầu trong đấu tranh phòng, chống “bệnh hình thức”, gắn với chống “lợi ích nhóm”, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, đơn vị, tổ chức, cơ quan mình trực tiếp lãnh đạo, phụ trách; không bao che, tiếp tay, dung dưỡng cán bộ cấp dưới có biểu hiện của “bệnh hình thức”, quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Người đứng đầu phải nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với tư duy khoa học, khách quan, công tâm, tận tụy trong công việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, kỷ cương, kỷ luật; không chạy theo thành tích bằng mọi giá.
Ba là, các cấp ủy phải thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc.
Lý giải vì sao trong Đảng lại phải thực hành tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”(20). Theo Người, “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(21).
Để tự phê bình và phê bình thực sự phát huy tác dụng và đạt hiệu quả cao trong phòng, chống “bệnh hình thức”, mỗi cán bộ và tổ chức đảng phải thực hành thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình một cách “triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”(22).
Cách thức, phương pháp tự phê bình và phê bình: Phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật, mục đích là cốt để sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ; phải trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; thực hiện dân chủ từ trên xuống dưới, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu phải gương mẫu trong thực hành tự phê bình và phê bình. Đồng thời, phải kiên quyết chống những biểu hiện lệch lạc trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; “phải kiên quyết chống cái thói “cả vú lấp miệng em” ngǎn cản quần chúng phê bình”(23). Trước nhiều ý kiến e sợ tự phê bình và phê bình là “vạch áo cho người xem lưng”, lo sợ kẻ địch lợi dụng phá hoại,… Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đối với những người cộng sản, người cán bộ cách mạng, “chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi”(24). Ở đâu văn hóa tự phê bình và phê bình bị “lép vế” hoặc tiến hành một cách “hình thức”, chiếu lệ thì ở đó chủ nghĩa cá nhân có điều kiện nảy nở, phát triển; do đó, “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng”(25).
Bốn là, tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; xây dựng các chế tài để phòng, chống “bệnh hình thức”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(26). Vì thế, các cấp ủy đảng cần tập trung đổi mới, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết khắc phục tình trạng buông lỏng vai trò lãnh đạo, quản lý trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; khắc phục những biểu hiện của “bệnh hình thức”, như ham thành tích, không bám sát nhiệm vụ thực tế, đề ra nhiệm vụ nhưng không quyết tâm thực hiện. Thực hiện tốt điều đó sẽ góp phần hạn chế và đẩy lùi “bệnh hình thức” trong hoạt động của hệ thống chính trị.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng và trong cả hệ thống chính trị ngay từ khâu xây dựng chương trình hành động của cấp ủy các cấp, sao cho nội dung chương trình hành động phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đại hội đảng bộ các cấp, căn cứ vào các nguồn lực của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng chương trình phù hợp. Cần tập trung vào những khâu, những nội dung mấu chốt, dễ bị lợi dụng, những người có trách nhiệm và thẩm quyền quyết định để ngăn ngừa biểu hiện “bệnh hình thức”, đặc biệt là các lĩnh vực: tư tưởng chính trị, quản lý báo chí; kinh tế - tài chính; hành chính, tư pháp; việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng trong công tác tổ chức, cán bộ; việc lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của đảng viên và công dân...
Bên cạnh đó, các cấp ủy cần có quy định cụ thể trong việc biểu dương, khen thưởng những nơi thực hiện tốt, có nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo, khuyến khích nhân rộng những điển hình tiên tiến, phê phán, xử lý nghiêm minh những nơi thực hiện không tốt, có biểu hiện lệch lạc của “bệnh hình thức”; đồng thời, cần nghiên cứu hoàn chỉnh các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân, cán bộ, đảng viên có vi phạm về “bệnh hình thức”, gây hậu quả nghiêm trọng./.
------------------------
(1), (4), (5) (6), (7), (8), (11), (12), (20), (21), (22), (25), (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 295, 302, 303, 297, 341, 88, 297, 81, 302, 301, 272, 279, 327
(2), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 90, 68
(3), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672, 547, 547
(14), (15), (17), (19) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 90 - 91, 91 - 92, 92, 187
(16) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 23
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 223
(23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 454
(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 609
Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng văn hóa, khoa học và hiện đại  (10/12/2021)
Hà Nội: quyết tâm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng  (18/11/2021)
Hòn đá và nhân tài  (08/11/2021)
- Đối ngoại với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Thành tựu và bài học kinh nghiệm
- Đảng bộ tỉnh Lào Cai xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo đột phá để góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững
- Phát triển kinh tế xanh: Cơ hội và thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam
- Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh
- Tác động của điều kiện tự nhiên - xã hội đến công tác đấu tranh phản, bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam