Liên minh châu Âu - chặng đường 50 năm phát triển

Nguyễn Thu Phương
09:11, ngày 09-04-2007

Hiệp ước Rôm được ký kết ngày 25-3-1957 đã đánh dấu sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) - tiền thân của Liên minh châu Âu (EU). Năm mươi năm đã trôi qua, Cộng đồng này không ngừng gắn kết và phát triển thành “đại gia đình châu Âu” với 27 nước thành viên. Những nền văn hóa đa dạng, ngôn ngữ khác nhau cùng những trang sử quốc gia riêng biệt, tất cả đều nhóm họp lại thành liên minh nhờ những giá trị chung, đó là dân chủ, tự do, công bằng xã hội, tôn trọng nhân quyền.

Tiến trình nhất thể hóa châu Âu diễn ra như thế nào?

Một châu Âu hòa bình - Mục tiêu ban đầu của sự hợp tác (1945-1959). Ý tưởng hợp nhất châu Âu thành một liên minh với hy vọng về hòa bình và hiểu biết lẫn nhau nhằm tránh mọi nguy cơ xung đột, không còn cảnh chiến tranh tàn phá đã được hình thành từ rất lâu. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, châu Âu lập lại trật tự thế giới mới với một bên là Tây Âu thân Mỹ và bên kia là Đông Âu chịu ảnh hưởng của Liên Xô. Đến năm 1946, do hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh tác động đến nền kinh tế của các quốc gia châu Âu, đồng thời thị trường trong nước đã trở nên quá chật hẹp, các nhà lãnh đạo châu Âu đã mong muốn tạo lập một châu Âu thống nhất theo mô hình Liên bang châu Âu (United State of Europe). Năm 1950, một liên minh đã ra đời dưới tên gọi Cộng đồng than thép châu Âu dựa trên hợp tác hai nguồn nguyên liệu chính của nền kinh tế lúc bấy giờ với 6 nước thành viên tham gia([1]). Tiếp đó, nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực của Chiến tranh lạnh, châu Âu đã tiến tới sự liên kết chặt chẽ hơn thông qua hợp tác kinh tế. Đến năm 1957, Hiệp ước Rôm đã được 6 nước nhất trí thông qua với sự ra đời của EEC, hay còn gọi là "thị trường chung".

Thời kỳ tăng trưởng kinh tế ở châu Âu (1960-1969). Nền kinh tế châu Âu lúc này đang trong giai đoạn thăng hoa nhờ việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan trong trao đổi thương mại nội khối. Bên cạnh đó, nhằm xóa cảnh nghèo đói ở các quốc gia thành viên, các nước châu Âu đã tiến tới thỏa thuận kiểm soát, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản trong khối. Và kết quả là châu Âu đã trở thành lục địa xuất siêu về nông sản.

Cộng đồng mở rộng lần thứ nhất (1970-1979). Tháng 1-1973, cộng đồng châu Âu tiến hành việc lần đầu tiên mở rộng khối, đưa số thành viên lên 9 nước([2]). Song, tăng trưởng kinh tế của châu Âu không mấy thuận lợi do xung đột diễn ra giữa I-xra-en và các nước Ả-rập vào tháng 10-1973, dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới. Trong khi đó, lực lượng cánh hữu ở châu Âu đang đi tới hồi kết khi chế độ Sa-la-giắc ở Bồ Đào Nha bị lật đổ vào năm 1974, và sau cái chết của Tướng Phrăng-cô ở Tây Ban Nha vào năm 1975. Trong giai đoạn này, cộng đồng hướng sự quan tâm tới các chính sách vùng, thúc đẩy kinh tế ở những vùng kém phát triển nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo thông qua các dự án hỗ trợ việc làm, cải thiện kết cấu hạ tầng. Năm 1979, Nghị viện châu Âu lần đầu tiên áp dụng chế độ bầu cử trực tiếp; vai trò của Nghị viện được tăng cường đối với các vụ việc trong nội bộ liên minh.

Một châu Âu đầy biến động (1980-1989). Tháng 9-1989, chính trường châu Âu trở nên phức tạp do sự sụp đổ của bức tường Béc-lin, bức tường ngăn cách Tây Đức và Đông Đức trong suốt 28 năm. Trước đó, năm 1981, Hy Lạp trở thành thành viên thứ 10 của EU; 5 năm sau đến lượt Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Năm 1986, Hiệp ước về “châu Âu duy nhất” được thông qua nhằm xóa bỏ những rào cản về lưu thông tự do hàng hóa trong liên minh trong vòng 6 năm; cùng sáng kiến thành lập "thị trường duy nhất" của châu Âu cũng được thông qua.

Châu Âu không biên giới (1990-1999). Thị trường chung đã được hoàn tất vào năm 1993 với 4 quyền tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người. Hai Hiệp ước đã được các nước châu Âu ký kết là Hiệp ước Ma-xtơ-rích (năm 1993) đánh dấu bước chuyển tiếp từ một cộng đồng kinh tế (EEC) sang liên minh chính trị với các giá trị chung (EU); và Hiệp ước Am-xtéc-đam (năm 1997) khẳng định nguyên tắc tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền, đưa ra khái niệm phát triển bền vững, đặc biệt là việc cải cách thể chế của EU. Người dân châu Âu lúc này quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường, những giải pháp chung nhằm bảo đảm an ninh và phòng vệ. Năm 1995, EU tiếp nhận thêm 3 nước thành viên mới([3]). Liên minh thống nhất gọi chung các hiệp ước quy định về quyền tự do đi lại của công dân châu Âu trong nội bộ khối dưới cái tên "Xchen-giơ" (Schengen). Hàng triệu sinh viên được tham gia các khóa học ở bất kỳ nước nào trong khối nhờ sự liên kết, hỗ trợ của EU; trong khi đó, điện thoại di động cùng mạng In-tơ-nét đã giúp người dân châu Âu liên lạc một cách dễ dàng hơn.

Một thập kỷ mở rộng (từ năm 2000 đến nay). Phần lớn các nước thành viên EU thay thế đồng nội tệ bằng đồng tiền chung châu Âu, đồng ơ-rô. Song, trong khi các nước EU đang bận rộn làm quen với việc sử dụng đồng tiền mới với những tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với thị trường tài chính khu vực, các nhà lãnh đạo EU lại phải tính đến việc tăng cường hợp tác an ninh sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công ngày 11-9-2001. Các nước thành viên EU tích cực tham gia cuộc chiến chống tội phạm, hoạt động khủng bố trong khu vực và trên thế giới. Năm 2004, sự phân chia giữa Tây Âu và Đông Âu đã được khép lại với sự gia nhập của 10 nước Đông Âu([4]) vào mái nhà chung châu Âu. Nhiều nước EU cho rằng đã đến lúc EU cần một bản Hiến pháp chung, nhưng điều này thật khó thực hiện khi chưa có sự đồng lòng của người dân trong toàn liên minh. Đời sống của người dân thời gian này được cải thiện rõ rệt. Các trường học và nhà ở đều nối mạng In-tơ-nét. Giới trẻ châu Âu có thể trao đổi tài liệu hay nhắn tin qua mạng. Đầu đĩa DVD và vô tuyến màn hình phẳng, rộng đã trở thành phương tiện giải trí thông dụng của người dân ở đây. Và đến tháng 1-2007, số thành viên của EU lên đến 27 nước với sự gia nhập của hai nước thành viên mới là Bun-ga-ri và Ru-ma-ni.

Những thành tựu của đạt được và thách thức phía trước

Liên minh châu Âu ngày càng lớn mạnh về nhiều mặt, đặc biệt hội tụ đông đảo các nền kinh tế phát triển (chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu). Lãnh thổ EU trải rộng hơn 4 triệu kilômét vuông với dân số gần 500 triệu người. Để có được sự hợp nhất trong suốt 50 năm qua, nguyên tắc hành động của liên minh là hợp tác và liên kết vì lợi ích giữa các dân tộc châu Âu. Liên minh chú trọng tăng cường nền dân chủ, hòa bình, phồn vinh và đóng góp vào sự giàu mạnh.

Năm mươi năm trôi qua, EU đã có được một nền hòa bình và thịnh vượng. Mỗi nước thành viên của EU đều đóng góp vào sự thống nhất châu Âu và sự ổn định của nền dân chủ ở đây. Sự vắng bóng của những cuộc xung đột giữa các quốc gia thành viên là một minh chứng sống động cho sự liên kết chặt chẽ này. Với 27 nước thành viên, EU ngày nay đã trở thành động cơ hòa bình trên thế giới.

Dân chủ, một trong những giá trị chung của EU đã được phát huy mạnh mẽ tại châu lục này. Những bản sắc văn hóa và truyền thống đa dạng của các nước thành viên EU đều được trân trọng và đón nhận. Các đường biên giới nội khối được rộng mở, di sản văn hóa của toàn châu Âu thêm phong phú. Một châu Âu giàu có về vốn hiểu biết và kinh nghiệm chính là chìa khóa của sự tăng trưởng mạnh, việc làm và sự hoà hợp xã hội. Người dân EU được sống bình đẳng, đầy đủ quyền tự do đi lại, học tập và sinh sống thuận lợi trong toàn liên minh.

Sự phồn vinh đã đến với liên minh khi người dân ở đây được hưởng mức sống với những tiêu chuẩn xã hội cao. EU đã thành công khi tạo dựng hình mẫu xã hội châu Âu công bằng và dân chủ. Không những thế, khối thị trường chung dần phát triển thành thị trường duy nhất - khu vực trao đổi thương mại rộng lớn nhất trên thế giới. Đồng ơ-rô là biểu tượng thành công cho tiến trình nhất thể hóa kinh tế của EU, mang đến cho người dân EU những cơ hội tốt nhất trong việc lựa chọn sản phẩm với giá cả cạnh tranh.

Với sức mạnh kinh tế, vị thế của EU trên thế giới ngày càng vững chắc. Các nước thành viên của EU cùng "sát cánh bên nhau" trong cuộc chiến chống khủng bố, tội phạm quốc tế và nhập cư bất hợp pháp. EU kêu gọi thế giới giải quyết xung đột bằng hòa bình và mong muốn con người sẽ không còn là nạn nhân của các cuộc chiến hay bạo lực. EU đoàn kết vì sự tự do và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới; kêu gọi đẩy lùi đói nghèo, bệnh dịch; bảo vệ môi trường toàn cầu trước sự thay đổi của khí hậu; tiếp tục đóng vai trò chính trong các hoạt động nhân đạo.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp ước Rôm, Tuyên bố Béc-lin đã được các nhà lãnh đạo EU soạn thảo nhằm tái khẳng định những giá trị chung của châu Âu. Tuyên bố đánh giá cao vai trò của thị trường chung và đồng ơ-rô; sự đoàn kết và công bằng xã hội; đồng thời phác họa hình mẫu châu Âu “thành công về kinh tế và ổn định về xã hội”. Khẳng định những thành quả đạt được trong 50 năm qua, các nhà lãnh đạo EU thừa nhận trong thời gian tới, EU sẽ phải liên kết chặt chẽ hơn nữa để vượt qua những thách thức:

Thứ nhất, EU phải bảo đảm vai trò chủ chốt trợ giúp các nước thành viên phát triển trong một môi trường toàn cầu hóa. Do vậy, trước hết, EU cần phải chú trọng tới vấn đề tăng trưởng và việc làm, khuyến khích cạnh tranh trong hoạt động kinh tế, đồng thời hướng tới việc cải thiện cơ chế bảo hộ xã hội. EU sẽ phải đầu tư hơn nữa vào các công nghệ mũi nhọn, nghiên cứu khoa học, vì đây là những nhân tố giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của EU trên thế giới. Nhất là khi tiến trình toàn cầu hóa đang ngày càng trở thành "phương tiện kiếm lời" của tất cả các quốc gia từ quá trình hội nhập kinh tế và tài chính quốc tế mà trong đó sẽ có kẻ thắng, người thua. Ngoài ra, toàn cầu hoá kinh tế sẽ dẫn đến hiện tượng lưu chuyển nguồn nhân công trong thị trường lao động và EU sẽ phải gánh chịu áp lực từ mọi phía do số lượng người nhập cư mang lại. Do không còn đường biên giới nội khối, giờ đây, EU sẽ cần đến những quy định về vấn đề nhập cư đối với đường biên giới ngoài khối. Tuy nhiên, trong tương lai, EU sẽ phải chấp nhận chính sách nhập cư khi sự già hóa dân số và tình trạng thiếu hụt nhân công trong nội bộ trở thành những mối đe dọa.

Thứ hai, thiết lập những biện pháp đối phó với sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ trái đất ngày càng nóng lên cùng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng tới môi trường. EU hiện chưa có giải pháp nào mang tính toàn cầu nhằm cứu vãn tình trạng này. Trước mắt, EU kêu gọi các nước thành viên tham gia chiến dịch giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay tới năm 2012 theo những quy định bắt buộc của Hiệp ước Ki-ô-tô. Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình đàm phán nhằm đưa ra những đề xuất thu hút sự tham gia tích cực và trách nhiệm hơn từ các đối tác chính gây ra khí thải dẫn tới hiệu ứng nhà kính là đặc biệt cần thiết. Một phần kế hoạch nữa của EU được hướng tới việc tăng cường sử dụng hiệu quả năng lượng nhằm giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng của khối từ nay đến năm 2020; khuyến khích các nước dùng năng lượng tái sinh trong sản xuất. EU tiến tới việc hoàn thiện thị trường nội khối về điện và khí ga; xúc tiến thiết lập quan hệ với các đối tác cung cấp năng lượng ổn định và lâu dài.

Thứ ba, duy trì hòa bình và ổn định nội khối. Ngày nay, mâu thuẫn hay xung đột giữa các nước thành viên EU là điều không thể xảy ra nhờ có sự hợp nhất mà họ đã tạo dựng trong suốt 50 năm qua. Nhưng trong một thế giới bất ổn, phức tạp và đầy biến động, liên minh phải tiếp tục duy trì hòa bình và ổn định hơn nữa trong nội bộ. Để làm được điều đó, liên minh cần tăng cường tham gia các hoạt động can thiệp giải quyết xung đột và gìn giữ hòa bình; tạo ảnh hưởng trong việc định chế các chính sách thương mại quốc tế một cách hiệu quả và công bằng; tiếp tục đóng vai trò trợ giúp nhân đạo và phát triển...

EU phải bảo đảm an ninh đối với các quốc gia thành viên; thiết lập mạng lưới an ninh tại các vùng sát đường biên giới của khối như phía Bắc Địa Trung Hải, vùng Ban-căng, Trung Đông; bảo toàn hợp tác quân sự và chiến lược với các liên minh như Liên minh Đại Tây Dương và Chính sách an ninh quốc phòng chung châu Âu (PESD).

Thứ tư, tăng cường dân chủ trong thể chế, chính sách và xã hội châu Âu, đồng thời thực hiện những công cụ pháp lý và quản lý tốt hơn nữa. Song, giải quyết vấn đề này không dễ dàng. Cuộc thử nghiệm đầu tiên vào năm 2005 đã thất bại khi dự án về Hiến pháp châu Âu bị cử tri hai nước Pháp và Hà Lan tẩy chay. Theo những nhà lãnh đạo EU, nguyên nhân của thất bại này là do người dân châu Âu không được cung cấp đầy đủ thông tin về bộ máy lãnh đạo EU, các quyền và lợi ích chính đáng của họ chưa được bảo đảm… Bởi vậy, nhiều dự án đã được giới lãnh đạo EU đề xuất nhằm khôi phục quan hệ với người dân thông qua việc trao thêm quyền cho họ trong tham gia xây dựng các quyết sách liên quan tới tương lai của EU, đặc biệt là việc cải cách thể chế mà EU sẽ phải thực hiện trong nhiều năm tới thì mới có thể vận hành một cách hiệu quả hơn.



([1]) Đức, Pháp, I-ta-li-a, Bỉ, Hà Lan, Lúc-xăm-bua

([2]) 3 thành viên mới là Anh, Ai-len và Đan Mạch

([3]) Thụy Điển, Phần Lan, Áo

([4]) Hung-ga-ri, Xlô-vê-ni-a, Cộng hòa Séc, Lát-vi-a, Ba Lan, Ê-tô-ni-a, Lít-va, Xlô-va-ki-a, Síp, Man-ta