Tổng thống I-ran bắt đầu nắm quyền sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi
TCCSĐT - Ông Ma-mút A-ma-đi-nê-giát (Mahmoud Ahmadineja) ngày 5-8-2009 đã chính thức tuyên thệ trước Quốc hội, nhậm chức Tổng thống I-ran nhiệm kỳ thứ 2. Việc ông A-ma-đi-nê-giát tái đắc cử làm dấy lên làn sóng phản đối từ các đối thủ chính là ông Mia Hô-xê-in Mu-xa-vi (Mir Hossein Mousavi) và ông Mê-đi Ca-ru-bi (Mehdi Karroubi), những người từ chối công nhận chiến thắng của ông A-ma-đi-nê-giát và yêu cầu tiến hành bầu cử lại. Do vậy, khi ông nhậm chức trong Quốc hội, hàng trăm cảnh sát được triển khai xung quanh tòa nhà nhằm bảo đảm an ninh.
Chiến thắng đầy áp lực
Trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Ma-mút A-ma-đi-nê-giát đã giành chiến thắng với 65,96% số phiếu ủng hộ. Đối thủ ngay sát ông, cựu Thủ tướng Mia Hô-xê-in Mu-xa-vi, giành được 31,19% số phiếu. Hai ứng cử viên còn lại là cựu Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Mô-xen Rê-dai (Mohsen Rezai) và cựu Chủ tịch Quốc hội Mê-đi Ca-ru-bi đều có tỷ lệ phiếu bầu rất thấp, lần lượt là 1,95% và 0,88%.
Trong quá trình vận động tranh cử, ba ứng cử viên đối thủ của tổng thống đương nhiệm đã đều xoáy vào những khó khăn mà ông Ma-mút A-ma-đi-nê-giát đang phải đối mặt. Bởi, kể từ khi nhậm chức tổng thống (ngày 3-8-2005), đa số những lời hứa mà ông A-ma-đi-nê-giát tuyên bố với cử tri trong chiến dịch tranh cử, đến nay vẫn chưa thực hiện được là bao, ngoài chương trình hạt nhân giành được sự chú ý đáng kể của dư luận vùng Vịnh và trên thế giới.
Là nước thuộc tốp đầu những nhà xuất khẩu dầu của thế giới, nhưng I-ran phải hứng chịu tỷ lệ lạm phát cao tới 25% và tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ngày một gia tăng. Cuộc sống của người dân được đánh giá là không được cải thiện hơn so với khi Tổng thống A-ma-đi-nê-giát lên cầm quyền bốn năm trước đây. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay thì tình hình lại càng xấu thêm. Trong khi đó, phe đối lập được đa số người dân ở thành thị ủng hộ cho rằng, đây chính là hệ quả của chính sách đối ngoại cứng rắn mà Tổng thống A-ma-đi-nê-giát theo đuổi, khiến I-ran bị cô lập bởi lệnh bao vây cấm vận. Họ còn khẳng định, hình ảnh quốc gia đã trở nên xấu đi trong con mắt cộng đồng quốc tế bởi những lời “đao to, búa lớn” có tính cực đoan của ông A-ma-đi-nê-giát. Phe đối lập yêu cầu phải cải cách, cởi mở, mềm dẻo hơn để phát triển.
Trong khi đó, lực lượng chủ chốt tạo nên chiến thắng cho ông A-ma-đi-nê-giát là những người nghèo, chiếm đa số ở khu vực nông thôn. Tuy trong bốn năm cầm quyền vừa qua, ông A-ma-đi-nê-giát đã có những ưu đãi đối với họ như phát phân bón miễn phí hay cấp tiền mặt trợ giúp những gia đình nghèo khó nhất, nhưng những động thái an dân như vậy không thể khỏa lấp được bảng thành tích khiêm tốn trong điều hành kinh tế của mình.
Song, trong nhiệm kỳ qua, dù nền kinh tế I-ran phát triển không mấy khả quan, lạm phát liên tục ở 2 con số, tỷ lệ thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện, thế nhưng, không ai đánh giá thấp khả năng giành chiến thắng của vị tổng thống đã luôn xem chương trình hạt nhân là hòn đá tảng trong chính sách đối nội và đối ngoại của nước này. Chiến thắng này cho thấy, ông Ma-mút A-ma-đi-nê-giát vẫn giành được sự ủng hộ của bộ máy chính quyền, quân đội, lực lượng vệ binh cách mạng và đông đảo người dân I-ran.
Và những thách thức đè nặng trên vai
Trong lễ nhậm chức, Tổng thống Ma-mút A-ma-đi-nê-giát cam kết bảo vệ hiến pháp và biên giới của I-ran, chống lại "những kẻ áp bức và những hình thức phân biệt đối xử", vì lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới; cam kết sẽ "nhổ tận gốc tất cả các hình thức tham nhũng" và đưa kinh tế I-ran phát triển. Ông A-ma-đi-nê-giát cho biết, ông tin tưởng vào khả năng có thể giải quyết tình trạng thất nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, ông A-ma-đi-nê-giát đã không đề cập trực tiếp tới những cuộc biểu tình quy mô lớn trên đường phố thời gian qua để phản đối việc ông đắc cử, mà lại tuyên bố rằng, chính phủ của ông sẽ "chống lại bất kỳ một sự vi phạm luật pháp và can thiệp nào". "Chúng tôi sẽ không im lặng nữa, sẽ không tha thứ cho sự thiếu tôn trọng, can thiệp và lăng mạ" - Tổng thống I-ran cho hay.
Những quan chức và giáo sĩ hàng đầu của I-ran đã tham dự buổi lễ nhậm chức, trong khi những lãnh đạo đối lập và những nghị sĩ có quan điểm ôn hòa từ chối chứng kiến lễ nhậm chức. Phe đối lập cáo buộc ông A-ma-đi-nê-giát đã đánh cắp phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống ở nước này hôm 12-6 vừa qua, và đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn trên đường phố khiến các lãnh đạo tôn giáo của nước này bị chấn động. Giáo chủ Ác-ba Ha-sê-mi Ra-phxan-gia-ni (Hashemi Rafsanjani) và nguyên Tổng thống Mô-ham-mát Kha-ta-mi (Mohammad Khatami) cũng như lãnh đạo các đảng đối lập không dự lễ nhậm chức và tuyên bố chính phủ sắp tới là “không hợp pháp”, nhằm bày tỏ sự phản đối đối với kết quả cuộc bầu cử.
Lễ nhậm chức của Tổng thống diễn ra sau một ngày, khi Đại giáo chủ A-li Kha-mê-ni (Ali Khamenei) chính thức phê chuẩn nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Ma-mút A-ma-đi-nê-giát và thừa nhận thắng lợi của ông A-ma-đi-nê-giát, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua. Đại giáo chủ Kha-mê-ni nhấn mạnh: "Người dân I-ran đã bỏ phiếu chống lại sự ngạo mạn và tình trạng cơ cực, đồng thời ủng hộ sự công bằng". Ông cũng buộc tội các chính phủ phương Tây, đặc biệt là Anh, trong việc kích động bất ổn ở I-ran. Quyết định phê chuẩn của Đại giáo chủ Kha-mê-ni được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa các phe phái đối lập ở I-ran vẫn chưa lắng dịu sau cuộc bầu cử gây tranh cãi.
Trong khi đó, I-ran đang phải đối phó với tình trạng bất ổn tồi tệ nhất, kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Tuyên bố giành thắng lợi áp đảo của ông A-ma-đi-nê-giát không lâu sau cuộc bầu cử ngày 12-6, đã dẫn đến một làn sóng phản đối giận dữ với vô số cuộc biểu tình trên đường phố và những cáo buộc của phe đối lập về hành vi gian lận bầu cử. Ít nhất 30 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị bắt giữ. Việc đương kim Tổng thống Ma-mút A-ma-đi-nê-giát tại vị thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa, cũng đồng nghĩa rằng, ít khả năng Tê-hê-ran sẽ lựa chọn quan điểm ôn hoà hơn trong chương trình hạt nhân đang theo đuổi và vẫn giữ quan điểm cho rằng đây là chương trình phục vụ mục đích hoà bình. Và khi cuộc khủng hoảng hạt nhân I-ran chưa được giải quyết thì nó sẽ tác động không nhỏ đến quyết sách của I-xra-en trong cuộc xung đột với Pa-le-xtin và thế giới Ả-rập. Đây có thể sẽ là một nhiệm kỳ đầy thách thức đối với Tổng thống Ma-mút A-ma-đi-nê-giát. /.
Tổng thống I-ran bắt đầu nắm quyền sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi  (06/08/2009)
“Cuộc chiến tranh năm ngày” ở Nam Ô-xê-ti-a sau một năm nhìn lại  (06/08/2009)
Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực  (06/08/2009)
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 18,3%  (06/08/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển