Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc
TCCSĐT - Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng. Do đó, liên kết là xu hướng tất yếu trong phát triển du lịch nói chung và là giải pháp quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển vùng Tây Bắc nói riêng - địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đồng thời cũng là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết du lịch hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của vùng đang là yêu cầu cấp thiết được đặt ra hiện nay.
Yêu cầu thực tiễn về liên kết du lịch vùng Tây Bắc
Liên kết du lịch là hình thức hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, đối tác, cộng đồng… nhằm mang lại nhiều lợi ích cũng như đạt hiệu quả cho các bên tham gia. Liên kết không chỉ phát huy lợi thế mà còn hạn chế những khiếm khuyết, điểm yếu của các đối tác trong hoạt động du lịch. Liên kết phát triển du lịch thực sự là giải pháp cấp bách và cũng là động lực phát triển vùng Tây Bắc hiện nay.
Thực tế những năm gần đây, số lượng du khách đến các tỉnh Tây Bắc tăng nhanh. Nhiều tỉnh đã xuất hiện các trung tâm du lịch hấp dẫn, điển hình là Sa Pa của tỉnh Lào Cai - trung tâm thu hút khách trong nước và quốc tế, đứng về vị trí hàng đầu du lịch núi toàn quốc; cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang, cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Các khu du lịch này có sức hút mạnh mẽ đối với du khách và có sức lan tỏa tới các điểm du lịch vệ tinh. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các khu du lịch, các trung tâm du lịch chưa diễn ra mạnh mẽ. Theo điều tra tháng 11-2014 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, trong 300 du khách quốc tế đến Sa Pa thì có tới 259 khách lên Sa Pa lại trở về Hà Nội, chỉ có 29 vị khách đi tiếp sang Hà Giang và 10 khách sang Lai Châu, Điện Biên.
Du khách lên vùng Tây Bắc chủ yếu là du khách Việt Nam. Khách nội địa lên các khu du lịch đông nhất là ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ tết (chiếm từ 80% đến 90% du khách nội địa trong năm). Điều này dẫn đến sự quá tải ở các điểm, khu du lịch trong ngày nghỉ, như ở Sa Pa, Bắc Hà... Khách nội địa chỉ đi du lịch trong ngày nghỉ nên nhiều điểm du lịch ở gần Hà Nội như Phú Thọ, Mai Châu, Mộc Châu du khách ít lưu trú. Khách nội địa cũng có nhu cầu đi du lịch tâm linh rất lớn, nhất là vào mùa xuân, mùa thu, hoặc cuối năm. Lượng khách này đến đông, tiền công đức của họ bỏ ra khá lớn. Nhu cầu liên kết các điểm đến của loại hình du lịch này mạnh nhưng chưa được đáp ứng, vì họ tự tổ chức không theo các lữ hành.
Du khách quốc tế lên các tỉnh Tây Bắc còn ít. Năm 2014, lượng khách đến 5 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai chưa được 1 triệu người, đông nhất là Sa Pa (khoảng 568.000 người). Khách quốc tế chủ yếu đi bộ xem phong cảnh, văn hóa bản làng, đến các điểm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Thực tế trên đòi hỏi cần có sự liên kết giữa các tỉnh Tây Bắc để thúc đẩy du lịch phát triển.
Bên cạnh yếu tố du khách, đường giao thông còn là điều kiện hàng đầu để liên kết phát triển du lịch. Thời gian gần đây, các đường quốc lộ vùng Tây Bắc được nâng cấp; đặc biệt, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được xây dựng đã tạo ra sự tác động mạnh mẽ đến du lịch, “kéo gần” Sa Pa với Hà Nội, có tác dụng tích cực nhưng cũng đặt ra thách thức. Sa Pa cũng như nhiều khu du lịch ở Lào Cai, Yên Bái chỉ thành điểm nghỉ cuối tuần, thời gian lưu trú giảm từ 0,5 đến 1 ngày với du khách trong nước. Vì vậy, cần phát huy lợi thế của giao thông để mở rộng liên kết.
Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết phát triển du lịch
Chính sách liên kết phát triển du lịch là một chuỗi tập hợp các chủ trương và hành động của chính quyền nhằm tạo cho du lịch phát triển bằng cách tác động vào các yếu tố vốn đầu tư, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thuế, sản phẩm, quảng bá… Việc xây dựng cơ chế liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc cần coi trọng xây dựng cơ chế tổ chức vận hành, nguồn vốn chung và định hướng quy hoạch phát triển chung. Trên cơ sở đó để xây dựng các chính sách cụ thể về đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, chính sách thuế trong du lịch, chính sách hợp tác công tư, chia sẻ lợi ích cho cộng đồng…
Về cơ chế liên kết
Cơ chế liên kết đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành toàn bộ sự liên kết vùng. Xây dựng cơ chế liên kết cần tiến hành đồng bộ ở nhiều cấp độ khác nhau. Vùng Tây Bắc là địa bàn rộng lớn, địa hình hiểm trở. Vì vậy, khó có điều kiện để liên kết phát triển du lịch toàn vùng. Muốn liên kết phát triển du lịch về không gian phải có sự kết nối của các tuyến đường giao thông thuận lợi, về thời gian phải có sự thống nhất tương đồng. Do đó, sự liên kết thành một cơ chế chặt chẽ về phát triển du lịch toàn vùng là khó thực hiện. Tuy nhiên, vùng Tây Bắc có nhiều loại hình tiểu vùng khác nhau, các tiểu vùng này được kết nối bởi các tuyến đường giao thông tương đối thuận tiện cho phát triển tuyến du lịch. Như vậy, cần xác định liên kết nhiều cấp độ.
Trước tiên là, cơ chế liên kết toàn vùng. Với toàn vùng Tây Bắc, nên liên kết định hướng phát triển du lịch, xây dựng ban chỉ đạo du lịch cấp toàn vùng, có chủ trương chiến lược lớn phát triển du lịch, điều phối những vấn đề liên quan mà cấp tỉnh và cấp tiểu vùng không thực hiện được. Hình thức chỉ đạo có thể thông qua hội nghị liên kết du lịch toàn vùng tiến hành hai năm một lần để đề ra các định hướng chính phát triển du lịch.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Tây Nghệ An - Thanh Hóa do đặc điểm địa hình, giao thông, kinh tế - xã hội đã hình thành một số tiểu vùng như tiểu vùng sông Đà (4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình), tiểu vùng sông Hồng (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ), tiểu vùng sông Lô (Hà Giang, Tuyên Quang), tiểu vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, tiểu vùng miền Tây (Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình). Mỗi một tiểu vùng như vậy đều có tuyến đường giao thông huyết mạch chạy qua kết nối như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường số 6 Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, đường Quốc Lộ 2 Hà Giang - Tuyên Quang, đường số 4 Cao Bằng - Lạng Sơn... Ngoài ra còn các tuyến đường giao thông khác như đường 32, đường 279, đường Hồ Chí Minh... Các tuyến đường này trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng để xây dựng tuyến du lịch liên kết. Vì vậy, mỗi tiểu vùng đó cần xây dựng cơ chế liên kết tiểu vùng với bộ máy quản lý của tiểu vùng với hình thức hoạt động phù hợp để đề xuất các nhiệm vụ phối hợp liên kết về hoạt động du lịch định kỳ hằng năm và 5 năm; định hướng các giải pháp, tổ chức thực hiện các đề án, dự án phát triển du lịch mang tính chất liên vùng.
Hai là, cơ chế liên kết song phương và đa phương. Có thể liên kết giữa hai tỉnh cùng có mục tiêu phát triển du lịch chung hoặc liên kết giữa các tỉnh trong vùng với một số trung tâm du lịch lớn của cả nước, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Cơ chế hoạt động này cũng nên tổ chức theo hình thức hội nghị định kỳ hằng năm hoặc 2 năm 1 lần; trong đó sự liên kết song phương đóng vai trò rất quan trọng. Kinh nghiệm hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và Yên Bái hoặc tỉnh Lào Cai và Lai Châu đã tạo động lực phát triển du lịch ở các tỉnh hợp tác. Nhiều dự án phát triển du lịch liên tỉnh bước đầu được xây dựng, Chương trình Du lịch về cội nguồn, Chương trình Du lịch tâm linh lưu vực sông Hồng… đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ chế song phương gọn nhẹ, có điều kiện triển khai nhiều dự án trong một thời gian ngắn.
Ba là, cơ chế liên kết mở trong các dự án phát triển sản phẩm du lịch, như liên kết xây dựng tuyến du lịch “Đường lên Tây Bắc” dọc theo tuyến quốc lộ 32 - con đường được mệnh danh là đẹp nhất vùng Tây Bắc với nhiều tài nguyên du lịch, có khả năng phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và hấp dẫn; xây dựng tuyến liên kết du lịch Sa Pa - Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) với Sín Mần - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang)
Bốn là, mở rộng sự hợp tác quốc tế, xây dựng cơ chế liên kết với Trung Quốc theo các cửa khẩu về các trung tâm du lịch Hà Nội - Hạ Long; hoặc liên kết với nước bạn Lào qua tuyến đường quốc lộ 6; mở rộng hình thành liên kết tiểu vùng sông Mê Kông.
Về nội dung liên kết
Trong liên kết phát triển du lịch cần thống nhất các nội dung nhiệm vụ cụ thể, như liên kết xây dựng quy hoạch, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch, liên kết hợp tác về quảng bá, xúc tiến du lịch. Thực tế cho thấy, ở Tây Bắc, một số tỉnh đã xây dựng quy hoạch du lịch nhưng hiện nay toàn vùng chưa tiến hành quy hoạch chung. Vì vậy, cần đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu xây dựng quy hoạch toàn vùng. Mặt khác, các tỉnh liên kết cũng cần thống nhất và định hướng xây dựng quy hoạch các khu du lịch mang tính đặc thù (trước tiên là các khu du lịch cấp quốc gia, các khu du lịch mang tính liên tỉnh). Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển liên kết du lịch nên việc xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính liên vùng, liên tỉnh cần được chú trọng, như tuyến du lịch tâm linh dọc theo sông Hồng hoặc du lịch theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, du lịch qua cao nguyên Mai Châu (Mộc Châu), du lịch chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai) - Sín Mần (Hà Giang), du lịch khám phá di sản ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) với Sa Pa (Lào Cai); Hoàng Su Phì (Hà Giang) và mở rộng đến Nguyên Dương (Vân Nam - Trung Quốc)... Trong liên kết xây dựng sản phẩm du lịch cần đặc biệt chú ý xây dựng hệ thống các điểm du lịch cộng đồng, các khu du lịch sinh thái ở mỗi tỉnh. Nhưng hiện nay sản phẩm du lịch cộng đồng ở hầu hết các tỉnh Tây Bắc đều khá giống nhau, đều ngủ nhà sàn, ẩm thực Thái, Mường, xem múa xòe, uống rượu cần, đồ lưu niệm ở các khu du lịch giống nhau... Do đó, trong liên kết phải định hướng lựa chọn mỗi tỉnh mỗi tài nguyên du lịch sinh thái, tài nguyên du lịch nhân văn để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù. Các điểm du lịch cộng đồng này cũng cần phải được quy hoạch thống nhất, không xây dựng tràn lan dẫn đến sản phẩm du lịch trùng lặp, khó thu hút du khách. Các tỉnh Tây Bắc cần nghiên cứu, xây dựng các khu du lịch trọng điểm mang sắc thái riêng của từng tỉnh như khu du lịch Sa Pa - Lào Cai, khu du lịch cao nguyên Mộc Châu - Sơn La, khu du lịch cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, khu du lịch hồ Ba Bể - Bắc Kạn,... Trong mỗi khu du lịch cần phát huy tài nguyên du lịch riêng, sắc thái riêng của từng địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù.
Hiện nay, việc quảng bá, xúc tiến du lịch ở các tỉnh trong vùng Tây Bắc còn manh mún, chưa có chiến lược và thiếu tính chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy, khi các tỉnh liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch thì vừa tiết kiệm được kinh phí, vừa đạt được hiệu quả cao. Nhờ sự giúp đỡ của dự án EU, 8 tỉnh Tây Bắc cũ mở rộng (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang) đã xây dựng được logo riêng của từng tỉnh, logo chung cho cả cụm liên tỉnh, có chương trình xuất bản các tài liệu du lịch chung. Theo điều tra của dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ, du khách quốc tế đến Tây Bắc dựa vào các nguồn thông tin từ internet chiếm tỷ lệ cao nhất với 65,1%; qua người khác giới thiệu chiếm 43,9%; qua các phương tiện báo chí chiếm 20,9%; qua công ty du lịch, lữ hành chiếm 18,7%; qua các nguồn khác chiếm 14,0%; văn phòng thông tin du lịch chiếm 6,1%; qua truyền hình chiếm tỷ lệ thấp nhất với 1,8%. Cũng theo điều tra của dự án EU, du khách nội địa đến Tây Bắc qua các nguồn tin từ internet chiếm tỷ lệ cao nhất với 53,9%, tiếp theo là do người khác giới thiệu chiếm tỷ lệ 35,7%; Khác với du khách nước ngoài, khách nội địa thông qua truyền hình chiếm tỷ lệ tương đối cao với 26,0%; du khách tiếp cận thông qua văn phòng thông tin du lịch chiếm tỷ lệ thấp nhất với 1,9%. Như vậy, internet là nguồn thông tin quan trọng nhất, tiếp theo là giới thiệu từ người khác. Do đó, các tỉnh Tây Bắc cần chú trọng tập trung nâng cấp, xây dựng trang web bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp với những thông tin cụ thể, thiết yếu mà du khách đang cần (ngoài tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, các sản phẩm du lịch hấp dẫn cần đưa các thông tin cụ thể về dịch vụ ăn, nghỉ, đi lại, mua sắm; liên kết với các tỉnh tập trung mời các hãng lữ hành tham gia quảng bá khai trương các tuyến du lịch liên tỉnh, xây dựng một chương trình quảng bá dài hạn về tài nguyên du lịch, về các sản phẩm mới theo từng thời gian mùa vụ trên hệ thống thông tin đại chúng (nhất là hệ thống truyền hình và báo điện tử). Các tỉnh Tây Bắc cũng cần thường xuyên mở các cuộc thi ảnh đẹp, bài viết hay với giải thưởng cao về các sản phẩm du lịch liên kết, về tài nguyên du lịch vùng; chú trọng liên kết đào tạo, thu hút nguồn lực đầu tư, phân phối khách lữ hành, hợp tác trao đổi kinh nghiệm về quản lý du lịch, quản lý điểm đến...
Thời gian tới, Chính phủ cần tăng cường đầu tư chương trình hạ tầng du lịch, xây dựng các đường giao thông nối các tuyến, điểm du lịch trong và ngoài các tỉnh khu vực Tây Bắc trên cơ sở phân bổ ngân sách hoặc tạo cơ chế cho Tây Bắc tham gia giai đoạn 3 của Dự án Phát triển du lịch tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Quốc hội cũng cần sửa đổi một số điều luật trong Luật du lịch về vấn đề bảo vệ tài nguyên du lịch (có chế tài mạnh về việc vi phạm tài nguyên), về tiêu chuẩn khu du lịch (điều 22, 23), tiêu chuẩn điểm du lịch (điều 24, 25) cho phù hợp với vùng Tây Bắc, về vấn đề tiêu chuẩn, nhiệm vụ của thuyết minh viên (điều 78) phù hợp với điều kiện thực tiễn ở miền núi, phù hợp với vấn đề liên kết du lịch. Ban chỉ đạo Tây Bắc cần xây dựng chương trình riêng mang tính chất dài hạn về liên kết các tỉnh trong vùng Tây Bắc phát triển du lịch, trong đó, chú trọng xây dựng cơ chế liên kết toàn vùng và các tiểu vùng, định hướng xây dựng quỹ du lịch của các tiểu vùng. Các chương trình tư vấn phát triển du lịch theo hướng bền vững dành cho các tỉnh Tây Bắc cũng cần được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hiệu quả hơn nữa./.
Việt Nam và Lào tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp  (24/12/2015)
Kết nối chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam - Trung Quốc  (24/12/2015)
Công an Việt - Lào phối hợp làm thất bại mọi âm mưu thù địch  (24/12/2015)
Chủ tịch Quốc hội hội kiến Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc  (24/12/2015)
Việt Nam - Campuchia quyết tâm hoàn thành phân giới biên giới đất liền  (24/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển