Thử tìm hình mẫu phát triển kinh tế xanh cho Buôn Ma Thuột
TCCS - Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường và tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Nguồn tài nguyên trái đất để tạo ra năng lượng thì ngày một bớt đi, hơn nữa, những nguồn năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch như dầu lửa, than đá... khi đưa vào sử dụng đều thải đi-ô-xít các-bon, gây tác hại nghiêm trọng cho hành tinh. Nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế xanh, vì sự tồn vong của đất nước và cả trái đất...
I - Nguy cơ sinh thái toàn cầu và nhu cầu thiết yếu xây dựng mô hình kinh tế xanh
Nhân loại đang phải trả giá rất đắt cho việc biến đổi khí hậu toàn cầu. Tháng 5-2008, Ủy ban Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên(1) ước tính, trong thế kỷ XXI, các tác động sinh thái tiêu cực sẽ tiêu tốn của nước Mỹ mỗi năm 1,9 nghìn tỉ USD. Con số này gần tương đương với khoản tiền 2 nghìn tỉ USD nước này đã bỏ ra để phục hồi kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ giai đoạn 2007 - 2009. Vậy là, mỗi năm nước Mỹ vẫn âm thầm trải qua một cuộc khủng hoảng môi trường có thiệt hại sánh ngang với cuộc khủng hoảng tài chính "trăm năm có một" như hiện nay.
Không dừng lại ở tài sản vật chất, hệ sinh thái toàn cầu bị xâm hại còn gây ra những thiệt hại về con người rất nặng nề. Đợt nắng nóng mùa hè năm 2003 đã làm tử vong 30.000 người ở châu Âu và những đợt nắng nóng như vậy được dự báo sẽ xuất hiện thường niên vào những năm 40 của thế kỷ XXI. Sóng thần năm 2004 cướp đi 225.000 mạng sống tại 11 quốc gia, chỉ trong vài giờ. Giữa tháng 11-2008, lốc xoáy trong hai ngày tại Băng-la-đét đã làm hơn 10.000 người chết... Các nhà khoa học toàn cầu cũng đồng thuận rằng, so với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương hơn rất nhiều do biến đổi khí hậu và hệ sinh thái của trái đất. Tuy nhiên, trong mối tương quan với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và công nghiệp, các nền kinh tế mới nổi hoặc chưa quan tâm đúng mức, hoặc có quan tâm thì cũng bị giới hạn về nguồn lực, trong việc giải quyết những vấn đề môi trường và bảo vệ thiên nhiên.
Mặt khác, mô hình phát triển công nghiệp của thế kỷ XIX và XX đã chứng kiến các cuộc chiến tranh khốc liệt giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên hữu hạn như năng lượng dầu mỏ tại các vùng nhạy cảm địa - chính trị. Sang thế kỷ XXI, ngày càng xuất hiện nhiều tranh chấp và xung đột bắt nguồn từ tài nguyên sinh thái và biến đổi khí hậu. "Chiến tranh sinh thái" đã trở thành khái niệm được sử dụng tại các cuộc thảo luận quốc tế. Tình trạng sa mạc hóa, thiếu thốn nước ngọt và lương thực, môi trường khí hậu khắc nghiệt hơn..., là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới làn sóng tị nạn và di cư trên diện rộng. Đây cũng chính là khởi nguồn của sự gia tăng bất ổn xã hội toàn cầu.
Giải pháp thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo - tàn phá tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng - gánh chịu hậu quả môi trường- phát triển không bền vững - đói nghèo, mà cộng đồng quốc tế đang hướng tới là tìm kiếm và thực thi các mô hình kinh tế xanh. Trong đó, nguồn năng lượng tái tạo và sinh học được ưu tiên sử dụng, giảm thiểu tiêu dùng tài nguyên và nhiên liệu hóa thạch. Thực hiện "mục tiêu xanh" là nỗ lực chung của nhân loại để bảo vệ sinh quyển, gìn giữ và cải thiện độ màu mỡ của đất canh tác, bảo đảm môi trường sống trong sạch, mang lại sức khỏe tốt cho con người. Mỹ và CHLB Đức hiện là hai quốc gia đã có nhiều nỗ lực phát triển xanh. Một đề xuất tài khóa xây dựng kinh tế xanh trị giá 100 tỉ USD, cộng với các khoản kích thích tín dụng tư nhân, đã được đề xuất lên Quốc hội Mỹ vào tháng 9-2008. Tháng 7-2009, Bộ Môi trường CHLB Đức đã công bố lộ trình thực hiện các kế hoạch hướng tới một nền kinh tế sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo, lộ trình này sẽ mang lại 800.000 - 900.000 việc làm mới, đưa nước Đức trở thành "nền kinh tế năng lượng xanh" đầu tiên trên thế giới vào năm 2050.
II - Thời điểm thích hợp cho quy hoạch vùng kinh tế xanh Buôn Ma Thuột
1 - Những yếu tố thuận lợi để phát triển một nền kinh tế xanh ở Buôn ma Thuột
Nói một cách khái quát, kinh tế xanh là những hoạt động kinh tế, đặc biệt là sản xuất và sử dụng năng lượng không làm hại cho môi trường, ngược lại, còn có những hoạt động để giảm tác hại cho môi trường sống. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh chắc chắn sẽ gặp phải nhiều khó khăn, trước hết là những đòi hỏi về kết cấu hạ tầng.
Ở nước ta, có thể lấy Buôn Ma Thuột làm hình mẫu đầu tiên để phát triển một nền kinh tế xanh. Không chỉ là địa danh nổi tiếng về truyền thống cách mạng, văn hóa, địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, Buôn Ma Thuột còn là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Việc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để phát triển Buôn Ma Thuột có ý nghĩa lớn, vừa phát huy những yếu tố tiềm năng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong kế hoạch chiến lược dài hạn, vừa tạo tiền đề đột phá để phát triển một nền kinh tế xanh cho Việt Nam.
- Về địa - chính trị: Xuất phát từ lịch sử hình thành phức tạp các cộng đồng dân cư và đời sống sinh hoạt kinh tế - xã hội, Buôn Ma Thuột nói riêng và Tây Nguyên nói chung được xem là vùng "nhạy cảm" địa - chính trị. Với vị trí địa lý trung tâm vùng Tây Nguyên, đầu mối giao thông trọng yếu của tỉnh Đắk Lắk và khu vực Nam Đông Dương, phát triển của Buôn Ma Thuột có ý nghĩa chiến lược trọng yếu trong cả quy mô vùng, quốc gia và tam giác liên kết Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.
- Về tự nhiên, văn hóa - xã hội: Buôn Ma Thuột là thủ phủ của Đắk Lắk (tiếng Ê-đê có nghĩa Nước và Hồ), trung tâm của Tây Nguyên. Đắk Lắk có dân số và mật độ dân cư cao nhất vùng với hơn 44 dân tộc cùng sinh sống. Mạng lưới sông, suối tại Đắk Lắk rất dầy, nhiều ghềnh thác hùng vĩ và hoang sơ, là những điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh núi non trùng điệp, Đắk Lắk có hệ sinh thái đa dạng, là nơi cư ngụ của hơn 3.000 loài cây, 93 loài thú và 197 loài chim. Đây cũng là vùng đất ba-zan hơn 160 triệu năm, đặc biệt thích hợp phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, ca cao, điều... Đắk Lắk còn là chiếc nôi nuôi dưỡng "Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên" đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Quy hoạch thành phố Muôn Ma Thuột trong những năm qua vừa thể hiện các phương án bảo tồn, gìn giữ, phát triển các giá trị phi vật thể, vừa hình thành các sản phẩm dịch vụ đặc trưng, kết hợp thương mại nông phẩm đặc sản với du lịch và hoạt động lễ hội, hướng tới mục tiêu giá trị gia tăng cao và thu hút các nhà đầu tư cũng như khách du lịch quốc tế. Thông qua đó, thương hiệu vùng và quốc gia sẽ tiếp tục lan tỏa tới người tiêu dùng toàn cầu.
- Về kinh tế: Trong giai đoạn 2001 - 2008, Buôn Ma Thuột duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,35%/năm. Trong đó, ba năm 2006 - 2008, thành phố đạt mức bình quân 16,73%/năm. Cơ cấu kinh tế của thành phố có xu hướng dịch chuyển nhanh chóng từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. GDP bình quân đầu người năm 2008 đạt 19,5 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2008.
Bảng 1: Cơ cấu kinh tế Buôn Ma Thuột
Năm Ngành |
2000 |
2005 |
2008 |
Công nghiệp |
26,91% |
32,11% |
38,35% |
Dịch vụ |
38,20% |
46,31% |
48,50% |
Nông nghiệp |
34,89% |
21,18% |
13,14% |
(Nguồn: Đề án đầu tư phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2020 của tỉnh Đắk Lắk).
Hướng dịch chuyển cơ cấu kinh tế của Buôn Ma Thuột hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh. Các giá trị sinh thái, văn hóa, lịch sử, tinh thần cà phê toàn cầu của vùng Tây Nguyên được "đóng gói" thành sản phẩm dịch vụ giá trị gia tăng cao (như du lịch sinh thái, lễ hội văn hóa cộng đồng...) với nền móng trục giá trị cốt lõi vùng nông - lâm nghiệp lớn của thế giới. Đây là kỳ vọng hoàn toàn khả thi xét từ khía cạnh thị trường cà phê toàn cầu có hơn 2 tỉ người tiêu dùng, tạo doanh số khoảng 100 tỉ USD mỗi năm.
- Về nguồn nhân lực và công nghệ: Chất lượng con người là yếu tố đóng góp quan trọng vào sự thành công của mô hình đô thị xanh Buôn Ma Thuột, thành phố có thuận lợi là trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của cả vùng Tây Nguyên và trục phát triển ba nước Đông Dương. Với môi trường văn hóa và điều kiện sống gần gũi, hài hòa với thiên nhiên, Buôn Ma Thuột sẽ trở thành địa điểm lý tưởng được các học giả, nhà nghiên cứu lựa chọn làm nơi hình thành ý tưởng, triển khai công trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng vào đời sống. Lĩnh vực được ưu tiên gồm có sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ sinh học, chế biến sau thu hoạch và năng lượng tái tạo. Hiện tại, trình độ công nghệ của Buôn Ma Thuột còn nhiều hạn chế nhưng đã có những tiền đề cơ bản để xây dựng một nền sản xuất tiên tiến như đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện, nhà máy sảnxuất thép, nhà máy chế biến cà phê hiện đại nhất thế giới.
- Thế mạnh vùng cà phê quốc tế: Cà phê là nét văn hóa độc đáo và nông phẩm thế mạnh hàng đầu của Đắk Lắk. Buôn Ma Thuột, với chất lượng và hương vị cà phê đặc trưng, được biết tới với danh hiệu Thủ phủ Cà phê tại quốc gia có sản lượng cà phê Robusta lớn thứ hai thế giới. Trong các mô hình kinh tế tiến bộ (kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo), cà phê đang thể hiện vai trò nguồn năng lượng mới, có năng lực kích thích tư duy. Nguồn năng lượng cà phê đặc biệt phù hợp với mô hình kinh tế xanh nhờ khả năng tái tạo dồi dào.
2 - Lợi ích cho các tác nhân tham gia
Vùng kinh tế xanh Buôn Ma Thuột được xây dựng trên nguyên tắc phát triển hệ sinh thái bền vững với các tác nhân: (i) cư dân địa phương; (ii) Nhà nước; (iii) cộng đồng người tiêu dùng; (iv) nhà đầu tư. Trong đó, quan hệ hợp tác, quyền lợi và nghĩa vụ luôn bảo đảm tiêu chí công bằng - minh bạch - trách nhiệm.
Cư dân địa phương hưởng lợi trực tiếp từ hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, đời sống dân sinh được nâng cao và lợi nhuận kinh tế từ nông phẩm sinh thái, dịch vụ du lịch và kinh doanh đặc sản vùng. Và quan trọng hơn, quan hệ cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học hiện tại được gìn giữ và cải thiện, các giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần được bảo vệ và bồi bổ cho các thế hệ mai sau.
Ở cấp quản lý nhà nước, vùng kinh tế xanh Buôn Ma Thuột, dự án hình mẫu thiên đường cà phê dù ở mức độ thành công nào cũng cung cấp thêm những kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho sự nghiệp xây dựng mô hình phát triển mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Những thử nghiệm về phương pháp quy hoạch, cách thức vận hành và nguyên lý phát triển tại Buôn Ma Thuột tiếp tục được hoàn thiện và nhân rộng ứng dụng cho không chỉ riêng vùng Tây Nguyên mà còn nhiều vùng, miền khác của đất nước. Điểm sáng đô thị sinh thái Buôn Ma Thuột được thế giới quan tâm sẽ góp phần xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu Việt Nam tới cộng đồng quốctế.
Cộng đồng người tiêu dùng được tận hưởng các sản phẩm, dịch vụ đóng gói giá trị sinh thái, văn hóa, lịch sử, tinh thần... đặc sắc. Bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, mỗi du khách đến với Buôn Ma Thuột còn được trải nghiệm thực tế đời sống sinh thái và trực tiếp tham gia quá trình gìn giữ và phát triển môi sinh.
Nhà đầu tư và các đối tác thu được lợi nhuận từ các hoạt động kinh tế - thương mại. Mô hình sinh thái bền vững bảo đảm nguồn lợi lâu dài. Bên cạnh lợi ích vật chất, các đối tác của vùng xanh Buôn Ma Thuột cũng được ghi nhận như những thương hiệu bảo vệ môi trường, có quan điểm và chiến lược kinh doanh đạo đức, nhân văn và tiến bộ.
III - Dự án hiện thực hóa hình mẫu kinh tế xanh ở Buôn Ma Thuột
1- Nguyên lý phát triển
Quá trình hiện thực hóa mô hình "Vùng kinh tế xanh Buôn Ma Thuột" khởi tạo một mô-đun phát triển đột phá với tư cách hình mẫu, được đề xuất là dự án thí điểm Thiên đường cà phê. Mô-đun hạt nhân dự kiến phát triển trên diện tích nông - lâm từ 2.000 ha tới 3.000 ha để kiến tạo các hạng mục cốt lõi của "Đô thị kinh tế sinh thái", bao gồm: (i) Vùng sản xuất cà phê sạch ứng dụng công nghệ sinh học; (ii) Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với vườn cây chữa bệnh theo kiến thức dân tộc truyền thống; (iii) Bảo tàng và trung tâm nghiên cứu cà phê; (iv) Công trình kiến trúc biểu tượng cho lịch sử, tinh thần nhân văn, hòa hợp giữa con người và thiên nhiên; (v) Địa điểm lễ hội, văn hóa truyền thống và hiện đại; (vi) Các làng nghề thủ công đặc trưng của địa phương; và (vii) Khung cảnh sinh thái môi trường tổng thể.
Buôn Ma Thuột hội tụ đủ điều kiện để xây dựng và phát triển mô hình kinh tế xanh. Xuất phát từ thế mạnh cây cà phê trong tam giác nông - công nghiệp - dịch vụ, thành phố hướng tới một cơ chế kết nối đa ngành. Từ đó, không gian văn hóa kích thích năng lực sáng tạo được hình thành, thúc đẩy quá trình nghiên cứu, triển khai tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ hướng tới phục vụ đời sống cộng đồng trong chu trình phát triển bền vững.
Nỗ lực xây dựng đô thị xanh Buôn Ma Thuột phải vượt qua khó khăn của hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu và thiếu đồng bộ. Nhưng quan trọng hơn cả là nhân tố con người. Buôn Ma Thuột là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc, đến từ nhiều vùng miền, phần đông là nông dân, chưa quen với nếp sống đô thị, bỡ ngỡ trước phương thức sản xuất công nghiệp và nền kinh tế hàng hóa. Bởi vậy, trong quy hoạch Buôn Ma Thuột, tăng trưởng kinh tế được đặt làm điểm đột phá. Phát triển xã hội, đoàn kết dân tộc, thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái là mục tiêu. Trên cơ sở đó, gắn phát triển kinh tế - xã hội với giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng- an ninh, xây dựng nền móng cho phát triển bền vững.
Vùng kinh tế xanh Buôn Ma Thuột của tương lai được xây dựng dựa trên thực tế và đúc rút từ các vấn đề của đô thị hiện đại (ô nhiễm, ùn tắc, úng ngập, không gian mất cân đối...) đang làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống, ngăn trở sự tăng trưởng có chất lượng cao và bền vững ở Việt Nam. Công tác quy hoạch và định hướng phát triển cho Buôn Ma Thuột dựa trên các nguyên lý:
- Đáp ứng tầm nhìn về phát triển kinh tê - văn hóa - xã hội của một đô thị có sức hút, tạo ra năng lực tăng trưởng cao và bền vững;
- Huy động và tập trung nguồn lực đa dạng của đất nước xuất phát từ ý chí và quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và địa phương về chuyển biến, đột phá tư duy phát triển. Qua đó, nhân tài vật lực được điều phối hiệu quả trong quá trình thực thi kế hoạch chiến lược tăng trưởng hài hòa và bền vững;
- Hệ thống mục tiêu dài hạn đặc trưng cho "Vùng kinh tế xanh" phát huy thế mạnh giá trị vùng cà phê quốc tế, nông nghiệp xanh - sạch, đặc trưng tài nguyên thiên nhiên - sinh thái, cấu trúc văn hóa - xã hội, và tiềm năng thu hút các lực lượng vật chất, tinh thần từ hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế;
- Sự rõ nét của "Vùng kinh tế xanh" hài hòa quá trình phát triển kinh tế với sinh thái và xã hội nhân bản; trong đó các cộng đồng bản địa cùng được chia sẻ những lợi ích bền vững về kinh tế, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và môi trường;
- Chuyển biến các yếu tố phát triển và lợi ích cộng đồng trở thành nền tảng của sự bảo đảm an ninh nhiều mặt và tác động tích cực tới an sinh xã hội lâu dài, giải quyết những xung đột lợi ích còn tồn tại và bất lợi cho cục diện chính trị - kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phát triển kinh tế xanh ở Buôn Ma Thuột sẽ tạo thuận lợi cho những bước đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà tăng trưởng kinh tế với hiệu quả và chất lượng cao, gắn phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, cải thiện an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng - an ninh vững chắc. Cơ cấu kinh tế của thành phố hướng tới các giá trị văn hóa và ngành công nghiệp du lịch với tiềm năng rất lớn của Buôn Ma Thuột cũng như toàn vùng Tây Nguyên; phù hợp với định hướng quốc gia và mô hình phát triển xanh - bền vững mà yếu tố văn hóa và không gian sinh thái sống trực tiếp tạo ra những đặc thù giáo dục hiệu quả. Những thế mạnh vùng miền có thể tạo ra đặc trưng giáo dục như nông nghiệp bền vững, sinh học, sinh thái và văn hóa đan xen..., đồng thời, tạo ra tiền đề "Thung lũng Công nghệ xanh" đầu tiên của Việt Nam.
2- Giải pháp thực thi
Thực hiện quy hoạch vùng kinh tế xanh Buôn Ma Thuột là quá trình thu hút và tập hợp nguồn lực xã hội, cả trong nước và quốc tế, thông qua quan hệ đối tác, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả, với các nhóm giải pháp cụ thể:
- Huy động vốn đầu tư: Vốn môi trường - vốn xã hội - vốn kinh tế được liên kết chặt chẽ và phối hợp hiệu quả có xét tới đặc trưng đầu tư và phát triển Buôn Ma Thuột dựa trên nguyên lý bền vững sinh thái. Huy động nguồn hỗ trợ phát triển chính thức để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào các công trình trọng điểm có tính đại diện cho hệ thống khái niệm phát triển bền vững, hài hòa sinh thái của thành phố Buôn Ma Thuột. Ưu tiên đầu tư các hạng mục có khả năng vận hành sớm, đặc trưng cho phương thức vận hành bền vững sinh thái và bảo đảm hiệu quả kinh tế.
- Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Phát triển cơ sở vật chất và nhân lực nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo bằng chủ động hợp tác cùng các quỹ nghiên cứu ứng dụng của cộng đồng doanh nghiệp hướng tập trung xây dựng kỹ năng sản xuất nông - công nghiệp xanh, sạch và bền vững, chú trọng vai trò đặc biệt của cây cà phê và vùng sản xuất cà phê danh tiếng.
- Ứng dụng khoa học - công nghệ: Ưu tiên phát triển và chuyển giao ứng dụng tri thức khoa học - công nghệ mới cho các sản phẩm đặc trưng, trước hết dựa trên thế mạnh và giá trị cây cà phê. Khuyến khích đầu tư tạo chuyển biến vùng đô thị tri thức với các trung tâm khoa học và công nghệ, định hướng phát triển tiến bộ về môi trường.
- Phát triển văn hóa - xã hội: Gắn phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và các chủ trương kinh tế- xã hội, đặc biệt là chính sách xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng bản địa. Đi sâu khai thác các giá trị văn hóa vùng, kích thích sáng tạo và những xu hướng văn hóa phù hợp với tiến bộ xã hội.
(1) Natural Resource Defense Council (NRDC) là tổ chức môi trường phi lợi nhuận với hơn 1,2 triệu thành viên và các nhà hoạt động trực tuyến. Website: www.nrdc.org
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững ở Đồng Nai  (03/11/2009)
Thông cáo số 10 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII  (02/11/2009)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam