Chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trí thức ở Quảng Ninh

Nguyễn Thị Nga - Tạ Văn Tú
16:24, ngày 27-04-2009

TCCSĐT - Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng, khoá X, về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước khẳng định: Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực tế cũng cho thấy, quốc gia nào chăm lo đào tạo, phát huy, định hướng tốt cho sự phát triển đội ngũ trí thức thì quốc gia đó sẽ phát triển, đặc biệt trong điều kiện kinh tế trí thức hiện nay. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Quảng Ninh đã có nhiều chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trí thức đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn kinh tế trọng điểm của vùng Bắc Bộ.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Quảng Ninh ngày càng khẳng định vị thế của địa bàn động lực trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Có được những kết quả đó, Quảng Ninh không chỉ khai thác tốt các nguồn lực tự nhiên mà luôn chú trọng phát huy nguồn lực con người, coi đó là yếu tố quyết định cho sự phát triển. Trong đó, nguồn nhân lực trí thức luôn được xác định là nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh của tỉnh trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Việc phát huy nguồn nhân lực trí thức ở Quảng Ninh thời gian qua có nhiều thành tựu.

Quảng Ninh đã thu hút được nguồn nhân lực trí thức trẻ, đông đảo về số lượng, phong phú về ngành nghề, hoạt động trên mọi mặt trận kinh tế - chính trị- xã hội của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 18.102 người có trình độ đại học trở lên. Trong đó, đại học 17.557 người; thạc sĩ và tương đương 505 người; tiến sĩ và tương đương 40 người. Đây là lực lượng trí thức đang hoạt động, đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, lực lượng công an nhân dân.

Về độ tuổi, dưới 31 là 7.949 người; từ 31 đến 40 là 4.806 người; từ 41 đến 50 là 3.707 người; từ 51 đến 60 là 1.583 người; trên 60 là 23 người.. Như vậy, nguồn nhân lực trí thức Quảng Ninh là lực lượng tương đối trẻ, những người tuổi dưới 50 chiếm tới 90%, là yếu tố thuận lợi để họ có thể tiếp tục học tập, nâng cao trình độ, phát huy năng lực làm việc sáng tạo.

Quảng Ninh là địa phương khá thành công trong việc sử dụng nguồn nhân lực trí thức. Qua việc trả lời thăm dò ở 16.102 người cho thấy, 14.569 người có công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo, chiếm 90,4%; 1.069 người cho là ít phù hợp, chiếm 6,7%; 464 người cho là không phù hợp, chiếm 2,9%. Cũng trong số này, có 13.543 người trả lời hài lòng với công việc chiếm 84,11%; 2.234 trả lời bình thường, chiếm 13,8%; 325 người không hài lòng, chiếm 2%.

Ở khối các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành than, phần lớn trí thức được làm đúng với chuyên môn được đào tạo và được trả lương khá cao (trung bình 4,3 triệu đồng/tháng/người ). Đa số họ đều tỏ thái độ hài lòng, nhiệt tình hăng hái và gắn bó với doanh nghiệp . Một số có trình độ đại học trở lên là cán bộ chủ chốt trong công tác quản lý và kỹ thuật của ngành. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ then chốt đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Các cấp lãnh đạo của tỉnh đã vận dụng linh hoạt và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích về vật chất, tinh thần để thu hút lực lượng trí thức làm việc tại địa phương. Có thể nói, Quảng Ninh là một trong những địa phương ở khu vực phía Bắc sớm và nhất quán trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ lợi ích vật chất đối với nguồn lao động trí thức. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và thu hút nhân tài. Những người có trình độ học vấn cao như giáo sư, tiến sĩ khoa học, phó giáo sư tiến sĩ, nhà giáo nhân dân, thầy thuốc nhân dân, bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa cấp II, từ các địa phương khác tình nguyện về công tác lâu dài (5 năm trở lên) tại Quảng Ninh sẽ được tỉnh trợ cấp một lần với số tiền là 50 triệu đồng. Đối với thạc sĩ, dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú là 15 triệu đồng. Sinh viên ra trường tình nguyện về những vùng khó khăn không phải thi tuyển công chức, được hưởng 100% lương và trợ cấp, ngoài ra còn được trợ cấp một lần là 5 triệu đồng.

Đối với đội ngũ cán bộ công chức, các sinh viên có hộ khẩu của tỉnh cũng có những quy định hết sức cụ thể nhằm khuyến khích đội ngũ trí thức này học tập, nâng cao trình độ. Quyết định 2871/2004 QĐ/UB của ủy ban nhân dân tỉnh nêu rõ: “Đối với cán bộ là nam giới đi học được trợ cấp mỗi tháng học bằng 1 tháng lương tối thiểu, nữ được 1,5 tháng lương tối thiểu. Đối với những cán bộ công chức được cử đi học sau đại học được trợ cấp một lần; Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp II được trợ cấp bằng 2 lần mức lương tối thiểu x 40 tháng. Thạc sĩ, dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I được trợ cấp bằng hai lần mức lương tối thiểu x 20 tháng. Các cán bộ được cử đi học nước ngoài cũng được hưởng trợ cấp như trên. Đối với các em sinh viên có hộ khẩu trong tỉnh, nếu có kết quả học tập đạt loại giỏi cũng được khen thưởng 300.000đ/năm”.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tỉnh Quãng Ninh cũng có chính sách thu hút nhân tài trên cả hai hướng là đào tạo, bồi dưỡng lực lượng hiện có và thu hút lực lượng có trình độ cao từ bên ngoài. Theo đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức và dự nguồn cán bộ của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015 quy định: “Giáo sư, tiến sĩ khoa học, phó giáo sư tiến sĩ, nhà giáo nhân dân, thầy thuốc nhân dân, bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa cấp II sau khi tiếp nhận tuyển dụng được trợ cấp 50 triệu đồng nếu công tác tại các thành phố, thị xã; 60 triệu khi về công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước ở các huyện; 70 triệu đồng nếu về công tác tại các vùng khó khăn. Đối với thạc sĩ, dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I được trợ các mức tương ứng là 20, 25, 40 triệu đồng”. Như vậy, có thể nói việc sớm nhận thức và chủ động trong việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực trí thức của các cấp lãnh đạo là một trong những nguyên nhân tạo nên các thành tựu phát triển nhiều mặt của tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình đó cũng còn nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết.

Thứ nhất, cơ cấu, số lượng, phân bố ngành nghề, vùng miền của nguồn nhân lực trí thức Quảng Ninh phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh hiện nay còn chưa hợp lý. Theo khảo sát của chúng tôi, Quảng Ninh có tổng số 18.102 người có trình độ đại học trở lên có tuổi đời dưới 60, chiếm 1,65% dân số trong tỉnh. Trong khi đó, cả nước có khoảng 2,6 triệu người có trình độ đại học, tức là số người có trình độ đại học chiếm khoảng 3,1% dân số. Vậy, số người có trình độ đại học trở lên ở Quảng Ninh còn rất thấp so với mặt bằng chung trong cả nước. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý cùng với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong tỉnh thì số lượng trí thức của tỉnh còn rất thiếu để thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Sự không hợp lý trong cơ cấu nguồn nhân lực trí thức còn thể hiện trong sự bất cập cơ cấu ngành nghề được đào tạo. Quảng Ninh, số có trình độ khoa học kỹ thuật (gồm cả khoa học tự nhiên) chỉ chiếm 34%, số có trình độ khoa học xã hội và nhân văn chiếm tới 66%. Điều đó cho thấy, chênh lệch khá lớn giữa các ngành nghề đã được đào tạo, nhưng so với năm 1999 tỷ lệ chênh lệch về đào tạo giữa hai lĩnh vực này đã được thu hẹp (năm 1999 tỷ lệ này là 32% và 68%). Xu thế về sự chênh lệch của cơ cấu ngành nghề được đào tạo sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới, vì số sinh viên đang theo học các trường đại học, tỷ lệ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chiếm 59%, lĩnh vực khoa học kỹ thuật và tự nhiên chỉ chiếm 41%. Điều này đòi hỏi Quảng Ninh phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược đào tạo, thu hút nguồn nhân lực theo hướng tăng cường khu vực cho khối các ngành khoa học kỹ thuật và tự nhiên.

Mất cân đối giữa nam – nữ trí thức cũng gây khó khăn trong công tác sử dụng nguồn nhân lực, phát huy tối đa sức mạnh của các cá nhân trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong tỉnh. Hiện tại, nam giới chiếm 62%, nữ chiếm 38%, điều này cho thấy tỷ lệ nữ trí thức Quảng Ninh còn thấp, gây ra sự mất cân đối trong sử dụng, một phần tạo ra sự mất bình đẳng về giới trong xã hội, hạn chế vai trò của phụ nữ. Ngoài ra, Quảng Ninh còn chưa tạo được bước đột phá trong việc tăng số lượng trí thức là người thuộc các dân tộc ít người trong tỉnh khi mà dân số các dân tộc ít người trong tỉnh chiếm 10,1% dân số toàn tỉnh thì những người có trình độ đại học trở lên thuộc các dân tộc ít người chỉ chiếm 2,6% lực lượng trí thức của tỉnh. Như vậy, trong thời gian tới Quảng Ninh cần tạo một cơ chế phù hợp hơn nữa nhằm khuyến khích đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho các dân tộc ít người, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc trong tỉnh.

Cơ cấu trí thức chưa hợp lý còn thể hiện trong sự chênh lệch quá lớn về lực lượng trí thức giữa vùng đô thị với vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, điều đó cũng có tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển đồng đều về kinh tế – xã hội giữa các vùng, miền, cũng như chủ trương “đưa miền núi, vùng có nhiều khó khăn giảm dần khoảng cách chênh lệch với vùng miền xuôi, vùng đô thị”.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực trí thức so với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh còn nhiều hạn chế. Kết quả lao động luôn là thước đo về chất lượng nguồn nhân lực. Đối với trí thức, kết quả ấy được thể hiện qua các sản phẩm mang tính chất sáng tạo với một hàm lượng chất xám được kết tinh lớn. Nhưng hiện nay, lực lượng trí thức Quảng Ninh mới có 600 dự án, đề tài, có 291 công trình sáng chế, 180 sáng kiến, chưa có phát minh khoa học nào. Những năm gần đây, công nghệ thông tin phát triển và trở thành công cụ làm việc không thể thiếu đối với những người trí thức. Số có trình độ tin học (từ chứng chỉ A trở lên) chiếm 58% tổng số người có trình độ đại học trở lên, tin học vẫn còn xa lạ với không ít trí thức hiện nay. Những người có bằng đại học ngoại ngữ chiếm tỷ lệ rất thấp. Phần lớn chỉ có chứng chỉ A, B, C. Thực tế số biết nghe, nói và viết thông thạo về một loại ngoại ngữ nào đó không nhiều, điều đó cũng ảnh hưởng đến quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thứ ba, trong sử dụng chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của nguồn nhân lực trí thức, các đòn bẩy tạo động lực còn nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, một số lượng không nhỏ trí thức không được bố trí làm việc đúng chuyên môn đã được đào tạo, cơ hội để họ phát huy khả năng sáng tạo trên nền tảng trí thức được trang bị ở các trường đại học bị hạn chế. Việc bố trí, sắp xếp không đúng ngành, nghề đào tạo, đặc biệt tại các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội trong tỉnh đã tạo ra tình trạng lãng phí chất xám của xã hội ngay trong các cơ quan công quyền, nơi mà các trí thức cần phải làm đúng chuyên môn, đúng với khả năng, năng lực cao nhất. Đó cũng là môi trường thuận lợi cho các hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ nảy nở và để lại những hậu quả xấu khác về mặt xã hội.

Lực lượng trí thức trong các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức Đảng, đoàn thể, các cơ quan hành chính, sự nghiệp thì lương là nguồn thu nhập chính của mỗi cá nhân, nhưng với mức lương hiện nay so với thu nhập của nhiều thần phần kinh tế khác của tình còn có những bất cập. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến khả năng lao động, sáng tạo bị hạn chế. Những chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, “ thu hút nhân tài” của tỉnh tuy đã được ban hành, nhưng so với kết quả đáng kỳ vọng đã tỏ ra bất cập.

Vẫn còn tình trạng một số cơ sở sử dụng lao động hầu như chỉ biết khai thác mà không thường xuyên bồi dưỡng nguồn nhân lực. Nhu cầu đào tạo lại về chuyên môn nghiệp vụ, của trí thức trong tỉnh là 58,7%, nhu cầu đào tạo về tin học, ngoại ngữ, quản lý nhà nước, đào tạo lý luận đều trên 30%. Điều đó cho thấy trí thức Quảng Ninh rất khát khao học tập nâng cao trình độ nhằm phát huy khả năng của mình cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Thực tế, chính sách tôn vinh trí thức có những thành tích cao trong lao động, sáng tạo ở cơ quan, đơn vị của tỉnh dù đã được quan tâm nhưng còn hạn chế. Năm 2007, toàn tỉnh mới có 80 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 164 chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, 3 chiến sĩ thi đua cấp nhà nước thuộc đội ngũ trí thức. Toàn tỉnh có 35 nhà giáo ưu tú, 8 nghệ sĩ ưu tú, không có những danh hiệu cao quý như nhà giáo nhân dân, thầy thuốc nhân dân, nghệ sĩ nhân dân.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy những thành tựu đã đạt được, cần khắc phục những tồn tại trong công tác sử dụng, quản lý, đào tạo lực lượng trí thức của tỉnh. Hướng tới các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương bảy, khóa X, đòi hỏi Quảng Ninh phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức và hành động của các chủ thể lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành của tỉnh trong việc phát huy vai trò nguồn nhân lực trí thức. Vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước được Đảng ta đặt ra cấp thiết và đạo trực tiếp, quyết liệt. Đó là cơ sở pháp lý để các địa phương, các ngành, các cấp vận dụng linh hoạt nhằm xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng yêu cầu, nội dung xây dựng đội ngũ trí thức của Đảng đến các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý với tư cách là nhóm chủ thể trực tiếp hoạch định, triển khai các chủ trương, chính sách và trực tiếp quản lý, sử dụng, đào tạo đội ngũ trí thức của tỉnh.

Hai là, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực trí thức theo hướng phù hợp với các đặc thù của địa phương cũng như của trí thức. Đối với một số ngành, không nên sử dụng cách quản lý hành chính mà cần lấy hiệu qủa công việc làm tiêu chí cơ bản. Quảng ninh là địa phương tập trung nhiều yếu tố nhạy cảm về an ninh, kinh tế, văn hoá, bởi lẽ, nơi đây có nhiều người nước ngoài đến du lịch và làm việc, có đường biên giới trải dài, có nhiều ngành kinh tế trọng điểm… Vì vậy, với đội ngũ trí thức, ngoài yêu cầu về chuyên môn cần coi trọng việc củng cố bản lĩnh chính trị cũng như tinh thần đạo đức cách mạng. Việc xây dựng đội ngũ, bên cạnh thu hút trí thức đến từ địa phương khác cần coi trọng đào tạo tại chỗ, đặc biệt ở địa bàn vùng sâu, vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Ba là, tiếp tục vận dụng các cơ chế, chính sách chung vào địa phương một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, các nhóm, các hội trí thức trong tỉnh; việc tạo dựng một môi trường văn hoá dân chủ lành mạnh cũng là yêu cầu thiết yếu để phát huy tiềm năng từ nguồn lao động đặc biệt này… Hiệu quả thực tế của công việc này đến đâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là phụ thuộc vào sự chuyển biến nhận thức và triển khai hành động cụ thể của các cấp ủy và chính quyền địa phương./.