Về khâu đột phá trong phòng, chống tham nhũng

Nhật Tân
10:12, ngày 27-03-2007

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã sử dụng rất nhiều biện pháp để phòng, chống tham nhũng. Gần đây, chúng ta lại có Luật Phòng, chống tham nhũng, có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, có Nghị quyết chuyên đề "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", nhưng công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn. Phải chăng, những biện pháp đó chưa đủ mạnh, hoặc chưa chọn được đúng khâu để đột phá?

Tham nhũng và chống tham nhũng là hiện tượng xã hội đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Đặc biệt, từ nửa cuối thế kỷ thứ XX, tham nhũng nổi lên như căn bệnh ác tính bùng phát, đe dọa cả nền văn hóa dân chủ của loài người, có sức tàn phá và ngăn cản rất lớn đối với sự phát triển của mọi quốc gia.

Khoảng chừng 30 năm nay, từng quốc gia, từng khu vực đã hao tâm, tổn trí rất nhiều vào việc đề ra những giải pháp chặt chẽ, những tuyên bố cứng rắn, những chiến dịch tốn kém để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, song hiệu quả còn xa với yêu cầu của sự phát triển.

Cũng như các nước khác, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của nước ta đã diễn ra từ xa xưa và càng được coi trọng trong suốt 62 năm nay dưới chế độ mới. Chỉ ít lâu sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Bác Hồ đã chỉ rõ tham nhũng ở nước ta là "giặc nội xâm", và vài thập kỷ gần đây Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã coi tham nhũng là "quốc nạn".

Thái độ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là rất quyết tâm đấu tranh phòng ngừa và chặn đứng, đẩy lùi tham nhũng. Nhận xét, đánh giá về tình hình tham nhũng và những quốc sách phòng, chống tham nhũng đã được nhiều lần nêu lên trong các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyết định của các cơ quan chức năng, đoàn thể, quần chúng. Những chủ trương, biện pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã liên tục được truyền đạt đến người dân bằng các phương tiện thông tin đại chúng, bằng học tập, hội nghị, hội thảo chuyên đề ở từng cấp, từng ngành, từng khu vực. Tình hình tham nhũng và phòng, chống tham nhũng trở thành đề tài thường xuyên trong các báo cáo chỉ đạo định kỳ của Chính phủ, của các cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Đồng thời, cũng là những câu chuyện thường ngày phản ánh sự bất bình, bức xúc của mỗi người dân, kể cả ở thành thị, nông thôn, không phân biệt bất cứ vùng, miền nào.

Các biện pháp phòng, chống tham nhũng đã được triển khai toàn diện, thường xuyên, đợt này nối tiếp đợt khác. Mọi biện pháp đã được sử dụng như biện pháp hành chính, kinh tế, giáo dục - cảm hóa, trừng trị bằng pháp luật, không còn thiếu biện pháp gì. Tuy vậy, tình hình tham nhũng vẫn chưa thuyên giảm.

Vừa qua, cùng với việc Nhà nước ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngày 1-6-2006, sự ra đời của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, Hội nghị Trung ương ba, khóa X đã ra Nghị quyết chuyên đề "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Nghị quyết đã nhận diện một cách khá đầy đủ thực trạng của công tác phòng, chống tham nhũng và những nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác này. Đồng thời, Nghị quyết đưa ra những mục tiêu, quan điểm phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những chủ trương, giải pháp và cách tổ chức thực hiện một cách toàn diện, sâu sắc.

Những việc làm đó tỏ rõ sự quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, để làm cho mọi người có đủ bốn điều: 1 - không cần tham nhũng, 2 - không thể (hoặc rất khó) tham nhũng, 3 - không muốn tham nhũng, 4 - không dám tham nhũng. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các giải pháp này chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Hiện nay, ở nước ta, tình hình "Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta"(1).

Kết quả chưa khả quan về công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua không không phải do các biện pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, mà ta thiếu toàn diện sâu sắc có thể do liều lượng của những biện pháp ấy chưa đủ mạnh, hoặc chưa nhằm trúng khâu đột phá để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Ở đây, chỉ xin đi sâu vào việc chúng ta đã tìm đúng được khâu đột phá để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hay chưa? Trở lại việc chúng ta đã triển khai những biện pháp để tạo ra đủ 4 điều kiện trên cho mọi người phòng, chống tham nhũng có hiệu quả là rất cần thiết, rất toàn diện. Bởi vì, để có điều kiện khiến cho người ta không cần tham nhũng thì phải làm cho Nhà nước giàu mạnh, có thể cung cấp thỏa mãn những nhu cầu về vật chất và tinh thần cho mọi người dân. Muốn vậy, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất có năng suất, chất lượng cao. Điều đó là cả một công việc lâu dài, trải qua nhiều thời kỳ, không thể có trong một sớm, một chiều. Để người ta không thể (hoặc rất khó) tham nhũng thì bộ máy tổ chức, quản lý của Đảng, Nhà nước phải rất khoa học, chặt chẽ, bao gồm cả cơ chế, cả con người và hệ thống luật pháp, không có kẽ hở để cho tham nhũng có thể luồn lọt. Điều đó đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, quản lý khoa học, sát sao của Đảng và Nhà nước; phải đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Để người ta không muốn tham nhũng thì phải có đủ điều kiện về vật chất và tinh thần cho mọi người dân như đã phân tích ở trên; hoặc, xã hội phải tạo ra nếp sống không có tham nhũng, coi tham nhũng là xấu xa, tội lỗi, bất cứ ai mắc phải tham nhũng cũng đều bị lên án, bị xa lánh. Muốn có vế thứ hai này, chúng ta phải tiếp tục xây dựng một xã hội mà mọi người phải sống đạo đức, trong sạch, liêm khiết. Để người ta không dám tham nhũng thì phải hoàn thiện một hệ thống luật pháp, chế định chặt chẽ, nghiêm khắc, phải xây dựng được một xã hội thực sự dân chủ, phát huy được tinh thần làm chủ của nhân dân thì dù cho những hành động tham nhũng có được che đậy tinh vi đến mấy cũng bị tố giác. Một khi kẻ tham nhũng đã bị tố giác thì Nhà nước phải xử lý nghiêm, xử lý nặng; đương sự buộc phải bồi thường thiệt hại và tạo nên làn sóng phê phán, oán hận họ trong từng cộng đồng, trong toàn xã hội.

Xét một cách tổng thể hoàn cảnh kinh tế - chính trị - xã hội của nước ta hiện nay, chúng ta chưa đủ sức để triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm đưa lại cho mọi người đủ cả 4 điều kiện trên. Bởi vì, để có đủ 4 điều kiện trên thì Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải giải quyết biết bao nhiêu vấn đề, biết bao nhiêu công việc, biết bao nhiêu thời gian chờ đợi để đất nước phát triển tương đối khá, hội đủ những nhân tố để tạo được những điều kiện trên. Mặc dù, việc tạo đủ 4 điều kiện trên là một phương hướng đúng đắn, một nhiệm vụ trọng đại, vừa cấp bách, vừa lâu dài và đầy gian khổ, nhưng không thể nôn nóng. Trước mắt chúng ta có thể chọn những biện pháp nhằm thỏa mãn điều kiện để người ta không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng, để từ đó tìm ra khâu đột phá nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn.

Như phân tích ở trên, để người ta không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng, nếu chờ đợi vào sự phát triển của sản xuất đến khi thỏa mãn được nhu cầu đời sống vật chất - tinh thần của mọi người và chờ đợi đến lúc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hoàn thiện, có hệ thống luật pháp chặt chẽ, hoàn chỉnh không còn kẽ hở cho tham nhũng tồn tại là khó khả thi, vì những điều kiện đó chúng ta phải tạo lập trong cả một quá trình lâu dài và gian khổ. Do vậy, chúng ta cần phát động xây dựng một nếp sống đạo đức xã hội "đói cho sạch, rách cho thơm", coi tham nhũng là trộm cắp, là nhục nhã, là hèn hạ, cần phải trừng phạt nghiêm những kẻ tham nhũng, đặc biệt là đảng viên - cán bộ, lấy đó làm khâu đột phá để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Cần phải nói thêm rằng, khâu này chúng ta đã làm và đang làm, nhưng làm một cách dàn trải cùng với toàn thể các khâu phòng, chống tham nhũng khác, chứ chưa coi nó là khâu đột phá để tập trung vào giải quyết, tạo đà cho việc giải quyết các khâu khác.

Để thực hiện khâu đột phá này, trước hết phải nhằm vào đối tượng là đảng viên - cán bộ làm cho họ luôn luôn gương mẫu đi đầu: "Có lối sống trong sạch, lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật. Không quan liêu, tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và tiêu cực khác"(2). Điều này cũng được ghi trong mục 2, Điều 2 của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong xã hội ta, nếu các đảng viên chấp hành nghiêm Điều lệ thì chắc hẳn nạn tham nhũng khó có đất sống. Bởi vì, người đảng viên vẫn luôn luôn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Bác Hồ đã từng nói: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Nhưng, thực tế hiện nay là, hầu hết các vụ tham nhũng ở nước ta đều dính dáng trực tiếp, hoặc gián tiếp đến đảng viên - những người có chức, có quyền. Dù những hành động tham nhũng này có được biện bạch thế nào đi chăng nữa thì cũng là vô đạo, bất nghĩa mà người đảng viên không được phép làm. Do vậy, mấu chốt là ở chỗ tăng cường chỉnh đốn Đảng, đổi mới công tác đảng, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên tham nhũng, không trừ một ai. Chúng ta phải làm mạnh, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Làm không sợ "đụng chạm", không sợ "liên lụy" như một số người e ngại - hữu khuynh - ngụy biện cho rằng, sẽ làm mất ổn định chính trị nội bộ và các thế lực thù địch sẽ lợi dụng, khoét sâu phá hoại ta từ bên trong.

Đối với người đảng viên - cán bộ, chúng ta phải làm cho họ nâng cao tính tự trọng, tự xấu hổ, tự đấu tranh, chuộc lại những lỗi lầm khi đã trót mắc vào tham nhũng. Đối với mọi tổ chức đảng, đặc biệt là các tổ chức cơ sở như tổ đảng, chi bộ đảng, nơi mà từng đảng viên trực tiếp sinh hoạt phải xây dựng được tinh thần đấu tranh nội bộ mạnh mẽ, thẳng thắn phê bình và tự phê bình, tự tìm ra tham nhũng, không cần phải nhờ đến cơ quan chức năng hoặc lực lượng nào khác.

Thứ hai, khi đã phát hiện tham nhũng thì phải xử phạt nghiêm minh với mọi đối tượng. Từ thế kỷ XV, dưới triều Hồng Đức (vua Lê Thánh Tông), tại Điều 138 của Bộ Quốc Triều Hình luật đã ghi: "Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan thì xử tội chém. Những bậc công thần, quý thần cùng những người có tài được giữ vào hàng bát nghị mà ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan thì phạt 50 quan; từ 10 đến 19 quan thì phạt từ 60 đến 100 quan; từ 20 quan trở lên thì xử tội đồ và những tiền ăn hối lộ xử phạt gấp đôi nộp vào kho"(3). Còn đối với chế độ ta hiện nay, thiết tưởng, cùng tội trạng như nhau, những đối tượng là đảng viên - cán bộ phải xử phạt nặng hơn; người ở ngôi vị càng cao, càng phải xử nặng, bởi vì: "thượng bất chính thì hạ tắc loạn"; nếu không thì quần chúng nhân dân sẽ không phục.

Đối với toàn xã hội cần đẩy mạnh thực hành dân chủ để mọi người dân có điều kiện kiểm tra, giám sát lẫn nhau, giám sát công việc của các tổ chức, cơ quan mà kịp thời ngăn chặn những hành động tham nhũng. Đẩy mạnh hoạt động của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, từ đó có thể tạo ra dư luận và áp lực tâm lý xã hội lớn nhất trong việc phòng, chống tham nhũng. Cần xây dựng một nếp sống trong sáng, lành mạnh trong xã hội, "phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp"(4).

Thiết nghĩ, thực hiện được khâu đột phá này để phòng, chống tham nhũng, chúng ta có thể xây dựng được một xã hội có đời sống văn hóa lành mạnh, có nếp sống đẹp khi mà nền kinh tế của chúng ta còn chưa phát triển.

(1)Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 12
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 301
(3) Quốc triều Hình luật, Luật triều Lê, Luật Hồng Đức, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 74 - 75
(4) Hồ Chí Minh: Thực hành tiết kiệm, chống bệnh tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981, tr 44