Tiếp cận một số giải pháp phòng, chống tham nhũng
Từ trước đến nay, người ta từng đưa ra nhiều cách tiếp cận khác nhau về giải pháp phòng, chống tham nhũng. Các giải pháp đó đều có chung một điểm: làm thế nào để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao. Một số giải pháp cụ thể được phân tích, làm rõ trong bài viết sau đây, cũng nhằm góp phần vào điều ..... đó.
Vừa qua, Nhà nước ta đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng, được các tầng lớp dân cư trong xã hội hoan nghênh và tham gia đóng góp ý kiến với mong muốn Luật phải có khả năng thực thi, đạt hiệu quả cao. Sự quan tâm đó là có căn cứ, bởi trên thực tế, đã có rất nhiều đạo luật được ban hành và vận hành nhưng hiệu quả thi hành chưa cao, vẫn còn sự vi phạm diễn ra cả từ phía cơ quan quản lý và từ phía người chấp hành luật.
Để góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, chúng tôi xin nêu một số cách tiếp cận giải pháp có tính chất "xây" gắn liền với "chống" và ngăn ngừa như sau:
Thứ nhất, tiếp cận từ yêu cầu xây dựng văn hóa công sở.
Hành vi tham nhũng là hành vi chiếm đoạt tài sản của nhà nước, là một dạng ăn cướp, ăn cắp và bóc lột công sức lao động của các tầng lớp xã hội. Vì thế, tham nhũng là phi đạo đức, phản văn hóa, phá hoại môi trường văn hóa, cản trở bước tiến văn minh.
Nhìn nhận từ góc độ lịch sử và lý luận, chúng ta càng thấy rất rõ, một trong những yêu cầu, điều kiện chống tham nhũng là nhà nước phải thể hiện trước hết từ bên trong nó các yếu tố dân chủ, công khai, minh bạch, sự vô tư, trong sạch và tính trách nhiệm trong các hoạt động phục vụ xã hội và công chúng. Một nhà nước hội tụ được các yếu tố đó xứng đáng là một nhà nước có văn hóa, là một nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta và từ mục đích chung của cả chương trình tổng thể cải cách hành chính, vấn đề xây dựng văn hóa công sở đã được đặt ra trong giai đoạn cải cách hành chính từ năm 2006 - 2010. Thực chất của việc xây dựng văn hóa công sở là công khai, minh bạch về thủ tục trong giải quyết các công việc cho các tổ chức, công dân, cũng như về các quy định quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ; xây dựng lề lối, mối quan hệ làm việc thật sự khoa học, hiệu quả, thiết thực nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan nhà nước; thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở (thực hành dân chủ) nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, sự tương trợ, đồng thuận và trách nhiệm của mọi cán bộ, công chức.
Xây dựng văn hóa công sở là nhằm đáp ứng yêu cầu chung của cán bộ, công chức: mong muốn được làm việc, được đánh giá, đãi ngộ và phát triển trong môi trường dân chủ, công bằng theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng". Mặt khác, xây dựng văn hóa công sở là một đòi hỏi khách quan đối với Nhà nước trong điều kiện nước ta tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Xây dựng văn hóa công sở còn nhằm góp phần khắc phục các thói tệ quan liêu, lộng quyền, cửa quyền, gia trưởng, đặc quyền, đặc lợi, thành kiến, chụp mũ, trù dập người trung thực, thẳng thắn. Thông qua đó, khơi dậy ở người cán bộ, công chức tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm xã hội và thái độ trung thực, dũng cảm, kiên quyết đấu tranh bảo vệ công lý, lẽ phải, bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Đó chính là nền tảng giúp cho công tác thanh tra, kiểm tra từ trong nội bộ cũng như từ trên xuống đối với các cơ quan nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng cũng như các sai phạm khác đạt được hiệu quả thiết thực.
Nếu chúng ta cho rằng, mọi việc phải dựa vào dân, bắt đầu từ dân, do dân, vì dân thì "dân" trong các cơ quan, các cấp chính quyền chính là cán bộ, công chức. Chỉ có bắt đầu từ cán bộ, công chức, dựa vào cán bộ, công chức và xây dựng môi trường văn hóa dân chủ cho cán bộ, công chức lao động, làm việc thì mới tạo điều kiện, động lực danh dự, tinh thần để cán bộ, công chức xa lánh tham nhũng và hơn nữa, để họ tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, tiếp cận từ hình phạt nghiêm khắc đối với tội tham nhũng và đối với những người có trách nhiệm trong việc phòng, chống tham nhũng.
Luật Phòng, chống tham nhũng dù được xây dựng hoàn thiện đến đâu chăng nữa thì cũng chỉ có ý nghĩa ngăn ngừa chứ chưa phải làm cho người ta không dám tham nhũng, bởi vì khi người ta có mưu toan tham nhũng thì hành vi tham nhũng của họ sẽ được biến hóa, biến dạng hết sức tinh vi. ý nghĩa, mục tiêu của Luật Phòng, chống tham nhũng là mang tính răn đe, ngăn ngừa, xác định cơ chế phát hiện, xử lý tham nhũng, đề cao vai trò của các phương tiện thông tin và của dư luận xã hội nhằm tố cáo, phê phán tham nhũng; đồng thời, xác định khung hình phạt đối với tội danh tham nhũng. Nhưng muốn để cho người ta sợ mà không dám tham nhũng thì phải đưa ra mức hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những người trực tiếp tham nhũng và những người liên đới trách nhiệm trong việc phòng, chống tham nhũng.
Đối với bất cứ cán bộ, công chức nào, dù đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nếu bị kết luận liên quan trực tiếp đến tham nhũng thì Nhà nước kiên quyết xử lý hình sự, tịch thu, sung công tài sản, tiền bạc do tham nhũng mà có. Trên thực tế, có cả những trường hợp "hy sinh đời bố để củng cố kinh tế đời con", tức là bố chịu vào tù, thậm chí chịu tử hình để con được hưởng tài sản mà bố tham nhũng. Nhà nước cần lường trước để ngăn chặn.
Đối với người lãnh đạo cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng thì người lãnh đạo đó phải chịu trách nhiệm, nhưng trách nhiệm như thế nào là vấn đề cần xác định rõ hơn, cụ thể hơn.
Đối với cán bộ, công chức có nhiệm vụ thanh tra các vụ tham nhũng và kể cả những cán bộ, công chức ở cấp lãnh đạo, chỉ đạo nào đó, nếu nhận hối lộ để làm sai lệch hồ sơ, chứng cứ, bao che, bao biện với chủ ý làm giảm tội cho kẻ tham nhũng thì cũng coi đó là hành vi gián tiếp tham nhũng.
Thứ ba, tiếp cận từ yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính.
Đẩy mạnh cải cách hành chính là một đòi hỏi cấp bách trong điều kiện nước ta đã trở thành thành viên của WTO. Hiện nay, cải cách hành chính vẫn còn chậm trễ. Nguyên nhân chủ yếu là do: 1- Thể chế pháp luật còn đang tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện; 2- Nhận thức và trình độ, năng lực của số đông cán bộ, công chức vẫn chưa ra khỏi tình trạng hạn chế, yếu kém; 3- Kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu... Những nguyên nhân này đã được phân tích và Nhà nước đang triển khai các chương trình, dự án để khắc phục. Song, có một nguyên nhân khác mà Nhà nước cần khẩn trương chỉ đạo khắc phục gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính. Đó là thực hiện Nghị quyết 08 của Chính phủ về phân cấp quản lý hành chính nhà nước đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn chậm trễ. Hiện nay, nhiều địa phương chưa thực hiện phân cấp hoặc phân cấp nửa vời, dẫn đến kéo dài tình trạng cấp trên vẫn muốn giữ một số việc đáng ra phân cho cấp dưới thực hiện, nghĩa là cấp trên vẫn muốn cấp dưới tiếp tục thực hiện lộ trình "xin - cho", gắn với tệ hối lộ, quà cáp. Để tồn tại, kéo dài tình trạng đó cũng có nghĩa là để tiếp tục tồn tại, kéo dài các hiện tượng đùn đẩy, vô trách nhiệm, trùng chéo, hội họp liên miên, dẫn đến thất thoát tài chính, lãng phí tài sản, thời gian, công sức và làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là giữa cấp sở với cấp huyện và giữa cấp huyện với cấp xã.
Về mặt nhận thức và qua thực tiễn cải cách hành chính, chúng ta thấy, cải cách hành chính không chỉ là thực hiện nội dung, mục tiêu đã xác định như tinh giản, gọn nhẹ bộ máy; hoàn thiện thể chế; chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ, công chức; hiện đại hóa các phương tiện, công cụ quản lý gắn với tiêu chuẩn hóa (ISO) một số loại việc chuyên môn, hành chính; thực hiện khoán chi và công khai, minh bạch về tài chính, mà còn phải đẩy mạnh phân cấp, phân việc gắn với phân bổ tài chính nhằm làm rõ nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của từng cấp, từng người.
Đẩy mạnh cải cách hành chính để thực hiện mục tiêu xây dựng một nhà nước với các tiêu chí dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả cũng chính là tạo cơ chế, môi trường văn hóa ngăn ngừa tham nhũng phát sinh từ trong chính bộ máy nhà nước.
** ThS, Học viện Hành chính quốc gia
Cần có những đột phá về lý luận, tạo cơ sở vững chắc cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng trong thời kỳ mới  (26/03/2007)
Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam  (23/03/2007)
Hội nghị toàn quốc thường trực tỉnh ủy, thành ủy  (23/03/2007)
Kỷ niệm ngày quyền của người tiêu dùng thế giới  (23/03/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển