Giáo dục Việt Nam trước đòi hỏi đổi mới căn bản và toàn diện

Vũ Minh Giang GS, TSKH, Đại học Quốc gia Hà Nội
22:54, ngày 18-12-2013
TCCS- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996), Đảng đã quyết định đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, phát huy đến mức cao nhất nguồn lực con người được coi là nhân tố quyết định, trong đó giáo dục - đào tạo là đòn bẩy quan trọng nhất. Nhưng cho đến nay, giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu để làm động lực quan trọng nhất cho phát triển. Nhiều hạn chế, yếu kém của giáo dục và đào tạo đã được nêu từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII vẫn chưa được khắc phục cơ bản, có mặt nặng nề hơn. Chính vì vậy mà đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang trở thành một yêu cầu khách quan và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đã ra Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000. Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII, giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được những thành tựu không nhỏ, góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp đổi mới và đưa nước ta thoát khỏi tình trạng một nước nghèo. 

Tuy nhiên, như nhận định trong Kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, đến nay giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu để làm động lực quan trọng nhất cho phát triển. Những hiện tượng liên quan đến hạn chế và yếu kém trong giáo dục và đào tạo được phản ánh ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo nên những bức xúc có chiều hướng ngày càng tăng trong công luận. Chính vì vậy, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo thành công còn có ý nghĩa củng cố lòng tin vào Đảng và tương lai của dân tộc.

Có một câu hỏi đặt ra khiến nhiều người băn khoăn là phải chăng chúng ta tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện là do giáo dục, đào tạo nước ta tụt hậu quá xa so với thế giới và, những hạn chế, yếu kém tới mức nếu không “làm lại từ gốc” (theo cách diễn đạt của một số ý kiến) thì hậu quả khôn lường? 

Đúng là nền giáo dục của chúng ta đang bất cập trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sẽ có nhiều vấn đề phải giải quyết trong quá trình thực hiện Đề án đổi mới giáo dục và đào tạo, nhưng nếu chỉ vì khắc phục sự yếu kém và lạc hậu, một bài toán của riêng ta, thì có lẽ chưa phải tầm của công cuộc đổi mới lần này.

Những nhân tố mới tác động đến giáo dục

Trước hết, phải thấy trong mấy thập niên gần đây đổi mới giáo dục, đào tạo là xu thế toàn cầu. Vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, khoa học và công nghệ trên thế giới phát triển như vũ bão, tạo ra những bước tiến nhảy vọt, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử - viễn thông, tin học và công nghệ thông tin. Những thành tựu của sự phát triển này đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội trong từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu làm thay đổi, nếu không nói là đảo lộn nhiều triết lý, quan niệm, phương thức tổ chức và hoạt động của hầu hết các lĩnh vực, mà trước hết và chủ yếu lại chính là giáo dục và đào tạo. 

Tri thức mới được tạo ra với cấp số nhân, được phổ biến nhanh và rộng đến mức không hình dung được lại có thể lưu giữ những khối lượng khổng lồ bằng những phương tiện vô cùng gọn nhẹ và việc tìm kiếm, sử dụng dễ dàng đến mức trẻ em cũng có thể làm được... Trong bối cảnh ấy kiến thức chuyên môn cụ thể rất nhanh lạc hậu, cái mới luôn có cái mới hơn thay thế trong một thời gian ngắn. Đã xuất hiện và trở nên rất phổ biến các lớp học điện tử, thư viện điện tử, các chương trình đào tạo từ xa, hội nghị trực tuyến... Cho đến hôm nay việc tìm kiếm thông tin, kiến thức và giao lưu qua mạng đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều so với việc đọc sách, báo giấy trước đây. 

Các nước, bắt đầu từ những nước có nền khoa học phát triển, từ nhiều thập niên gần đây đã tiến hành xem xét lại toàn bộ hệ thống giáo dục của mình và một chuyển biến tương đối rõ là họ chuyển dần từ dạy kiến thức chuyên môn sang dạy cách tự học. Việc học tập không chỉ thực hiện ở nhà trường mà có thể ở nhà hoặc ở bất cứ đâu. Cơ hội học tập không chỉ dành cho lứa tuổi cắp sách đến trường mà với bất cứ ai. Triết lý xã hội học tập, học suốt đời dần hình thành.

Về phương diện công nghệ, với sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ thông tin (mà phổ biến là máy vi tính xách tay) với các phần mềm ứng dụng vô cùng phong phú thì rất nhiều kiến thức trước đây thầy cần rất nhiều thời gian và công sức để dạy và trò phải vô cùng vất vả để nhớ thì nay chỉ cần biết có nó và nó có thể dùng vào việc gì, còn những chi tiết, thậm chí cả những thao tác để tính toán tìm ra kết quả chỉ cần vài cái “click” là xong. Trí tuệ con người được dùng vào việc sáng tạo.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, trong những thập niên gần đây thế giới cũng diễn ra những biến động vô cùng mạnh mẽ. Từ những biến đổi về khí hậu, những thay đổi theo chiều hướng ngày càng đáng báo động của tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đến những biến động chính trị, quân sự khôn lường đã đặt ra yêu cầu phải trang bị cho các thế hệ tương lai năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thời cuộc và trách nhiệm của những công dân toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều trường đại học trên thế giới có những đơn vị nghiên cứu và đạo tạo với tên gọi Trung tâm Biến đổi toàn cầu (The Center for Global Changes). 

Về một phương diện khác, sự tha hóa đạo đức trong xã hội (không trừ một nước nào) đang tạo nên những bức xúc, đòi hỏi hệ thống giáo dục phải điều chỉnh theo hướng tăng mạnh việc trang bị nền tảng văn hóa, kỹ năng sống và các giá trị đạo đức cho người học. Chưa bao giờ yêu cầu dạy làm người cấp bách như bây giờ. 

Tri thức là của chung nhân loại. Giáo dục, đào tạo là truyền thụ kiến thức nên từ bản chất lĩnh vực này đã chứa đựng thuộc tính không biên giới. Tuy nhiên, bất cứ nền giáo dục nào cũng lại chịu sự chi phối rất mạnh của văn hóa dân tộc và những bệ đỡ tư tưởng xuất phát từ những ý thức hệ khác nhau, nên trong một thời gian dài từng tồn tại sự khác biệt rất xa về cấu trúc hệ thống giáo dục và cấu tạo chương trình. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra như một xu thế không thể cưỡng lại, nhất là từ sau khi Liên bang Xô-viết tan rã và hệ thống phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ, các nước (kể cả Tây Âu và Bắc Mỹ) đều xem xét lại hệ thống giáo dục của mình và tiến hành rất nhiều điều chỉnh mang tính cải cách.

Đổi mới giáo dục và đào tạo, vì vậy phải được xem là xu thế mang tính toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Trong ý nghĩa này, công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo ở Việt Nam không chỉ là vấn đề của riêng ta mà phải thực sự “nhúng” sâu trong môi trường quốc tế.

Trong bối cảnh nêu trên, giáo dục và đào tạo của ta đang đứng ở đâu?

Bên cạnh những thành tựu rất có ý nghĩa như Kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa XI đã nêu, nhiều hạn chế, yếu kém của giáo dục và đào tạo đã được nêu từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII vẫn chưa được khắc phục cơ bản, có mặt nặng nề hơn, theo tôi, có thể thấy trên các mặt sau đây: 

Thứ nhất, chúng ta đã dừng quá lâu ở một nền giáo dục chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn. Các chương trình đào tạo từ phổ thông đến đại học, sau đại học đều dày đặc các kiến thức cụ thể. Với lượng tri thức mới được sản sinh ngày càng nhiều và liên tục được cập nhật vào chương trình thì tình trạng quá tải là không thể khắc phục, nếu không nói là sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Việc nhớ những kiến thức ấy đã khó, vận dụng nó vào cuộc sống lại còn khó hơn. Tri thức cụ thể dù cho mới đến đâu vẫn là cái đã biết nên luôn lạc hậu so với thực tiễn.

Theo triết lý trọng kiến thức chuyên môn nên các trường đại học ở Việt Nam được tổ chức theo hệ thống đại học chuyên ngành. Mỗi ngành hay một khối ngành có một (một số) trường đại học, như Đại học Thủy lợi, Đại học Xây dựng, Đại học Nông nghiệp, Đại học Kiến trúc, Đại học Y, Đại học Dược,...(1) Những trường đại học chuyên ngành đã đáp ứng rất tốt nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, nhưng đang bộc lộ những bất cập trước nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường. Nhiều trường đang tự phát triển theo hướng đa ngành hóa. Hạn chế của những trường chuyên ngành (đơn ngành) còn ở chỗ hạn chế việc nghiên cứu và giảng dạy theo hướng liên ngành và rất thiếu sự bổ sung cho nhau giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. 

Để phục vụ mục tiêu giáo dục trang bị kiến thức chuyên môn, hệ thống phân loại môn chính, môn phụ cũng được tiến hành một cách giản đơn như đương nhiên phải thế (trong khi đó phương châm của Đảng là giáo dục toàn diện)(2). Đặc biệt nghiêm trọng là hệ thống thi cử, đánh giá. Coi việc nhớ kiến thức chuyên môn là quan trọng nhất nên việc thi cử tuyển đầu vào, kiểm tra trong quá trình học tập và đánh giá đầu ra đều lấy việc hỏi kiến thức cụ thể làm mục tiêu chủ yếu. Phương thức thi cử nhằm đánh giá kiến thức chuyên môn (cụ thể) sinh ra hệ lụy nan giải và những căn bệnh trầm kha khó lòng cứu chữa. Đó là học vẹt, học tủ quay cóp. 

Cách thức thi cử như vậy không giúp phát hiện được những người có năng lực thực sự mà chủ yếu chọn được những người có trí nhớ tốt (kỹ năng này cũng rất quý, nhưng không giúp nhiều lắm cho năng lực sáng tạo và dường như ngày càng bớt quan trọng trong thời đại công nghệ thông tin phát triển). Đó là chưa kể tới hậu quả chọn nhầm phải người lười (học tủ), người gian (quay cóp). 

Thứ hai, do phải mất quá nhiều thời gian và công sức để “cung cấp và tích lũy kiến thức” cụ thể (luôn quá tải) nên từ chương trình, người dạy, người học đều không còn đủ thời gian và sự quan tâm đúng mức cho việc trau dồi phương pháp, kỹ năng, học để hiểu biết về cuộc sống, về thế giới, dung dưỡng tâm hồn và đạo đức, lối sống… Nói tóm lại là học cách tự học và học làm người. Điều đáng lo ngại là xu thế vị bằng cấp đang trở nên ngày càng phổ biến trong cộng đồng những người đi học. Đi học chỉ cốt để lấy bằng (và tệ hơn là nếu học ít, thậm chí không học mà vẫn có bằng thì càng hay). Nhiều bậc trí giả lo lắng không phải không có cơ sở là xã hội ta ngày càng nhiều những người có học vị, bằng cấp cao, nhưng một đội ngũ trí thức với những nhân cách đáng kính dường như ngày càng thưa vắng. Hiện tượng này có nhiều nguyên nhân, nhưng căn nguyên chính vẫn là từ chính những hạn chế và yếu kém của giáo dục, đào tạo.

Thứ ba, một hạn chế lớn của giáo dục và đào tạo nước ta là việc dạy và học không gắn chặt với thực tiễn, nhất là các trường đại học. Đa phần các chương trình đào tạo hiện nay là những gì nhà trường và các thầy có đem áp đặt cho người học, chứ chưa phải là những cái xã hội cần. Có một nguyên nhân quan trọng là ở nước ta trong một thời gian dài, cung và cầu của giáo dục đại học mất cân đối nghiêm trọng. Việt Nam là nước có truyền thống hiếu học và trọng học nên số người có nguyện vọng đi học (đúng ra là số gia đình mong muốn con vào đại học) thì đông mà số trường đại học (tốt) lại rất ít nên các cơ sở đào tạo đại học không có nhiều động lực để đổi mới. Chương trình cũ, phương pháp dạy không thay đổi, chất lượng đào tạo không nâng cao cũng vẫn có rất đông người học. Những tiêu chí đánh giá về chất lượng giáo dục quốc tế dường như ảnh hưởng không nhiều lắm đến các trường đại học nước ta.

Thứ tư, cũng chính vì động lực đổi mới không cao và do một số nguyên nhân khác nữa, nền giáo dục của chúng ta tương đối khép kín. Mặc dù số lượng cán bộ của ngành giáo dục (bao gồm cả quản lý và tham gia giảng dạy) có cơ hội đi tham quan nước ngoài rất nhiều, nhưng dường như việc học tập kinh nghiệm nước ngoài chưa có một chương trình thật bài bản với những mục tiêu xác định nên kết quả không như mong muốn. Địa điểm tham quan, vấn đề tìm hiểu trùng lặp, những kinh nghiệm tiếp thu manh mún, thiếu đồng bộ... Do vậy về cơ bản, hệ thống giáo dục và các chương trình của các cơ sở đào tạo ở nước ta so với các nước tiên tiến trên thế giới còn có khoảng cách khá xa. Và điều đặc biệt đáng nói là tính liên thông quốc tế của hệ thống giáo dục nói chung và của các cơ sở đào tạo nước ta nói riêng còn rất hạn chế. Nếu như ở nước ngoài (kể cả các nước Đông Nam Á), các trường đại học có thể dễ dàng trao đổi sinh viên với nhau vì họ công nhận hệ thống tín chỉ của nhau, thì điều này còn rất khó khăn với các trường đại học nước ta. 

Sự liên thông trong nước cũng còn không ít vấn đề. Đó là sự phân luồng trong giáo dục phổ thông trung học, sự liên thông giữa các cấp học... Điều này khiến cho nền giáo dục chưa phát huy hết được vị trí và vai trò của mình.

Thứ năm, điều thấy rõ và thường được nói tới nhiều nhất khi đề cập đến những hạn chế của giáo dục Việt Nam là sự thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng đối với đội ngũ những người làm giáo dục. Có thể nói trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những cố gắng lớn trong đầu tư cho giáo dục. Riêng năm 2013, mặc dù nền kinh tế đất nước đang trong thời kỳ cực kỳ khó khăn, nhưng kinh phí cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề vẫn chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tính ra số kinh phí thực thì so ngay với một số trường đại học ở các nước Đông Nam Á (như Xin-ga-po, Thái Lan, Ma-lai-xi-a...) cũng đã rất thấp. Nguồn kinh phí hạn hẹp lại được sử dụng chưa hợp lý, đầu tư manh mún, dàn trải và hiệu quả thấp, đó là chưa nói tới nguồn lực bị suy hao vì những dự án lãng phí lớn(3).

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là vấn đề đầu tư cho nguồn lực con người. Nếu như đây là nhân tố quan trọng hàng đầu trong tất cả mọi lĩnh vực, thì trong giáo dục và đào tạo con người là nhân tố quyết định sự thành bại. Con người ở đây là nói tới cả đội ngũ quản lý các cấp và những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giảng dạy ở các cơ sở. Chất lượng chưa cao ở cả hai lực lượng này dường như không khó khăn lắm để nhận ra. Tuy nhiên điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó. Theo tôi, gốc gác của vấn đề chính là trên thực tế giáo dục và đào tạo chưa được coi là quốc sách hàng đầu. Việc tuyển chọn cán bộ quản lý giáo dục cũng như chính sách đãi ngộ khuyến khích người giỏi làm công tác giáo dục còn nhiều bất cập và chưa được chú ý đúng mức.

Trong những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai khá mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa giáo dục. Đây là một chủ trương rất đúng đắn và rất phù hợp với Việt Nam, một dân tộc có truyền thống trọng học. Tuy nhiên, chính sách đúng đắn này dường như đang bị lợi dụng theo hướng nhân danh sự nghiệp trồng người cao cả, núp dưới danh nghĩa phi lợi nhuận, không ít cá nhân và nhóm người đang trục lợi trong việc thành lập các cơ sở giáo dục tư nhân kém chất lượng. Việc cho phép mở ồ ạt nhiều trường đại học mà cơ sở vật chất còn dưới chuẩn trên thực tế cũng là điều đáng suy nghĩ.

Năm điểm nêu trên chưa phải là tất cả, và như đã nói, không phải là tổng kết về thực trạng của giáo dục Việt Nam, nhưng đứng trước yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, theo tôi, đây là những vấn đề cần tập trung giải quyết. 

Những vấn đề căn bản cần phải đổi mới 

Trước tiên, thay đổi triết lý để chuyển một nền giáo dục lấy trang bị kiến thức chuyên môn làm mục tiêu chủ yếu sang một nền giáo dục chỉ dạy những kiến thức chuyên môn căn bản ở mức tối thiểu. Dành nhiều thời gian dạy người học về phương pháp, kỹ năng, cách tự học, dạy cách sử dụng, khai thác các thiết bị… và dạy làm người với mục đích người được đào tạo có khả năng thích ứng nhanh với hoàn cảnh, có khả năng học tập suốt đời và có trách nhiệm cao với gia đình, xã hội và Tổ quốc.

Đi theo sự đổi mới này sẽ là hàng loạt những thay đổi căn bản. Từ chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, người thầy và cách thức giảng dạy. Theo triết lý mới này, cách dạy và học sẽ chuyển từ học để nhớ sang học để hiểu

Thứ hai, thay đổi một cách căn bản hệ thống đánh giá từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực. Đầu vào thì đánh giá năng lực có học được (cấp học, chương trình học ấy) không. Trong quá trình thì đánh giá năng lực hiểu và tiếp thu sáng tạo những điều đã học. Đầu ra thì đánh giá năng lực vận dụng những điều đã học tập, rèn luyện vào môi trường sắp tới... Tóm lại phải thay đổi căn bản những gì đang làm hiện nay trong việc thi cử, đánh giá. Sự thay đổi này sẽ mở đường cho một giai đoạn mới, người thi sẽ được sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin (như máy vi tính chẳng hạn), sử dụng mạng in-tơ-nét... Việc tổ chức thi sẽ nhẹ nhàng, đơn giản và sẽ không còn hiện tượng học vẹt, học tủ hay quay cóp nữa.

Thứ ba, việc xây dựng các chương trình giảng dạy phải có chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra ở đây là phải lấy thực tế khách quan và yêu cầu của xã hội làm căn cứ, chứ không phải là “chuẩn” do nhà trường tự quy định như nhiều cơ sở đào tạo đang làm. Như vậy chuẩn đầu ra phải hiểu là đáp ứng nhu cầu rất đa dạng cả về chủng loại và chất lượng. 

Giáo dục đại học và chuyên nghiệp là nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực các loại cho xã hội. Sự đa dạng yêu cầu về chủng loại và chất lượng lao động sẽ quy định chủng loại và sự phân tầng của các cơ sở đào tạo. Bên cạnh những yêu cầu chất lượng rất cao của các cơ sở hàng đầu, có yêu cầu vừa phải của các cơ sở không có nhu cầu đến mức ấy. Cho nên phải có cách nhìn phân tầng đối với giáo dục đại học. Trong ý nghĩa này nhất loạt hô khẩu hiệu “chất lượng cao” là duy ý chí, không thực tế và cũng không phù hợp với thực tiễn.

Thứ tư, có sự phân biệt căn bản giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học (bao gồm cả sau đại học). Trong một thời gian dài sự phân biệt này chỉ là hình thức. Không phải vô cớ mà nhiều bậc trí giả ví von một cách hài hước, nhưng lại rất chính xác là đại học Việt Nam là phổ thông cấp 4. Quả thực, ở bậc trên đại học, sinh viên cũng chỉ học những kiến thức chuyên môn chưa học ở các lớp phổ thông, còn cách dạy cách học không khác mấy so với học phổ thông.

Điều khác căn bản giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học là ở chỗ giáo dục phổ thông là dạy những kiến thức đã ổn định, trang bị nền tri thức và rèn luyện những phẩm chất cơ bản cho công dân, còn giáo dục đại học chủ yếu lại là đào tạo nguồn nhân lực có năng lực sáng tạo và ngay trong quá trình học tập đã tham gia sáng tạo tri thức mới. Ở các nước tiên tiến, những phát minh và giải thưởng khoa học quốc tế lớn đều từ các trường đại học là do đặc điểm này của đại học. Chính từ thuộc tính này mà quyền tự chủ của các trường đại học, trước hết là tự chủ về học thuật, là điều kiện tiên quyết để giáo dục đại học phát triển. Tự chủ phải gắn liền với tự chịu trách nhiệm. Hãy để các trường đại học tự chăm lo lấy thương hiệu và uy tín của mình. Quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhưng nếu không xác định được đầy đủ nội hàm của công tác này mà tăng cường quản lý của Nhà nước với rất nhiều những quy trình khắt khe thì chưa chắc đã đem lại kết quả như mong muốn. Không cẩn thận sẽ khiến cho các cơ sở đào tạo ỷ lại, ỷ thế rồi khéo léo lách qua những quy định... Khi ấy toàn bộ trách nhiệm lại được đổ lên các cơ quan quản lý.

Thứ năm, để có thể tiến hành đổi mới một cách căn bản thì giải pháp phải đồng bộ và toàn diện. Trước hết là những đổi mới về cơ chế, chính sách. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay của đất nước, không nên đặt vấn đề tăng thêm ngân sách cho giáo dục và đào tạo mà có chính sách phân phối nguồn lực cho hợp lý. Trong quá trình này, đầu tư tập trung và đầu tư hiệu quả được coi là ưu tiên. Cần chấm dứt việc đầu tư dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay. Ngoài những cơ chế chính sách về tài chính, phải đổi mới hàng loạt các cơ chế chính sách khác có liên quan đến giáo dục, đào tạo, sao cho giáo dục và đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu.

Vấn đề quyết định cho thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục là chính sách cán bộ. Chọn đúng người, giao đúng việc và có những chính sách thu hút người giỏi vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ đưa giáo dục nước nhà bước vào một thời kỳ phát triển mới./.

----------------------------------

(1) Theo xu hướng này, năm 2002 đã xuất hiện ở Hà Nội Đại học Răng-Hàm-Mặt. Trường này nhanh chóng phát triển với quy mô lên tới hơn 22.000 sinh viên. Nhưng do sớm bộc lộ tính chất bất hợp lý nên đã bị giải thể vào năm 2009.

(2) Chẳng hạn như luôn nói môn Lịch sử là quan trọng, nhưng bị coi là môn phụ thì học sinh không thể coi trọng bằng môn chính và đối với những học sinh dự định không thi khối C vào đại học thì có thể đương nhiên chểnh mảng, thậm chí không học môn này trong những năm cuối phổ thông trung học.

(3) Xem: Việt Nam net, trang Giáo dục ngày 21-7-2013