Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đại đa số người Mỹ đều tin rằng nền kinh tế nước này đang ở trong thời kỳ suy thoái, mặc dù, các số liệu thống kê của Chính phủ chưa cho thấy một sự tăng trưởng âm theo đúng định nghĩa của nó. Điều mà ai cũng biết là, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại một cách đáng kể, các thị trường địa ốc và tín dụng đang bị xáo trộn; trong khi đồng USD lại bị sụt giá mạnh và áp lực lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn giữ những ý kiến khác nhau về mức độ trầm trọng của tình hình này.

Mấy tháng vừa qua đã xuất hiện một loạt thông tin kinh tế đáng lo ngại, cuộc khủng hoảng trên thị trường tín dụng dưới tiêu chuẩn đã đẩy các ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ đến bờ vực phá sản và chỉ được cứu vãn nhờ một vụ chuyển nhượng được Chính phủ hậu thuẫn. Sản lượng công nghiệp của Mỹ tiếp tục giảm sút, trong khi giá dầu vẫn ở trên mức 100 USD/thùng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải hai lần cắt giảm lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay tiền và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng các biện pháp này dường như càng làm tăng thêm khái niệm về việc nền kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn bấp bênh. Trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình Tin tức Chủ nhật của Đài Fox, ông Lawrence Summers, nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton nhận xét: “Phần chắc chắn là chúng ta đang ở trong tình trạng suy thoái, điều mà hầu hết mọi người đã nhận thấy. Tôi hy vọng sự suy thoái sẽ được ngăn chặn một cách dễ dàng và chúng ta sẽ thấy nền kinh tế phục hồi trở lại. Nhưng sau những diễn biến trên các thị trường tài chính, thì tôi không nghĩ là điều đó có thể xảy ra”. Cũng tham gia vào chương trình truyền hình này, ông Hubbard cho rằng tình trạng hiện thời rất u ám, nhưng ông tin rằng sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Ông nói: “Rõ ràng là nền kinh tế Mỹ có chiều hướng đi xuống trong năm 2007, thị trường lao động đã bắt đầu xuống cấp, và cuộc khủng hoảng tín dụng là vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến kinh tế. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng một sự phục hồi trong nửa năm sau 2008, phần lớn nhờ vào các quyết định chính sách tài chính và tiền tệ”.

Đầu năm 2008, Chính phủ liên bang đã thực thi một kế hoạch kích thích kinh tế, trong đó có việc giảm thuế cho người có thu nhập thấp, cũng như cho các doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, một số người ở Oa-sinh-tơn vẫn kêu gọi chính phủ có các biện pháp mạnh tay hơn để tăng cường giám sát và điều hành đối với thị trường tín dụng, không chỉ để xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay mà còn để ngăn chặn việc cung cấp các khoản vay có độ rủi ro lớn, liên quan đến tình trạng rối loạn trên thị trường địa ốc hiện nay.

Charles Schunmer, nghị sĩ Đảng Dân chủ và là đại biểu bang Niu-oóc, cho rằng, việc Tổng thống George W. Bush không có biện pháp gì đã làm cho nền kinh tế trở nên xấu hơn. Phát biểu trong chương trình “This Week’” của đài ABC, ông Shumer nói: “Giá mà Chính phủ sớm có biện pháp tích cực hơn, đặc biệt là để đối phó với cuộc khủng hoảng nhà đất thì tình hình đã không đến mức như hiện nay”.

Tuy nhiên, nghị sĩ Đảng Cộng hòa đồng thời đại diện cho các cử tri bang Arizona, John Kyl lại cho rằng, Đảng Dân chủ cũng đáng chê trách không kém, khi nói đến vấn đề những vấn đề trong thị trường nhà đất và tín dụng. Ông Kyl nói: “Dĩ nhiên không phải riêng Chính quyền Bush mà cả các đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội đã đẩy các ngân hàng đứng ra cho cả những người không đủ điều kiện vay tiền”.

Trong tuần qua, nhiều dấu hiệu cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ có vẻ tạm lắng dịu, nhưng dường như các thị trường vẫn đang đứng trước nhiều khả năng có thể có những đột biến bất ngờ bùng nổ.