Về khái niệm bí mật quốc gia, bí mật nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Trong thời kỳ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ban hành Sắc lệnh số 154-SL, ngày 10-12-1951, để bổ khuyết cho Sắc lệnh số 154-SL, ngày 17-11-1950, đã sử dụng khái niệm bí mật quốc gia (BMQG). Trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 chưa đề cập đến các khái niệm BMQG hay bí mật nhà nước (BMNN), đến Hiến pháp năm 1980 mới bắt đầu sử dụng thuật ngữ BMNN (Điều 78) và Hiến pháp năm 1992 sử dụng thuật ngữ BMQG (Điều 79).
1 - Trước hết, để phân biệt khái niệm BMQG và BMNN cần xuất phát từ nội hàm của khái niệm quốc gia và nhà nước. Theo nghĩa chung nhất, quốc gia là một khái niệm địa lý và chính trị, trừu tượng về tinh thần, tình cảm và pháp lý, để chỉ về một lãnh thổ có chủ quyền, một chính quyền và những con người của các dân tộc có trên lãnh thổ đó; họ gắn bó với nhau bằng luật pháp, quyền lợi, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, chữ viết qua quá trình lịch sử lập quốc và cùng nhau xây dựng một tương lai chung trên vùng lãnh thổ có chủ quyền. Quốc gia có thể được dùng để chỉ một nước, đất nước, hai khái niệm này mặc dù thường được sử dụng thay cho nhau, song có sắc thái khác nhau. Về phương diện công pháp quốc tế, quốc gia là chủ thể cơ bản và chủ yếu tham gia tất cả các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp quốc tế. Theo Điều 1 của Công ước Montevedeo, quốc gia với tư cách là một chủ thể của pháp luật quốc tế có 4 tiêu chí: một là, có dân cư cư trú thường xuyên; hai là, có một lãnh thổ xác định; ba là, có chính phủ; bốn là, có khả năng tiến hành quan hệ với các quốc gia khác.
Còn khái niệm nhà nước, hiểu theo nghĩa pháp luật, là một tổ chức xã hội đặc biệt của quyền lực chính trị, được giai cấp thống trị thành lập nhằm thực hiện quyền lực chính trị của mình. Nhà nước có chức năng quản lý mọi mặt đời sống xã hội, trên tất cả các lĩnh vực, có trong tay công cụ quyền lực mang tính cưỡng chế để duy trì trật tự và ổn định xã hội, phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị. Bản chất của nhà nước có hai thuộc tính: tính giai cấp và tính xã hội. Tính giai cấp thể hiện ở chỗ nhà nước ra đời trước hết phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị; tính xã hội thể hiện ở chỗ nhà nước là đại diện chính thức của toàn xã hội, bảo vệ lợi ích cơ bản, lâu dài của quốc gia, dân tộc và công dân mình.
Như vậy, khái niệm quốc gia xét trên khía cạnh địa lý và chính trị có nội hàm rộng hơn khái niệm nhà nước. Nhà nước nằm trong quốc gia, gắn chặt chẽ với quốc gia. Trong quan hệ quốc tế, nhà nước được phép nhân danh quốc gia, bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Các yếu tố cấu thành quốc gia ngoài lãnh thổ, dân cư, còn gắn liền với hệ thống chính trị, trong đó nhà nước là một thành tố cơ bản và quan trọng nhất (ngoài nhà nước còn có các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và tổ chức khác). Do đó, xét về mặt thuật ngữ và tư duy lô-gic, thì khái niệm BMQG có nội hàm rộng hơn khái niệm BMNN.
2 - Các nước trên thế giới sử dụng thuật ngữ BMQG hay BMNN trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng khác nhau (Mỹ, Nga… sử dụng từ BMQG; Trung Quốc, Gru-di-a, Môn-đô-va... sử dụng từ BMNN). Hiệp định của Chính phủ Việt Nam ký kết với Chính phủ các nước Ba Lan, Bê-la-rút, Bun-ga-ri, Nga và U-crai-na sử dụng cụm từ “Tin mật” và cũng chia thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, tối mật và mật. Tuy nhiên, do đặc thù ở Việt Nam hiện nay, nội hàm khái niệm BMQG và BMNN được quan niệm đồng nhất, dẫn đến việc sự dụng không thống nhất trong các văn bản pháp quy, cụ thể là:
Thứ nhất, Từ điển tiếng Việt không có khái niệm BMQG, BMNN, chỉ nêu khái niệm: “Bí mật là điều cần giữ kín trong phạm vi một số ít người, không để lộ cho người ngoài biết”. Từ điển Bách khoa của ngành công an trích dẫn khái niệm BMNN và BMQG là một.
Thứ hai, nội hàm khái niệm BMQG nêu tại Điều 2 Sắc lệnh số 69/SL, ngày 10-12-1951, của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “…là những việc, những tài liệu, những địa điểm và những điều gì mà để tiết lộ ra thì có hại cho ta, có lợi cho địch”, gồm 3 nội dung chính: Đây là điều quan trọng cần được giữ kín, không được tiết lộ cho người ngoài biết, chỉ những người có trách nhiệm mới được biết; bí mật đó thể hiện dưới các dạng, như: việc, tài liệu, địa điểm hay điều gì đó; bí mật đó nếu bị tiết lộ thì có hại cho ta, có lợi cho địch. Còn nội hàm khái niệm BMNN quy định tại Điều 1, Pháp lệnh Bảo vệ BMNN năm 2000: “…là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cũng bao gồm 3 nội dung như trên, nhưng được quy định cụ thể hơn, dễ nhận diện hơn.
Thứ ba, điểm mới quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ BMNN năm 2000 so với Pháp lệnh năm 1991, đó là đưa các khái niệm “tổ chức chính trị“, “tổ chức chính trị - xã hội” vào Lời nói đầu và Điều 2 để khẳng định trách nhiệm bảo vệ BMNN là của tất cả các cơ quan, tổ chức và mọi công dân, trong đó có tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Điều 12, Pháp lệnh năm 2000 cũng quy định việc lập danh mục, xác định, thay đổi độ mật và giải mật BMNN trình cấp có thẩm quyền quyết định là trách nhiệm của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức và chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp. Điều 1 và Điều 2 Nghị định số 33/2002/NĐ-CP, ngày 28-3-2002, của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ BMNN quy định người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, gồm: Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; người đứng đầu các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cấp Trung ương và người được ủy quyền là: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và Trưởng các Ban của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. Theo quy định, bí mật của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế và các tổ chức khác đều phải lập thành danh mục BMNN trình cấp có thẩm quyền quyết định để tổ chức bảo vệ. Như vậy, BMNN bao trùm toàn bộ, kể cả bí mật của Đảng, của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế và các tổ chức khác.
3 - Một số đề xuất, kiến nghị
Như trình bày trên, khái niệm BMQG, BMNN với đặc thù ở Việt Nam được quan niệm đồng nhất, dẫn đến việc sử dụng không thống nhất trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; đồng thời Quốc hội Khóa XII đã đưa dự án Luật Bảo vệ BMNN (thay thế Pháp lệnh Bảo vệ BMNN năm 2000) vào chương trình chuẩn bị trong nhiệm kỳ 2011 - 2016. Do đó, đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu sử dụng thống nhất một khái niệm BMQG hoặc BMNN. Tuy nhiên, việc lựa chọn sử dụng khái niệm nào đến nay vẫn tồn tại hai luồng ý kiến: một số ý kiến cho rằng nên sử dụng khái niệm BMQG để mang tính bao trùm toàn bộ những bí mật của quốc gia, của dân tộc, bí mật của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế, các tổ chức phi chính phủ… Số ý kiến còn lại cho rằng, sử dụng khái niệm BMNN là chính xác hơn, vì BMNN là tài sản đặc biệt của Nhà nước, do Nhà nước ban hành, được Nhà nước bảo vệ. Ở Việt Nam, Hiến pháp quy định Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, song mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật do Nhà nước ban hành; bí mật của Đảng cũng phải được bảo vệ và phải được lập danh mục, xác định, thay đổi độ mật và giải mật theo quy định của pháp luật. Vì vậy, bí mật của Đảng cũng chính là BMNN. Trong quá trình soạn thảo Pháp lệnh năm 1991 và Pháp lệnh năm 2000 đã từng xảy ra nhiều tranh luận xung quanh việc lựa chọn khái niệm BMQG hay BMNN. Tuy nhiên, trong cả hai lần dự thảo Pháp lệnh, đa số các đại biểu trong Hội đồng Nhà nước (năm 1991) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (năm 2000) đều nhất trí biểu quyết thông qua việc sử dụng khái niệm BMNN.
Theo quan điểm của chúng tôi, việc sử dụng thống nhất một khái niệm (BMQG hay BMNN) là cần thiết, song điều quan trọng hơn đó là phải xác định chính xác, khách quan, rõ ràng, cụ thể nội hàm của khái niệm để dễ định tính, định lượng và có tính khả thi khi áp dụng trong thực tế. Khái niệm BMQG, BMNN như trình bày trên có một số điểm còn chung chung, trừu tượng, khó định tính, định lượng, dẫn đến trong thực tế việc xác định danh mục BMNN và từng BMNN cụ thể còn lúng túng, theo một trong hai xu hướng: một là, xác định BMNN một cách tràn lan gây khó khăn cho công tác bảo vệ; hai là, xác định BMNN quá cứng nhắc, chặt chẽ, dẫn đến sót, lọt những bí mật quan trọng cần phải bảo vệ. Vì vậy, chúng tôi đề xuất như sau:
Một là, việc lựa chọn thống nhất một khái niệm BMQG hoặc BMNN, có 2 phương án: Phương án 1: Dùng khái niệm BMQG vì sẽ bao trùm tất cả, tránh hiểu lầm, nhưng sẽ phức tạp hơn vì phải sửa lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Phương án 2: Dùng khái niệm BMNN, chỉ cần sửa Điều 79 Hiến pháp năm 1992. Do đó, nên chọn phương án 2.
Hai là, đề xuất sửa đổi, bổ sung khái niệm BMNN như sau: “Bí mật nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói hoặc thể hiện dưới dạng khác có nội dung quan trọng cần được giữ kín theo quy định của pháp luật, nếu bị tiết lộ sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức khác”./.
Huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên: Gắn phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật  (24/09/2013)
Huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên: Gắn phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật  (24/09/2013)
Chậu hoa, cây cảnh  (24/09/2013)
Tăng cường hợp tác hai Đảng Cộng sản Việt - Nhật  (23/09/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển