TCCS - Trong “Thế giới phẳng” ngày nay, người ta vẫn băn khoăn về sự thao túng các chính phủ của các tập đoàn xuyên quốc gia và các thế lực tài phiệt quốc tế... Vậy, một bài toán lớn cần được đặt lên bàn nghị sự là, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các tập đoàn kinh tế Việt Nam nói riêng, phải triển khai chiến lược và chiến thuật cạnh tranh như thế nào? Bài toán đó khó có lời giải đúng nếu thiếu sự huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc với nền kinh tế đa thành phần.

1 - Áp lực cạnh tranh trong toàn cầu hóa

Các chính phủ và liên minh khu vực, các tổ chức phát triển đa phương, tập đoàn xuyên quốc gia (Transnational Corporations - TNCs) đang được xem là những tác nhân có ảnh hưởng nhiều nhất tới sự vận hành của hệ thống kinh tế thế giới. Thế nhưng trong số đó, từ năm 1997, Báo cáo Đầu tư toàn cầu của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc đã xếp TNCs ở vị trí số một có ý nghĩa quyết định đến việc đầu tư, thương mại và phát triển kinh tế thế giới, rồi mới đến cấu trúc thị trường và chính sách cạnh tranh(1). Chính vì vai trò của TNCs trong mọi hoạt động kinh tế quốc tế ngày càng bành trướng nên khả năng thao túng và lũng đoạn kinh tế của chúng thậm chí được xem là nguyên nhân chính của khủng hoảng tài chính - tiền tệ toàn cầu năm 2007 - 2009. Nhiều nhà phân tích, nghiên cứu và ngay cả các nhà điều hành kinh tế đều thừa nhận uy quyền lấn át của những thế lực tài phiệt công nghiệp - ngân hàng quốc tế đối với các chính phủ.

Khi Việt Nam bắt đầu tham gia sân chơi WTO, cùng với sự hứng khởi trước bước tiến dài của đất nước trên hành trình hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế là những quan ngại về sức ép cạnh tranh tăng lên với sự hiện diện ngày một đông đảo hơn của TNCs trong nhiều lĩnh vực và hoạt động kinh tế. Các nhà kinh tế và giới truyền thông Việt Nam, trước tiên, đã đề cập tới nguy cơ các kênh phân phối nội địa - hệ thống huyết mạch của nền kinh tế quốc dân - rơi vào “vòng kiểm soát” của các tập đoàn ngoại quốc như Metro, Big C, Carrefour, hay Wal-Mart. Nguy cơ này đến nay vẫn chưa hề giảm. Tiếp sau đó, trong quãng thời gian “thăng hoa” của thị trường chứng khoán, bắt đầu từ nửa cuối năm 2006 đến hết năm 2007, Việt Nam chứng kiến sự hiện diện và hoạt động tích cực của những tập đoàn đầu tư danh tiếng nhất thế giới, như: Morgan Stanley, HSBC, Deutsche Bank, Texas Pacific Group, Daiwa, Nomura, Merrill Lynch... Từng động thái của những thế lực tài chính này đều tạo ra tác động rõ ràng tới xu thế tăng hay giảm của chỉ số chứng khoán Việt Nam. Thực ra, từ trước đó, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường trong nước của những tập đoàn đến từ châu Âu và Mỹ (Pepsi, Coca Cola, Nestle, hay Unilever) và từ cả các quốc gia láng giềng như Thái Lan (CP) hay In-đô-nê-xi-a (Japfa Comfeed).

Riêng lẻ trong từng ngành hàng, từng “cặp đấu tay đôi”, chúng ta có chiến thắng. Nhưng nhìn toàn cục, thì cần thẳng thắn thừa nhận rằng, vẫn còn rất thiếu những thương hiệu Việt Nam đủ tầm vóc sánh ngang “các cường quốc năm châu”. Nhìn vào ngành kinh doanh bất động sản hay ngân hàng, chứng khoán - những lĩnh vực phát triển “nóng” nhất hiện nay - Việt Nam đã có những thương hiệu và công ty lớn, tăng trưởng nhanh. Thế nhưng, tất cả vẫn còn đang loay hoay trong chính “sân nhà”. Cần một khối đoàn kết để tạo nên sức mạnh kinh doanh quốc gia, đây cũng là bài học từ kinh nghiệm tăng trưởng kinh tế Nhật Bản với động lực thúc đẩy là các keiretsu(3).

Rõ ràng, cuộc chiến cạnh tranh chiếm hữu nguồn lực và lợi nhuận đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Một bên là các nền kinh tế đang phát triển, nguồn cung nguyên liệu thô cho thế giới và thị trường tiêu thụ dồi dào hàng hóa chế biến, công nghệ cao. Phía bên kia, có sức mạnh áp đảo, là khối gắn kết lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ, thể chế đa phương, hệ thống tình báo công nghiệp và cả các chính phủ quốc tế(2). Trong những “hiệp đấu” này, sức mạnh vật chất của vốn, nhân lực, trình độ công nghệ, kỹ nghệ quản trị nghiêng hẳn về thế giới phương Tây. Hơn thế nữa, những nguồn lực mềm của thông tin định hướng và yểm trợ chính sách có quyền năng rất lớn, góp phần quan trọng trong cắt giảm chi phí và thúc đẩy quá trình đầu tư, kinh doanh tiến hành nhanh chóng và thuận lợi. Phần sức mạnh vô hình và khó lường này đang trở nên thiết yếu trong nền kinh tế học thông tin toàn cầu hóa. Ở tình thế như vậy, cộng đồng kinh doanh bản địa dễ dàng bị đẩy vào “vòng luẩn quẩn” của công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tích lũy ít ỏi và không thể bứt phá khỏi vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Vậy, nền kinh tế Việt Nam, với đại diện là cộng đồng doanh nghiệp nhiều thành phần sẽ đón tiếp các vị khách quốc tế này ra sao?

Nhiều câu trả lời có thể sẽ là hợp tác cùng có lợi! Đúng vậy, nhưng xây dựng quan hệ hợp tác với tâm thế nào? Lợi ích cùng cách thức chia sẻ ra sao thì công bằng? Doanh nghiệp Việt Nam hành xử như một vị chủ nhà hiếu khách và cần được tôn trọng. Triết lý phương Đông có câu, “khách mạnh không được lấn chủ.” Trong quan hệ đối tác bình đẳng, trước tiên và trên hết, là lợi ích của đất nước và dân tộc. Còn cần nhìn xa hơn thế. Xây dựng thị trường nội địa vững chắc cũng là để tiến ra biển lớn kinh tế thế giới. Những cuộc quyết đấu trên thị trường là không thể tránh khỏi. Thương trường là chiến trường với nhiều mặt trận, chiến dịch mà các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có cách đứng lên và đối diện với thực tế khắc nghiệt. “Chiến thắng là phần thưởng cho các chiến binh quả cảm”.

Áp lực cạnh tranh toàn cầu hóa thự sự vô cùng khắc nghiệt. “Sân chơi” toàn cầu có những luật lệ mới đòi hỏi tư duy tiếp cận mới, có tính đến sự vận động của địa - kinh tế toàn cầu(4). Trước đây và hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam, cho dù mức độ tiếp cận và khai thác có độ khó khăn khác nhau, thì nhìn chung vẫn dễ dàng huy động và sử dụng các nguồn lực nội địa sắn có. Với sức ép cạnh tranh từ bên ngoài không ngừng tăng lên, nếu không có phương pháp nắm giữ và sử dụng hợp lý thì những nguồn lực này sẽ nhanh chóng rơi vào tay các thế lực đa quốc gia.

Rất khó để các doanh nghiệp Việt Nam, có bề dày kinh nghiệm trong kinh tế thị trường chỉ một vài thập niên, trong một nền kinh tế còn đang chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung sang kinh tế thị trường, xác lập được quan hệ kinh doanh bình đẳng với các TNC đã phát triển cả trăm năm.

Dù có tên gọi là tổng công ty, tập đoàn kinh tế (TĐKT), doanh nghiệp trọng điểm... thì trong cả khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, hệ thống kinh tế Việt Nam vẫn cần sự hiện diện, và ngày một nhiều hơn, những cỗ máy kinh doanh được thiết kế cho hành trình dài, tầm nhìn vượt giới hạn không gian - thời gian, chứa đựng khát vọng xây dựng hình ảnh và tích tụ sức mạnh quốc gia. Một “cơ thể” muốn cường tráng cần nhiều dinh dưỡng. Các thể chế kinh doanh này, như chúng ta vẫn gọi là TĐKT, cần được nền kinh tế trao nguồn lực, được thị trường và cộng đồng ủng hộ, và được Chính phủ ủy thác sứ mệnh phát triển sức mạnh kinh tế quốc gia. TĐKT không chỉ là một danh hiệu, mà phải được xác định bằng khả năng tiếp nhận, quản trị và triển khai hiệu quả nguồn lực lớn lao được tập trung cho số ít các đại diện tiêu biểu của nền kinh tế. Không phân biệt sở hữu tư nhân hay sở hữu nhà nước(5), TĐKT Việt Nam cần có cốt lõi năng lực tiếp cận và sử dụng nguồn lực quy mô lớn, thực thi các sứ mệnh lớn, tạo kết nối bền chắc giữa sản xuất - thương mại - phân phối - tài chính - Nghiên cứu và phát triển (R&D) để trở thành các “chiến binh quốc tế”, không ngừng vươn tới các vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

2 - Một số điểm chú ý về mô hình TĐKT ở Việt Nam

Thứ nhất, về địa vị pháp lý: Nghị định số 101/2009/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 5-11-2009, quy định TĐKT có tư cách pháp nhân và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Theo Nghị định này, TĐKT có thể thành lập theo hai cách. Cách thứ nhất, lập ra một doanh nghiệp mới, gọi là công ty mẹ hay Holdings Company, sẽ tiếp nhận phần sở hữu tại các doanh nghiệp thành viên để hình thành TĐKT. Cách thứ hai, một doanh nghiệp đang hoạt động được lựa chọn làm công ty mẹ. Doanh nghiệp này sẽ tiếp nhận phần sở hữu toàn bộ hay chi phối, tại các doanh nghiệp thành viên để hình thành TĐKT.

Nghị định số 101 tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động của TĐKT ở Việt Nam. Tuy vậy, đối tượng điều chỉnh của Nghị định mới chỉ giới hạn trong phạm vi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tức là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối. Đây là điểm hạn chế. Thậm chí, khi VCCI và Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức lấy ý kiến các luật sư, chuyên gia kinh tế, đại diện TĐKT và doanh nghiệp, đa số đại biểu còn có ý kiến không nên ban hành một nghị định dành riêng cho TĐKT nhà nước(6).

Với mục tiêu một hệ thống kinh tế quốc gia vững mạnh, khu vực kinh tế tư nhân đang lớn mạnh và có đóng góp ngày một quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xứng đáng có những đại diện trong lực lượng kinh tế chủ đạo.

Thứ hai, về động lực phát triển kinh tế quốc gia: Trong cuộc làm việc sáng ngày 10-3-2010 giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo, đại diện của hơn 100 tập đoàn, Tổng công ty (TCT) 91 và 90 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận những đóng góp của các TĐKT và TCT trong bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết phát triển kinh tế - xã hội theo đúng mục tiêu đề ra, trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và suy thoái có nhiều tác động tích cực đến Việt Nam.

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ làm “đầu tàu” tăng trưởng cho các TĐKT, TCT. Năm 2010, các TĐKT, TCT và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Đây là cơ sở để hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua là tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, giữ lạm phát ở mức khoảng 7% trong năm 2010, và hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Trọng trách này, người đứng đầu Chính phủ giao cho các doanh nghiệp hàng đầu, không phân biệt nhà nước hay tư nhân.

Thứ ba, về tập trung nguồn lực lớn của quốc gia cho các các mục tiêu phát triển: Thống kê vào tháng 10-2008 của Bộ Tài chính cho biết, TĐKT và TCT sở hữu gần 400.000 tỉ đồng, chiếm hầu hết vốn của Nhà nước tại các DNNN, nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, khoảng 60% tổng tín dụng ngân hàng trong nước và tổng vốn vay nước ngoài.

Đầu tư dàn trải, sử dụng thiếu hiệu quả nguồn vốn và tài nguyên vẫn đang là vấn đề công luận bức xúc, nhắc tới nhiều. Nếu không sớm giải quyết tốt, sẽ tiếp tục lãng phí nguồn lực quốc gia và trở thành mối nguy với doanh nghiệp và cả hệ thống kinh tế.

Khi được công nhận chính thức vai trò TĐKT, khu vực kinh tế tư nhân sẽ có thêm điều kiện tiếp cận và sử dụng nhiều nguồn lực hơn nữa. Trong kỳ họp đầu tháng 2-2010, Ban Bí thư đã ra Kết luận về tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, theo đó, sẽ có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân được vay vốn ODA như DNNN. Theo cơ chế này, nhiều khả năng sẽ triển khai quan hệ đối tác nhà nước - tư nhân (PPP), được kỳ vọng tạo cú hích cho các TĐKT tư nhân, tập trung các điều kiện hỗ trợ vượt trội về tiếp cận thông tin, ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ nghệ quản trị...

Thứ tư, về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm quốc gia: Có nguồn lực tốt hơn, dồi dào hơn thực sự là lực đẩy quan trọng để các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, chuyển dịch lên vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó, có đóng góp lớn hơn vào thành tựu kinh tế của đất nước. Nhưng quyền lợi phải gắn liền với trách nhiệm. Nguồn lực được giao phải được sử dụng hiệu quả, trước tiên và trên hết, vì lợi ích của quốc gia, phục vụ cho nhân dân. Những người chủ doanh nghiệp tư nhân, trong quá trình phấn đấu mở rộng và tăng trưởng trở thành TĐKT, phải nhận thức ngày một đầy đủ hơn, thể hiện bằng hành động cụ thể ngày một nhiều hơn trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.

Mức độ hoàn thành trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, cộng đồng và đất nước cần thiết là một tiêu chuẩn đánh giá khả năng trở thành TĐKT. Hiện đây còn là vấn đề đang bỏ ngỏ.

Đầu tư dàn trải, sử dụng thiếu hiệu quả nguồn vốn và tài nguyên vẫn đang là vấn đề công luận bức xúc, nhắc tới nhiều. Nếu không sớm giải quyết tốt, sẽ tiếp tục lãng phí nguồn lực quốc gia và trở thành mối nguy với doanh nghiệp và cả hệ thống kinh tế.

Nếu trước đây, nguồn lực đất nước còn có sự phân tán vào các khu vực và lực lượng kinh tế, thì với sự hiện diện chính thức của TĐKT tư nhân, nguồn lực càng được tập trung cao hơn vào một số ít các “đầu tàu” kinh tế. Đổ vỡ của TĐKT, khi này, có thể tạo thành hiệu ứng dây chuyền, tác hại cho toàn bộ nền sản xuất - kinh doanh của quốc gia. Vai trò và vị thế mới của TĐKT trong toàn cầu hóa đặt ra các yêu cầu đổi mới trong quản trị doanh nghiệp.

Thứ năm, về phương thức quản trị theo công ty đại chúng: Giống như hầu hết các doanh nghiệp tư nhân Đông Á và cũng là vấn đề đặt ra với các cheabol và keiretsu, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam còn phổ biến quản trị theo phương thức gia đình. Hoạt động theo tư cách TĐKT đòi hỏi phải có những chuyển đổi về nhận thức và phương thức quản trị bắt đầu từ người chủ sở hữu, cũng thường là cấp quản trị cao nhất trong tập đoàn tư nhân.

Một TĐKT có điều kiện sử dụng và khai thác nguồn lực lớn của xã hội, tiếp nhận từ Chính phủ, từ cộng đồng bắt buộc phải được quản trị theo phương thức công ty đại chúng. Điều này không có nghĩa TĐKT phải là công ty cổ phần hay phải có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tính đại chúng thể hiện trong bản chất điều hành doanh nghiệp. Đó là công khai, minh bạch thông tin, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm với nhà nước và công chúng - những người sở hữu một phần, dù nhỏ hay lớn, dù trực tiếp hay gián tiếp - TĐKT tư nhân.

Thứ sáu, về quản trị rủi ro: TĐKT hoạt động đa ngành tạo điều kiện để phân tán rủi ro sản xuất kinh doanh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mức độ phức tạp trong quản trị rủi ro của TĐKT tăng lên nhiều lần. Quy mô hoạt động của doanh nghiệp, xét trên nhiều yếu tố (độ bao phủ địa lý, lĩnh vực kinh doanh, số lượng nhân công, số lượng sản phẩm dịch vụ...), có sự tăng trưởng nhảy vọt có thể trở thành rủi ro lớn cho doanh nghiệp khi năng lực quản trị của đội ngũ điều hành không kịp phát triển tương ứng.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy, liên kết sở hữu chéo, nhằng nhịt giữa các thành viên tập đoàn, đặc biệt là quan hệ các ngân hàng và tổ chức tài chính - tín dụng tiềm tàng rủi ro lớn cho các TĐKT và hệ thống kinh tế quốc gia. Hiện tượng các TĐKT nhà nước đều có chiến lược tương tự nhau trong phát triển hoạt động ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư thời gian qua thực sự tạo lo ngại cho giới phân tích, nghiên cứu và cả những nhà hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu cũng chịu sức ép triển khai chiến lược tương tự. Rủi ro này cần được phòng ngừa từ xa và bằng cả hành lang pháp lý.

TĐKT nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ (cơ chế quản lý đặc thù riêng, được giao sứ mệnh trọng trách...) và tiếp nối là từ toàn xã hội (ủng hộ tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ ở thị trường nội địa, tập hợp nguồn vốn nhỏ lẻ trong cộng đồng...). Đồng thời, công chúng đông đảo sẽ là lực lượng giám sát khắt khe và thường trực với từng hoạt động của TĐKT, nhất là các TĐKT tư nhân. Sức ép lớn này là cần thiết và phải vượt qua được để Việt Nam thực sự phát triển một lực lượng kinh tế lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên “sân chơi” toàn cầu.

3 - TĐKT - “Chiến binh Việt Nam” trên thị trường toàn cầu

Tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục trong cả thập niên qua của Việt Nam chững lại do tác động của khủng hoảng 2007 - 2009 nhưng đang dần phục hồi tích cực. Với tốc độ tích lũy ngày càng cao hơn của nền kinh tế, hình thành và phát triển tự nhiên của các TĐKT là phù hợp với quy luật khách quan trong quá trình chuyển đổi. Trong tiến trình này, câu hỏi “Các TĐKT đã thực hiện đúng sứ mạng được giao?” và “TĐKT cần làm gì để hoạt động tốt hơn nữa, thành công hơn nữa?” còn tiếp tục được đặt ra, được trả lời và lại đặt ra. Nếu đây là đội quân chủ lực của hệ thống kinh tế quốc dân thì kinh tế phải được đặt vào vị trí trung tâm của các trung tâm, nguồn lực - cả hữu hình và vô hình - cùng tâm sức của các nhà lãnh đạo đất nước, giới tinh hoa tri thức và kinh doanh cùng phải dồn cho TĐKT.

Việt Nam đã chính thức bước vào “sân chơi” WTO, tuân thủ các quy tắc kinh tế thị trường của thế giới. Hướng tới mục tiêu tối đa hóa lợi ích và đóng góp của TĐKT với quốc gia và dân tộc cần bỏ qua ranh giới phân biệt dân doanh và quốc doanh, cả về mặt hành chính và tư duy quan niệm. Chừng nào vẫn còn cách phân loại này, sẽ vẫn còn đối xử khác biệt. Trong khi đó, vai trò và đóng góp ngày một lớn hơn của lực lượng kinh tế tư nhân đang được cả Chính phủ và cộng đồng ghi nhận. Như vậy, nền tảng của TĐKT quyết định ở bản chất công nghệ kinh doanh, sức mạnh cạnh tranh, và phương pháp sáng tạo giá trị mới ở chính từng công ty/nhóm công ty.

Năng lực cốt lõi này thể hiện qua triết lý kinh doanh, tầm nhìn chiến lược về vị thế doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu và đặt đúng mục tiêu. Mỗi TĐKT cần tìm cho mình một hướng đi riêng để phát huy ưu thế cạnh tranh tương đối của Việt Nam với phần còn lại của thế giới và có nhiệm vụ trình bày nổi bật nhất các thế mạnh của mình để được cả Chính phủ và thị trường lựa chọn. Khi được công nhận là TĐKT, công ty cần xây dựng hệ thống tư tưởng và triết lý kinh doanh cho dài hạn, hiểu thấu khái niệm tầm nhìn xa và quyền lực của hệ thống doanh nghiệp, nắm bắt kỳ vọng của xã hội với TĐKT và trung thực nhìn nhận những gì đã làm được cho đất nước.

Mức độ hoàn thành trách nhiệm xã hội trở thành thước đo văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp, “sức mạnh mềm” của sách lược “chiến tranh nhân dân” huy động sức mạnh tổng lực quốc gia trong phát triển kinh tế. Khi Chính phủ, thị trường và cộng đồng cùng sử dụng tiêu chuẩn này, vách ngăn giữa tư nhân và Nhà nước thực sự bị xóa bỏ. Chỉ còn lại một tiêu chí duy nhất được thừa nhận rộng rãi: đóng góp của tập đoàn vào sức mạnh kinh tế quốc dân và phúc lợi của nhân dân. Vai trò của đội quân chủ lực, lẽ tự nhiên, được làm rõ và công nhận.

Khi đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, TĐKT không đơn thuần là một thể chế kinh doanh hướng tới mục tiêu lợi nhuận, mà còn thể hiện hình ảnh, tầm vóc, các giá trị văn hóa truyền thống của quốc gia và dân tộc. Một đất nước dù nhỏ bé về địa lý vẫn có thể sản sinh những tập đoàn toàn cầu hùng mạnh. Đó là một hiện thực, ngày nay thế giới đã biết đến một Nokia của Phần Lan hay Nestle của Thụy Sĩ.

Đó cũng chính là bài học từ các chaebol của Hàn Quốc, tuy có đi sau Nhật Bản, chấp nhận đứng thấp hơn về chất lượng nhưng đã tìm được cách riêng để tạo lập vị thế của mình. Thành công của Hàn Quốc là khả năng ra “cú đấm tổng lực”, tập trung sức mạnh chính trị, ngoại giao, văn hóa, phim ảnh... Quyền lực mềm của các tập đoàn Hàn Quốc đã gia tăng đáng kể. Hàn Quốc thực thi một chiến lược quốc gia với những điểm nhấn cụ thể, khai thác yếu tố văn hóa và đặc trưng xã hội Á Đông. Đó là công nghệ thiết kế kiểu dáng, ứng dụng cho nhiều loại sản phẩm từ ô-tô, tới hàng tiêu dùng, thời trang, và mỹ phẩm.

Cạnh tranh là không thể né tránh trong toàn cầu hóa. Cách tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam là quyết liệt khai thác lợi ích từ cạnh tranh. TĐKT hùng mạnh cần xây dựng và khai thác hiệu quả cùng lúc cả “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm”. “Sức mạnh cứng” gồm tài nguyên, nguồn vốn, con người, công nghệ... là có giới hạn. “Sức mạnh mềm” từ vốn tri thức, hoạt động truyền thông tốt để xây dựng lòng tin và sự tin tưởng, hình thành sức thuyết phục và hấp dẫn thì không có giới hạn. “Quyền lực mềm” này đạt được khi TĐKT hội tụ đủ các yếu tố khát vọng, sáng tạo, đam mê, và sự kiên trì./.
 
_____________________________________________

(1) UN Conference on Trade and Development: World Investment Report 1997: Transnational Corporations, Market Structure, and Competition Policy, New York and Geneva, 1997

(2) John Perkin: Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, Nxb Penguin, New York, 2007

(3) Keiretsu là một phương thức hợp tác kinh doanh mang đậm nét đặc trưng kiểu Nhật. Nội dung quan trọng nhất của Keiretsu là tạo ra mối liên kết hàng ngang giữa các công ty làm ăn với nhau bằng phương thức xâm nhập sâu vào nhau qua mua cổ phần của đối tác. Phương thức này đặc biệt phổ biến trong quan hệ giữa nhà sản xuất với các nhà thầu phụ của họ

(4) Xem: Một cuộc chiến thương mại toàn cầu đang ngày một gay gắt hơn giữa Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc chắc chắn tác động nhiều mặt tới hệ thống kinh tế Việt Nam, Phân tích kinh tế Vebimo.com, ngày 18-3-2010

(5) http://www.tin247.com/cho_phep_thanh_lap_tap_doan_kinh_te_tu_nhan-3-21505875.html

6) Thu Hường: Không nên ban hành nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước, Báo Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 24-11-2008