TCCSĐT - Năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế “dựa trên xuất khẩu nguyên liệu” truyền thống của Nga đã chịu những tác động nặng nề do quá phụ thuộc vào ngành năng lượng. Bước sang năm 2010, Chính phủ Nga tiếp tục khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế, đồng thời triển khai các nhiệm vụ phát triển dài hạn nhằm hiện đại hóa đất nước.
 
Năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế “dựa trên xuất khẩu nguyên liệu” truyền thống của Nga đã chịu những tác động nặng nề do quá phụ thuộc vào ngành năng lượng. Cả năm 2009, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Nga giảm khoảng 7,5% so với năm 2008; lạm phát ở mức trên 10%, thu nhập của người dân giảm 6,8%; doanh số bán ô tô giảm 56%. Quỹ Dự trữ giảm, Quỹ Phúc lợi quốc gia cũng giảm. Cơ quan quản lý vàng và đá quý quốc gia Nga đã phải áp dụng biện pháp bán vàng để bổ sung ngân sách quốc gia đang bị thâm hụt nặng. Chính phủ cũng trì hoãn cuộc thám hiểm tới Mặt Trăng Phobos cho đến năm 2011 và các dự án khác như Chương trình nghiên cứu sao Hỏa, sao Kim trong Kế hoạch không gian vũ trụ, cũng như dự án thăm dò Mặt Trăng và tìm hiểu sao Mộc do Nga và Cục hàng không vũ trụ châu Âu hợp tác.

1. Nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - tài chính

Để đối phó với những tác động từ khủng hoảng - kinh tế tài chính toàn cầu, năm 2009, Chính phủ Nga đã triển khai 7 biện pháp chủ yếu sau:

Một là, Nhà nước tăng cường thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chú trọng hỗ trợ các gia đình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu; cung cấp các dịch vụ xã hội - y tế bảo đảm chất lượng, tăng cường chế độ bảo hiểm xã hội, hiện đại hóa hệ thống bảo hiểm nhân thọ cho người dân; áp dụng rộng rãi các biện pháp tạo cơ hội việc làm và ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tái đào tạo chuyên môn và thực hiện hỗ trợ định hướng việc làm cho người lao động, hỗ trợ cho những người có nhu cầu mua nhà.

Hai là, bảo đảm và phát huy tiềm lực phát triển trong tương lai của ngành công nghiệp và công nghệ. Nhà nước trực tiếp bơm vốn vào các công ty và bảo lãnh cho các doanh nghiệp sản xuất quan trọng, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty.

Ba là, kích thích nhu cầu nội địa về các sản phẩm hàng hóa trong nước của Nga. Nhà nước phát huy vai trò quan trọng trong các lĩnh vực đầu tư và tiêu thụ, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng nhà ở (nhà nước đã mua 25% diện tích nhà ở được xây cất trong năm 2009), vận chuyển và công nghiệp quốc phòng.

Bốn là, kích thích tái cơ cấu và hiện đại hoá nền kinh tế theo hướng đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Năm là, tiếp tục phát triển các thể chế thị trường trọng yếu, xóa bỏ những trở ngại kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế.

Sáu là, xây dựng hệ thống tài chính vững mạnh, thị trường tín dụng ổn định và vững chắc, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện kích thích đầu tư lâu dài.

Bảy là, bảo đảm tính ổn định kinh tế vĩ mô; áp dụng các biện pháp bảo vệ, duy trì sự ổn định của đồng rúp, giảm mức thâm hụt ngân sách, giảm tỷ lệ lạm phát, khống chế giá hàng nhu yếu phẩm, vật dụng hàng ngày và chi phí cho dịch vụ tài chính nhà đất không tăng cao.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ, chính phủ Nga đã chi ra 410 tỉ rúp dành cho những khoản nợ thứ cấp; lên kế hoạch bảo lãnh cho các khoản vay tính tới cuối năm 2009 với tổng giá trị bảo lãnh là 300 tỉ rúp (tỷ giá hiện hành trong tháng 5-2010 là khoảng 3000 rúp/đô-la Mỹ); dành khoản dự phòng trị giá 150 tỉ rúp từ ngân sách nhà nước cho việc chuyển đổi trái phiếu chính phủ sang cổ phiếu ngân hàng; triển khai kế hoạch kích cầu tiêu thụ ô tô, trong đó có việc khuyến khích khách hàng đổi xe cũ lấy xe mới, tương tự như chương trình "cash-for-clunkers" của Mỹ.

Những biện pháp chống khủng hoảng và nỗ lực trong chính sách của chính phủ Nga đã bước đầu đem lại những kết quả tích cực: chỉ số phát triển kinh tế khá ấn tượng và tình hình tài chính sáng sủa. Theo số liệu của Cục Thống kê Nga, GDP trong quý I/2010 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 0,6% so với quý trước, tức tiếp tục chiều hướng phục hồi. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 5,8%, nông nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Nga trong quý I/2010 đạt 136,6 tỉ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 91,3 tỉ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ, nhập khẩu 45,3 tỉ USD, tăng 1,44% so với cùng kỳ. Bộ trưởng Tài chính Nga, ông A-lếch-xây Ku-rin cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2010 của Nga có thể đạt 4%, cao hơn so với dự báo ban đầu là 3,1%.

Nhu cầu về trái phiếu Nga trên thị trường đã tăng lên 5 lần và nhận được đánh giá cao do một số nhà đầu tư tin tưởng rằng, vào thời điểm hiện tại, sự tăng trưởng kinh tế của Nga mạnh mẽ hơn và đáng tin cậy hơn so với Mỹ và một số quốc gia EU. Trái phiếu 5 năm của Nga lần này giao dịch với giá bằng 125% giá trái phiếu Mỹ, trái phiếu 10 năm bằng 135% trái phiếu Mỹ cùng kỳ hạn.

Đây là thành công đáng ghi nhận đối với Nga từ sau sự kiện khủng hoảng kinh tế và tài chính - nợ quốc tế của Nga 12 năm về trước. Hãng Fitch đã hoàn trả lại mức đánh giá nền kinh tế Nga trước khủng hoảng, sau khi nâng dự báo xếp hạng lâu dài Liên bang Nga từ “tiêu cực” lên mức “ổn định”. Trước đó, Standard & Poors và Moody’s cũng đã thực hiện điều này. Theo quan điểm của Goldman Sachs, Nga còn là thị trường tốt nhất để đầu tư vì đem lại mức lợi nhuận cao. Trên tờ Financial Times đã xuất hiện bài báo nói rằng, Nga đã vượt khỏi nhóm BRIC và hiện có vị trí giữa các nước phương Tây đang phát triển.

2. Trên con đường hiện đại hóa đất nước

Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga En-vi-ra Na-biu-li-na cho biết, trong thời gian qua các biện pháp chống khủng hoảng của Nhà nước tập trung hỗ trợ khu vực tài chính giai đoạn ngắn và cải thiện thu nhập cũng như việc làm của người dân. Hiện nay, cần đẩy mạnh nhu cầu trong nước và ưu tiên cho các hướng khác, mà trước hết là nhà ở, kết cấu hạ tầng và công nghệ mới. Để giải quyết vấn đề này không chỉ đơn thuần tăng nguồn kinh phí, mà cần tập trung giải quyết sự kém hiệu quả của cơ cấu quản lý và tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực này, mà trước hết là tiết kiệm năng lượng, kích thích cạnh tranh và sáng tạo giữa các doanh nghiệp.

Bước sang năm 2010, Chính phủ Nga tiếp tục khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế, đồng thời triển khai các nhiệm vụ phát triển dài hạn nhằm hiện đại hóa đất nước với các trọng tâm chính sách sau:

Thứ nhất, tiếp tục ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội then chốt

Chính sách xã hội của Nga năm 2010 bao gồm:

Thực hiện chính xác, liên tục và đúng thời hạn kế hoạch tăng lương hưu, trong đó có việc đảm bảo quy định mức phụ cấp khu vực cho người cao tuổi có thu nhập dưới mức tối thiểu;

Thúc đẩy những dự án trong lĩnh vực nhà ở, trong đó có việc đảm bảo nhà ở cho các cựu chiến binh, quân nhân Bộ Quốc phòng, mở rộng phạm vi chương trình xây dựng nhà giá rẻ trên các khu đất thuộc sở hữu nhà nước liên bang. Nhà nước sẽ dành 80 tỉ rúp cấp kinh phí sửa chữa cơ bản các chung cư và bố trí chỗ ở cho các cư dân tại những khu nhà bị hư hỏng, đồng thời thông qua chương trình mục tiêu liên bang mới về nhà ở;

Tiếp tục thực hiện các biện pháp khuyến khích kinh doanh và tạo việc làm mới, giải quyết vấn đề bảo hiểm y tế... Năm 2010, dự kiến, Chính phủ Nga sẽ chi 70% ngân sách cho các lĩnh vực đời sống của người dân. Hiện ở Nga có 6,4 triệu người thất nghiệp, hơn 2 triệu đăng ký tại thị trường lao động (tức cao hơn khoảng 2,5-3 lần mức thất nghiệp trước khủng hoảng), chiếm khoảng 8% số người trong độ tuổi lao động (so với khoảng 10% ở các nước châu Âu). Vì vậy, giải quyết vấn đề thất nghiệp tiếp tục là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Nga, thông qua việc hỗ trợ tài chính và đào tạo chuyển vị trí làm mới cho những người thất nghiệp, cũng như hạn chế lao động nhập cư…

Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các hoạt động kinh doanh vừa và nhỏ, hiện đại hoá nền kinh tế.

Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã đặc biệt nhấn mạnh, nước Nga trong thời gian tới cần phải cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chấn chỉnh lại hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp…; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các ngành kinh tế có triển vọng lớn nhất, trong đó có các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ. Theo hướng đó, Nga đang chuẩn bị Luật Liên bang về cải thiện thủ tục cấp visa cho công dân nước ngoài tham gia thực hiện các đề án khoa học ứng nghiệm và công nghệ cao trên địa bàn Liên bang Nga, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hải quan khi nhập khẩu trang thiết bị công nghệ cao.

Từ năm 2010, Chính phủ Nga sẽ tiếp tục tiến hành đợt giảm thuế bổ sung thông qua hình thức đơn giản hóa hệ thống thuế nhằm mở rộng khả năng hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cũng từ năm 2010, Chính phủ bắt đầu áp dụng mức nộp bảo hiểm cao hơn đối với bảo hiểm bắt buộc, lương hưu và bảo hiểm y tế. Trong năm tới, Chính phủ Nga dự định tăng tiền lương hưu, và để làm được điều này cần chi ngân sách bổ sung thêm 700 tỉ rúp.

Thứ ba, phát triển các đặc khu kinh tế và tăng cường khai thác tiềm năng kinh tế các vùng sâu, vùng xa

Việc thành lập những đặc khu kinh tế sẽ góp phần tạo ra việc làm mới và giải quyết vấn đề lao động. Cuối năm 2009, Nga đã thông qua những sửa đổi của Luật Đặc khu kinh tế, theo đó, giảm mức đầu tư tối thiểu để nhận quy chế kinh doanh tại các đặc khu sản xuất công nghiệp và cảng từ 10 triệu và 100 triệu ơ-rô xuống tương đương còn 3 triệu và 10 triệu ơ-rô...

Đặc khu kinh tế cảng biển đầu tiên (POEZ) được thành lập ở vùng Kha-ba-rốp-xki, tại vị trí thành phố Quân cảng Xô viết, với vũng biển được coi là một trong những nơi sâu và thuận lợi nhất thế giới. POEZ Quân cảng Xô viết sẽ áp dụng những ưu đãi về VAT, thuế quan, thuế lợi tức. Kinh phí Liên bang cho việc triển khai xây dựng Đặc khu kinh tế cảng biển sẽ là 31 tỉ rúp (hơn 1 tỉ USD). Theo dự kiến, quá trình thi công các ga vận chuyển sẽ hoàn tất vào năm 2012. Sự xuất hiện của POEZ sẽ làm tăng khối lượng sản xuất hải sản trong khu vực gấp 10 lần, khối lượng vận chuyển hàng tại cảng sẽ tăng từ 1 triệu tấn hiện nay lên gấp 25 lần. POEZ này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của toàn vùng Viễn Đông Nga.

Phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của vùng Viễn Đông và khu vực Bai-can trong giai đoạn tới năm 2025. Để phát triển kinh tế các vùng sâu, vùng xa, Nga sẽ tập trung nỗ lực tổng hợp phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trước hết là đường sắt, mà điển hình là tuyến đường sắt mới - một nhánh từ tuyến đường sắt nổi tiếng Bai-can - A-mua (thường quen thuộc với tên gọi tắt là BAM). Việc xây dựng “BAM-2” là đề án quốc gia, với mức dự kiến chi khoảng 400 triệu rúp (theo mức giá năm 2008) cho kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng của BAM. Trong tương lai, BAM sẽ là một trong những tuyến đường sắt dài nhất thế giới. Trên hành trình dài hơn 4.500 km, tuyến đường sắt này vượt qua 11 con sông lớn, có tổng cộng 2.230 cây cầu, 200 nhà ga ở trên 60 điểm dân cư…

Tại các khu vực này, hạ tầng giao thông đường bộ sẽ được phát triển nhanh; những xí nghiệp sản xuất triển khai ứng dụng được xây dựng; thực hiện các dự án quy mô về năng lượng; phát triển kinh tế nông nghiệp và công nghiệp chế biến v.v.... Có lẽ, đây là lần đầu tiên Chính quyền Liên bang Nga có quyết tâm cao như vậy để tạo sự đột phá cho vùng Xi-bi-ri và phát triển nước Nga nhằm mục tiêu hiện đại hóa đất nước.

Sau 15 năm nữa, khu vực có diện tích khổng lồ hiện nay còn kém hấp dẫn này sẽ trở thành một khu vực phát triển không kém các vùng khác của Nga, thậm chí, còn mạnh hơn. Mức thu nhập trung bình của người dân ở Viễn Đông và khu vực Bai-can sẽ tăng từ 19 nghìn rúp/tháng lên 66 nghìn rúp/tháng vào năm 2025. Tỷ lệ trung bình về diện tích nhà ở sẽ tăng từ 19 m2/người lên 32 m2/người. Các trung tâm giáo dục lớn cấp Liên bang sẽ tăng từ 4 lên 10 trung tâm.

Tóm lại, hiện đại hóa vùng Viễn Đông và khu vực Bai-can là một bộ phận quan trọng trong chiến lược tổng thể hiện đại hoá nước Nga.

Thứ tư, nỗ lực củng cố vị trí cường quốc của Nga trên trường quốc tế

Trong thông điệp hàng năm gửi tới phiên họp liên bang vào tháng 11-2009, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã nhấn mạnh chiến lược phát triển nước Nga theo hướng hiện đại hoá trong bối cảnh có nhiều biến đổi toàn cầu cả về kinh tế và xã hội.

Theo đó, trong đối ngoại, Nga đã đẩy mạnh hợp tác với các nước Mỹ La-tinh, "cài đặt" lại quan hệ với Mỹ, thiết lập mối quan hệ gắn bó với U-crai-na, nổi bật là việc ký Hiệp định về việc U-crai-na cho Nga thuê căn cứ hải quân Xê-va-xtô-pôn thêm 25 năm sau năm 2017; cũng như thống nhất về biên giới với Na-uy ở biển Ba-ren; ký kết hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) giữa Nga và Mỹ vào ngày 8-4-2010; hỗ trợ tài chính cho nhiều nước trong khu vực như Ác-mê-ni-a, Bê-la-rut, Ki-rơ-gi-di-a, đàm phán với Môn-đa-vi-a để thành lập quỹ chống khủng hoảng. Tổng cộng trong vòng một năm trở lại đây, Nga đã trích 4,5 tỉ USD để hỗ trợ song phương, và 7,5 tỉ USD cho quỹ chống khủng hoảng. Ngoài ra, cùng với cộng đồng quốc tế, Nga còn đóng góp 10 tỉ USD vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để tạo nguồn vốn bổ sung. Với những nỗ lực rất đáng ghi nhận đó, vai trò của Nga đối với khu vực và thế giới đã được khẳng định.

Phát triển thị trường tài chính, xây dựng Mát-xcơ-va thành một trung tâm tài chính (WFC) của thế giới. Ngay từ năm 2009, Chính phủ Nga đã thông qua Kế hoạch xây dựng WFC tại Mát-xcơ-va, biến Nga và WFC Mát-xcơ-va thành đối tác lâu dài, đáng tin cậy của các thể chế kinh tế và tài chính quốc tế chủ chốt. Đó cũng là điều kiện quan trọng giúp tăng cường vị thế của đồng rúp Nga, để trong tương lai, đồng rúp Nga không những trở thành đồng tiền khu vực, mà còn là một ngoại tệ dự trữ của thế giới.

Tích cực thu hút những nhà khoa học hàng đầu của nước ngoài và kêu gọi các nhà khoa học Nga trở về làm việc tại các trường đại học lớn nhất trong nước. Theo kế hoạch, trong 3 năm tới, Bộ Giáo dục Nga sẽ cấp hơn 3 triệu USD để mời những nhà khoa học lớn của nước ngoài và của Nga từ nước ngoài đến Nga tham gia giải quyết những vấn đề cụ thể của nước Nga.

Sự kiện gần đây nhất, Diễn đàn kinh tế quốc Xanh Pê-téc-bua (Nga) năm 2010 diễn ra từ ngày 17-6 đến 19-6-2010 với tinh thần “tạo dựng cơ sở cho tương lai”, đã bàn thảo về những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển của nước Nga với một trong những mục tiêu chính là xua tan những hoài nghi về nền kinh tế Nga, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với quá trình hiện đại hoá nước Nga, đa dạng hoá và đa phương hoá các kênh hợp tác của Nga với các nước./.