Gia Lai đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số
Vào giữa thập niên 90, thế kỷ XX, kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai có nhiều chuyển biến tích cực do thực hiện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và tiến hành cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn là một trong những tỉnh nghèo ở khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (35,7%), trong đó đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số; khoảng cách chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bào kinh và đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có xu hướng gia tăng. Trước thực trạng đó, ngày 20-1-1995, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 09-NQ/TU về "tiếp tục thực hiện cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo". Đây là chủ trương vừa mang ý nghĩa nhân đạo vừa hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững. Đến nay, sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện, cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, Gia Lai đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:
1- Tạo ra được sự thống nhất nhận thức, quyết tâm chính trị và hành động trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân về chủ trương xóa đói, giảm nghèo. Sau khi ra đời, Nghị quyết 09 của Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo được triển khai, quán triệt sâu rộng trong toàn tỉnh, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo từ tỉnh đến cơ sở và giao cho Chủ tịch UBND từng cấp trực tiếp làm trưởng ban. Để thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm tra và đôn đốc thực hiện, UBND tỉnh chỉ đạo cấp huyện, thị, thành phố phân công một phó ban chuyên trách, ở cấp xã, phường, thị trấn phân công 1 cán bộ chuyên trách, ở cấp tỉnh thành lập bộ phận giúp việc cho Ban chỉ đạo. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, trong 2 năm đầu 1995 - 1996, UBND tỉnh quyết định trưng tập 164 cán bộ công tác ở các ban, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã trong 4 tháng liên tục đưa về tăng cường, bám làng, bản, thôn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân cách sản xuất, sử dụng tốt nguồn vốn vay, cách chi tiêu hợp lý để xóa đói, giảm nghèo. Nhờ có hệ thống Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo thống nhất, chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở và đội ngũ cán bộ nhiệt tình, tâm huyết nên việc điều tra hiện trạng nghèo, nhu cầu từng gia đình được cập nhật thường xuyên, sát đúng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Trong quá trình thực hiện cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo các tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh đã thực sự phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu, đúng tinh thần "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", biến chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và của tỉnh thành hiện thực. Tiêu biểu như đảng bộ xã Ia Yeng, huyện A-yun Pa. Ia Yeng là xã thuần nông, dân trong xã hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, quen làm lúa 1 vụ, dựa vào nước trời, năng suất thấp, nên đời sống rất khó khăn, hộ đói nghèo chiếm trên 51% trong tổng số hộ của xã. Trước thực trạng đó, chi bộ xã (hiện nay là đảng bộ) xác định: muốn xóa đói, giảm nghèo phải chuyển đổi sang làm lúa nước, thâm canh, tăng vụ. Chi bộ cử bí thư và chủ tịch UBND xã xuống huyện Hoài Nhơn (Bình Định) tham quan, học tập kinh nghiệm làm lúa nước, làm thủy lợi... Khi về thực hiện, cùng với việc vận động nhân dân trong xã làm lúa nước, Chi bộ giao nhiệm vụ cho đảng viên làm trước để người dân làm theo. Nhờ quyết tâm cao và hành động nhất quán của chi bộ và chính quyền xã, diện tích và năng suất lúa nước của Ia Yeng không ngừng tăng. Năm 2001, khi có nguồn nước tưới từ công trình thủy lợi A-yun Hạ, diện tích lúa nước của xã đã là 1.050 ha và được canh tác 3 vụ lúa trong năm, năng suất đạt 30 tấn/ha. Hộ giàu xuất hiện ngày càng nhiều, 60% số hộ nông dân trong xã mua được xe công nông, máy tuốt lúa, xe máy và các đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt... Số hộ nghèo còn 28,5% (theo chuẩn mới), hầu hết là do thiếu đất sản xuất. Hiện nay, đảng bộ xã đang tiếp tục vận động nhân dân di dời làng lên vùng đồi cao, nhường đất thấp để cải tạo thành ruộng, cấp cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất.
Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh cũng phát huy vai trò tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thông qua công tác tuyên truyền, vận động hội, đoàn viên thực hiện xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống; lồng ghép các chỉ tiêu, nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo vào nội dung thi đua của các cuộc vận động, phong trào do từng tổ chức phát động như: Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", phong trào "Thanh niên lập nghiệp", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình" v.v.. Những hoạt động trên đã góp phần đưa công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh thực sự trở thành phong trào quần chúng rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở.
2 - Huy động các nguồn lực cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Trước hết là về nguồn lực tài chính, hơn 10 năm qua bằng nhiều hình thức, tỉnh đã thu hút được nguồn vốn trên 7.264 tỉ đồng, đầu tư cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể: thông qua chương trình cho các hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh đã giải quyết cho 354.149 lượt hộ nghèo vay với tổng nguồn vốn trên 6.656 tỉ đồng; thông qua các nguồn vốn của Chương trình 134, 135, định canh, định cư..., tỉnh đã đầu tư 466,18 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn, xây dựng các công trình nước sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất và đời sống cho các hộ nghèo. Để phong trào xóa đói, giảm nghèo đi vào chiều sâu, tỉnh đầu tư trên 77 tỉ đồng cho công tác đào tạo cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo ở cơ sở, công tác khuyến nông, khuyến lâm, dạy nghề và giải quyết việc làm. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục - đào tạo và chương trình vay vốn giải quyết việc làm 120, tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 18.967 người, trong đó có hơn 5.067 lao động nông thôn, lao động dân tộc thiểu số. Tỉnh có 804 dự án vay trên 65,6 tỉ đồng, đầu tư vào các ngành nghề: trồng, chăm sóc cà phê, chăn nuôi bò sinh sản, heo thịt... giải quyết việc làm cho 22.466 lao động.
Về thực hiện chính sách trợ cước, trợ giá và hàng cho không của Chính phủ, hơn 10 năm qua, tỉnh đã cấp không trên 9.788,17 tấn muối, 1.376,65 tấn dầu hỏa, 28.420 chiếc chăn đắp; 253,94 tấn giống ngô lai, 815.045 mét vải và bán trợ cước, trợ giá trên 268.170 tấn 4 loại hàng thiết yếu (muối i-ốt, dầu hỏa, phân bón, giống ngô lai). Về giải quyết đất ở, đất sản xuất theo Chương trình 134, những năm qua tỉnh đã giao được 1.155,84 ha đất sản xuất cho 2.037 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất và giao 47,57 ha đất ở cho 976 hộ đồng bào dân tộc thiểu số do nhu cầu tách hộ.
Các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh đóng trên địa bàn tỉnh cũng tham gia giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động tại địa phương, trong đó có trên 6.000 lao động là người dân tộc thiểu số. Cụ thể như: Công ty cao su Chư Păh, Mang Yang, Chư Sê và Chư Prông thuộc Tổng công ty cao su Việt Nam thu hút 9.957 lao động, trong đó có 3.960 lao động là người dân tộc thiểu số; các Công ty: Bình Dương, 715, 72, 74, 75 thuộc Binh đoàn 15 thu hút 7.723 lao động, trong đó có 1.131 lao động là người dân tộc thiểu số và hợp đồng 3.055 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán vườn cây. Các Công ty cà phê: Chư Păh, Vi Na, Gia Lai thu hút 2.444 lao động, trong đó có 1.011 lao động là người dân tộc; Công ty tư nhân kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức thu hút 275 lao động, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số (chiếm 92,3%).
Bên cạnh việc khuyến khích thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ở vùng sâu, vùng xa, trong những năm gần đây với mục tiêu tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giải quyết việc làm và nâng cao mức sống cho nhân dân, tỉnh chủ động kêu gọi và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực thủy điện nhỏ, sản xuất nông, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp... Kết quả có 26 dự án đăng ký đầu tư với tổng nguồn vốn khoảng 2.560 tỉ đồng. Một số dự án như công trình thủy điện Ia Drăng 3, Ia Muer 3, H’Chen và Sê San 3, nhà máy đường An Khê, A-yun Pa, nhà máy chế biến điều Krông Pa, nhà máy chế biến tiêu Chư Sê, nhà máy chế biến tinh bột sắn An Khê... đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Gần đây, thông qua chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Gia Lai và Thành phố Hồ Chí Minh và hợp tác đầu tư với Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, tỉnh đã thu hút được 19 dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng nguồn vốn 4.471 tỉ đồng... Việc thu hút và khuyến khích đầu tư đúng hướng đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng dần tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng, từng bước nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số và hạ dần tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh.
Những thành tựu của cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo hơn 10 năm qua, đã thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh Gia Lai phát triển; tốc độ tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước, bình quân trong 5 năm 2001 - 2005 đạt 11,55%, năm 2006 đạt 13,1%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,7% năm 1995 xuống còn 10% (theo chuẩn cũ) 29,82% (theo chuẩn mới) vào cuối năm 2005 và cuối năm 2006 còn 27,2%. Bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn ngày càng đổi mới, nhất là hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là nhóm hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa ngày càng được nâng cao.
Cùng với những thành tựu, quá trình thực hiện cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo thời gian qua còn giúp cho Gia Lai rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng, làm nền tảng cho giai đoạn xóa đói, giảm nghèo tiếp theo:
Một là: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền phải có sự thống nhất, chặt chẽ và thường xuyên bám sát vào chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Xây dựng chương trình, mục tiêu và biện pháp thực hiện xóa đói, giảm nghèo phải rõ ràng, sát thực, phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
Hai là: Luôn sử dụng thế kiềng ba chân trong công tác xóa đói, giảm nghèo: bản thân đối tượng, cộng đồng và Nhà nước. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của cộng đồng và quyết tâm tự vươn lên của chính người nghèo.
Ba là: Trong công tác khuyến nông, khuyến lâm phải chú ý mở các lớp tập huấn riêng cho hộ nghèo về cách thức làm ăn, kết hợp cho vay vốn đầu tư sản xuất với hình thức tín chấp. Các đoàn thể chính trị - xã hội phân công cụ thể từng hội, đoàn viên làm ăn khá trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo, đồng thời phát huy hơn nữa tính cộng đồng tại các thôn, làng đối với công tác xóa đói, giảm nghèo: khuyến khích các tổ chức xã hội từ thiện tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện xã hội hóa công tác xóa đói, giảm nghèo.
Bốn là: Phát huy hơn nữa vai trò của các đơn vị, ban, ngành được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công phụ trách các xã điểm. Trong đó, chú trọng công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những giải pháp tích cực nhằm thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.
Tuy đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, song hiện nay Gia Lai vẫn còn là một tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 83,07% trong tổng số hộ nghèo) đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo trong thời gian tới. Mục tiêu chủ yếu về xóa đói, giảm nghèo mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIII đặt ra, là đến năm 2015 tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo (theo chuẩn mới). Trước mắt, phấn đấu đến năm 2010, không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn dưới 19% (theo chuẩn mới), 100% số làng và 95% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số định canh, định cư bền vững; hằng năm giải quyết việc làm cho 2 vạn lao động; 100% trung tâm cụm xã có phòng khám và 60% số xã có bác sỹ; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 25%; trên 95% số làng và hơn 90% số hộ sử dụng điện, 80% dân cư nông thôn và 90% dân cư đô thị được dùng nước sạch...
Để thực hiện thành công mục tiêu chủ yếu xóa đói, giảm nghèo, thời gian tới tỉnh Gia Lai tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất: Tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất thông qua các chương trình, dự án như: ưu đãi về tín dụng; hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện khuyến nông - lâm - ngư, hướng dẫn cho người nghèo kiến thức sản xuất và tiêu dùng phù hợp với phong tục tập quán, tổ chức dạy nghề cho người nghèo; hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các xã nghèo phát triển sản xuất, thực hiện giảm nghèo bền vững.
Thứ hai: Tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội như: Y tế, giáo dục, văn hóa - nghệ thuật, dân số - kế hoạch hóa gia đình, trợ giúp pháp lý... hỗ trợ người nghèo về nhà ở và nước sinh hoạt để ổn định đời sống và thoát nghèo theo Quyết định 134 của Chính phủ. Mặt khác, tuyên truyền vận động làng xóm, dòng họ tự nguyện chia sẻ, trợ giúp các hộ nghèo và khuyến khích hộ nghèo tự vươn lên, khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng và Nhà nước.
Thứ ba: Tập trung kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về xóa đói, giảm nghèo cho toàn xã hội; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác xóa đói, giảm nghèo, làm cho cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo trở thành phong trào quần chúng thường xuyên, có chiều sâu và hiệu quả thiết thực, lâu dài.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (21/03/2007)
Trường - Chinh tiểu sử  (21/03/2007)
Đảng phải có trí tuệ có đủ năng lực và phẩm chất cách mạng tương xứng với yêu cầu của thời kỳ mới  (21/03/2007)
Đánh giá tiến trình APEC và tác động đối với Việt Nam  (21/03/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển