Vĩnh Phúc - Điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

ThS, Trần Việt Dũng Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
22:11, ngày 07-02-2013
TCCSĐT - Vĩnh Phúc là tỉnh đồng bằng, là miền chuyển tiếp, cầu nối giữa các tỉnh miền núi Việt Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trong những năm qua, bằng các giải pháp tích cực, chủ động, tạo lập môi trường hấp dẫn đầu tư, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước.

Tỉnh có diện tích tự nhiên 1.231,77 km2 với 9 đơn vị hành chính cấp huyện; 137 xã, phường, thị trấn. Tỉnh lỵ của Vĩnh Phúc là thành phố Vĩnh Yên, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 50km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 25km. Vĩnh Phúc nằm trên quốc lộ số 2 và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, là cầu nối giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội; liền kề cảng hàng không quốc tế Nội Bài, qua đường quốc lộ số 5 thông với cảng Hải Pḥòng và trục đường 18 thông với cảng nước sâu Cái Lân. Vĩnh Phúc có vị trí quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với Thủ đô Hà Nội.

Là tỉnh hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, lực lượng lao động dồi dào), Vĩnh Phúc đã biết kết hợp với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và công tác quản lý năng động, biết vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể địa phương. Điều này đã đem lại cho tỉnh những kết quả thu hút FDI rất khả quan. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay một cách khá ổn định và bền vững.

Hoạt động thu hút đầu tư

Nhằm đạt được mục tiêu, đến năm 2015 Vĩnh Phúc cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV đã đề ra, tỉnh đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, triển vọng của tỉnh đến các nhà đầu tư nhằm thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, các dự án đầu tư đến từ các nước và khu vực như Mỹ, Nhật Bản và EU.
Hằng năm, tỉnh tổ chức hội nghị doanh nghiệp nhằm thu thập ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh. Qua đó, đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về môi trường đầu tư trong tỉnh, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ cũng như các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đồng thời, cũng đánh giá được năng lực, trình độ, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức khi giải quyết công việc với doanh nghiệp để có các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Nhằm tiếp cận các nhà đầu tư, tỉnh thiết lập các mối quan hệ công việc với các văn phòng đại diện ngoại giao, thương mại nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và các ban, ngành chức năng Trung ương để tổ chức các hội thảo, chuyến thăm quan xúc tiến thương mại, qua đó giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.
Trong năm 2012, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn do các đồng chí lãnh đạo tỉnh dẫn đầu đi xúc tiến đầu tư tại các nước: Bí thư Tỉnh ủy đi xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ; Chủ tịch UBND tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc... giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và triển vọng phát triển của tỉnh đến với các nhà đầu tư.
Cũng trong năm 2012, UBND tỉnh phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) tổ chức Hội thảo “Tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Vĩnh Phúc” với mục đích tìm ra cách thức để Vĩnh Phúc tiếp tục là “bến đỗ” của các nhà đầu tư, nhất là của các doanh nghiệp FDI.

Tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng khẳng định, với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc. Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm từ hào của Vĩnh Phúc”, Vĩnh Phúc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp; công nghệ thông tin, sản xuất và lắp ráp máy móc cơ khí, điện tử, công nghệ sinh học và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và xuất khẩu. Về dịch vụ, khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh các trường đào tạo nghề công nghiệp, du lịch; hợp tác phát triển giáo dục, y tế…

Với quyết tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đã xây dựng một loạt các giải pháp chính sách về đất đai, đào tạo lao động… để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư cũng như những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua chính hoạt động của các doanh nghiệp đang đầu tư tại Vĩnh Phúc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thân thiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nước ngoài nói riêng đang hoạt động trên địa bàn được xem là một cách hiệu quả để quảng bá về môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngoài các ưu đãi, Vĩnh Phúc đã thực hiện các chính sách giảm thiểu các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ chỉ bằng một phần ba so với quy định chung của Nhà nước. Đặc biệt, mới đây tỉnh đã thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, cơ quan chuyên trách tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ, thu hút đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh.

Kết quả thu hút đầu tư

Tính đến 30-6-2012, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 121 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 2.432,7 triệu USD (trong đó: vốn đầu tư mới là 1.946,9 triệu USD và tăng vốn là 510,8 triệu USD); vốn thực hiện là 1.101,75 triệu USD, chiếm tỷ lệ 45,3% so với tổng vốn đăng ký đầu tư. Quy mô vốn bình quân một dự án là 20,1 triệu USD/dự án và diện tích đất sử dụng cho các dự án là 594,35 ha, bình quân đạt 4,1 triệu USD/ha đất sử dụng (1).

Các dự án FDI đã có những đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỷ trọng đóng góp của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào GDP tăng khá mạnh từ 8,6% năm 1997 lên 39,9% năm 2011. Sự đóng góp của FDI đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 1997 - 2011 đạt 17,2%/năm, trong khi đó cả nước tăng 7,51% cùng giai đoạn (năm 2012 là năm khó khăn nhất kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp 2,52%, bằng với kế hoạch sau khi điều chỉnh). Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng bình quân 17,7%/năm, đóng góp quan trọng tăng tỷ lệ khu vực công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trung bình các giai đoạn chiếm tỷ lệ trên 80%); giá trị sản xuất công nghiệp Vĩnh Phúc năm 1997 xếp thứ 45 đến nay xếp thứ 7 cả nước. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp vào thu ngân sách chiếm khoảng 80 - 85%, hiện nay xếp thứ 8 cả nước. Các doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng vào giá trị xuất khẩu của các giai đoạn, bình quân khoảng 85 - 90% sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh (2). Khu vực DN có vốn FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã tạo ra 110.824 lao động, trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu hút 40.723 lao động, chiếm tỷ lệ 36,7%. Trong khi đó, 38 doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra 4500 việc làm và các doanh nghiệp dân doanh thu hút 65.601 lao động và tạo ra hàng trăm ngàn lao động gián tiếp khác như dịch vụ, xây dựng...

Những kết quả trong phát triển sau 15 năm tái lập tỉnh (1997 - 2012), nhất là những giải pháp ấn tượng, hiệu quả trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài đã biến Vĩnh Phúc từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu trở thành trung tâm sản xuất ô-tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 17,24%/năm; thu ngân sách tăng nhanh, từ 100 tỷ đồng năm 1997 lên 12.695 tỷ đồng năm 2012.

Năm 2012, tuy giá trị sản xuất công nghiệp có giảm nhưng hầu hết các ngành dịch vụ lại có sự tăng trưởng cao so với năm 2011: ngành thương mại, sửa chữa tăng 18,5%; ngành khách sạn, nhà hàng tăng 15,3%; ngành vận tải kho bãi, thông tin liên lạc tăng 29%; ngành y tế và dịch vụ cứu trợ xã hội tăng 19,5%.

Những vấn đề và thách thức

Những kết quả trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguyên nhân chủ yếu giúp kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc tăng trưởng cao và ổn định thời gian qua; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh; đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động nhất cả nước. Tuy nhiên, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với tốc độ cao, trong một thời gian dài, trong khi năng lực và trình độ quản lý chưa được nâng cao tương ứng, sự chuyển động không đồng điệu của các khu vực kinh tế trong nước cũng như cơ sở hạ tầng xã hội và trình độ dân cư đã đặt Vĩnh Phúc trước những thách thức, khó khăn.

Sự phụ thuộc vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Khu vực này ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đây là khu vực kinh tế có mức độ chịu ảnh hưởng rất lớn của tình hình kinh tế khu vực và quốc tế. Năm 2012, khi kinh tế quốc tế và khu vực có những biến động bất lợi như giá cả vật tư, nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường trong nước thu hẹp, xuất khẩu gặp khó khăn nên một số sản phẩm có giá trị sản xuất lớn tiêu thụ chậm, lượng tồn kho ở mức cao. Một số ngành sản xuất chủ yếu và có tỷ lệ đóng góp lớn vào tăng trưởng và thu ngân sách của tỉnh như ngành sản xuất xe có động cơ, ngành sản xuất môtô, xe máy đều giảm sản xuất so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi một số chính sách thuế, phí thay đổi, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không cao, tiêu thụ sản phẩm giảm, lượng tồn kho lớn... Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh (cũng là những ngành có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu) suy giảm như sản xuất linh kiện điện tử giảm 43,28%; sản xuất xe có động cơ giảm 14,75%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 2,30% so với năm 2011... Sự suy giảm của các ngành công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguyên nhân chủ yếu khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc năm 2012 chỉ còn 2,52%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (5,03%).

Gia tăng ô nhiễm môi trường

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 105/121 doanh nghiệp FDI đang hoạt động có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; chiếm 87,5% tổng số doanh nghiệp FDI. Nhiều doanh nghiệp FDI đã chủ động áp dụng các giải pháp xử lý chất thải; tích cực đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều doanh nghiệp FDI chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc chỉ thực hiện mang tính đối phó, vi phạm các quy định bảo vệ môi trường, gây dư luận bức xúc trong nhân dân và đã bị xử lý như Công ty TNHH Seuol Print Vina bị buộc phải dừng hoạt động và chuyển đến địa điểm mới; Công ty TNHH Dệt Hiếu Huy Vĩnh Phúc đã bị buộc phải dừng hoạt động xưởng nhuộm để xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới; Công ty TNHH Piaggio Việt Nam gây ô nhiễm khí thải bị buộc phải đầu tư 7,5 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải (3).

Những vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp FDI đã gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân trong vùng. Các loại bệnh thông thường đến các bệnh nan y như: ung thư, viêm não, viêm gan B, bại liệt... ngày càng tăng trong khu dân cư sống gần các khu vực có khói bụi, khí thải, nước thải từ các nhà máy, khu công nghiệp thải ra.

Như vậy, tác hại của ô nhiễm môi trường gây ra đối với kinh tế, sức khoẻ con người, cảnh quan thiên nhiên,… là rất lớn, không thể khắc phục ngay một sớm một chiều. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm ô nhiễm môi trường có thể gây thiệt hại cho Vĩnh Phúc khoảng 2,1 triệu USD, tương đương 45 tỷ đồng.

Mặc dù tổn thất do môi trường gây ra là nghiêm trọng, song những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp FDI và ngành công nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn từ khi tái lập tỉnh đến nay là không thể phủ nhận. Do đó, để nguồn vốn FDI thực sự phát huy hiệu quả và bảo đảm phát triển bền vững, cần phải tìm ra những nguyên nhân, tồn tại trong công tác quản lý để sớm có giải pháp khắc phục.

Và một số giải pháp quản lý

Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011 - 2016 đặt mục tiêu đến năm 2020 Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh công nghiệp, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực và của cả nước; nâng cao rõ rệt mức sống nhân dân; môi trường được bảo vệ bền vững; bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh; hướng tới trở thành Thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI với cơ cấu kinh tế: dịch vụ khoảng trên 38%, nông, lâm, ngư nghiệp 3 - 4%, công nghiệp và xây dựng 58 - 60%. GDP bình quân đầu người (giá thực tế) đến năm 2015 đạt 3.500 - 4.000 USD, đến năm 2020 đạt khoảng 6.500 - 7.000 USD.

Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng nêu trên, Vĩnh Phúc xác định tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong các giải pháp chủ đạo. Trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, bên cạnh các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh cần đặc biệt quan tâm các biện pháp khắc phục những hạn chế, thách thức đã và đang phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường. Cụ thể:

- Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cán bộ chính quyền các cấp và đội ngũ doanh nhân về vấn đề môi trường và mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường với đầu tư phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường.

- Thứ hai, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của các ngành, các cơ quan quản lý khu công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đối với vấn đề bảo vệ môi trường; ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật và chính sách hiện hành của Nhà nươc về bảo vệ môi trường.

- Thứ ba, tiến hành rà soát, xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển và yêu cầu chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Từ đó, xem xét lại quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ trên phạm vi toàn tỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập về sự tương thích giữa mục tiêu phát triển kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cần tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là tăng cường năng lực quản lý trong quá trình xét duyệt, thẩm định, cấp phép (cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cái “giá” phải trả cho vấn đề môi trường) cho dự án đến giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh, khi dự án đưa vào sử dụng. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, máy móc cho các cơ quan chức năng để có thể xác định nhanh, chính xác nguồn gốc gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm và thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đầu tư xây dựng các trạm quan trắc môi trường nhằm mục tiêu phát hiện sớm tình trạng ô nhiễm không khí, khói bụi, nguồn nước, tiếng ồn... để có biện pháp khắc phục kịp thời./.

------------------------------------

(1) Báo cáo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 9-2012.
(2) Báo cáo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 9-2012 và báo cáo của Phòng quản lý đầu tư về tình hình đầu tư và hiệu quả đầu tư FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc giai đoạn 1997 - 2011.
(3) Báo cáo đánh giá tác hại của ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc, tháng 9-2012.