Mạng xã hội và báo chí

Đoàn Phạm Hà Trang
19:45, ngày 30-11-2011
TCCSĐT - Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, mạng xã hội là một hiện tượng với những đặc trưng cực nhanh, cực rộng và phạm vi tương tác đa chiều không phân biệt thời gian và không gian, đang tác động mạnh mẽ tới toàn xã hội, trong đó có báo chí. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để mạng xã hội và báo chí hỗ trợ nhau, phát huy tác dụng lẫn nhau, cùng phục vụ đời sống xã hội ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn.

Tới nay, đã có nhận thức chung: “Mạng xã hội trực tuyến là dịch vụ cung cấp cho cộng đồng rộng rãi người sử dụng khả năng tương tác, chia sẻ, lưu trữ và trao đổi thông tin với nhau trên môi trường Internet, bao gồm dịch vụ tạo blog, diễn đàn (forum), trò truyện trực tuyến (chát) và các hình thức tương tự khác”(1). Các hình thức tương tác khác có thể thấy như gửi thư điện tử (e-mail), điện thoại, xem phim, ảnh (voice chat), chia sẻ tập tin (files), nhật ký điện tử (blog), trò chơi (games)… trên Internet.

Và cũng tới nay, người ta đang dùng rộng rãi khái niệm truyền thông xã hội, đó là một thuật ngữ dùng để mô tả mô hình truyền thông, trong đó thể hiện sự tương tác đa chiều trực tuyến giữa các đối tượng tham gia. Sự tương tác trong truyền thông xã hội thể hiện ở khả năng “chia sẻ bài viết, âm thanh, hình ảnh qua mạng Internet” và thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng như văn hóa, xã hội hoặc tài chính.

Đôi nét về mạng xã hội và xu hướng phát triển của nó

Do sự tiện lợi: nhanh hơn động đất, rộng trùm trái đất, sâu tới mọi người, mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống của hàng trăm triệu thành viên khắp thế giới sử dụng nó như một tiện ích được ưa chuộng nhất. Hiện nay đã có 96% dân số Mỹ, khoảng hơn 296 triệu người tham gia mạng xã hội. Theo tính toán của các nhà truyền thông, để có được 50 triệu người sử dụng: Radio phải mất 38 năm, Tivi phải mất 13 năm, Intenet mất 4 năm; trong khi đó mạng Facebook chỉ trong gần 9 tháng đã có 100 triệu người sử dụng. Nếu mạng Facebook là một quốc gia thì nó sẽ có số dân đứng thứ tư thế giới: (1) China, (2) India, (3) United States, (4) Facebook, (5) Indonesia, (6) Brazil, (7) Pakistan, (8) Bangladesh…

Trên thế giới, sự xuất hiện trang Classmate nhằm kết nối bạn học tập vào năm 1995 của các bạn sinh viên đã đánh dấu sự ra đời của mạng xã hội. Tiếp theo, vào năm 1997, SixDegrees xuất hiện với mục đích giao lưu kết bạn dựa theo sở thích. Theo số liệu của Hãng Google (tháng 1-2011), trong số 1.000 Website hàng đầu thế giới hiện nay, Facebook đang đứng đầu bảng với 590 triệu thành viên, kế sau là Twitter với 96 triệu thành viên. Hiện có hơn 1,5 triệu nội dung được chia sẻ trên Facebook là web links, comment, bài trên blog, nhật ký, ảnh. China Qzone với hơn 300 triệu người sử dụng dịch vụ. 80% công ty sử dụng mạng Linked In để tuyển nhân viên. Youtube với trên 100 triệu vidio. Wikipedia có hơn 13 triệu bài viết, 78% bài viết đó không phải tiếng Anh. Có hơn 200 triệu blog, 54% cập nhật nội dung hằng ngày.

Ở Việt Nam, trước khi mạng xã hội thế hệ mới ra đời đã tồn tại những cộng đồng trực tuyến lớn, điển hình như ttvnol, vn-zom, webtretho. Tính đến hết tháng 9-2011, ở nước ta đã có 130 mạng xã hội được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ, trong đó có một số mạng nổi hơn cả như: ZingMe, GoOnline, Yume, Tamtay, Cyber World… Trong “Top 100 website Việt Nam” do Google Adplanner công bố vào tháng 9-2010, đứng đầu là ZingMe với 5,1 triệu người sử dụng; Facebook đứng thứ hai với 2,9 triệu thành viên và đạt 710 triệu lượt xem; thứ ba là Yume với xấp xỉ 2,9 triệu thành viên; kế đó là Tamtay với 1,2 triệu người sử dụng. Riêng mạng ZingMe, số liệu thống kê trong 1 ngày vào tháng 8 năm 2011 là: 2,2 triệu người dùng đăng nhập, 88.000 status cập nhật, 735.000 nhận xét, 232.000 lời nhắn trên tường, 6 triệu câu chat, 450.000 bức ảnh được tải lên và 11.000 bài blog.

Đối với các mạng xã hội “nội địa” của Việt Nam, về nội dung đã đi theo hướng bản địa hóa để đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam và hướng đến từng đối tượng sử dụng riêng biệt, chẳng hạn có mạng xã hội dành cho các bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ như: www.lamchame.com hay www.webtretho.vn; mạng xã hội về tuyển dụng như CyberWorld, hoặc mạng dành cho những người yêu thích ảnh, nghệ thuật nhiếp ảnh:  photo.vn… Tuy nhiên, có nhiều mạng xã hội chung dành cho mọi đối tượng như: ZingMe, GoOnline, Yume, Tamtay… Thời gian qua, một số mạng xã hội đã tổ chức được những hoạt động gắn kết cộng đồng, chia sẻ những bất hạnh, niềm vui, kêu gọi sự giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất đối với những người có hoàn cảnh đáng thương… 

Ở Việt Nam, số lượng người sử dụng Internet ngày càng tăng, tính đến hết tháng 10-2011, đã có hơn 26 triệu người sử dụng, tương đương với khoảng 31% tổng dân số và đứng đầu các nước ASEAN về số lượng người dùng Internet. Trong đó, gần 2/3 số người sử dụng Internet tại các thành phố lớn ở độ tuổi dưới 30. Nhóm dân số sử dụng Internet nhiều nhất là 20-24 tuổi (chiếm hơn ¼). Tỷ lệ nam-nữ sử dụng Internet tương đối cân bằng ở nhóm tuổi 15-19, nhưng khi tuổi càng cao thì tỷ lệ nữ dùng Internet càng giảm. Hầu hết người dùng mạng xã hội có độ tuổi từ 15 đến 29 tuổi. 72% dân số có độ tuổi từ 18 đến 30 và 43% dân số lớn tuổi sử dụng mạng xã hội để tương tác với bạn bè. Ở Việt Nam hiện nay, người ta dùng điện thoại di động để truy cập mạng xã hội thấp hơn nhiều so với dùng máy tính (48% dân số của mạng xã hội truy cập thông qua máy tính, trong khi 33% truy cập thông qua điện thoại di động).

Người Việt Nam dùng mạng xã hội chiếm tỷ lệ cao trong cư dân. Với đối tượng 18 tuổi trở lên có tài khoản mạng xã hội thì: 43% người có một tài khoản, 25% có hai tài khoản, 13% có bốn tài khoản trở lên. Trên thế giới, 80% số người sử dụng Internet đã từng dùng các tiện ích của mạng xã hội. Với lợi thế của nó, mạng xã hội vừa là mảnh đất màu mỡ cho báo chí cung cấp nội dung, đồng thời những thông tin nhanh nhạy, phong phú, rộng lớn  giúp báo chí tìm đến sự thật của thông tin khi tác nghiệp.

Do lợi thế của mạng Intenet, báo chí thế giới đã đưa thông tin lên thành báo mạng. Ở Việt Nam, Tạp chí Quê hương là báo điện tử đầu tiên đưa lên mạng Intenet vào ngày 31-12-1997, tiếp theo là báo Nhân dân, Lao động, Thông tấn xã Việt Nam, Sài gòn giải phóng... Thời kỳ đầu, các báo điện tử này hầu hết là phiên bản của báo in, chưa có khả năng tương tác, liên kết, cập nhật thông tin nhanh như các báo điện tử hiện nay. Báo điện tử độc lập đầu tiên ra đời là VnExpress (tháng 11-2002), kế tiếp là báo VietnamNet (tháng 1-2003) và VnMedia (tháng 8-2003). Có thể nói, sự ra đời và hoạt động của các báo điện tử độc lập này đã nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng báo điện tử Việt Nam.

Tốc độ tăng nhanh của báo điện tử là từ năm 2008, đặc biệt là năm 2009, với sự xuất hiện của 15 cơ quan báo chí mới (tăng 160% so với năm 2008), năm 2010 có 13 báo điện tử, và 9 tháng đầu năm 2011 có 10 báo điện tử được cấp phép hoạt động. Tính đến hết tháng 9-2011, ở nước ta đã có 53 báo, tạp chí điện tử, trong đó có 12 báo, tạp chí điện tử độc lập và hơn 300 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan. Đến nay, làng báo in đều nhận rõ tiện ích to lớn của Internet và đã dành sự quan tâm đặc biệt cho báo chí điện tử. Trong số 47 báo, tạp chí điện tử được cấp phép hoạt động từ năm 2008 tới nay thì chỉ có 10 báo, tạp chí độc lập, còn lại là các báo, tạp chí điện tử được thành lập trên cơ sở từ báo in, ít nhiều thêm nội dung và hình thức mới.

Mối tương tác và những vấn đề đặt ra đối với báo chí trong quan hệ với mạng xã hội

Đối với xã hội, thông qua mạng xã hội, công chúng không chỉ là người đón nhận mà còn là người phát tán thông tin và tham gia vào quá trình phát triển của nội dung thông tin. Mạng xã hội với mô hình truyền thông xã hội chính là nền tảng đáp ứng nhu cầu đó của công chúng.

Đối với báo chí, bên cạnh những kênh truyền thống, thực tế mạng xã hội đang có vai trò quan trọng:

Một là, mạng xã hội đang là nơi cung cấp thông tin, đề tài một cách rộng rãi giúp các nhà báo chuyên nghiệp cũng như không chuyên nghiệp nhận diện, phát hiện được những vấn đề đang nổi lên, đang diễn ra, sau khi đã thẩm định độ chính xác của nó rồi sử dụng cho những bài báo của mình phục vụ công chúng. Ta đã thấy, thời gian qua, rất nhiều sự việc tung lên mạng xã hội, cư dân mạng bàn tán xôn xao về những vấn đề này, các cơ quan báo chí kịp thời xác minh và có nhiều bài viết phê phán những hành động tiêu cực, động viên khích lệ, biểu dương những hành vi tích cực góp phần làm thay đổi hành vi ứng xử giữa con người với con người, con người với tự nhiên, con người với xã hội (2).

Từ mạng xã hội, với những thao tác, kỹ năng nghiệp vụ, các nhà báo nhận diện được những tin tức nào, vấn đề nào tạo ra được sự gắn bó với người đọc có thời gian tồn tại lâu hơn để tiếp tục cung cấp các tin tức khác liên quan cho độc giả. Mới đây, một chuyên gia nước ngoài thống kê, có tới 75% phóng viên thấy blog hữu ích để phát triển ý tưởng, giúp họ nhìn nhận đa chiều và sâu sắc hơn, 21% trong số họ bỏ ra mỗi ngày 1 tiếng để đọc blog và 16% trong số họ có trang blog riêng.

Càng gần hiện nay, công chúng càng thừa nhận sự nhanh nhạy của mạng xã hội và coi nó là người bạn đồng hành của báo chí trong cuộc đua cập nhật thông tin. Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong chừng mực nào đó, mạng xã hội đã “dẫn dắt” xu hướng thông tin đối với báo chí.

Hai là, thông qua mạng xã hội, thông tin từ báo chí được quảng bá rộng rãi theo cấp số nhân. Tất nhiên, thông qua sự quảng bá của mạng xã hội, nếu những thông tin có chất lượng, lập luận khoa học, sắc bén được người đọc thừa nhận…thì thương hiệu của tờ báo, uy tín của nhà báo được nâng lên. Nếu mạng xã hội tiếp nhận, truyền bá và thảo luận về một bài báo nào đó thì đây sẽ là kênh có hiệu ứng lan truyền nhanh, mạnh nhất, tới được số lượng độc giả gấp nhiều lần so với việc nó chỉ được đăng tải trên trang báo chính thức của nó. Bởi lẽ, thông tin đối với cư dân mạng là cấp số nhân, khi nó được gửi cho nhau, đọc lẫn nhau, cùng thảo luận sẽ tạo ra làn sóng tin tức. Thường bạn bè dễ tin nhau, vì thế hiệu quả của thông tin từ bài báo càng cao.

Chính do đặc trưng của mạng xã hội như vậy mà các cơ quan báo chí, các nhà báo khai thác để xây dựng thương hiệu của mình.

Ba là, mạng xã hội là kênh tương tác giữa báo chí với độc giả, làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống. Thực tế hiện nay cho thấy, mạng xã hội là môi trường cung cấp, truyền bá và tương tác thông tin. Phóng viên báo chí là cư dân mạng xã hội sẽ có điều kiện nắm bắt, cập nhật thông tin; tòa soạn tương tác để nắm bắt dư luận. Xin nêu một dẫn chứng, trang Facebook của tờ báo Aftenposten - tờ báo lớn nhất của Na Uy hiện nay, hiện có 67.000 người theo dõi. Aftenposten đã dùng Facebook không chỉ là nơi lan truyền thông tin mà còn trao đổi với độc giả để nắm bắt được sự quan tâm của họ về những vấn đề gì. Điều này rất có ích cho các nhà báo, cho tòa soạn, nhất là đối với loạt bài phóng sự nhiều kỳ.

Như vậy, với sự có mặt của mạng xã hội góp phần làm cho nhà báo, tờ báo gần gũi hơn với độc giả, đối thoại trực tiếp với người đọc. Đây là nét mới so với cung cách làm báo truyền thống. Trước đây, tờ báo và nhà báo chủ động cung cấp thông tin cho độc giả, ít nắm được sự mong muốn được chia sẻ, được đối thoại của người đọc. Ngày nay, mọi người đều có thể tạo ra và lan truyền tin tức họ muốn được chia xẻ, được cùng nhiều người bàn thảo, thậm chí muốn tạo nên dư luận xã hội. Như vậy, việc cung cấp thông tin và cả bình luận về thông tin không còn là độc quyền của nhà báo. Và lẽ đương nhiên nó đã tác động làm cho nghề báo truyền thống phải thay đổi và thay đổi cả sự chờ đợi của độc giả với nhà báo; nhà báo thấy rõ lợi ích trong việc đối thoại với người đọc qua mạng xã hội. Và, những người làm báo có thể sử dụng tư liệu từ các mạng xã hội.

Rõ ràng, với sự phát triển ngày càng rộng rãi của mạng xã hội đã tạo điều kiện cũng như đòi hỏi sự thay đổi quy trình tác nghiệp truyền thống của nhà báo, giúp họ có được tin tức nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian hơn. Đồng thời, mạng xã hội nói chung, blog nói riêng sẽ là nơi tập luyện cho những ai muốn trở thành những cây viết. Với những trang mạng, blog, nếu những cư dân mạng, những blogger cung cấp thông tin chân thực, có giá trị được nhiều độc giả tin cậy, rất có thể họ sẽ trở thành đối tác cung cấp  tin của một cơ quan báo chí chính thống.

Đối với mạng xã hội, báo chí có vai trò hết sức quan trọng: Trước hết là báo chí tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng và “chính thống hóa” thông tin trên mạng xã hội. Đó là khi những thông tin trên mạng xã hội được nhà báo tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng rồi đăng tải trên báo chí sẽ làm cho thông tin đó, vấn đề đó được “chính thống hóa” và đương nhiên nó sẽ có được mức độ tin cậy cao hơn. Những người đưa thông tin lên mạng phải nhận thức và thấy rõ: Trung thực là đạo đức, hành vi đúng đắn là thước đo nhân cách của chủ thể hành vi trong cộng đồng, và chỉ có như vậy họ mới tồn tại lành mạnh, bền vững trong xã hội. Đối với những thông tin trên mạng, báo chí cần kịp thời biểu dương, cổ vũ những thông tin đúng; phê phán, lên án những thông tin sai và giải tỏa bằng những thông tin chính xác của mình.

Hai là, báo chí góp phần “định hướng” thông tin trên mạng xã hội. Nếu các nhà báo, các cơ quan báo chí nhanh nhạy nắm bắt và cung cấp thông tin về những vụ việc, vấn đề đang được xã hội quan tâm, giúp người đọc thấy được bản chất vấn đề, sự thật vụ việc thì chắc chắn nó sẽ được các thành viên mạng xã hội tiếp nhận, truyền bá và thảo luận, từ đó sẽ tạo ra được làn sóng thông tin mà báo chí là nguồn, lan tỏa nhanh chóng trong xã hội. Vì thế, báo chí góp phần định hướng thông tin, vấn đề được thảo luận, chia xẻ trên mạng xã hội.

Ba là, trách nhiệm của cơ quan báo chí khi sử dụng thông tin trên mạng xã hội. Thực tế mạng xã hội hoàn toàn mang tính cá nhân, nội dung thông tin dàn trải, vụn vặt về nhiều vấn đề, từ đời tư một nhân vật nào đó, một sự việc cụ thể ngoài xã hội, tới cả những lời kêu gọi, cuộc vận động của một cá nhân, nhóm người thuộc mạng xã hội trước một vấn đề, một sự việc nào đó của xã hội… Thông tin trên mạng xã hội có nhiều dạng: loại có bài, có tin mô tả trung thực, loại phản ánh một chiều, hoặc thiếu đầy đủ, loại không có mục đích rõ ràng, thậm chí có loại mang mục tiêu xuyên tạc, bôi nhọ, lừa đảo. Đó là tình trạng chung của mạng xã hội trên toàn thế giới.

Tuy vậy, tới nay, thông tin trên mạng xã hội đều thiếu được kiểm chứng và người đưa tin cũng chưa chịu sự chế tài của một đạo luật, một quy định nào mang tính pháp lý. Và thực tế việc xử lý những thông tin không đúng sự thật, thậm chí những thông tin bôi nhọ, nói xấu, hạ bệ có động cơ, mục đích xấu, lừa đảo… trên mạng xã hội trong những năm vừa qua chưa được xử lý nghiêm minh, kịp thời.      

Mạng xã hội ngày một phát triển, không ai cản được. Tác động của nó ngày càng to lớn đối với xã hội, trong đó có báo chí. Nhưng, mạng xã hội không phải là phương tiện thông tin đại chúng, không phải là nguồn thông tin chính thống, nó có tính hai mặt, chưa có gì bảo đảm cho tính chính xác của nó.

Do vậy, khi tiếp nhận, lựa chọn và sử dụng thông tin trên mạng xã hội báo chí phải kiểm chứng, khi thấy đúng sự thật mới chính thống hóa thông tin, đưa ra những bình luận sắc sảo góp phần nâng cao năng lực tư duy và nhận thức của độc giả. Chỉ có như vậy báo chí mới được xã hội tìm đọc, uy tín của tờ báo mới ngày một được nâng cao, mới góp phần đắc lực phục vụ xã hội, tờ báo mới ngày càng phát triển. Điều kiện để làm được việc đó đòi hỏi trách nhiệm, đạo đức, năng lực của nhà báo; tính nguyên tắc, kỷ cương, sự đứng đắn của cơ quan báo chí; tính nghiêm minh của quy chế, pháp luật của nhà nước. Ngược lại, nếu nhà báo, cơ quan báo chí lựa chọn thông tin, chủ đề thiếu chọn lọc, thiếu kiểm chứng dẫn tới thông tin thiếu chính xác, sai lệch thì tờ báo sẽ bị xã hội đánh gía thấp, người đọc ít quan tâm, đó là dạng báo mà bạn đọc gọi chung là “lá cải” và vô tình hoặc hữu ý nhà báo, cơ quan báo chí đã tiếp tay cho sự lừa đảo, cho mục đích xấu./.
__________________

(1) Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet

(2) Ví dụ: - Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, nhiều diễn đàn xôn xao trên các mạng xã hội bàn tán về một bức thư của cha mẹ gửi đến những đứa con thân yêu của mình. Báo chí đã tìm hiểu và khai thác nội dung này, đăng tải trên các báo với nhiều bài viết như: “Cảm động bức thư cha mẹ gửi con”, hoặc “Cư dân mạng rớt nước mắt vì “Thư gửi con”… với nội dung giản dị, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc khiến những người làm con phải nhìn nhận lại chính mình.

 - Gần đây nhất, clip về bé 2 tuổi bị ô tô cán tại Trung Quốc, nằm thoi thóp và tiếp tục bị một chiếc ô tô khác nghiến. Gần 20 người đi qua bé gái, nhưng không một ai giúp đỡ cái thân thể đang ngập ngụa trong vũng máu. Độc giả bất bình, phẫn nộ. Báo chí lên tiếng đã tạo nên hiệu ứng tâm lý rộng rãi không chỉ đối với người Trung Quốc mà cả độc giả nhiều nước trước cách ứng xử giữa người với người ở không ít nơi trên trái đất hiện nay.