Hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu của mọi quốc gia trên thế giới. Đối với nước ta, việc hội nhập sâu vào các quan hệ kinh tế quốc tế đang đặt ra những thách thức gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng - an ninh và đối ngoại.

Sau hơn một năm trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế, tạo ra những cơ hội lớn để đưa đất nước phát triển nhanh, toàn diện và bền vững hơn, sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Nền kinh tế nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó nổi lên là sự tăng trưởng mạnh mẽ về đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu; lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Nhưng, hội nhập kinh tế quốc tế cũng là vấn đề mới và đặt ra những thách thức rất gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng - an ninh và đối ngoại.

Những năm qua, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã chỉ đạo đổi mới toàn diện các biện pháp nghiệp vụ công tác biên phòng để phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng tăng, trong đó công tác đối ngoại biên phòng trở thành một biện pháp nghiệp vụ quan trọng. Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng để duy trì việc thực hiện các hiệp ước, hiệp định về quy chế biên giới, cùng nhau quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Thông qua công tác đối ngoại đã góp phần làm cho nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, bạn bè quốc tế và các đối tượng, đối tác hiểu rõ quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta nói chung, về chủ quyền lãnh thổ nói riêng. Trong đó, nhiệm vụ trung tâm là xây dựng đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Đồng thời, vừa tuyên truyền rộng rãi quan điểm, chính sách xây dựng nền biên phòng toàn dân của Đảng, Nhà nước, vừa động viên, tập hợp, tổ chức các lực lượng ủng hộ BĐBP hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Trong năm 2007, BĐBP Việt Nam đã góp phần tích cực giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; phục vụ tốt nhiệm vụ phân giới cắm mốc.

Năm 2007, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, trong đó tập trung quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia để cùng nhau quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới của mỗi nước; duy trì quan hệ tốt với ngành biên phòng của cơ quan an ninh Liên bang Nga, mở rộng quan hệ với Bộ Nhập cư, Đa văn hóa Ô-xtrây-li-a và chính phủ các nước: Anh, Pháp, Đức, Mỹ trong hợp tác chống nhập cư trái phép, giúp đỡ trang thiết bị phát hiện giấy tờ, hộ chiếu giả, đào tạo tiếng Anh, huấn luyện chó nghiệp vụ, tham gia sáng kiến an ninh công-te-nơ, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý... Đặc biệt, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu và phối hợp tốt với các cơ quan chức năng tích cực chuẩn bị xây dựng, hoàn chỉnh nội dung bản Thỏa thuận hợp tác Biên phòng phục vụ lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc xem xét và ký trong tháng 8-2007. Đây là văn bản hợp tác quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để góp phần thúc đẩy, mở rộng các lĩnh vực hợp tác biên phòng mà hai nước cùng quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng biên phòng hai nước phối hợp có hiệu quả trong xử lý, giải quyết các vấn đề nảy sinh trên biên giới, cùng nhau bảo vệ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa quân đội và nhân dân hai nước, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích quốc gia của mỗi nước.

Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố đã quán triệt và triển khai thực hiện tốt kế hoạch công tác đối ngoại của Bộ Tư lệnh, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp hoạt động đối ngoại như: thông báo, gửi thư, trực tiếp gặp gỡ trao đổi tình hình; cử các đoàn sang hội đàm theo quy định hoặc tổ chức chúc mừng, thăm hỏi lẫn nhau, nhất là vào các ngày lễ lớn của mỗi nước; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh, huyện đối diện để tăng cường quan hệ hợp tác phát triển cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh. Năm 2007, BĐBP Việt Nam đã cùng với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng tiến hành 2.373 cuộc gặp gỡ với trên 12.500 lượt người tham gia (cấp tỉnh có 178 cuộc với trên 1.800 lượt người; cấp đồn, trạm có 2.373 cuộc với trên 10.700 lượt người). Phối hợp với công tác kiểm soát cửa khẩu tuyên truyền đối ngoại trên 3 triệu lượt khách nước ngoài xuất, nhập cảnh và hàng vạn người cư trú ở khu vực biên giới xuất, nhập biên vào Việt Nam hợp tác đầu tư, tham quan, du lịch, thăm thân nhân, chữa bệnh và làm ăn... Thông qua công tác đối ngoại biên phòng, đã góp phần tích cực giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; phục vụ tốt nhiệm vụ phân giới cắm mốc trên hai tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Cam-pu-chia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đối ngoại biên phòng ở một số đơn vị còn bộc lộ những thiếu sót, hạn chế. Chẳng hạn, trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện thiếu tính chủ động, sáng tạo, còn bị hành chính hóa, có lúc quá đề cao công tác đối ngoại, chưa kết hợp tốt với các biện pháp công tác khác nên hiệu quả giải quyết công việc còn hạn chế. Chưa kết hợp tốt công tác đối ngoại biên phòng với đối ngoại nhân dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại còn thiếu hoặc phải kiêm nhiệm; trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong tình hình mới.

Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế; kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục phục hồi và phát triển... Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn khó lường. Toàn cầu hóa kinh tế tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn, thách thức lớn cho các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Sự cạnh tranh kinh tế - thương mại, giành giật các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, nguồn vốn, công nghệ... giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt và những đột phá lớn, tác động nhiều mặt đến tất cả các quốc gia. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, hoạt động khủng bố, những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, biển đảo và tài nguyên thiên nhiên tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp. Các mâu thuẫn lớn của thời đại vẫn tồn tại gay gắt. Nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức quốc tế phải phối hợp giải quyết, như : khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm nước giàu và nước nghèo ngày càng lớn; sự gia tăng dân số cùng với các luồng dân di cư; tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, môi trường tự nhiên bị hủy hoại; khí hậu diễn biến ngày càng xấu, kèm theo sự phá hoại của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh; các tội phạm xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng...

Ở trong nước, thành tựu đổi mới những năm qua đã làm cho thế và lực nước ta lớn mạnh lên nhiều so với trước. Việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình tạo thêm nhiều thuận lợi cho nhân dân ta tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh hơn. Trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực biên giới, biển đảo ngày càng thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến tiến hành các hoạt động sản xuất, thương mại, du lịch, dịch vụ, văn hóa, nghiên cứu khoa học và hoạt động nhân đạo... Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các lực lượng chống đối trà trộn tiến hành chống phá cách mạng nước ta, tạo các điểm nóng về dân tộc, tôn giáo, về biên giới, lãnh thổ, về kinh tế đối ngoại..., làm nảy sinh các vấn đề phức tạp mới về an ninh chính trị, về quan hệ đối ngoại giữa nước ta với các nước; tội phạm trong nước và quốc tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động: buôn lậu, gian lận thương mại, rửa tiền, buôn bán vũ khí, chất nổ, ma túy, phụ nữ, trẻ em, phá hoại môi trường... Do đó, thời gian tới, khi tiến hành công tác đối ngoại biên phòng trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, các đơn vị BĐBP cần quán triệt và thực hiện tốt những vấn đề sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; quán triệt sâu sắc vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đối ngoại biên phòng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho mọi cán bộ, chiến sĩ

Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các đơn vị phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, công nhân, viên chức quốc phòng về chủ trương gia nhập WTO của Đảng, Nhà nước ta, cũng như những cơ hội và thách thức khi nước ta gia nhập WTO, làm cơ sở tuyên truyền trong nhân dân khu vực đóng quân. Qua đó, khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn dân tộc của mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và quần chúng nhân dân, xây dựng quyết tâm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong tình hình mới.

Trong giáo dục chính trị, tư tưởng, phải tập trung giáo dục nâng cao trình độ hiểu biết lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chú trọng giáo dục những nội dung liên quan đến công tác đối ngoại, đến hội nhập kinh tế quốc tế; bản chất truyền thống văn hóa dân tộc, truyền thống quân đội nhân dân và BĐBP; lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước; tinh thần cảnh giác cách mạng, phân biệt rõ đối tác, đối tượng; tinh thần chủ động, sáng tạo, tính độc lập, quyết đoán và tinh thần đoàn kết quốc tế, lòng mến khách, sự thiện chí, bình đẳng trong các quan hệ đối nội, đối ngoại... để trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh, tình huống nào, mọi cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng luôn bình tĩnh, tự tin và chủ động trong các hoạt động đối ngoại.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP là chú trọng giáo dục những nội dung liên quan đến công tác đối ngoại, đến hội nhập kinh tế quốc tế; bản chất truyền thống văn hóa dân tộc,... tinh thần đoàn kết quốc tế, lòng mến khách, sự thiện chí, bình đẳng trong các quan hệ đối nội, đối ngoại.

Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần chú trọng hơn nữa trong việc quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đối ngoại biên phòng, nhất là khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới; đồng thời, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác đối ngoại biên phòng trên cơ sở nắm vững quan điểm, phương châm, nguyên tắc, nội dung, phương pháp, hình thức thực hiện công tác đối ngoại, biết vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, bảo đảm mang lại hiệu quả cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, củng cố biên chế, tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác đối ngoại và hoàn thiện cơ chế hoạt động của cơ quan đối ngoại biên phòng các cấp

Khi nước ta hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với sự phát triển chung của cả nước, mọi hoạt động ở khu vực biên giới sẽ trở nên rất sôi động cả về số lượng và quy mô. Theo đó, sẽ nảy sinh nhiều khó khăn và thách thức mới; việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh không thể chỉ áp dụng các biện pháp hành chính, pháp luật và kinh nghiệm truyền thống, mà phải phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều ngành, nhiều cấp, của nhiều lực lượng, của các biện pháp công tác, trực tiếp là công tác đối ngoại. Trong đó, "đối thoại" trực tiếp đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ đối ngoại.

Muốn "đối thoại" thành công, cần chuẩn bị nội dung chu đáo, có sức thuyết phục cao; có nghệ thuật tiến hành, có tổ chức thống nhất, con người am hiểu và có các điều kiện bảo đảm cần thiết. Vì vậy, cần hoàn chỉnh hệ thống biên chế, tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại chuyên trách, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực công tác đối ngoại cho cán bộ chuyên trách làm công tác đối ngoại, nhất là cán bộ đồn biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Trong đó, tập trung bồi dưỡng phẩm chất chính trị, kiến thức toàn diện phục vụ cho công tác đối ngoại, trình độ ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật và tập quán quốc tế về biên giới, về công tác đối ngoại.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn cách mạng mới. Trong đó, chú trọng nắm vững chủ trương, chính sách thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển; giữ vững môi trường hòa bình và tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trong chỉ đạo thực hiện đối ngoại biên phòng, giải quyết các vấn đề tranh chấp biên giới, cần nắm vững nguyên tắc, song phải rất khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt, có tình, có lý, tranh thủ sự đồng thuận, hiểu biết lẫn nhau, hạn chế sự bất đồng, không làm căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

Cùng với việc củng cố biên chế, tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại biên phòng, các đơn vị qua thực tiễn hoạt động đối ngoại nghiên cứu, đề xuất Bộ Tư lệnh từng bước hoàn thiện cơ chế hoạt động của cơ quan đối ngoại biên phòng các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới.

Ba là, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng

Đây vừa là quan điểm, vừa là mục tiêu của công tác đối ngoại biên phòng. Trước hết, các đơn vị BĐBP cần tăng cường quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền và nhân dân các nước láng giềng, tạo sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác, đoàn kết, hữu nghị, góp phần giữ vững môi trường hòa bình và phát triển. Thường xuyên giáo dục ý thức quốc gia, quốc giới, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia cho nhân dân các các dân tộc ở khu vực biên giới để nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Bộ đội Biên phòng các tỉnh tham mưu cho chính quyền và hướng dẫn nhân dân hai bên biên giới nêu cao tinh thần đoàn kết, hữu nghị, chủ động quan hệ giải quyết có tình, có lý các vấn đề xảy ra trên biên giới. Thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước trong quan hệ với Vương quốc Cam-pu-chia: "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu đời"; với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: "Hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai"; với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào: "Đoàn kết, hữu nghị đặc biệt".

Tham mưu cho các địa phương đẩy mạnh, mở rộng công tác đối ngoại nhân dân, quan hệ hợp tác với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng bảo vệ biên giới nước láng giềng, nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị; khuyến khích các địa phương, các bộ, ngành hợp tác trên các lĩnh vực hoạt động của xã hội, nhất là kinh tế, văn hóa, khoa học, với các nước láng giềng.

Bốn là, xây dựng mối quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng

Duy trì thường xuyên chế độ gặp gỡ, trao đổi tình hình biên giới, tuần tra song phương, kết hợp giải quyết các vấn đề nảy sinh trên biên giới. Chú trọng trao đổi tình hình hoạt động phá hoại an ninh, trật tự ở khu vực biên giới; âm mưu, phương thức, thủ đoạn của địch và các loại tội phạm. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân cả hai bên biên giới về truyền thống hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

Thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định quy chế biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới, vùng biển, khảo sát song phương, kiểm tra dấu hiệu đường biên, mốc giới, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm như: xuất cảnh, nhập cảnh, vượt biên, xâm nhập trái phép, phối hợp quản lý xuất, nhập cảnh, bảo đảm lưu thông biên giới, tạo điều kiện cho cá nhân và các tổ chức quốc tế qua lại biên giới thăm thân nhân, du lịch, hợp tác kinh tế.

Trong quan hệ hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới các nước, luôn quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tôn trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biên giới của các nước; thực hiện nghiêm hiệp định về biên giới và các thỏa thuận đã ký kết; giải quyết các vấn đề về biên giới bằng phương pháp hòa bình, không dùng bạo lực, không tuyên truyền kích động gây chia rẽ tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước

Năm là, tăng cường đầu tư trang bị, phương tiện phục vụ công tác đối ngoại biên phòng trong tình hình mới

Cùng với các nguồn vật chất, kỹ thuật do trên cấp, cần phát huy nội lực tại chỗ để tăng cường đầu tư trang bị, phương tiện, vật chất cho lực lượng làm công tác đối ngoại biên phòng. Trong đó, chú trọng trang bị công nghệ tin học, hệ thống thông tin hiện đại, bảo đảm lưu trữ, tổng hợp tình hình phục vụ chỉ huy, chỉ đạo, cùng các trang bị, phương tiện làm việc, trang phục chuyên dùng, kinh phí đối ngoại... nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai tốt công tác đối ngoại biên phòng, góp phần giữ gìn tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế và nhân dân các nước láng giềng.

Trong năm 2007, BĐBP Việt Nam đã góp phần tích cực giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; phục vụ tốt nhiệm vụ phân giới cắm mốc.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP là chú trọng giáo dục những nội dung liên quan đến công tác đối ngoại, đến hội nhập kinh tế quốc tế; bản chất truyền thống văn hóa dân tộc,... tinh thần đoàn kết quốc tế, lòng mến khách, sự thiện chí, bình đẳng trong các quan hệ đối nội, đối ngoại.