Nhân kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 60 năm Ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”

Nguyễn Thị Doan: Đẩy mạnh phong trào thi đua và công tác thi đua - khen thưởng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đã 60 năm trôi qua song "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn có ý nghĩa và giá trị thời sự sâu sắc. Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cần đổi mới hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua và công tác thi đua - khen thưởng, nhằm làm cho phong trào này thực sự là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Phạm Quang Nghị: Đảng bộ và nhân dân Thủ đô quyết tâm thực hiện tốt những lời Bác Hồ dạy

Chúng ta kỷ niệm lần thứ 118 ngày sinh của Bác Hồ kính yêu trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các Nghị quyết Trung ương sau Đại hội. Để tỏ lòng biết ơn và quyết tâm làm theo lời Bác, toàn thể Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang ra sức đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm; bằng những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể đóng góp sức mình xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Phùng Quang Thanh: Toàn quân đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong thời kỳ mới

Hưởng ứng "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Bác Hồ, suốt 60 năm qua, Quân đội ta luôn luôn phát động và duy trì liên tục các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ mới, thực hiện mục tiêu của sự đổi mới đất nước, có nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra, đòi hỏi Quân đội ta đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước của mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đáp ứng lòng mong mỏi và tin yêu của Bác và nhân dân.

Đưa Nghị quyết Đại hội X của Đảng vào cuộc sống

Nguyễn Văn Giàu: Hoạt động ngân hàng với việc kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô nền kinh tế

Nền kinh tế nước ta chưa bao giờ chịu sự tác động mạnh và sâu rộng bởi những biến động thất thường của thị trường thế giới như hiện nay. Giá dầu đã có lúc lên đến trên dưới 135 USD/thùng, tình trạng lạm phát lan tỏa rộng khắp hành tinh, giá lương thực, thực phẩm tăng chóng mặt... Kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là vấn đề quan tâm hàng đầu và khó giải quyết nhất đối với tất cả các nền kinh tế. Ở nước ta, giải bài toán chống lạm phát và tăng trưởng kinh tế đang được các cấp, các ngành quan tâm để đạt được kết quả tối ưu mà không gây hậu quả đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Đỗ Quý Doãn: Hoạt động báo chí, xuất bản và công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản hiện nay

Thực hiện nguyên tắc: “Báo chí, xuất bản nước ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật” trong năm qua, báo chí, xuất bản tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của mình trong đời sống xã hội và có những chuyển biến tích cực. Đó tuy mới là bước đầu nhưng hết sức có ý nghĩa. Điều đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đối với lĩnh vực này là hết sức sâu sát và kịp thời; tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản ngày càng được nâng cao hơn.

Vũ Oanh: Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cả nước thành một xã hội học tập

Cả nước là một xã hội học tập, mọi người đều học, học suốt đời, tuổi trẻ được học tập ở nhà trường, người lớn - từ người lao động trên mọi lĩnh vực, đến các nhà khoa học, giáo dục, các cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đoàn thể từ trung ương tới cơ sở cũng đều có cơ hội học tập suốt đời, nhất là cần gì học nấy, vừa làm vừa học. Xây dựng xã hội học tập thực chất là một cuộc cách mạng rộng lớn và được tiến hành trong nhiều năm. Đây có thể coi là bài toán lớn của dân tộc Việt Nam thời đại ngày nay và cần có chính sách, tổ chức thực hiện để giải phóng và phát huy tiềm năng trí tuệ to lớn ấy.

Nghiên cứu - trao đổi

Nguyễn Đình Thọ: Chống lạm phát ở Việt Nam: Tìm đúng nguyên nhân mới có giải pháp tích cực

Lạm phát không chỉ gây ra rối loạn kinh tế, ngừng trệ sản xuất, và bóp méo hoạt động phân bổ nguồn lực xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của mọi tầng lớp nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người nghèo và người có thu nhập thấp trong xã hội. Vì thế, kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế ở nước ta đang là vấn đề bức xúc. Lạm phát đang diễn ra do nhiều nguyên nhân, trong đó, đặc biệt quan trọng là nguyên nhân tỷ giá, là yếu tố phản ánh biến động kinh tế cả trong nước và quốc tế.

Nguyễn Sinh - Doãn Huề: Cải cách hành chính và tăng trưởng kinh tế

Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo trong hơn 20 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Thành quả đó có vai trò của cải cách hành chính, thể hiện trên nhiều lĩnh vực: Cải cách hệ thống chính trị theo nguyên tắc giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và bản chất cách mạng của Nhà nước; tổ chức lại bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của các cơ quan đảng, nhà nước và các tổ chức xã hội phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trần Văn Giao: Cải cách tài chính công ở Việt Nam hiện nay

Cải cách tài chính công là nhiệm vụ quan trọng của đất nước có liên quan mật thiết với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, vấn đề đánh giá thực trạng công cuộc cải cách tài chính công ở Việt Nam hiện nay và xác định những vấn đề có tính nguyên tắc trong việc xây dựng phương hướng, chính sách và giải pháp trong thời gian tới là nhiệm vụ cấp thiết. Cải cách, đổi mới tài chính công phải hướng tới mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính nhà nước, bảo đảm cho bộ máy hành chính hoạt động tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, điều hành có hiệu quả hơn hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguyễn Hữu Dũng: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện chính sách an ninh xã hội ở nước ta

Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và thực hiện chính sách an sinh xã hội là xu hướng chung tiến bộ của nhân loại, là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Đây thực chất là thực hiện một chính sách phát triển và tăng trưởng kinh tế công bằng; tạo cơ hội cho mọi người trong phát triển và được thụ hưởng đầy đủ hơn các thành quả của phát triển và tăng trưởng kinh tế; phòng ngừa và khắc phục các rủi ro trong kinh tế thị trường và rủi ro xã hội khác; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người.

Nguyễn Hữu Cát: Hoàn thiện chính sách nhà ở đối với người lao động hưởng lương

Đến năm 2005, cả nước có trên 7 triệu lao động làm công ăn lương gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp; trong đó, có khoảng 1,6 triệu cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Chính sách nhà ở đối với người lao động hưởng lương là một bộ phận cấu thành có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính sách nhà ở của nước ta.
 
Đỗ Xuân Trường: Hoạt động tín dụng với phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn
Hoạt động tín dụng đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay. Từ khi thực hiện Nghị quyết 15/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh công nghiêp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010, nhờ chính sách đầu tư đúng đắn của Nhà nước, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nước ta đã có bước chuyển dịch đáng kể.
 
Bùi Hữu Đức: Phát triển thị trường nông sản nước ta trong điều kiện gia nhập Tổ chức thương mại thế giới

Thị trường nông sản của Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu từ năm 2000 đến 2006 đạt mức 16,5%. Một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có thị phần lớn và chiếm các vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu nông sản như: gạo, hồ tiêu, hạt điều, cà phê... Hiện tại, nông sản Việt Nam đã có mặt ở thị trường hơn 100 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu bước đầu đáng mừng đó, trong bối cảnh mới, việc phát triển thị trường nông sản Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều vấn đề khi nước ta đã gia nhập WTO.

Nguyễn Thị Ninh: Công tác cán bộ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thắng lợi của cách mạng đã đưa người phụ nữ Việt Nam lên địa vị làm chủ xã hội, có quyền bình đẳng với nam giới, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Muốn phát huy sức mạnh của phụ nữ, không thể không đặt đúng vị trí, vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ nữ trong công tác phụ nữ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Ngọc Hà: Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật

Trong thời gian vừa qua, một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực xây dựng thể chế kinh tế thị trường đã được ban hành. Các văn bản quy phạm pháp luật đã bao quát một phạm vi rộng lớn các quan hệ xã hội cần điều chỉnh. Quy trình xây dựng được thực hiện đúng luật và dân chủ hơn. Chất lượng các văn bản được nâng cao hơn. Những kết quả đã đạt được trong việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua không chỉ đáp ứng những thông lệ quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO mà còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Nguyễn Quang Tuấn: Phát huy vốn xã hội trong bảo vệ môi trường

Vốn xã hội là cấu trúc của những mối quan hệ xã hội mà trong đó những người tham gia có thể sử dụng chúng nhằm đạt được các mục tiêu của mình. Vốn xã hội bao gồm lòng tin, mạng lưới và các quy tắc ứng xử, hay các chuẩn mực của cộng đồng. Đó là một trong những quan niệm phổ biến nhất về vốn xã hội được Cô-lê-man và Pút-nam đưa ra. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, thuật ngữ vốn xã hội đã trở nên phổ biến trong các nghiên cứu phát triển. Tuy nhiên, những nghiên cứu về vai trò của vốn xã hội trong bảo vệ môi trường ở nước ta còn rất mới.

Thực tiễn - Kinh nghiệm

Trương Quốc Tuấn: Kiên Giang gắn đổi mới phương thức xây dựng tổ chức cơ sở đảng với kiện toàn hệ thống chính trị

Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức gắn chặt với những phong trào, công tác cụ thể là tư tưởng chủ đạo của Tỉnh ủy Kiên Giang trong nhiều năm qua. Thực hiện việc gắn đổi mới phương thức xây dựng tổ chức cơ sở đảng với kiện toàn hệ thống chính trị ở Kiên Giang thời gian qua đã đem lại những kết quả thật khả quan. Nhờ vậy, GDP tăng trưởng khá (13,2% năm 2007), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương.
 
Trần Minh Sanh: Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy lợi thế, tập trung phát triển tốt các ngành dịch vụ
 
Nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, là cửa ngõ hướng ra biển của khu vực, có tiềm năng kinh tế biển, tiềm năng du lịch rất phong phú, là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước với nhiều lợi thế, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển các ngành dịch vụ tốt nhất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
 
Phạm Ngọc Dũng: Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Quảng Trị
 
Quảng Trị có 10 huyện, thị với diện tích tự nhiên 4.745,73 km2, trong đó đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm 15,06%, đất lâm nghiệp có rừng chiếm 34%, đất chưa sử dụng chiếm 47,94%. Hiện nay, dân số có 62 vạn người với 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Cô sinh sống, trong đó dân số ở nông thôn còn chiếm 74%. Thực hiện đường lối đổi mới và 19 năm sau khi tách tỉnh, Quảng Trị đã có những bước phát triển rất cơ bản.
 
Võ Tòng Xuân: Hướng đi bảo đảm an ninh lương thực quốc gia ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trước thực tế "gạo" đang là vấn đề "nóng" không chỉ gần như của toàn cầu mà ngay cả Việt Nam trong thời điểm hiện nay do nhiều nguyên nhân thì bên cạnh những thế mạnh của mình, “vựa lúa của Việt Nam” đã bộc lộ nhiều bất cập. Việc tìm ra những giải pháp để đồng bằng sông Cửu Long vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa tiếp tục xuất khẩu gạo thu ngoại tệ về cho đất nước cũng là vấn đề không kém "nóng" đối với Chính phủ và các nhà khoa học.

Hoàng Việt: Nghe dân nói, nói để dân nghe - ghi nhận ở Vĩnh Phúc

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc nổi lên như một địa bàn thu hút được nhiều đầu tư, các khu công nghiệp liên tục mọc lên. Những thành công đó có được là do Đảng bộ Vĩnh Phúc đã bám chắc các quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước và quan tấm đến những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn của địa phương. Đó còn là kết quả của việc lắng nghe dân nói, hiểu được ước nguyện của nhân dân, tạo  điều kiện để nhân dân thực hiện ước nguyện, hướng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Đào Hải Triều - Từ Thanh: Ngành hậi cần quân đội với cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Tại Hội nghị cung cấp toàn quốc lần thứ nhất năm 1952, Người lại nhấn mạnh: "Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân. Đó là vinh dự cao nhất. Nếu có thành tích gì thì Chủ tịch và người nấu cơm phải chia nhau cái vinh dự ấy...”. Để xứng đáng với tình cảm lớn lao của Bác Hồ kính yêu, cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần quân đội đã quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thư gửi Bộ Biên tập

Trần Trọng Tân: Cần bảo đảm tính khoa học trong việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong các bài Bác đã viết là di sản văn hóa vô cùng quý giá của Đảng và nhân dân ta. Các bài Bác viết và sách báo viết về Bác, được rất nhiều người trong nước và ngoài nước quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu. Khi viết báo, viết sách, Bác Hồ thường cân nhắc rất kỹ, chẳng những đúng về nội dung mà hay cả về lời văn. Khi trích dẫn lời Bác, phải rất cẩn thận, cần tra cứu kỹ lưỡng từ gốc... Đó là yêu cầu trước tiên phải thực hiện, để bảo đảm được tính khoa học, trong việc tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thế giới: Vấn đề, sự kiện

Trần Bá Khoa: Thế giới đơn cực hay đa cực?

Trật tự thế giới được xem như tiêu chí cơ bản định đoạt thực trạng các mối quan hệ quốc tế hiện có hoặc sẽ có của thế giới. Trật tự này được xác lập bằng các hiệp ước, hiệp định và luật pháp quốc tế điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế. Sự xác lập đó có thể thông qua con đường bạo lực hoặc không bạo lực, sử dụng sức mạnh quân sự hoặc thỏa hiệp ngoại giao. Vì vậy, trật tự thế giới thường phản ánh thế so sánh lực lượng giữa các quốc gia dân tộc, giữa các thế lực chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự to lớn có ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế.

Hà Mỹ Hương: Nước Nga sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống V.Pu-tin: Thành tựu và vấn đề

Sau 8 năm, V. Pu-tin đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của nước Nga, đưa đất nước này hồi sinh mạnh mẽ, tạo cơ sở hiện thực để Nga tái khẳng định vị thế, vai trò của một cường quốc trên thế giới. Một nền kinh tế phục hồi ngoạn mục. Mức sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Kinh tế phục hồi đã tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ Nga thực hiện các chính sách xã hội tích cực. Duy trì sự bình ổn chính trị. Tái khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, thành công không thể phủ nhận, nước Nga còn những vấn đề chưa giải quyết được và những mục tiêu vẫn còn dang dở.

Đỗ Phương Anh: Tác động của cuộc khủng hoảng địa ốc Mỹ tới kinh tế thế giới

Cuộc khủng hoảng địa ốc hiện nay là kết quả tất yếu của việc đầu cơ ồ ạt vào thị trường bất động sản của người dân Mỹ. Cuộc khủng hoảng đó đã nhanh chóng lan rộng từ lĩnh vực địa ốc sang các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng và phạm vi ảnh hưởng của nó không còn chỉ giới hạn trong nền kinh tế Mỹ. Cho đến nay, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng khó có thể dự đoán được cuộc khủng hoảng cũng như hậu quả của nó đối với kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới sẽ kéo dài đến khi nào.

Đoàn Văn Khái: Đảng nước Nga Thống nhất: Quá trình phát triển và những thành công

Đảng Nước Nga thống nhất hiện có gần 2 triệu đảng viên, với 59% đảng viên của Đảng làm việc trong các cơ quan nhà nước; đặc biệt, Đảng ER giành được sự ủng hộ rất cao của đông đảo thanh niên Nga... Và hiện Đảng Nước Nga thống nhất (ER) đang là một trong rất nhiều đảng phái chính trị khác nhau ở nước Nga, giành được sự tín nhiệm cao nhất trong Đu-ma quốc gia Nga cũng như của người dân Nga, đặc biệt với vị trí Chủ tịch Đảng do Thủ tướng V.Pu-tin đảm nhiệm./.