Quảng Ninh: Phát triển bền vững kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh
TCCS - Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng là nhiệm vụ cấp thiết đã, đang được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo nền tảng và môi trường thuận lợi để tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Quảng Ninh là tỉnh biên giới, ven biển, nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, có địa hình đa dạng gắn với biên giới, biển, đảo, hải cảng, cửa khẩu,… Nhận thức rõ giá trị của địa bàn, những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tương đối toàn diện. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đặc biệt coi trọng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, mà cốt lõi là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cùng các nghị định của Chính phủ, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” cùng các nghị định của Chính phủ về khu vực phòng thủ, tỉnh đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Quảng Ninh chủ động ban hành nhiều văn bản làm cơ sở lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn, tiêu biểu là: Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 23-3-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 17-5-2021, của Tỉnh ủy “Về phát triển bền vững kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”,... Để thực hiện thắng lợi các nghị quyết trên, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã và đang quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ những nội dung của nghị quyết. Tỉnh chủ động triển khai kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh ngay trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các ngành, lĩnh vực phù hợp với từng giai đoạn; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh ngay từ khâu xây dựng quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm: quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực phải phù hợp, gắn liền với các quy hoạch về quốc phòng, quân sự; chú trọng xây dựng các công trình, phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, đa năng, lưỡng dụng vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm cho quốc phòng khi có tình huống. Trong quá trình thực hiện phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quốc phòng; thẩm định chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, dự án ở khu vực biên giới, cửa khẩu; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương để làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm.
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế là trọng tâm, tỉnh tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, tận dụng thành tựu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh. Vì vậy, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn là điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh của cả nước. Tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh không ngừng tăng. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Ninh đạt 11,03%, gấp hơn 2 lần so với trung bình cả nước, đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 toàn quốc. Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, cho thấy đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của tỉnh Quảng Ninh trong 60 năm qua, đặc biệt là trong gần 40 năm đổi mới. Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2023 đạt 315,8 nghìn tỷ đồng, cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 4,7%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 51,9%; khu vực dịch vụ chiếm 30,7%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 đạt 55.632 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 5%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Quảng Ninh đạt 30.774 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa đạt khoảng 21.324 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ, nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 9.450 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng chi ngân sách của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 10.769 tỷ đồng, bằng 37% dự toán, tăng 32% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 48.035 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 1,594 tỷ USD, bằng 141% kế hoạch 6 tháng đầu năm, đạt 51,6% kế hoạch năm 2024 (thu hút 3 tỷ USD). Trong đó, có 23 dự án cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đạt 1.358 triệu USD và 16 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 199 triệu USD. Thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách tính đến ngày 18-6-2024 đạt trên 9.658 tỷ đồng, bằng 15,8% kế hoạch năm (61.500 tỷ đồng). Đời sống nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao về chất lượng, tạo bước chuyển trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu - nghèo. Các chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định; tổng kinh phí thực hiện an sinh xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.144 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo năm 2023 đạt 6,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn gấp 1,23 lần so với thu nhập bình quân cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh giảm 121/246 hộ nghèo, bằng 49,19% kế hoạch năm; giảm 828 hộ cận nghèo, bằng 69% kế hoạch năm 2024. Công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế là 1.317.679 người, tăng 11.238 người cùng kỳ, đạt 99,9% kế hoạch giao, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,4% dân số.
Đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đẩy mạnh xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, quân sự cả trước mắt và lâu dài. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân vững chắc” trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trước sự chống phá của các thế lực thù địch. Ban Chỉ đạo 35 các cấp nâng cao hiệu quả hoạt động; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trong tỉnh tiến hành tốt công tác tuyên truyền, kết hợp giữa “xây” và “chống”, tạo thế chủ động trên mặt trận thông tin, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh phù hợp với từng đối tượng; chú trọng các đối tượng đặc thù, vùng dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, biển, đảo, các khu kinh tế, khu công nghiệp. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm, chăm lo thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; khơi dậy và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân vùng mỏ, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Đồng thời, thực hiện tốt các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; ưu tiên các địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước thu hẹp khoảng cách, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền, địa phương trong tỉnh bằng cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực. Qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Một số giải pháp
Để thực hiện tốt việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong tình hình mới, trong thời gian tới tỉnh Quảng Ninh cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Xác định đây là nội dung quan trọng hàng đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, trọng tâm là: Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Quân khu 3 và của tỉnh về công tác quốc phòng, quân sự. Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm đúng quan điểm “phát triển kinh tế là trung tâm, tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”; đồng thời, phát huy vai trò tham mưu, đề xuất của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, đề án nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thống nhất công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Tỉnh chỉ đạo các địa phương kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh ngay từ khâu xây dựng quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm: quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực phải phù hợp, gắn liền với các quy hoạch về quốc phòng, quân sự; chú trọng xây dựng các công trình, phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, đa năng, lưỡng dụng vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm cho quốc phòng khi có tình huống. Trong quá trình thực hiện phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quốc phòng; thẩm định chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, dự án ở khu vực biên giới, cửa khẩu; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương để làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm.
Hai là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương từ khâu khảo sát, đánh giá các nguồn lực của tỉnh (nguồn lực về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, kết cấu hạ tầng, nguồn lực về tài chính, nguồn lực về con người…), trên cơ sở đó xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và các cơ chế, chính sách như: chính sách huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, ngoài nước; chính sách thu hút đầu tư; cơ chế phân bổ các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên cho các công trình tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh, đặc biệt các dự án, công trình có tính “lưỡng dụng” cao; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả nguồn nhân lực cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh…
Ba là, củng cố, kiện toàn và phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, kiến thức cơ bản về kinh tế, quốc phòng - an ninh và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ làm tham mưu cho các cấp ủy và chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh ngang tầm với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bốn là, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, chủ động, tích cực triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tạo thế đan xen lợi ích, vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên địa bàn tỉnh; tăng cường sự tin cậy chính trị, tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc. Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; tiếp tục thực hiện hiệu quả và mở rộng mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, kinh tế - xã hội. Đổi mới toàn diện, đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới, biển, đảo theo pháp luật và các hiệp định, quy chế biên giới mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Trong quá trình thực hiện, cần giữ vững nguyên tắc, song mềm dẻo, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề biên giới, không để xảy ra căng thẳng, phức tạp, đối đầu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo, bảo đảm giữ vững khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển.
Thủ đô Hà Nội trong dòng chảy hiện đại hóa của đất nước: Yêu cầu đồng bộ cơ chế, chính sách  (18/11/2024)
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển con người  (18/11/2024)
Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân  (16/11/2024)
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm