Đảng bộ huyện Vân Đồn tích cực xây dựng con người phát triển toàn diện, thực sự là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển
TCCS - Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, Đảng bộ huyện Vân Đồn Đảng bộ huyện Vân Đồn đã đạt được những kết quả mới, đáng ghi nhận.
Những kết quả tích cực từ việc thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng về Nghị quyết số 17-NQ/TU, Nghị quyết số 17 đã đi vào thực tiễn cuộc sống của người dân Vân Đồn. Từ đây, người dân đã tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện.
Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng cao
Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi và các đối tượng chính sách xã hội; phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội huyện Vân Đồn thực hiện tốt năng lực quản lý hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm xã hội, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai bảo đảm an toàn, không có tai biến nào xảy ra liên quan đến tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 90%. Hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em được thực hiện tốt, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, thể thấp còi còn 2,74%, thể nhẹ cân còn 2,55%.
Trên địa bàn huyện Vân Đồn triển khai thực hiện có hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối hệ thống thông tin giữa y tế xã với y tế huyện để theo dõi, quản lý công tác khám chữa bệnh; kết nối liên thông dữ liệu thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; triển khai thí điểm thực hiện bệnh án điện tử; triển khai thực hiện các phần mềm: Phần mềm tiêm chủng; báo cáo dịch; sức khỏe toàn dân; các bệnh không lây nhiễm; công tác báo cáo theo quy định của ngành; phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm, phần mềm triển khai công tác dân số phát triển...
Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,2%; số giường bệnh trên 10.000 dân: 56 giường; số dược sỹ đại học trên 10.000 dân: 1,8; số điều dưỡng viên trên 10.000 dân: 21. Tỷ lệ xã duy trì Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 100%; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi (cân nặng theo tuổi) chỉ còn 2,55%.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân
Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao được tổ chức, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đồng thời, thông qua các hoạt động đó cũng góp phần tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự tin tưởng của quần chúng nhân dân vào bộ máy hoạt động của hệ thống chính trị. Các hoạt động, như chương trình nghệ thuật “Chào xuân 2024”, các giải thể thao “Mừng Đảng, mừng Xuân”, thu hút hàng trăm lượt người đến xem, tham dự.
Phát huy mọi nguồn lực phát triển văn hóa, con người Vân Đồn, con người Quảng Ninh
Thời gian qua, huyện luôn quan tâm phối hợp với các sở ngành của tỉnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả. Tổng vốn ngân sách huyện đã bố trí đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhà văn hoá thôn, khu, Trung tâm văn hoá các xã, thị trấn, Trung tâm thể thao cấp huyện giai đoạn 2020 - 2024 là 160,560 tỷ đồng, đã thực hiện giải ngân giai đoạn 2020 - 2023 là: 113,002 tỷ đồng và dự kiến thực hiện giải ngân giai đoạn 2020 - 2024 là: 156,852 tỷ đồng.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến xã, thôn, khu luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc tổ chức các hoạt động tại nhà văn hóa thôn, khu phố: Nhà văn hóa thôn, khu phố là một thiết chế văn hóa cơ sở, là nơi tổ chức các cuộc hội họp dân cư, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, các nhà văn hóa thôn, khu phố đã có sự quan tâm đầu tư, tổ chức các hoạt động có hiệu quả. Tất cả các thôn, khu phố đã thành lập được ban chủ nhiệm các nhà văn hóa, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động vào các ngày lễ lớn và hoạt động của các câu lạc bộ có hiệu quả.
Các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được phát triển đa dạng, tổ chức thường xuyên; hằng năm, các xã tổ chức bình quân 2 - 3 hội thi, cuộc biểu diễn văn nghệ quần chúng thu hút đông đảo mọi người hưởng ứng tham gia; đồng thời, tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ do huyện tổ chức, tiêu biểu: cuộc thi Tiếng hát khu dân cư, tổ chức 1 lần/năm; chương trình văn nghệ chào mừng ngày đại đoàn kết toàn dân, tổ chức 1 lần/năm; chương trình văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân” đầu năm,…
Phong trào thể dục, thể thao được tổ chức hoạt động thường xuyên. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được các đơn vị duy trì, phát triển và được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng nhiệt tình và dần trở thành một phong trào tự nguyện của mỗi người dân, đặc biệt thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, thanh niên, học sinh và người cao tuổi tham gia. Bình quân mỗi năm, mỗi xã tổ chức 2 - 3 giải thi đấu thể thao (bóng chuyền hơi, bóng đá, kéo co,...). Toàn huyện có 14 câu lạc bộ văn hóa, thể thao cấp xã, 58 câu lạc bộ cấp thôn hoạt động thường xuyên; các xã, thị trấn có câu lạc bộ (CLB) văn hóa, thể thao (như: CLB bóng đá; CLB cầu lông; CLB bóng chuyền hơi; CLB võ thuật; CLB bóng bàn; CLB tennis; CLB dưỡng sinh). Công tác xã hội hóa hoạt động thể dục, thể thao cũng được đẩy mạnh, bên cạnh việc vận động nhân dân tham gia luyện tập thể dục, thể thao, các hoạt động kêu gọi tài trợ, đóng góp cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu học tập, rèn luyện thân thể được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa Vân Đồn, Quảng Ninh, các công trình kiến trúc, cảnh quan mang bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng
Để bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích, huyện đã quan tâm tu bổ, tôn tạo, phục dựng một số di tích điển hình: Miếu Đức Ông xã Quan Lạn được tu bổ năm 2023 với kinh phí trên 10 tỷ đồng; Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng (di tích cấp Quốc gia) được tu bổ từ năm 2020 - 2023 với kinh phí trên 16 tỷ đồng. Các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động văn hóa trên địa bàn: Lễ tế thần Đình Quan Lạn (đêm 30 tết); Lễ tế Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư và quân tướng nhà Trần tại Nghè (ngày mùng 3 Tết); Lễ tế Đình - Miếu Ngọc Vừng (ngày mùng 3 Tết); Khai hội Đền Cặp Tiên (ngày mùng 6 Tết); Lễ hội cầu ngư (ngày 11-12-1 âm lịch); Lễ Cầu An, Đền Vua Lý Anh Tông (ngày 18-1 âm lịch); Lễ hội Đình Quan Lạn (ngày 18-6 âm lịch).
Từ năm 2019, huyện Vân Đồn đã có chủ trương xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn”, công tác bảo tồn phát huy giá trị dân gian truyền thống của dân tộc được huyện triển khai bằng nhiều kế hoạch, chương trình; huyện đã có đề xuất với tỉnh Quảng Ninh cho chủ trương đầu tư dự án xây dựng làng dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn giai đoạn 2023 - 2025 với tổng kinh phí thực hiện 26,86 tỷ đồng, dự án đã được đưa vào kế hoạch đầu tư thuộc Đề án thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2023 - 2025 của huyện.
Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Vân Đồn, Quảng Ninh gắn với phát triển du lịch, dịch vụ
Thực hiện tốt công tác phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị có liên quan để phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mới, phát triển kinh tế xanh... trên địa bàn huyện. Năm 2024, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa đã bám sát chỉ đạo của Thường trực Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với các cơ quan truyền thông để quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa đặc sắc của Vân Đồn; quảng bá về hệ giá trị Quảng Ninh, hệ giá trị con người, tiềm năng và thế mạnh, điểm đến đầu tư, du lịch hấp dẫn, thân thiện của Vân Đồn, nhất là tuyên truyền, quảng bá việc xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch năm 2024 (đến 15-7-2024 đưa vào khai thác 13/14 sản phẩm). Tổng lượng khách đến Vân Đồn đến hết tháng 10-2024 đạt 1.565.300 khách (khách trong nước 1.561.625, đạt 86% so với kế hoạch năm; khách quốc tế 3.675, đạt 87,5% so với kế hoạch năm) cả năm ước đạt 1.820.000 khách, đạt 100 % so với kế hoạch đề ra, chủ yếu là dòng khách du lịch tâm linh, khách nghỉ dưỡng biển, khách tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng cộng đồng địa phương. Lượng khách tập trung đông tại khu vực xã Vạn Yên, xã Hạ Long, xã Đông Xá, xã Quan Lạn, xã Minh Châu và thị trấn Cái Rồng.
Huyện Vân Đồn luôn quan tâm đầu tư và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng để phục vụ phát triển du lịch; thực hiện các biện pháp bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, đặc trưng của địa phương, các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch gắn liền với Đề án phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh.
Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực mở rộng không gian du lịch, gắn với các di sản, điểm du lịch trọng điểm (Khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn, Sonasea Vân Đồn Harbor City - xã Hạ Long, huyện Vân Đồn; Khu nghỉ dưỡng Angsana Quan Lạn, Ha Long Bay, đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn; Khu du lịch Phương Đông; Khu du lịch Ao Tiên), hình thành tour tuyến du lịch thăm quan vịnh Bái Tử Long; phát triển, khai thác loại hình dịch vụ du lịch kinh tế đêm (phố đi bộ trên địa bàn các xã Minh Châu, xã Quan Lạn, thị trấn), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong du lịch. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm thu phí dịch vụ, đón trả khách không đúng bến, bãi, tour tuyến hành trình.
Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của các di tích đã được xếp hạng phục vụ phát triển du lịch được huyện quan tâm, góp phần phát huy hiệu quả nhất giá trị của các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn huyện và góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người, khẳng định huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh là nơi đáng đến và đáng sống.
Năm 2024 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”; các cấp, các ngành, địa phương trong huyện đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, các chủ trương của Đảng bộ huyện Vân Đồn, chú trọng, tập trung triển khai các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh với tinh thần chủ động, quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực, nổi bật: 1- Tập trung triển khai hoàn thành bảo đảm đúng tiến độ các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. 2- Nhận thức của các cơ quan, đơn vị về nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh đã có sự chuyển biến rõ rệt. 3- Công tác tuyên truyền về chủ đề công tác năm, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh, giá trị con người Quảng Ninh được triển khai sâu rộng khắp các địa phương trong toàn huyện qua nhiều hình thức đa dạng, như tuyên truyền trực quan, chương trình biểu diễn nghệ thuật, các phóng sự, tin bài trên các phương tiện truyền thông... để đông đảo nhân dân biết. 4- Các nhiệm vụ cụ thể về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh và xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện, giàu bản sắc Quảng Ninh đều đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm triển khai thực hiện. 5- Công tác giáo dục, y tế, an sinh xã hội có những bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện được nâng lên một bước.
Tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Vân Đồn trong thời gian tới
Để tiếp tục phát huy hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Vân Đồn chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện về nội dung của Nghị quyết số 17-NQ/TU và những chủ trương, định hướng khác của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Đảng bộ huyện Vân Đồn về xây dựng và phát triển văn hóa, sức mạnh của con người Quảng Ninh trong tình hình mới.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn huyện.
Ba là, triển khai đồng bộ các định hướng, giải pháp nhằm gắn phát triển văn hóa với nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế, nhất là ngành du lịch; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới dựa trên các giá trị văn hóa (định hình sản phẩm cụ thể để có kế hoạch xây dựng và quảng bá sản phẩm), tiếp tục có các cơ chế để chuyển hóa vốn tài nguyên văn hóa trở thành nguồn lực phát triển du lịch, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, gắn với nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc của nhân dân.
Bốn là, quan tâm phát triển văn hóa gắn với phát triển con người, hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa; gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng gia đình văn hóa với xây dựng cộng đồng khu dân cư văn hóa, làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng, chống ma túy, các tệ nạn xã hội.
Năm là, đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh; bảo đảm an ninh trật tự - an toàn xã hội; củng cố, nâng cao năng lực đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh phát sinh; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao gắn với phong trào thi đua, các cuộc vận động của huyện vào các ngày lễ lớn. Bảo đảm mọi chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội.
Với những kết quả tích cực đạt được sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, Đảng bộ huyện Vân Đồn sẽ tiếp tục phát huy những ưu điểm, hạn chế tối đa những khuyết điểm, để tạo động lực và sức mạnh to lớn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện phấn đấu xây dựng huyện Vân Đồn giàu mạnh, văn minh, phát triển./.
Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân  (16/11/2024)
Khơi dậy tiềm năng du lịch văn hóa để phát triển bền vững  (15/11/2024)
Quảng Ninh: An sinh bảo đảm, phúc lợi nâng cao, nhân dân hạnh phúc  (10/11/2024)
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm