Phát triển du lịch biển vùng Đông Nam Bộ theo mô hình kinh tế tuần hoàn
TCCS - Du lịch biển là một trong những ưu thế của vùng Đông Nam Bộ. Hiện nay, việc tích hợp kinh tế tuần hoàn vào các hoạt động du lịch biển ở các tỉnh, thành phố của vùng đang được đặt ra cấp thiết để vừa phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy du lịch phát triển, vừa giải quyết các vấn đề môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
1- Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành xu thế tất yếu của thế giới trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Theo các nghiên cứu khoa học, KTTH là một mô hình kinh tế (gần như) khép kín dựa trên cơ sở của việc tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng, chia sẻ, cho thuê hay sửa chữa nhằm kéo dài tuổi thọ của hàng hóa, tận dụng tối đa giá trị của các nguồn nguyên, nhiên, vật liệu được khai thác, loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng hệ sinh thái, kinh tế và xã hội về lâu dài. Trong nền KTTH, toàn bộ quá trình từ nguyên liệu đầu vào, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tới xử lý chất thải đều dựa vào nguyên tắc giảm thiểu khai thác tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm và tăng cường việc tái chế, tái sử dụng. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), KTTH là mô hình kinh tế trong đó giá trị của hàng hóa, tài nguyên và nhiên vật liệu được duy trì càng lâu càng tốt để tạo ra nhiều giá trị mới, giúp ngăn ngừa nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, giảm thiểu việc phát sinh rác thải và gia tăng việc sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo bền vững. Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho rằng, nền KTTH là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Kinh tế tuần hoàn giúp thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và duy trì hệ sinh thái, không chỉ giúp bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất, tạo động lực cho việc đầu tư trang thiết bị, tăng cường đổi mới khoa học, công nghệ, tăng chuỗi cung ứng..., từ đó góp phần nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.
Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đề cập đến KTTH như một giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 7-6-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 678/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó xác định phát triển KTTH phải dựa trên cách tiếp cận mở, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian và thuận lợi cho phát huy hiệu quả kinh tế, trên cơ sở tăng cường hợp tác kinh tế, bảo đảm huy động và sử dụng hiệu quả tri thức nhân loại, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, các nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế.
Du lịch biển là loại hình du lịch dựa trên việc khai thác các nguồn tài nguyên biển, kết hợp giữa điều kiện thuận lợi của khí hậu với các điều kiện khác của vùng biển, đảo. Mục tiêu tổng thể của du lịch biển theo hướng KTTH là đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa con người, môi trường và tăng trưởng kinh tế trong quá trình tổ chức hoạt động du lịch. Phát triển du lịch biển theo hướng KTTH nhằm hạn chế một số vấn đề liên quan đến tiêu thụ quá mức và cạn kiệt tài nguyên biển mà ngành du lịch biển sử dụng. Theo đó, du lịch biển theo hướng KTTH khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng sản phẩm phục vụ cho các hoạt động du lịch biển một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để giảm chất thải ra môi trường và thúc đẩy tiết kiệm năng lượng.
Phát triển du lịch biển đặt ra yêu cầu sử dụng có trách nhiệm và bảo đảm tính bền vững các nguồn tài nguyên du lịch biển, bởi lẽ nguồn tài nguyên biển, đảo luôn đối mặt với sự suy thoái và cạn kiệt nếu sử dụng quá mức. Quá trình phát triển du lịch biển phải được định hướng và quản lý theo phương châm kết hợp hài hòa nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ tổ chức, sản xuất du lịch và tham gia tiêu dùng du lịch, nhằm đạt các mục đích bảo tồn, giữ gìn và phát huy tài nguyên biển, đảo. Việc phát triển du lịch biển theo hướng KTTH có thể thúc đẩy hoạt động du lịch xanh, hạn chế tối đa sự tác động tiêu cực của quá trình phát triển du lịch đến môi trường, tài nguyên biển, đảo, giúp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
2- Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố là Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là vùng kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch, như du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng…, trong đó du lịch biển cũng là một trong những tiềm năng của vùng Đông Nam Bộ.
Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7-10-2022, của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Nghị quyết số 24-NQ/TW) xác định phát triển vùng Đông Nam Bộ phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu… Xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng, các địa phương trong vùng; các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu… Nghị quyết cũng xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí và du lịch biển. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 23-11-2022, của Chính phủ “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng xác định cần khai thác mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, đa dạng hóa loại hình du lịch khu vực Đông Nam Bộ (du lịch tâm linh, lịch sử truyền thống, sinh thái, du lịch biển...), thúc đẩy liên kết, nâng cao chuỗi giá trị du lịch của vùng, hình thành các khu du lịch mang tầm quốc tế.
Thời gian qua, việc phát triển KTTH trong du lịch biển tại vùng Đông Nam Bộ chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Kinh tế tuần hoàn trong du lịch nói chung, trong du lịch biển nói riêng là vấn đề mới, các địa phương chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về sự cần thiết phải áp dụng mô hình KTTH trong phát triển; vì thế, chưa có chiến lược cụ thể, rõ ràng để phát triển KTTH trong du lịch biển; thiếu các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia phát triển và áp dụng mô hình KTTH trong du lịch biển, nhất là chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, công nghệ và đào tạo trong khi thực tế cho thấy ở không ít địa phương du lịch đã có tác động tiêu cực đến môi trường, đe dọa chiến lược phát triển bền vững của vùng và cả nước.
Do đó, để phát triển du lịch biển vùng Đông Nam Bộ cần áp dụng mô hình KTTH. Đây là một trong những hướng đi phù hợp, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế biển và bảo đảm sự phát triển bền vững của vùng trên cơ sở phát huy ưu điểm của mô hình KTTH.
Phát triển du lịch biển theo hướng KTTH là việc xây dựng và phát triển loại hình du lịch ở các địa phương có biển trên cơ sở sử dụng các nguồn lực tự nhiên thân thiện môi trường; ít tạo ra phát thải, rác thải; tái tạo và tái sử dụng tối đa các yếu tố đầu vào nhằm mang lại lợi ích phân phối lại cho người dân và kinh tế địa phương. Phát triển du lịch biển theo hướng KTTH là cách thức tổ chức một chuỗi hoạt động liên quan đến du lịch, như cung ứng, tổ chức hoạt động, trải nghiệm du lịch mang tính khép kín, liên hoàn, bổ sung cho nhau, nhằm giảm thiểu rác thải; chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả những tài nguyên du lịch biển đã sử dụng, hướng đến du lịch xanh và bền vững.
3- Để góp phần phát triển du lịch biển vùng Đông Nam Bộ theo mô hình KTTH, theo hướng bền vững, cần tập trung vào một số vấn đề:
Thứ nhất, thống nhất và nâng cao nhận thức về tính tất yếu của việc áp dụng KTTH trong du lịch nói chung, du lịch biển vùng Đông Nam Bộ nói riêng.
Kinh tế tuần hoàn trong du lịch nói riêng đặt ra yêu cầu sự hợp tác giữa các bên liên quan để tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng trong du lịch. Do đó, để áp dụng KTTH trong phát triển du lịch biển vùng Đông Nam Bộ cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để thúc đẩy sự hợp tác giữa các cộng đồng địa phương, doanh nghiệp du lịch và chính quyền địa phương... Vì vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để thống nhất và nâng cao nhận thức về tính tất yếu của việc áp dụng KTTH trong du lịch nói chung, du lịch biển vùng Đông Nam Bộ nói riêng. Trước hết là nhận thức của cơ quan quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các địa phương vùng Đông Nam Bộ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc áp dụng mô hình KTTH trong du lịch, đặc biệt là du lịch biển. Từ đó, có quyết tâm xây dựng các chính sách, chiến lược áp dụng KTTH trong du lịch biển, chuyển hóa thành hành động cụ thể, từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức quản lý quy hoạch phát triển du lịch biển, nhất là trong thẩm định dự án đầu tư phát triển du lịch, đến việc tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ triển khai trên thực tế, để du lịch biển vùng Đông Nam Bộ có thể áp dụng hiệu quả mô hình KTTH.
Bên cạnh đó, phải có chiến lược tuyên truyền, vận động cộng đồng địa phương, doanh nghiệp tiến hành áp dụng KTTH vào hoạt động du lịch. Thực tế trong phát triển du lịch, nhất là du lịch biển cho thấy, cộng đồng địa phương có thể đóng góp ý tưởng phát triển bền vững và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính bền vững gắn với mô hình KTTH, qua đó sẽ thu hút khách du lịch; các doanh nghiệp du lịch có thể đưa ra các giải pháp kinh doanh mới gắn với mô hình KTTH và hợp tác với cộng đồng địa phương để tạo ra lợi ích cho cả hai bên và lợi ích bền vững cho xã hội. Đặc biệt, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp có thể phối hợp cùng nhau đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường biển, bảo đảm sự cân bằng giữa việc phát triển du lịch biển và bảo vệ môi trường biển. Vì vậy, song song với việc tuyên truyền nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phải tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân, khách du lịch về mô hình KTTH trong du lịch biển, tuyên truyền bảo vệ môi trường du lịch biển vùng Đông Nam Bộ.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch liên quan phát triển du lịch biển theo hướng KTTH, tiếp tục xác định việc phát triển du lịch biển vùng Đông Nam Bộ theo hướng KTTH là nội dung cần thực hiện và định vị trong chiến lược phát triển của quốc gia, địa phương, vùng Đông Nam Bộ.
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển du lịch biển, đảo là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm. Do đó, các địa phương có biển của vùng Đông Nam Bộ cần cụ thể hóa vào chiến lược của địa phương và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương, để góp phần đưa du lịch biển trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo của ngành du lịch Việt Nam nói chung và của vùng Đông Nam Bộ nói riêng. Trong quá trình đó, cần lồng ghép các nội dung của KTTH trong du lịch biển vào chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng của địa phương. Từ đó, xây dựng một số chương trình hành động cụ thể phát triển các sản phẩm du lịch biển theo hướng KTTH gắn với đặc thù biển, đảo vùng Đông Nam Bộ. Những chương trình này cần được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản có định hướng về tài nguyên du lịch tự nhiên đặc thù của vùng; khuyến khích và tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, trong các dịch vụ du lịch với những điều kiện cụ thể của các địa phương, kết hợp với việc phát triển các sản phẩm du lịch biển “xanh”, nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch biển vùng Đông Nam Bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý du lịch vùng Đông Nam Bộ nói chung và du lịch biển nói riêng.
Xây dựng các tiêu chí về KTTH trong du lịch biển và áp dụng trong thực tiễn để phát triển du lịch biển theo mô hình KTTH; có hướng dẫn cụ thể đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển bền vững. Chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch biển tại các vùng biển, đảo và lập kế hoạch phát triển phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của địa phương và quốc gia, bảo đảm nguyên tắc về chủ quyền vùng biển, đảo quốc gia và phát triển bền vững. Đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng công nghệ số để đưa sản phẩm du lịch, thông tin du lịch biển theo mô hình KTTH đến với du khách...
Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thẩm định dự án đầu tư liên quan đến du lịch biển. Trong đó, cần ưu tiên và có chính sách khuyến khích các dự án đầu tư, sản phẩm du lịch biển áp dụng mô hình KTTH, có tính bền vững; nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích phát triển du lịch biển theo mô hình KTTH với sự tham gia tích cực của người dân ở địa phương vùng ven biển. Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch biển đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường khác nhau. Đặc biệt, cần chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và dành ngân sách thỏa đáng cho bảo vệ môi trường, bảo tồn tôn tạo tài nguyên, môi trường biển để bảo đảm phát triển bền vững.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả thu hút các nguồn lực đầu tư trong phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ nói chung, du lịch biển nói riêng.
Đông Nam Bộ cần huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư trong phát triển du lịch, trong đó nội lực là chiến lược, lâu dài, quyết định. Do đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thu hút các nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng. Các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, cần được tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch, du lịch biển nói riêng.
Thứ năm, đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ nói chung và du lịch biển nói riêng.
Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động, nơi hội tụ sự đa dạng về văn hóa và tài nguyên, nhiều lợi thế để phát triển du lịch, song tốc độ phát triển du lịch Đông Nam Bộ thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thực hiện liên kết phát triển du lịch biển giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Nghị quyết số 24-NQ/TW đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức; đồng thời, đề ra các mục tiêu và giải pháp, trong đó có nhiệm vụ vùng Đông Nam Bộ phải trở thành trung tâm du lịch khu vực Đông Nam Á; phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Do đó, việc phát triển du lịch biển vùng Đông Nam Bộ không tách rời việc phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch biển phải gắn với du lịch các tỉnh không có biển trong khu vực để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đồng thời phải liên kết, hợp tác nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh từng địa phương trong vùng.
Bên cạnh đó, cần xác định việc liên kết, phối hợp trong phát triển du lịch nói chung, trong đó có du lịch biển là nhiệm vụ góp phần thực hiện chiến lược liên kết vùng. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh cần phải nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng. Do đó, việc đẩy mạnh việc liên kết vùng trong phát triển du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng là điều cần thiết.
Để tăng cường kết nối, chia sẻ, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cần thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch, công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn, thông tin về các sản phẩm du lịch, thông tin về thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch nội địa, quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý du lịch của các địa phương. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố trong vùng cần tổ chức nhiều tour, tuyến du lịch liên kết các điểm đến ở nhiều tỉnh với nhau, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong đó có các điểm đến du lịch biển áp dụng mô hình KTTH, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước./.
---------------------
* Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài mã số KT.23.50 "Chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong du lịch biển vùng Đông Nam Bộ" do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tài trợ
Kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam  (22/03/2024)
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thời gian tới  (30/11/2023)
Huyện Vân Đồn đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch văn hóa gắn với du lịch sinh thái biển, đảo  (20/10/2023)
Phát triển du lịch biển tại vùng ven biển ở Việt Nam hiện nay  (05/02/2023)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên