TCCS - Sau gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù vậy, dưới tác động mạnh mẽ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền nông nghiệp nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Tiềm năng cần được phát huy

Trước xu thế phát triển của các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường trên thế giới trong vài ba thập niên trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta đã có lộ trình, định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, thể hiện qua các chủ trương, chính sách được ban hành trong nhiều năm qua(1). Cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn(2). Trong đó, khái niệm kinh tế tuần hoàn được đưa ra trong Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mà các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ đều hướng đến giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp. Có thể hiểu, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là việc áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ và tái chế chất thải, phụ phẩm trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường. Điều này cũng giúp nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phẩm và bảo vệ môi trường, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một dạng nông nghiệp sinh thái.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước khoảng 156,8 triệu tấn, gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm từ ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,64%). Tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt đạt khoảng 52%, trong chăn nuôi là 75%, trong lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%. Đây được coi là nguồn tài nguyên lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Hiện nay ở nước ta, nhiều loại mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp(3) đã được áp dụng trên nhiều quy mô và lĩnh vực khác nhau:

Thứ nhất, mô hình canh tác lúa sử dụng trấu làm chất đốt - củi trấu tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) với công suất 80.000 tấn/năm sử dụng 16.000 tấn trấu (lượng trấu sử dụng vào việc sấy lúa cho nhà máy chiếm khoảng 50% (8.000 tấn trấu) và phần còn lại sẽ được chế biến thành thanh củi trấu bán ra thị trường). Mô hình giúp cắt giảm khí nhà kính (CO2), giảm chi phí năng lượng 30%, tăng lợi nhuận 400.000 đồng/tấn từ việc bán củi trấu tương đương 3,2 tỷ đồng/năm.

Thứ hai, mô hình tuần hoàn lấy phụ phẩm trồng trọt như rơm rạ để trồng nấm rơm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Nhiều hộ dân có thể vùi rơm vào đất để lưu giữ nguồn phân bón cho vụ sau, hoặc dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ để tăng vi sinh vật hữu cơ giúp cải tạo đất; rơm, rạ làm thức ăn cho gia súc. Thực tế cho thấy, lượng rơm rạ từ một héc-ta trồng lúa có thể tạo trồng được 250 - 300kg nấm tươi. Với giá bán từ 25.000 - 27.000 đồng/kg nấm tươi, một héc-ta trong mô hình này, ngoài tiền lúa, người nông dân có thể thu được từ 6 - 8 triệu đồng.

Thứ ba, mô hình tiết chế hóa, gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi để không tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các biện pháp thay thế, như bao trái ở cây ăn quả; tìm giống kháng rầy, kháng sâu ở lúa và hoa màu; sử dụng các loại phân vi sinh bón cho cây rau quả củ thay vì phân hóa học…

Thứ tư, mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản (mô hình vườn - ao - chuồng (VAC); mô hình lúa - tôm, lúa - cá…); mô hình nông - lâm kết hợp, mô hình vườn - rừng. Mô hình vườn - ao - chuồng - bioga (VACB); vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) ở các tỉnh miền núi; vườn - ao - hồ (VAH) ở các tỉnh miền Trung. Thực hiện mô hình nông nghiệp này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính. Trong mô hình này, khi nuôi tôm hoặc cá trong ruộng lúa, phân của tôm, cá và thức ăn còn dư (của tôm, cá) sẽ làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa; ngược lại, khi gặt lúa xong, thả tôm (cá) vào ruộng, gốc rạ, thóc rơi vãi trở thành nguồn thức ăn cho tôm, cá. Mô hình “lúa, tôm”, “lúa, cá” được triển khai trong thực tiễn đã giúp giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn, nhất là giúp nông dân nâng cao thu nhập gấp từ 5 - 10 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với chỉ trồng lúa.

Thu hoạch tôm càng trên cánh đồng lúa - tôm ở đồng bằng sông Cửu Long_Ảnh: Tư liệu

Một số khó khăn, hạn chế

Tổng khối lượng phụ phẩm theo lý thuyết ở nước ta năm 2020 là khoảng 156,8 triệu tấn, đây là nguồn tài nguyên lớn để phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Tuy nhiên, việc sử dụng không hợp lý nguồn phụ phẩm này đang gây lãng phí lớn và là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường (đất, không khí và nước). Riêng phụ phẩm trồng trọt, theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường, có thể lãng phí tới vài trăm nghìn tỷ đồng/năm. Chính vì vậy, ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản cần được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Đây là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. 

Năm 2022, GDP nông, lâm, thủy sản tăng cao nhất trong những năm trở lại đây, đạt 3,36%. Đáng chú ý, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp hơn 30% vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp(4). Tuy nhiên, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp và khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải sớm chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD vào năm 2020, trong khi đó, nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm bằng công nghệ cao thì có thể thu về 4 tỷ đến 5 tỷ USD(5). Đầu tư công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm thủy sản làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, nông nghiệp, nhất là sản xuất nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi có tiềm năng lớn, đặt nền móng cho kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản.

Theo tổng hợp của ngành nông nghiệp, năm 2020, tổng phụ phẩm trong lĩnh vực lâm nghiệp là 5,5 triệu tấn. Phụ phẩm từ lâm nghiệp cũng là nguồn lực lớn để thực hiện kinh tế tuần hoàn, thí dụ như thông qua làm viên nén sinh học cho lò sưởi và điện sinh khối. Thị trường viên nén sinh học toàn cầu đạt giá trị 10,49 tỷ USD (năm 2019), dự báo đạt 23,6 tỷ USD vào năm 2025, riêng khu vực Liên minh châu Âu (EU) tiêu thụ 50% nhu cầu viên nén sinh học toàn cầu, tương ứng 30 triệu tấn (năm 2019), phần lớn cho nhu cầu lò sưởi và phát điện. Lượng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp hằng năm là rất lớn, trong khi đó, hiện số lượng phụ phẩm, chất thải được xử lý vẫn còn thấp so với yêu cầu. Vì thế, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là cần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nhằm góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời giúp gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp nước ta theo hướng xanh, hiện đại, bền vững.

Cũng theo thống kê của ngành nông nghiệp, tính trung bình, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 triệu tấn rơm, có khoảng 20 triệu tấn được đốt trên đồng ruộng, gây ra khí thải và ô nhiễm môi trường; mất đa dạng sinh học (các sinh vật sống trong đất như nấm, vi khuẩn và động vật có lợi). Nguyên nhân chính là thiếu giải pháp công nghệ và thị trường mua bán rơm chưa được hình thành, giá rơm hiện ở mức rất thấp. Sâu xa hơn là do doanh nghiệp, nông dân chưa bán được chứng chỉ các-bon và còn hạn chế kiến thức về kinh tế các-bon, nhất là từ sản xuất lúa.

Như vậy, trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn:

Một là, nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhất là của người dân về kinh tế tuần hoàn nói chung, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói riêng chưa đầy đủ. Mặc dù gần đây, sản xuất nông nghiệp nước ta đã và đang từng bước quan tâm đến sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, song về cơ bản, các chủ thể sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp vẫn chủ yếu chú trọng đến gia tăng sản lượng thông qua gia tăng đầu vào. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ. Bên cạnh đó, vấn đề xử lý chất thải trong nông nghiệp còn bị coi nhẹ, chưa được quan tâm. Đây là một trong những rào cản cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn thời gian qua.

Hai là, khung chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Ở nước ta, mô hình sơ khai của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã có từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, song thuật ngữ “nông nghiệp tuần hoàn” gần đây mới được đề cập. Kinh tế tuần hoàn chưa hình thành một “thuật ngữ” gắn với chính sách, đặc biệt là trong nông nghiệp, hiện mới chỉ là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích áp dụng các mô hình nông nghiệp theo hướng của kinh tế tuần hoàn, do đó chưa thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trở thành một xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực nhưng quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau, thiếu hướng dẫn và chưa có tiêu chuẩn hóa về kinh tế tuần hoàn, chưa đưa ra đầy đủ các quy định, các tiêu chí, tiêu chuẩn để nhận diện, đánh giá, các tiêu chuẩn về công nghệ (sinh học, kỹ thuật nuôi, chế biến) cho các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cũng như chưa có cơ quan đầu mối về vấn đề này nên khó thực hiện trong thực tế. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định trách nhiệm của doanh nghiệp về thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường... Ngoài ra, việc vận dụng kinh nghiệm của các nước một cách linh hoạt, sáng tạo để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn vào điều kiện cụ thể và thể chế đặc thù của Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, các mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng trong nông nghiệp chưa đầy đủ, đúng nghĩa, hầu như chỉ là tự phát.

Ba là, tổ chức sản xuất yếu, đặc biệt là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, nhiều hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, dẫn đến những khó khăn trong đầu tư, áp dụng công nghệ, quy trình tiên tiến vào sản xuất, chế biến nông sản. Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng chưa được quản lý hiệu quả, dẫn đến dư thừa và hình thành những rủi ro đối với môi trường,…

Bốn là, trong khi phát triển kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến thì việc đầu tư nghiên cứu công nghệ cho kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện của người dân và phổ biến công nghệ cho kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, chưa có giải pháp phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm sản phẩm, quy mô trang trại và doanh nghiệp. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ trong các mô hình kinh tế tuần hoàn ở nước ta còn yếu. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam phần lớn hạn chế về công nghệ tái chế, tái sử dụng cũng như vốn và nhân lực nên chủ yếu mới quan tâm tới tận thu, tái sử dụng lại phụ phẩm chính trong quá trình sản xuất. Việc ứng dụng các công nghệ số mới chỉ dừng lại ở một số mô hình điển hình và các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính… Bên cạnh đó, thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi để phát triển kinh tế tuần hoàn, giúp giải quyết tốt các vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế, phụ phẩm trong nông nghiệp cũng còn rất hạn chế…

Những giải pháp trọng tâm thời gian tới

Phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan điểm về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn được nhấn mạnh tại Văn kiện XIII của Đảng, nhất là về tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2030: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”(6). Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã chỉ rõ nhiệm vụ đến năm 2025: Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”(7).

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” xác định: Việt Nam hướng tới nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu đến năm 2030, giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Theo đó, từng bước giảm dần sức ép của phát triển kinh tế - xã hội với môi trường bằng các giải pháp, như chấm dứt lạm dụng hóa chất, nguyên vật liệu tổng hợp, khó phân hủy; tạo điều kiện tái tạo các nguồn tài nguyên cơ bản như đất, nước, năng lượng; đẩy mạnh chế biến sâu, tận dụng phụ phẩm nông sản để chủ động xử lý ô nhiễm ngay tại nguồn... Thêm vào đó, Quyết định số 687/QĐ-TTg, ngày 7-6-2022, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” xác định, cần “tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội”; mục tiêu cụ thể là: “Góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050...”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trong lĩnh vực trồng trọt sẽ có 60% phụ phẩm được xử lý, 80% phụ phẩm lúa gạo được thu gom và tái sử dụng. Trong chăn nuôi có 60% nông hộ và các trang trại xử lý chất thải; hoàn thiện và áp dụng các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái sử dụng các phụ phẩm của các mặt hàng nông sản chủ lực…

Vì vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần đạt được các mục tiêu nêu trên, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó: 1- Xây dựng chương trình, kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; phổ biến yêu cầu, chủ trương, quy định của pháp luật, chính sách khuyến khích mô hình nông nghiệp tuần hoàn và định hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; 2- Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; đào tạo nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ về kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn cho người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý, tổ chức sản xuất trong ngành nông nghiệp; 3- Lồng ghép xây dựng các nội dung về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vào các chương trình giáo dục - đào tạo của các trường phổ thông các cấp, bậc giáo dục đại học; 4- Xây dựng các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các trang thông tin điện tử về nông nghiệp tuần hoàn để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thông tin, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình, mô hình sản xuất nông nghiệp theo chu trình tuần hoàn khép kín, phụ phẩm được tái sử dụng tại chỗ, không thải ra môi trường.

Sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình (tác giả: Lê Hữu Thiết)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn 

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể: 1- Nghiên cứu, lồng ghép chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vào chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 1658/QĐ-TTg, ngày 1-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”; 2- Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thông qua lồng ghép việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; 3- Gắn kết phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp với các mô hình kinh tế tuần hoàn của các ngành khác, trên từng vùng để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất; 4- Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; cụ thể hóa và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn gắn kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến, tạo nên một vòng tròn khép kín tổng thể, tích hợp đa giá trị; 5- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Thứ ba, phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với sản xuất nông nghiệp. Trong đó: 1- Tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin ngành nông nghiệp để có thể sử dụng các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; 2- Phát triển công nghệ chuyển đổi số phục vụ cho thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng loại mô hình kinh tế tuần hoàn của từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy, hải sản, lâm nghiệp; 3- Tập trung nghiên cứu phát triển, tạo ra các công nghệ, quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi, vật tư đầu vào (giống kháng bệnh, chống chịu; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học; chế phẩm sinh học phòng, trừ bệnh, dinh dưỡng đất, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; chế phẩm xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tái chế, xử lý phụ phẩm; chế phẩm trong bảo quản chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm…), giảm sử dụng tài nguyên đầu vào, kéo dài vòng đời sản phẩm, tái sử dụng và tái chế chất thải; 4- Xây dựng, lồng ghép các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong khuôn khổ triển khai thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã phê duyệt, cấp bộ, cấp địa phương; ưu tiên đầu tư nghiên cứu về khoa học - công nghệ đối với một số lĩnh vực trọng điểm để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp (trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi).

Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp: 1- Xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp tuần hoàn gắn với các chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục đào tạo các cấp, bảo đảm gắn giữa lý thuyết và thực tiễn triển khai; 2- Đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền. Xây dựng các chương trình đào tạo, giải pháp kỹ thuật cho nông dân phục vụ nhu cầu chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, tái chế sử dụng phụ phẩm, tạo sản phẩm đa giá trị; 3- Liên kết giữa các cơ sở đào tạo nhân lực về nông nghiệp như các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… để đào tạo, chuyển giao kiến thức về nông nghiệp tuần hoàn thường xuyên cho người nông dân. Liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu và đào tạo với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để gắn đào tạo với thực tế, thực nghiệm; 4- Hằng năm, điều tra đánh giá, tổng kết, nhân rộng những chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; 5- Đào tạo cho người nông dân cách tiếp cận với thị trường để quảng bá sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn, tích hợp đa giá trị không những về kinh tế mà còn mang giá trị về môi trường, xã hội.

Thứ năm, chuyển giao, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp bền vững bằng nhiều cách, như: 1- Tổng kết, đánh giá thực tiễn mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã và đang triển khai thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường ở các cấp độ, quy mô tại địa phương, vùng, miền trên cả nước; 2- Hỗ trợ phổ biến, lan tỏa và nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả tới cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân; 3- Giới thiệu, chuyển giao các sản phẩm khoa học - công nghệ để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, chu trình khép kín trong tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp cho doanh nghiệp và người dân; 4- Xây dựng chương trình, kế hoạch khuyến nông trung ương và địa phương để triển khai thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc thù vùng sinh thái và quy mô sản xuất; 5- Xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất nông, lâm, thủy sản trong đó có sự tham gia của từng thành tố trong chuỗi, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa, gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, công nghệ số để chuyển đổi sang chu trình sản xuất khép kín, đặc biệt ưu tiên quy mô nông hộ và trang trại; 6- Thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xây dựng, nhân rộng, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ về phát triển nông nghiệp tuần hoàn; 7- Nghiên cứu thí điểm xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo hay trung tâm khởi nghiệp phát triển nền kinh tế xanh, nền kinh tế xanh lam phục vụ nông nghiệp tuần hoàn.

Ngoài ra, cần xác định thị trường đầu ra cho sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường học hỏi kinh nghiệm và hợp tác quốc tế trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp…

--------------------

(1) Chỉ thị số 36/1998/CT-TW, ngày 25-6-1998, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15-11-2004, của Bộ Chính trị, “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 12-4-2012, của Thủ tướng Chính phủ, về “Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam 2011 - 2020”; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1-10-2021, của Thủ tướng Chính Phủ, về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”; Quyết định số 450/QĐ-TTg, ngày 13-4-2022, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường đến 2020, tầm nhìn 2030”;…
(2) Bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai và nhiều nghị định, văn bản dưới luật
(3), (4) Lê Minh: Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, ngày 11-9-2023, trang tin điện tử của Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, https://vukehoach.mard.gov.vn/News.aspx?id=3111
(5) Bích Hồng: Tiềm năng đưa phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn nguyên liệu tái tạo, ngày 28-9-2022, https://www.vietnamplus.vn/tiem-nang-dua-phu-pham-nong-nghiep-thanh-nguon-nguyen-lieu-tai-tao-post820554.vnp
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I. tr. 116 - 117
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, t. II, tr. 143