Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới
TCCS - Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 23-NQ/TW) đang tạo ra khí thế và động lực lớn thúc đẩy vùng Tây Nguyên phát triển toàn diện. Để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết, thời gian tới, các tỉnh vùng Tây Nguyên cần nâng cao quyết tâm chính trị, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, góp phần giải quyết các điểm nghẽn, vướng mắc, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.
Tiềm năng, lợi thế và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội
Vùng Tây Nguyên có diện tích khoảng 54,5 nghìn km2 (chiếm 1/6 diện tích cả nước; lớn thứ 3 trong 6 vùng kinh tế - xã hội); nằm ở điểm giao biên giới ba nước Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam, tiếp giáp các vùng Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ; được coi là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, là “nóc nhà của Đông Dương”. Tây Nguyên là vùng giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trong phát triển, giữa vai trò tâm điểm của kết nối đông - tây; có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với cả nước; là vùng dự trữ chiến lược cho phát triển bền vững của quốc gia,... Nhìn chung, tiềm năng và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên được thể hiện ở những nội dung sau:
Thứ nhất, Tây Nguyên là vùng có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Địa hình của vùng đa phần là đồi núi và cao nguyên có độ cao từ 500 - 1.500m so với mực nước biển; diện tích đất đỏ ba-zan lớn, phì nhiêu (khoảng 1 triệu héc-ta), đất đỏ vàng với độ tơi, xốp cao (khoảng 1,8 triệu héc-ta), đất xám phân bố trên các sườn đồi thoải phía tây nam và trong các thung lũng, đất phù sa ở ven sông,... Mặt khác, khí hậu của vùng có hai mùa rõ rệt, nắng nhiều vào mùa khô, trong khi mùa mưa tập trung lượng mưa lớn trong năm (tổng lượng mưa trung bình ở vùng Tây Nguyên cung cấp cho dòng chảy mặt khoảng 50,2 tỷ m3/năm; dòng chảy ngầm khoảng 6,6 tỷ m3/năm). Đây là những điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi trong phát triển cây công nghiệp, nông nghiệp (đặc biệt là các cây nhiệt đới, như cà phê, cao su, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mắc-ca...).
Bên cạnh đó, rừng là yếu tố nổi trội về tài nguyên tự nhiên của vùng Tây Nguyên với diện tích lớn; toàn vùng có gần 2,6 triệu héc-ta, lớn thứ ba cả nước (khoảng 17,5%), trong đó rừng tự nhiên là 2,1 triệu héc-ta, rừng trồng mới là 469.000ha(1); tỷ lệ che phủ xấp xỉ 46% (năm 2021). Tài nguyên rừng có tính đa dạng sinh học cao, gồm nhiều chủng loại động, thực vật quý hiếm, như cây gỗ, cây dược liệu, voi, hổ, khỉ,...; từng là không gian cư trú và là nguồn tài nguyên sinh kế của cư dân địa phương, tạo nên “văn hóa rừng” độc đáo. Mặt khác, nhờ địa hình cao nguyên khá bằng phẳng, nhiều sông, suối gắn chặt với cánh rừng, nên vùng có điều kiện để phát triển mạnh về các loại hình du lịch, như du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, thể thao, mạo hiểm, canh nông,...; là cơ sở để hình thành “con đường xanh Tây Nguyên”. Ngoài ra, tài nguyên khoáng sản trong vùng khá đa dạng, một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, như than bùn, than nâu, sét cao lanh,... là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, khai khoáng (đặc biệt, trữ lượng bô-xit rất lớn, khoảng 10 tỷ tấn, chiếm 90% trữ lượng bô-xit cả nước(2)).
Thứ hai, Tây Nguyên là vùng đất có bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú; là không gian sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 12 DTTS tại chỗ, gồm Gia-rai, Ba-na, Ê-đê, M-nông, B-râu, Chu-ru, Rắc-glay, Cơ-ho, Giẻ-triêng, Mạ, Rơ-măm và Xơ-đăng. Qua các thời kỳ lịch sử, lượng người di cư từ các nơi lên vùng Tây Nguyên ngày càng nhiều, hiện nay, dân số của vùng xấp xỉ 6 triệu người (chiếm 6,1% dân số cả nước); có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 DTTS với số lượng khoảng 2,2 triệu người (chiếm 37,65% dân số toàn vùng)(3). Đây cũng là nơi có đông thành phần dân tộc nhất nước ta và là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ - dân tộc của Việt Nam.
Các đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên đã hình thành và lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có giá trị lịch sử và thẩm mỹ độc đáo, như rượu cần, nhà rông, nhà dài, nhà mồ, đàn T’rưng, các bộ sử thi đồ sộ hay “không gian văn hóa cồng chiêng”,... Mỗi tỉnh trong vùng có sự hiện diện ít nhất một sắc màu văn hóa nổi bật có tính đại diện cho bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, cụ thể: dân tộc Ê-đê đại diện cho văn hóa ở tỉnh Đắk Lắk (người Ê-đê chiếm 17% dân số toàn tỉnh (DSTT)); dân tộc Gia-rai, Ba-na đại diện cho văn hóa tỉnh Gia Lai (người Gia-rai chiếm 29,2% DSTT, người Ba Na chiếm 11,8% DSTT); dân tộc M-nông đại diện cho văn hóa tỉnh Đắk Nông (người M-nông chiếm 9,7% DSTT); đại diện cho bản sắc văn hóa ở tỉnh Lâm Đồng là dân tộc Mạ, Cơ-ho (người Mạ chiếm 76,5% toàn bộ người Mạ ở Việt Nam, người Cơ-ho chiếm 13,5% DSTT và 87,4% toàn bộ người Cơ-ho ở Việt Nam); đại diện cho bản sắc văn hóa ở tỉnh Kon Tum là dân tộc Xơ-đăng, Giẻ-triêng (người Xơ-đăng chiếm 24,4% DSTT, chiếm 62,7% toàn bộ người Xơ-đăng ở Việt Nam; người Giẻ-triêng ở tỉnh Kon Tum chiếm 62,4% tổng số người Giẻ-triêng ở Việt Nam(4).
Thứ ba, sau 20 năm triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18-1-2002, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24-10-2011, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020”, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của vùng; đồng thời, thực hiện khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển nhanh, bền vững và đạt được nhiều kết quả to lớn, quan trọng (thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002)(5). Mặt khác, “quan điểm đồng bộ” trong phát triển vùng được kế thừa, cụ thể: “phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp đồng bộ cả kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; vừa phát huy ý chí tự lực, tự cường, khai thác nội lực tại chỗ, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và đầu tư tương xứng của Nhà nước về chính sách, nguồn lực và sự liên kết, hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước”. Từ những nền tảng đó, Tây Nguyên hiện trở thành vùng sản xuất chủ lực một số sản phẩm nông sản với quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao (nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả); ngành du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn; các giá trị văn hóa được bảo tồn, kế thừa và phát huy. Mặt khác, ý thức đoàn kết, tính tự lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo được nâng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên,...
Những khó khăn, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội:
Một là, tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất (tuy có tăng, nhưng mới chỉ xếp thứ 5 trong 6 vùng kinh tế - xã hội), đồng thời giữa các địa phương có sự chênh lệch (cao nhất là tỉnh Lâm Đồng, thấp nhất là tỉnh Gia Lai); số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp(6). Bên cạnh đó, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp; chất lượng giáo dục - đào tạo, nguồn nhân lực, năng suất lao động chậm chuyển biến, có nhiều hạn chế; công tác chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ y tế, chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp so với mức trung bình cả nước,...
Hai là, nhiều giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc của vùng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, hòa tan; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và khai thác, phát triển; việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chưa được chú trọng. Mặt khác, tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt được mục tiêu đề ra; nguồn nước có nguy cơ suy giảm, tình trạng khô hạn diễn biến bất thường,...
Ba là, một mặt, hoạt động liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả, còn mang tính hình thức; mặt khác, mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu thốn và xuống cấp, nhất là kết cấu hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin,...), chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc,... vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó khăn; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn.
Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Trước yêu cầu thực tiễn, nhằm thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế - xã hội nói chung và đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng Tây Nguyên nói riêng, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW với nội dung, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm định hướng, nhận diện thời cơ và thách thức để thúc đẩy xây dựng vùng Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Nhiều quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đã chú trọng đến vai trò, vị trí quan trọng và tiềm năng, lợi thế của vùng, góp phần mang lại sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, điều này được thể hiện cụ thể ở một số nội dung sau:
Về quan điểm chỉ đạo: Nghị quyết số 23-NQ/TW kế thừa tất cả quan điểm chỉ đạo trước đó, đồng thời bổ sung, phát triển các quan điểm phù hợp với tình hình mới, đưa ra hệ thống 5 quan điểm về phát triển Tây Nguyên. Trong đó, Nghị quyết tiếp tục xác định vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên nhiều mặt, như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh và đối ngoại,... của cả nước; xác định yêu cầu vừa phát triển vùng Tây Nguyên nhanh, vừa phải bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các địa phương trong vùng, mà còn với cả nước.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên thông qua kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường,... gắn chặt với bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Có thể thấy, Đảng ta coi trọng và đặt việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường lên hàng đầu, làm nền tảng cho việc giữ vững quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị - xã hội; đồng thời, có sự chỉ đạo, bổ sung những quan điểm, định hướng phù hợp hơn, như phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng, liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Trung Bộ; đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực,...
Về mục tiêu: Nghị quyết số 23-NQ/TW xác định các mục tiêu tổng thể, cụ thể và thời hạn chiến lược cần đạt được rõ ràng hơn, tầm nhìn xa hơn. Điều này thể hiện những kỳ vọng và quyết tâm cao của Đảng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 23-NQ/TW xác định, phấn đấu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số,... Đến năm 2045, Tây Nguyên được kỳ vọng trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước,...
Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, nhanh chóng xây dựng, triển khai đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch phát triển; bảo đảm hoạt động liên kết giữa các địa phương ở quy mô nội vùng và liên vùng. Các quy hoạch, kế hoạch phải xác định tầm nhìn chiến lược, đặc biệt là vấn đề chênh lệch giữa các địa phương trong vùng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ đó, kiến tạo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương. Đồng thời, Trung ương và các địa phương trong vùng cần chủ động, sớm xác định rõ về tính đặc thù của vùng Tây Nguyên, cụ thể là cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng; các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng và tính đến yếu tố đặc thù trong xây dựng chính sách(7), nhằm tạo nền tảng thể chế, cơ chế đặc thù, góp phần phát huy lợi thế, tiềm năng từng địa phương và có những phát triển so sánh với các vùng, miền khác trong cả nước.
Thứ hai, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khắc phục sự thiếu hụt nhân lực khoa học - công nghệ và hạn chế của vùng trũng về giáo dục. Nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học, làm công tác nghiên cứu, tham mưu, phản biện chính sách của các địa phương trong vùng vẫn còn mỏng(8); hiện nay, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn khá cao (chiếm 50,2%), trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 16,9%. Vì vậy, các địa phương phải có chính sách giáo dục - đào tạo, thu hút nhân tài; đồng thời, làm tốt công tác xây dựng cơ sở vật chất về trường học, hợp tác tốt về đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nguồn nhân lực của vùng.
Thứ ba, chú trọng khai thác, phát huy thế mạnh từng địa phương về nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo...; mặt khác, nhanh chóng có phương hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây ăn trái, tăng năng suất, giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có giải pháp mạnh mẽ bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rừng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cân bằng môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững. Ngoài ra, chú trọng phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh bền vững; hạn chế sử dụng chất hóa học và các biện pháp can thiệp xâm hại đất và hệ sinh thái tự nhiên.
Thứ tư, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở) có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, năng động, sáng tạo; bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người đồng bào DTTS; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng, sự cần cù và ý chí tự lực, tự cường của nhân dân. Trước nay, buôn, làng là một bộ phận rất quan trọng và là địa bàn chủ yếu ở cấp cơ sở vùng Tây Nguyên, do đó, phải chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; phát huy hiệu quả các mô hình tự quản tại cộng đồng ở các cơ sở, vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Thứ năm, tranh thủ nguồn lực từ việc triển khai các chương trình, chính sách hiện có trên địa bàn; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết triệt để vấn đề đất đai do các yếu tố lịch sử để lại và mối quan hệ giữa đất đai, dân tộc và tôn giáo. Các địa phương phải tăng cường chất lượng công tác tuyên truyền, dân vận; nâng cao trình độ dân trí, phổ biến kiến thức chính trị, pháp luật, bảo đảm nền tảng cho phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã hội văn minh tiến bộ, văn hóa lành mạnh, tốt đẹp./.
---------------------------
(1) Quyết định số 2860/QĐ-BNN-TCLN, ngày 27-7-2022, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, “Về công bố hiện trạng rừng toàn quốc”
(2), (3) Xem: Báo cáo số 1045-BC/BCSDCP, ngày 18-8-2022, của Ban cán sự đảng Chính phủ, “Về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18-1-2002, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24-10-2011, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, của Bộ Chính trị (khóa IX), “Về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020””
(4) Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020, tr. 160 – 161
(5) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(6) Theo số liệu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Lâm Đồng là 44,9 triệu đồng/người/năm; tỉnh Gia Lai ở mức 27,8 triệu đồng/người/năm. Trong giai đoạn 2010 - 2020, thu nhập của 20% nhóm người có thu nhập thấp nhất và 20% nhóm người có thu nhập cao nhất trong vùng có mức chênh lệch không đổi là 8,3 lần, cao hơn mức trung bình của cả nước
(7) Xem: “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị phát triển vùng Tây Nguyên”, Báo điện tử VTV, ngày 14-10-2022, https://vtv.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-phat-trien-vung-tay-nguyen-20221014183444097.htm
(8) Năng suất lao động vùng Tây Nguyên hiện nay tương đối thấp (khoảng 65% mức trung bình cả nước), chất lượng nguồn nhân lực còn yếu. Theo thời giá lao động năm 2020, vùng chỉ đạt 84,3 triệu đồng/lao động; quy mô lao động của vùng lớn, năm 2020 là 3,5 triệu người; tốc độ tăng trưởng lao động bình quân cao so với cả nước, tuy nhiên cơ cấu lao động của vùng chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (67,9%), khá khác biệt so với xu thế chung là 33%
Triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 và một số đề xuất tham chiếu đối với Việt Nam  (18/05/2023)
Những định hướng lớn phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050  (15/05/2023)
Thúc đẩy liên kết vùng - đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới  (11/05/2023)
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự  (21/03/2023)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay