Những định hướng lớn phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
TCCS - Những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Bình xác định tiếp tục đổi mới tư duy, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nhằm tạo không gian động lực phát triển bứt phá, nâng tầm vị thế của địa phương.
Những kết quả tự hào của quê hương “Hai giỏi”
Sau hơn 33 năm tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Bình đã khắc phục được tình trạng trì trệ về kinh tế - xã hội, đưa nền kinh tế đi vào ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng lên. Giai đoạn 2010 - 2022, trong điều kiện chịu ảnh hưởng của thiên tai, suy thoái kinh tế toàn cầu, sự cố môi trường biển, đại dịch COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm vẫn đạt trên 6%, riêng năm 2022 đạt gần 8%. Từ một nền kinh tế thuần nông, đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 20,09%; công nghiệp - xây dựng chiếm 30,38%; dịch vụ chiếm 49,53%. GRDP bình quân đầu người được cải thiện đáng kể, từ 0,46 triệu đồng năm 1990 tăng lên 54,8 triệu đồng năm 2022. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá bền vững, là trụ đỡ của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ năm 1990 đến nay đạt khoảng 4 - 5%. Lâm nghiệp chuyển đổi theo hướng lâm nghiệp xã hội, công tác quản lý và bảo vệ rừng được tăng cường, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 68% (xếp thứ hai toàn quốc). Thủy sản được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, với đội tàu đánh bắt vùng biển xa đứng thứ 3 toàn quốc. Công nghiệp từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế trọng điểm, giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân khoảng 10 - 14%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân khoảng 15 - 20%/năm.
Đặc biệt, ngành du lịch có nhiều khởi sắc và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với lợi thế có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hai lần được vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới, tỉnh đã hình thành nhiều điểm tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, như hang Sơn Đoòng, động Phong Nha, động Thiên Đường, suối Nước Moọc, sông Chày, hang Tối, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, biển Nhật Lệ, biển Đá Nhảy, chùa Hoằng Phúc... Lượng khách du lịch đến tỉnh Quảng Bình tăng nhanh và mạnh trong giai đoạn 2011 - 2020, số lượt khách du lịch tăng bình quân 26,8%/năm. Hiện nay, ngành du lịch của tỉnh đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 với hơn 2 triệu lượt khách trong năm 2022. Thương hiệu du lịch Quảng Bình ngày càng được khẳng định ở tầm quốc gia và khu vực, là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đô thị của tỉnh được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống cầu, đường giao thông phát triển, nhiều công trình được đầu tư xây dựng góp phần cho việc giao thương, đi lại giữa nhân dân trong tỉnh và các địa phương khác trở nên thuận lợi. Các khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, Tây Bắc Đồng Hới, Tây Bắc Quán Hàu, các khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo, Hòn La... đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, là động lực cho sự phát triển của tỉnh. Sân bay, cảng biển, cảng sông, cửa khẩu quốc tế được quan tâm đầu tư. Mạng lưới viễn thông, bưu chính, phát thanh, truyền hình phủ kín 100% số xã; 98% số dân ở nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Thành phố Đồng Hới từ một thị xã nhỏ, đến nay đã trở thành thành phố đô thị loại II, một thành phố phát triển mạnh về du lịch biển, năng động và hiện đại; thị xã Ba Đồn trở thành thị xã trực thuộc tỉnh; các thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch) được nâng cấp, Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) mở rộng trở thành đô thị loại IV với diện mạo đổi thay mạnh mẽ...
Trong xu thế hội nhập, với cơ chế, chính sách rộng mở, thông thoáng, tỉnh Quảng Bình ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát; nhiều dự án quy mô lớn, mang thương hiệu quốc tế đã và đang đi vào hoạt động, có tác động lan tỏa không chỉ trong tỉnh, mà cả khu vực Bắc Trung Bộ, như Cụm trang trại điện gió B&T, Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy, Nhiệt điện Quảng Trạch I, Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La, Khu du lịch suối khoáng nóng Bang Onsen Resort; các dự án resort, khách sạn, khu đô thị, sân golf và nhiều dự án quan trọng khác... Các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét.
Giáo dục và đào tạo phát triển khá toàn diện, với 577 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên toàn tỉnh; số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ngày càng tăng, nhiều học sinh đạt giải khu vực và vươn tầm quốc tế. Cùng với đó, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã từng bước được nâng cao; 100% số xã có trạm y tế; khu vực y tế ngoài công lập cũng phát triển mạnh mẽ; số giường bệnh bình quân trên 1 vạn dân đạt 36 giường, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế hiện nay đạt trên 91%. Đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 5,02%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng. Thể dục, thể thao thành tích cao của tỉnh Quảng Bình đã ghi lại những dấu ấn đậm nét trên đấu trường thể thao cả nước, khu vực Đông Nam Á và châu lục.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Bình vẫn còn những khó khăn nhất định. Những biến cố như sự cố môi trường biển, biến đổi khí hậu, dịch bệnh COVID-19... diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Vị trí địa lý của tỉnh ở xa các trung tâm kinh tế động lực của đất nước nên không được hưởng lợi thế về lan tỏa. Diện tích tự nhiên tuy lớn, nhưng chiếm hơn 85% là đồi núi, lại phải thường xuyên hứng chịu, ứng phó với thiên tai, bão lụt nên việc thu hút đầu tư khó khăn, hạn chế hơn so với các địa phương khác trong cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, quy mô doanh nghiệp nhỏ; chưa có nhiều dự án sản xuất, kinh doanh quy mô lớn. Nguồn lực huy động chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng ở một số khu vực còn thiếu đồng bộ. Đời sống người dân ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... còn khó khăn. Một số hạn chế trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường chậm được khắc phục.
Giải phóng tối đa mọi nguồn lực, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, tạo bứt phá trong phát triển, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050(1) đã xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030: “Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xây dựng tỉnh Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững. Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến năm 2030, phấn đấu đưa tỉnh Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung”.
Đồng thời, tỉnh cũng xác định tầm nhìn đến năm 2050: “Tỉnh Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế bắc - nam, đông - tây (hướng ra biển). Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, định vị tỉnh Quảng Bình là điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú; nơi nghỉ dưỡng và giải trí thể thao cao cấp gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển du lịch bền vững”.
Một số định hướng lớn tạo đột phá phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới
Hai trung tâm động lực tăng trưởng: 1- Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á; 2- Khu Kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Ba trung tâm đô thị: 1- Trung tâm đô thị thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận, trong đó, thành phố Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối thành phố Đồng Hới, gồm Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười; 2- Trung tâm đô thị phía bắc với hạt nhân là Thị xã Ba Đồn gắn với trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, các khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa; 3- Trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.
Ba hành lang kinh tế: 1- Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển; 2- Hành lang kinh tế Đông - Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; 3- Hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Bốn trụ cột phát triển kinh tế: 1- Tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế; coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; 2- Phát triển công nghiệp là trọng điểm, trong đó chú trọng, khuyến khích, kêu gọi phát triển công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; 3- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hoá, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh; 4- Phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Để hoàn thành thắng lợi các định hướng phát triển đề ra, tỉnh Quảng Bình xác định tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội nhằm giải phóng tối đa mọi nguồn lực, tạo bứt phá trong phát triển. Trong đó, chú trọng triển khai đồng bộ, hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sự sáng tạo trong tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách: Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, giải quyết các “điểm nghẽn”, tháo gỡ được những khó khăn, đặc biệt trong các lĩnh vực, như công tác quản lý đất đai, tài nguyên; bồi thường, giải phóng mặt bằng; thu hút đầu tư, xã hội hóa, cải cách thủ tục hành chính... Gắn kết quy hoạch tỉnh với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và phù hợp với Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để tận dụng các lợi thế của các mối liên kết vùng.
Thứ hai, tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh, phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, các thành phần kinh tế: Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là các nguồn lực của tỉnh về tài nguyên, khoáng sản, đất đai, môi trường sinh thái... Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng. Vận hành đồng bộ các thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường bất động sản, khoa học và công nghệ, tài chính... theo chuẩn mực của nền kinh tế thị trường đầy đủ. Hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiề#m lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Thu hút được các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn, có công nghệ hiện đại đầu tư vào tỉnh.
Thứ ba, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế: Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có lợi thế; đưa công nghiệp, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm và mũi nhọn. Cơ cấu lại ngành công nghiệp dựa vào lợi thế so sánh, với các ngành năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng phục vụ phân khúc du lịch cao cấp của tỉnh. Phát triển các ngành dịch vụ, ưu tiên những ngành có lợi thế, có giá trị gia tăng cao, như logistics, du lịch... Khuyến khích xã hội hóa đầu tư, phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, nghệ thuật, thể thao...
Thứ tư, đổi mới, sắp xếp không gian phát triển, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ: Sắp xếp không gian khoa học, có tầm nhìn lâu dài gắn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giao thông, đô thị và vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Tập trung xây dựng các khu kinh tế, nhất là Khu Kinh tế Hòn La thành khu kinh tế tổng hợp trong vùng kinh tế động lực Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình. Chú trọng xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có năng lực và kinh nghiệm để sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung vùng ven biển theo hướng phục vụ thu hút đầu tư; phấn đấu lấp đầy các khu, cụm công nghiệp ven biển thuộc Khu kinh tế Hòn La, Khu công nghiệp Cam Liên, Khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu. Đến năm 2025, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, như Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch; Dự án đường ven biển và Cầu Nhật Lệ 3; phối hợp triển khai hoàn thành Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình.... Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng và triển khai việc chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Thứ năm, chú trọng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Ứng dụng và phát huy các nền tảng khoa học, kỹ thuật tiên tiến của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tạo lập cơ sở dữ liệu bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu trở thành nền tảng của chính quyền điện tử; kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện được phát huy, trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho chất lượng tăng trưởng. Xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; thực thi hiệu quả chính sách thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người tỉnh Quảng Bình ở trong nước và ngoài nước. Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo ra hệ thống doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, là động lực mới cho phát triển bền vững.
Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh: Tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất hơn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian, giảm chi phí, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, với mục tiêu là các cấp, các ngành phải nghiêm túc thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư, kinh doanh, giảm tối đa các chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ của nhà nước về đầu tư, tín dụng; khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ bảy, tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững: Phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Bình “hai giỏi”, kiên trung, thông minh, cần cù, chịu khó; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục, ngăn chặn suy thoái đạo đức, lối sống và phòng, chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội. Nâng cao sức khỏe cho người dân toàn diện cả về tầm vóc, thể chất, tinh thần, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống.
Thứ tám, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững: Quan tâm thực hiện có hiệu quả, thực chất các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Thứ chín, bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu: Coi trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Quán triệt và bảo đảm sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tăng năng suất, hiệu quả sử dụng tài nguyên, kéo dài chuỗi giá trị của sản phẩm hàng hóa; hướng đến tăng trưởng thân thiện với môi trường, ít gây tổn hại, ô nhiễm môi trường; lựa chọn ngành, sản phẩm, quy trình công nghệ cũng như loại hình công nghệ sử dụng trong sản xuất phù hợp. Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường hệ thống quan trắc, theo dõi cảnh báo sớm các hiện tượng khí hậu cực đoan để chủ động phòng, chống, nhằm giảm thiểu khả năng bị tổn thương và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Thứ mười, tăng cường quốc phòng - an ninh; giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển: Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng - an ninh. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện, đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới. Tăng cường công tác đối ngoại, nhất là quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện với các địa phương nước bạn Lào, góp phần xây dựng biên giới Việt - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Quán triệt sâu sắc quan điểm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có và huy động hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, phát huy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, kết hợp đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương “Hai giỏi”, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, tìm động lực mới, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Bình phát triển xanh, bền vững, sớm trở thành nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
------------------------------
(1) Đang hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Thúc đẩy liên kết vùng - đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới  (11/05/2023)
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự  (21/03/2023)
Học tập tấm gương đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh  (07/03/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam