Kịp thời đầu tư xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng ở Tây Nguyên
TCCS - Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của nước ta về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, là nơi cư trú của 47 dân tộc, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn có đời sống còn khó khăn, sống xa thị tứ, ở các buôn làng vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng có trên 1,5 triệu người, chiếm gần 33% dân số toàn vùng.
Sau khi đất nước thống nhất, Tây Nguyên luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên, đây là một vùng đất có điều kiện tự nhiên, dân cư, tộc người... phức tạp, cho nên nhiều vấn đề trong thực tế không phải lúc nào cũng dễ dàng giải quyết. Trong hàng chục năm liên tục, cùng với việc thực hiện các chương trình, dự án quốc gia khác như 134, 135, 30a... và từ năm 2011, với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đất Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi tích cực nhất là nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người dân nói chung và người nông dân ở các vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng không ngừng được cải thiện, nâng cao về nhiều mặt.
Trong công tác lãnh đạo, các tỉnh Tây Nguyên xác định, vấn đề chính là tăng cường công tác tuyên truyền vận động để bà con người dân tộc thiểu số, nhất là bà con người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đời sống mới, trên cơ sở đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Để nâng cao ý thức của người dân như mục tiêu đã xác định, ngoài việc tăng cường đội ngũ cốt cán cho cơ sở xã, thôn, buôn, làng hầu hết các tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đều có những nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch, đề án... kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định của Trung ương nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy, tăng cường ý thức giác ngộ của người dân, phát huy ý chí tự lưc, tự cường đoàn kết thống nhất thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Theo thống kê, hiện tại toàn vùng Tây Nguyên hiện có 722 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 77 phường, 49 thị trấn và 598 xã, trong đó có trên 240 xã nghèo là những xã vùng sâu, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng. Sau ngày thống nhất đất nước, do di chứng của chính sách dồn dân, lập ấp của chế độ cũ, toàn vùng Tây Nguyên có khoảng 1.930 buôn, làng thuộc trên 600 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, phần lớn người dân sống trong đói nghèo, do hậu quả của chiến tranh, do tập quán sản xuất phát - đốt - chọc - trĩa, du canh du cư lạc hậu và do điều kiện tự nhiên, khí hậu phức tạp, khắc nghiệt, 6 tháng mùa mưa nhiều buôn, làng trở thành tách biệt, sống trong cảnh tự sản, tự tiêu là chính. Từ nhu cầu phát triển bức bách của vùng Tây Nguyên trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước đã đầu tư nhiều công sức, triển khai nhiều chương trình dành riêng cho vùng đất này, tiêu biểu như “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên thời kỳ 1996 - 2000 và 2010” theo Quyết định số 656/1996/QĐ-TTg, “Chương trình quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” theo Quyết định số 184/1998/QĐ-TTg, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4-6-2010, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia “về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020”, Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16-4-2009, “Về việc ban hành tiêu chí quốc gia, về nông thôn mới đối với khu vực Tây Nguyên”. Nội dung cơ bản của các nghị quyết, chương trình, quyết định, chỉ thị của Trung ương cũng như địa phương là nhằm huy động cao nhất mọi nguồn lực tại chỗ và của toàn xã hội phục vụ cho việc đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội Tây Nguyên, trong đó chú trọng các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, tập trung giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu cái mới, cái hiện đại, nhưng phát huy các giá trị truyền thống, không để kẻ xấu lợi dụng thực hiện phản tuyên truyền làm mất uy tín của Đảng, của chế độ...
Kết quả của việc thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch... đã tạo ra sự chuyển biến sâu rộng về kinh tế - xã hội, bước đầu giải quyết có hiệu quả những khó khăn, nhất là khó khăn về nhận thức, về nguồn lực đầu tư, về các giá trị văn hóa truyền thống và tập quán, hủ tục lạc hậu... Tất nhiên, quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên, nhất là vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những đặc thù riêng về tự nhiên, xã hội... là một quá trình lâu dài, nhưng với những chủ trương, chính sách kịp thời của Trung ương và địa phương đã tạo ra động lực thúc đẩy nhanh quá trình phát triển nhiều mặt, trong đó có hiệu quả rõ ràng của Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, theo báo cáo của các địa phương trong vùng, hệ thống điện - đường - trường - trạm đã vươn đến tận buôn làng, đã có 100% số xã có đường ô-tô đến được trung tâm xã, với 85% số ki-lô-mét đường đã được láng nhựa hoặc bê-tông hóa, mạng lưới điện quốc gia đã kéo đến 100% số xã với 98,3 % số thôn, buôn, làng có điện và 98% số gia đình người dân được sử dụng điện. Riêng về văn hóa xã hội, toàn vùng: về y tế, hầu hết các xã đều có trạm y tế, có 7.791 thôn, buôn, làng có nhân viên y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân (đạt tỉ lệ 99,72% số buôn làng có nhân viên y tế), về giáo dục - đào tạo, có 98% số xã, phường hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học theo thứ tự được đến trường đạt 71,5% và 97% về số lượng, về văn hóa, có 615 thiết chế văn hóa thông tin cấp xã, 1.151 nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các buôn, làng. Nhìn chung, nhờ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chủ yếu là Chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân Tây Nguyên nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2010, năm bắt đầu xây dựng nông thôn mới, bình quân GDP đầu người của toàn vùng ở mức 18,24 triệu đồng/người/năm thì 5 năm sau con số này đã là 36,24 triệu đồng/người/năm, tăng gần 100%, trong đó Lâm Đồng là 45,35 triệu đồng/người/năm, Đắc Nông là 35,79 triệu đồng/người/năm, Đắc Lắc là 31,60 triệu đồng/người/năm, Gia Lai là 35,63 triệu đồng/người/năm, Kon Tum là 29,77 triệu đồng/người/năm.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhờ các địa phương trong vùng chỉ đạo sâu sát, có những chủ trương, chính sách cụ thể để có thể huy động được nhiều nhất các nguồn lực từ xã hội nên nhiều chỉ tiêu nhất là chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển ngành nghề ở nông thôn đã đem lại hiệu quả. Hầu như tất cả các doanh nghiệp, các nông, lâm trường trên địa bàn đều được huy động nhập cuộc, tạo điều kiện để đầu tư vào các dự án có thể giúp người nông dân phát triển sản xuất cải thiện đời sống, như xây dựng các công trình thủy lợi, cung cấp nước sạch, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cải tạo giống các loại cây, con, phát triển mạnh chăn nuôi và trồng các loại cây công nghiệp, trồng rừng, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như cà-phê, hồ tiêu, bơ, ca-cao... Những năm gần đây, hằng năm, các địa phương giao đất trồng rừng cho 4.694 hộ với diện tích trên 87.000ha và giao khoán quản lý, bảo vệ, sản xuất rừng cho 49.146 hộ với diện tích là 531.365ha, trong đó xây dựng phát triển sản xuất được 17.000 trang trại, cùng với nông dân trên toàn vùng phát triển đàn trâu, bò với 811.100 con, đàn lợn 1,85 triệu con, 1,31 triệu tấn cà-phê nhân/năm, 79.000 tấn hồ tiêu/năm, 190.000 tấn chè búp tươi/năm... có giá trị bán buôn hàng hóa trên thị trường là 143,1 nghìn tỷ đồng.
Thực thiện các chương trình dự án, mục tiêu quốc gia, đích quan trọng cuối cùng vẫn là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Từ khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nhiều buôn, làng ở Tây Nguyên như được thổi vào làn gió mới, bừng lên sức sống của mùa xuân, hàng chục ngàn đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng thoát khỏi cảnh đói nghèo triền miên, truyền kiếp vào mùa giáp hạt. Chỉ sau 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, tính trên toàn vùng đã giảm được 64.000 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21,83% xuống còn 8,67%, cho đến nay, toàn vùng đã xóa trên 100.000 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,92% xuống còn 10,12%.
Về tổng thể, những thành quả trong xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên là đáng ghi nhận, nhưng về những vấn đề cụ thể vẫn không thể tránh khỏi hạn chế nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững từ quy hoạch, đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, cơ chế, chính sách đến bảo vệ môi trường... Chẳng hạn, trong thực tế phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, giải quyết vấn đề đất đai, việc làm... có nơi còn thiếu minh bạch, rõ ràng nên đã tạo nên những điểm nóng không đáng có. Hiện tại, theo tiêu chí mới hộ nghèo đa chiều toàn vùng vẫn còn 157.946 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13% số hộ của vùng, trong đó người dân tộc thiểu số, mà chủ yếu sống ở các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng có 112.585 hộ, chiếm tỷ lệ 27,6%.
Để Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn trong thời gian tới, các địa phương trong vùng đang chỉ đạo sát sao để thực hiện tốt các biện pháp:
Một là, huy động các nguồn vốn đầu tư đúng mức cho xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi... đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, sản xuất sinh sống của người dân. Với tính đặc thù của các tỉnh Tây Nguyên, đầu tư phù hợp đối với nông nghiệp, nông thôn ở các huyện, xã biên giới, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, cần thiết xây dựng quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp để giúp người nông dân tổ chức, hợp lý hóa sản xuất theo hướng chất lượng hiệu quả. Quỹ có thể hình thành đến cấp xã, ưu tiên dành một phần nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu thiết thực đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo tính toán, nếu mức đầu tư giữ tỷ lệ 14% thì sau 20 năm, kết cấu hạ tầng ở Tây Nguyên mới có thể đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho sản xuất và sinh hoạt. Vì vậy, việc tăng vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các địa phương Tây Nguyên là rất cần thiết để nhanh chóng cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống giao thông liên xã, liên vùng tạo thuận lợi để phát triển các vùng chuyên canh, thâm canh nông nghiệp, công nghiệp.
Hai là, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân trong vùng hiện là một yêu cầu hiển hiện, với giá cả thị trường không ổn định, như giá cao-su, cà-phê, hồ tiêu... làm cho người sản xuất chính là nông dân dao động sinh ra e ngại, đầu tư thiếu trọng tâm, cuối cùng phải chịu thiệt, thậm chí là phá sản. Để khắc phục điều này, cần:
+ Thực hiện tốt các biện pháp khai thông, mở rộng hệ thống thông tin tiếp thị sản phẩm nông sản trong và ngoài nước giúp cho người nông dân định hướng đúng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
+ Phát triển mạnh các hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp tổ chức tốt sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên cơ sở hợp đồng 2 bên cùng có lợi. Các địa phương cần tăng cường giám sát, quản lý bảo đảm cho các mặt hàng vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu... bảo đảm bình ổn giá cả, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ba là, đối với chính sách tín dụng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng cũng cần được quan tâm có chính sách cụ thể. Qua điều tra cho thấy, có khoảng 62% số hộ nông dân trồng cà-phê thiếu vốn, 42% số các nông trường cà-phê, cao-su không đủ vốn để mở rộng kinh doanh. Do vậy, cần phải xác định, việc vay vốn của các hộ nông dân là để phát triển sản xuất nên cần phân biệt rõ ràng giữa lãi suất chính sách và lãi suất thị trường. Những hộ đồng bào dân tộc đang ở tình trạng khó khăn về kinh tế cần áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi. Ở đây, việc vay vốn bằng tín chấp cần được vận dụng linh hoạt để người nông dân, nhất là các hộ nông dân nghèo có đủ điều kiện đầu tư cho sản xuất. Thực tế cho thấy, thông qua việc vay vốn bằng tín chấp chắc chắn sẽ tạo ra sự gắn bó tin cậy giữa chính quyền và người dân, nhất là người dân nghèo, giúp cho họ có điều kiện khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai tránh tình trạng bán đất để đi làm thuê, kéo dài cuộc sống nghèo đói như đã có.
Bốn là, thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên nói chung và các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng nói riêng đòi hỏi chính sách khuyến nông theo hướng:
+ Các tỉnh phải kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông từ tỉnh, huyện đến các xã. Cần xây dựng các câu lạc bộ, tổ chức khuyến nông tự nguyện, tranh thủ hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu... trên địa bàn để được giúp đỡ về lĩnh vực khuyến nông, chỉ đạo sâu sát các chương trình khuyến nông, khuyến lâm trọng điểm của địa phương.
+ Phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, mọi thành phần kinh tế trên địa bàn trong hoạt động khuyến nông với phương châm tất cả các hoạt động khuyến nông đều có tác động làm thay đổi theo hướng tích cực đối với người lao động, hộ nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
+ Các tỉnh cần hoàn thiện chính sách khuyến nông, khắc phục những hạn chế, sai lệch trong việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình canh tác một cách ồ ạt, sử dụng đất nông nghiệp nhưng không có sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể mà để tự người nông dân mò mẫm.
+ Cần bảo đảm kinh phí để các trung tâm khuyến nông hoạt động hiệu quả, nhất là cấp huyện. Nguồn kinh phí, ngoài vốn chi ngân sách hằng năm, cần được huy động từ nhiều nguồn, như do nông dân tự nguyện đóng góp, do các doanh nghiệp trong và ngoài nước bỏ ra làm khuyến nông, vốn của các chương trình xóa đói, giảm nghèo, vốn 327 và vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế.
+ Chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến việc tổ chức phát triển sản xuất của người nông dân, nhất là người nông dân là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng bảo đảm thực hiện theo nguyên tắc để cho người lao động có thu nhập tăng thêm, sau khi đã giao nộp thuế và các khoản đóng góp khác còn có đủ khả năng tái sản xuất sức lao động và tích lũy.
Xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên là một quá trình lâu dài, trong quá trình này, rất cần thực hiện tốt các chính sách đầu tư trọng điểm, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng biên giới, vùng căn cứ kháng chiến cũ, không chỉ là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước mà còn là nghĩa tình của dân tộc đối với mảnh đất đã từng chịu nhiều hy sinh, mất mát trong các cuộc kháng chiến trường kỳ vì nền độc lập tự do của đất nước(1) ./.
-------------------------------------
Bài viết có sử dụng tư liệu của một số tác giả trong Hội thảo về “Quản lý đất đai và xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên” được tổ chức vào năm 2012
Chủ động tham mưu thực hiện hiệu quả công tác tuyên giáo  (16/01/2019)
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và công tác xây dựng Đảng năm 2018  (16/01/2019)
Hội đồng Văn hóa châu Á chính thức ra mắt tại Campuchia  (16/01/2019)
Lào đề nghị Việt Nam giúp đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu  (16/01/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp các Đại sứ trình Quốc thư  (16/01/2019)
Gỡ khó cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2  (16/01/2019)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay