Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 01 đến 07-10-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
21:47, ngày 08-10-2018

TCCSĐT - Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Tổ chức Du lịch thế giới cùng Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) ngày 03-10 đã ra một tuyên bố chung mang tên Du lịch, Thương mại và WTO, trong đó kêu gọi ngành du lịch tham gia nhiều hơn vào chính sách thương mại toàn cầu.

GDP tăng cao nhất kể từ năm 2011

Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 9 đã khai mạc sáng 01-10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Phiên họp có nhiệm vụ hoàn thiện các báo cáo chuẩn bị Hội nghị Trung ương 8 khóa XII và kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong tháng 10. Đồng thời, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018 của đất nước.

Trong phát biểu khai mạc, đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã đạt kết quả rất toàn diện mà nổi bật là GDP 9 tháng tăng 6,98% - mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011.

Nhìn lại những thành tích nổi bật tháng vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh đến thành công đặc biệt của Hội nghị WEF - ASEAN tại Hà Nội, sự kiện đối ngoại lớn nhất của đất nước năm 2018; được quốc tế đánh giá cao, được xem là hội nghị thành công nhất trong 27 năm WEF tổ chức tại ASEAN và Đông Á.

Cùng với đó là sự ra mắt chính thức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong ngày cuối tháng 9 vừa qua. Đây là đơn vị đặc biệt thuộc Chính phủ, là đầu mối thống nhất quản lý vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn với số vốn 1 triệu tỷ đồng, tổng tài sản trị giá 2,3 triệu tỷ đồng. Thủ tướng kỳ vọng, sự ra mắt Ủy ban này sẽ giúp hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn, đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Đi sâu vào kết quả tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2018, Thủ tướng phân tích và cho rằng có tám chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018 sẽ vượt, bốn chỉ tiêu đạt. Theo Thủ tướng, GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011, trong đó, cả ba khu vực nông nghiệp,công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng cao. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (tăng 14,6%). Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có năm mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Xuất siêu đạt 5,39 tỷ USD, là kỷ lục đáng mừng.

Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9%. Tổng cầu tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%. Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Việt Nam dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp; 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp so trung bình thế giới ở mức 47%. Các lĩnh vực về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều có chuyển biến tốt.

Chỉ rõ những bất cập, khó khăn cần khắc phục của nền kinh tế, Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành cần đi sâu phân tích, đưa ra những giải pháp cụ thể.

"Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN"

Ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm 2018, nhờ khu vực sản xuất hàng điện tử có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh mẽ và hoạt động tiêu dùng gia tăng. Lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong nửa cuối năm nay.

Dự báo này được đưa ra trong báo cáo kinh tế về Việt Nam do ngân hàng xuất bản với tựa đề “Việt Nam - tăng trưởng nhanh nhưng không nguy hiểm".

Theo báo cáo kinh tế, lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ có năm thứ 2 liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số trong năm nay và tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm, trong khi đó, lĩnh vực xây dựng bị chậm lại do mức tăng trưởng thấp ở mảng bất động sản.

Xuất khẩu hàng điện tử trong năm 2018 được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, dù thấp hơn so với năm 2017, mang đến cho Việt Nam thặng dư thương mại và hỗ trợ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Ngân hàng Standard Chartered duy trì nhận định dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ ở mức cao trong năm 2018, 2019 và năm 2020, với mức vốn đăng ký đạt 17 tỷ USD mỗi năm và vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử, trong trung hạn.

Báo cáo cũng nhận định mức tăng trưởng ổn định ở lĩnh vực dịch vụ, đi đầu là hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ ở trong nước, sẽ hỗ trợ tăng trưởng chung của cả năm 2018. Lĩnh vực dịch vụ, vốn đóng góp gần 40% cho nền kinh tế, dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm, sau khi đạt mức tăng 7% trong nửa đầu năm.

Sự phát triển của mảng dịch vụ thuê ngoài được hỗ trợ bởi nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo tốt và chi phí thấp, sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ trong trung hạn.

Về triển vọng ngoại hối, các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered nâng dự báo tỷ giá USD/VND lên 23.400 đồng vào cuối năm 2018 và 23.300 đồng vào cuối 2019, tiếp đến là 22.700 đồng vào cuối 2020.

Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered phân tích: Việt Nam tăng trưởng 7,1% trong nửa đầu năm, trong đó quý 2 có chậm lại một chút so với mức 7,4% của quý 1, điều này phù hợp với dự báo của Standard Chartered. Kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra đến nay, đây là năm đầu tiên mức tăng trưởng trong quý 2 chậm hơn quý 1, Standard Chartered tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự tập trung vào tăng trưởng bền vững trong trung hạn.

Standard Chartered kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ, dù chậm hơn một chút so với nửa đầu năm.

“Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2018 và 2019 - giống như năm 2017. Chúng tôi lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất điện tử vẫn duy trì ở mức cao," ông Chidu Narayanan nhấn mạnh.

WTO kêu gọi gắn kết du lịch với chính sách thương mại toàn cầu


Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Tổ chức Du lịch thế giới cùng Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) ngày 03-10 đã ra một tuyên bố chung mang tên Du lịch, Thương mại và WTO, trong đó kêu gọi ngành du lịch tham gia nhiều hơn vào chính sách thương mại toàn cầu.

Tuyên bố gắn kết du lịch với thương mại này được công bố tại Diễn đàn chung WTO thường niên diễn ra từ ngày 03 đến 05-10 tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ.

Tuyên bố chung khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác toàn cầu về thương mại và du lịch, đồng thời khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của ngành du lịch trong chính sách thương mại.

Phó Tổng giám đốc WTO Dịch Tiểu Chuẩn cho biết tổ chức này muốn tăng cường quan hệ với các tổ chức du lịch quốc tế bởi du lịch có gắn kết với thương mại.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WTTC Gloria Guevara nhấn mạnh chỉ riêng trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sẽ có từ 7-19 triệu việc làm có thể tạo ra nhờ đầu tư vào hệ thống sinh trắc học, hạ tầng cơ sở sân bay mới để các hoạt động diễn ra tại sân bay được hiệu quả và an toàn hơn đối với du khách.

Theo bà Guevara, Trung Quốc hiện là nước đóng vai trò quan trọng trong du lịch toàn cầu, đóng góp 240 triệu lượt khách nhờ tầng lớp trung lưu ở nước này gia tăng.

Năm 2016, Trung Quốc tạo ra 69,5 triệu việc làm trong ngành du lịch và lữ hành, đóng góp 9% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Theo Phó Tổng thư ký UNWTO Jaime Alberto Cabal, Trung Quốc hiện là điểm du lịch lớn thứ tư trên thế giới và dự báo trong giai đoạn từ 2020 đến 2025 sẽ là điểm du lịch hàng đầu thế giới .

Mỹ thông qua đạo luật BUILD thúc đẩy lợi ích tại châu Phi

“Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển” (BUILD) vừa được Quốc hội Mỹ thông qua được đánh giá là sáng kiến quan trọng nhất của Washington đối với châu Phi dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thời điểm hiện nay.

BUILD không chỉ khuyến khích tăng cường đầu tư của Mỹ ở châu Phi với vai trò là nhân tố kích thích phát triển kinh tế trên khắp "lục địa đen," mà còn hỗ trợ tăng cường tính cạnh tranh và giảm rủi ro đối với các công ty Mỹ tại thị trường châu Phi đang phát triển và đầy tiềm năng.

Đạo luật BUILD được thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng Cộng hòa, Dân chủ tại lưỡng viện và dự kiến Tổng thống Trump sẽ ký phê chuẩn đạo luật này.

Theo quy định của Đạo luật BUILD, Công ty Đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC) sẽ được chuyển thành Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC) với ngân sách 60 tỷ USD, gấp đôi ngân sách hiện tại của OPIC. Đặc biệt, USIDFC sẽ là chủ sở hữu trong các khoản đầu tư - thẩm quyền mới trước đó chưa được giao cho OPIC.

Từ lâu, những quỹ tài chính phát triển của Trung Quốc và các nước châu Âu đã trao quyền đầu tư vốn chủ sở hữu cho các công ty trong nước - thẩm quyền rất quan trọng trong quá trình đầu tư nước ngoài. Cơ quan mới USIDFC là một công cụ ngoại giao thương mại cần thiết nhưng đang bị bỏ trống của Mỹ hiện nay.

Trước đó, cuối tháng Chín vừa qua, Quốc hội Mỹ cũng đã gia hạn Đạo luật An ninh lương thực toàn cầu (GFS), được thông qua lần đầu tiên vào năm 2016.

Luật GFS đóng vai trò hỗ trợ chương trình Nuôi dưỡng tương lai dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và là chiến lược toàn diện của Chính phủ Mỹ nhằm chống đói nghèo và suy dinh dưỡng ở các nước đang phát triển.

Chương trình Nuôi dưỡng tương lai tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt trong giai đoạn quan trọng 1.000 ngày từ khi bắt đầu thai kỳ của phụ nữ cho đến khi đứa trẻ sinh ra được 2 tuổi.

Từ năm 2011, nhờ sự hỗ trợ của chương trình Nuôi dưỡng tương lai, ước tính có khoảng hơn 5 triệu gia đình đã thoát khỏi nghèo đói và trên 3 triệu trẻ em không bị tình trạng suy dinh dưỡng.

Trong khi chính quyền của Tổng thống Trump chưa đưa ra chính sách cụ thể đối với châu Phi, Quốc hội Mỹ ngày càng thể hiện vai trò then chốt trong việc thúc đẩy lợi ích của Mỹ ở châu Phi, đặc biệt là mối quan tâm đối với phụ nữ, khu vực tư nhân và phát triển kinh tế.

Các thể chế tài chính quốc tế kêu gọi tăng hội nhập thương mại

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kêu gọi các nước tăng cường hội nhập thương mại nhằm tiếp thêm sinh lực cho hệ thống thương mại đa phương và duy trì tốc độ tăng trưởng bắt kịp với những thay đổi căn bản trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo chung mang tên "Phục hồi thương mại và tăng trưởng bao trùm" công bố ngày 30-9, các thể chế tài chính trên nhấn mạnh chính sách mở cửa thương mại từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai cho đến thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đã nâng cao các tiêu chuẩn sống và giảm tỷ lệ nghèo đói, nhưng vẫn chưa toàn diện.

Các cơ hội được tạo ra từ sự phát triển công nghệ thông tin và những thay đổi căn bản khác trong nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa được phản ánh đầy đủ trong các lĩnh vực mới của chính sách thương mại như các ngành dịch vụ và thương mại điện tử.

Báo cáo cho rằng việc mở cửa hơn nữa phạm vi những chính sách này sẽ thúc đẩy cạnh tranh, tăng năng suất lao động và nâng cao các tiêu chuẩn về mức sống.

Song song với đó, thương mại cũng có thể trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hơn ở trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế như kinh tế khu vực nông thôn, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn và trao thêm quyền hạn cho nữ giới trong lĩnh vực kinh tế.

Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của hệ thống thương mại đa phương, cho rằng việc hợp tác theo hình thức này ngày càng quan trọng trong một nền kinh tế toàn cầu hội nhập sâu rộng và đa cực như hiện nay.

Nhiều vấn đề thương mại cơ bản như thương mại điện tử đang trở thành vấn đề toàn cầu tất yếu và chỉ có thể được giải quyết trên quy mô toàn cầu trong khuôn khổ WTO. Tuy nhiên, WTO hiện đang đối diện với nhiều thách thức hơn trong việc thúc đẩy các cải cách thương mại đa phương, vốn đã bị chậm lại từ thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Báo cáo cho rằng trong tương lai gần, các nước cần chú ý tới những bài học đắt giá sau hai thập kỷ đàm phán vừa qua của WTO và cần thừa nhận rằng bối cảnh chính sách thương mại ngày càng phức tạp hơn. Các hướng tiếp cận đàm phán linh hoạt sẽ có thể thúc đẩy các cải cách thương mại ở một số khía cạnh nhất định.

Theo báo cáo, điều quan trọng là các sáng kiến sử dụng hướng tiếp cận đàm phán linh hoạt thu hút nhiều thành viên cần phải được rộng mở đối với tất cả các nước và tăng cường hệ thống thương mại toàn cầu.

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhấn mạnh báo cáo trên là sự đóng góp hữu ích vào các cuộc thảo luận đang diễn ra về phục hồi hệ thống thương mại vì lợi ích của tất cả các nước. Nhiều thành viên WTO thừa nhận những thay đổi trong phạm vi chính sách thương mại là cần thiết nhằm phù hợp với những nhu cầu của các nền kinh tế và người dân./.