Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21 đến 27-5-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
21:39, ngày 31-05-2018

TCCSĐT - Ngày 25-5, Quyền Trưởng phái bộ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Adam Shub đã kêu gọi các nước thành viên EU ngăn chặn việc thực hiện dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) và thay vào đó ủng hộ việc dẫn khí đốt của Nga thông qua Ukraine.

Thủ tướng chỉ thị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 24-5-2018 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Chỉ thị nêu rõ, năm 2019, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,8%. Các địa phương căn cứ số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) công bố, đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương, ước thực hiện cả năm và dự báo triển vọng phát triển để xác định chỉ tiêu GRDP năm 2019 cho phù hợp.

Về cải cách hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ, kiến tạo phát triển. Khẩn trương tổ chức triển khai cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XII, bảo đảm tiền lương là nguồn thu nhập chính, trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng lãng phí, chỉ thị yêu cầu phải tăng cường công tác thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực như quản lý đất đai, tài sản công, đầu tư xây dựng, sử dụng ngân sách nhà nước. Thực hiện tốt Luật Tiếp công dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, không để trở thành “điểm nóng”, gây mất an ninh trật tự.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn. Nâng cao hiệu quả của công tác thu hồi tài sản nhà nước trong các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế lớn.

Về quốc phòng, an ninh, tiếp tục củng cố tiềm lực, quốc phòng an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia. Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nắm chắc tình hình, chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ, không để hình thành, công khai các tổ chức chính trị đối lập trong nội địa. Đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

Tăng lương cơ sở lên mức 1.390.000 đồng/tháng từ ngày 01-7 tới

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp, người lao động (sau đây gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Theo Nghị định, từ ngày 01-7-2018, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng, thay cho mức cũ là 1.300.000 đồng/tháng. Mức lương cơ sở này dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 72/2018/NĐ-CP; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích, các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Người hưởng lương, phụ cấp trên gồm: Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010.

Ngoài ra, người hưởng lương, phụ cấp cũng gồm người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gồm: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sỹ quan, hạ sỹ quan hưởng lương, hạ sỹ quan, chiến sỹ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố cũng được hưởng lương và phụ cấp trên.

Mỹ kêu gọi EU phản đối triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Ngày 25-5, Quyền Trưởng phái bộ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Adam Shub đã kêu gọi các nước thành viên EU ngăn chặn việc thực hiện dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) và thay vào đó ủng hộ việc dẫn khí đốt của Nga thông qua Ukraine.

Trong một cuộc họp báo về vấn đề năng lượng tại Brussels, ông Adam Shub nói Mỹ ủng hộ Ukraine, Ba Lan và các quốc gia thành viên EU khác vốn coi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Ông kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên EU tham gia vào tập hợp các nước hai bờ Đại Tây Dương phản đối Nord Stream 2 và ủng hộ phương án khí đốt được quá cảnh Ukraine trong tương lai.

Dự án Nord Stream 2 dự tính xây dựng 2 đường ống dẫn khí đốt chạy từ bờ biển Nga, qua biển Baltic và đến một trung tâm ở Đức, như vậy là hoàn toàn vòng qua Ukraine. Dự án này là một liên doanh của các tập đoàn Gazprom (Nga), Engie (Pháp), OMV AG (Áo), Royal Dutch Shell (Anh) và Uniper and Wintershall (Đức).

Nga đã nhiều lần tuyên bố dự án Nord Stream 2 hoàn toàn mang tính kinh tế, trong khi những nỗ lực ngăn chặn dự án là nhằm theo đuổi các lợi ích chính trị.

Tuần trước, sau các cuộc đàm phán với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa tái khẳng định việc triển khai dự án Nord Stream 2 không nhất thiết đồng nghĩa với việc dừng vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine và việc này vẫn sẽ tiếp tục cho tới khi nào còn hiệu quả.

Mỹ đã thực hiện một số nỗ lực để cản trở việc thực hiện dự án. Đặc biệt, Washington đã đưa ra một điều luật nhằm chống lại việc xây dựng đường ống Nord Stream 2, đó là luật chống lại các kẻ thù của Mỹ kèm theo các biện pháp trừng phạt thông qua vào tháng 8 vừa qua.

Chính quyền Mỹ tuyên bố dự án Nord Stream 2 đe dọa an ninh năng lượng của EU, đồng thời gợi ý xuất khẩu năng lượng của Mỹ sang thị trường châu Âu để bảo đảm an ninh năng lượng cho các đồng minh. Điều khoản đặc biệt này bị EU từ chối với lý do gây tổn hại đến chính sách năng lượng của châu Âu.

Thêm 2 quốc gia ra khỏi danh sách "các thiên đường trốn thuế"

Ngày 25-5, Hội đồng châu Âu đã đưa Bahamas và Liên bang Saint Kitts và Nevis ra khỏi danh sách đen "các thiên đường trốn thuế". Quyết định trên được đưa ra sau khi Bahamas và Liên bang Saint Kitts và Nevis đưa ra những cam kết ở cấp cao nhằm xóa bỏ những quan ngại của Liên minh châu Âu (EU).

Sau những đánh giá của các chuyên gia EU, hai quốc gia này đã được chuyển từ "danh sách đen" các thiên đường thuế sang "danh sách xám" (gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ vốn không tuân thủ tiêu chuẩn chống trốn thuế của EU, song đã cam kết thay đổi).

Những quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại trong danh sách trên là Guam, Namibia, vùng lãnh thổ Samoa của Mỹ ở Thái Bình Dương, Palau, Samoa, Trinidad và Tobago và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Bulgaria, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, Vladislav Goranov, cho biết việc danh sách trên ngày càng ít đi chứng tỏ việc công bố danh sách đạt hiệu quả.

Ông nhấn mạnh mặc dù các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã thực hiện việc cải cách chính sách thuế, nhưng trong nửa cuối năm nay, EU vẫn phải theo dõi xem họ có thực hiện những cam kết nghiêm túc hay không.

Được công bố vào tháng 12-2017, "danh sách đen" các thiên đường trốn thuế của EU đã góp phần vào những nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thuế và thúc đẩy quá trình quản trị lành mạnh trên toàn thế giới.

Những quốc gia và vùng lãnh thổ bị liệt vào danh sách này sẽ phải đối mặt với việc danh tiếng bị tổn hại và bị kiểm soát chặt chẽ trong các giao dịch tài chính với EU.

Nhà Trắng đạt được thỏa thuận gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ZTE

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông đã đạt được một thỏa thuận để Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc duy trì hoạt động và tránh được nguy cơ phá sản do các lệnh trừng phạt của Washington, bất chấp sự phản đối của các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa của ông.

Trong thông báo đăng tải trên Twitter tối 25-5 (giờ Washington), nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông quyết định mở cửa trở lại ZTE kèm theo một thỏa thuận, trong đó yêu cầu ZTE đảm bảo an ninh mức độ cao, thay thế ban giám đốc điều hành và quản lý, phải mua linh kiện do Mỹ sản xuất và nộp khoản phạt 1,3 tỷ USD.

Những nội dung này gần giống với những điều kiện mà ông Trump và Bộ trưởng Thương mại Mỹ công bố hồi đầu tuần qua như các biện pháp giúp ZTE thoát khỏi lệnh cấm xuất khẩu trước đó gần như khiến hãng ngừng hoạt động.

Thông tin trên được công bố trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị nối lại các cuộc thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại giữa 2 nước tại Bắc Kinh vào tuần tới. Từ đầu tháng Năm đến nay, đoàn công tác của 2 nước đã xúc tiến 2 vòng thương lượng tại cả Bắc Kinh và Washington và đã từng bước tháo gỡ những bất đồng và đạt được thỏa thuận cụ thể hướng tới giải quyết tranh chấp như Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều hàng hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại khổng lồ với Mỹ lên tới hơn 370 tỷ USD.

Với 70.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng Tư vừa qua cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng viễn thông Trung Quốc này trong vòng 7 năm do nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.

Hồi tháng 3-2017, ZTE bị phạt 1,2 tỷ USD vì lý do này. Tuy nhiên, thỏa thuận nói trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ đảng Dân chủ. Nghị sỹ Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ, đã chỉ trích thỏa thuận về "phản bội người dân Mỹ". Bà cho rằng ông Trump đang sử dụng các nguồn của chính phủ để làm giàu cho ZTE.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ hàng đầu của đảng Cộng hòa, ông Marco Rubio - người đứng đầu một tiểu ban chủ chốt phụ trách đối ngoại đã cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump đạt được một thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc.

Ông tuyên bố sẽ tìm cách ngăn chặn thỏa thuận này. Thủ lĩnh phe thiểu số đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, Chuck Schumer cũng đã kêu gọi các nghị sỹ hai đảng đoàn kết ngăn chặn thỏa thuận nói trên, chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump đang giúp Trung Quốc lớn mạnh hơn./.