TCCSĐT - Ngày 26-5-2017, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) tổ chức hội thảo công bố cuốn sách “Vai trò của hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam” - kết quả của Chương trình nghiên cứu “Nâng cao hiểu biết về những chính sách mới chống nghèo đói” (NOPOOR).

Đây là một trong những kết quả nghiên cứu sau 5 năm hợp tác thực hiện NOPOOR giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với 17 đối tác, bao gồm các viện nghiên cứu và trường đại học từ 4 châu lục. Nghiên cứu tập trung vào kiến thức mới về giảm nghèo và mục tiêu đóng góp khuyến nghị chính sách hiệu quả, gắn kết nghiên cứu với tư vấn chính sách trên cơ sở tiếp cận liên ngành kinh tế học - xã hội học - nhân chủng học, đồng thời cũng tăng cường kiến thức về nghèo đói cho tất cả các đối tác tham gia chương trình, phục vụ quá trình hướng tới tăng trưởng bao trùm của Việt Nam. Chương trình nghiên cứu hiện đang ở giai đoạn cuối cùng, hoàn thiện và chia sẻ các phát hiện mới.

Chương trình nghiên cứu này được thực hiện lần đầu tiên ở Việt Nam với đầy đủ các thành phần khác nhau, mang tính đại diện ở cấp quốc gia. Một trong những phát hiện mới của chương trình nghiên cứu là tập trung vào khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế với việc tạo ra gần 1/3 GDP phi nông nghiệp, 57% việc làm phi nông nghiệp và 23% tổng GDP năm 2014. Riêng khu vực phi chính thức đóng góp 15% GDP phi nông nghiệp. Trong ngành thương mại, đóng góp của khu vực kinh doanh hộ cá thể khá cao: 63% giá trị gia tăng của ngành thương mại là do khu vực này tạo ra, trong đó một nửa là từ thành phần phi chính thức.

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu điểm lại những nét chính của công trình nghiên cứu. Tập trung vào vai trò của khu vực, các nghiên cứu cho thấy tiềm năng lớn về đóng góp kinh tế, tạo việc làm của khu vực này. Các con số thể hiện tiềm năng lớn của khu vực cá thể, nhưng cũng cho thấy để cải thiện năng suất của khu vực này, cần có có những can thiệp chính sách sâu hơn với nhu cầu và đặc điểm của khu vực.

Đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức có khả năng giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn dân cư, có tính linh hoạt trong hoạt động, sức sống mạnh mẽ. Tăng trưởng của khu vực này rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên với trình độ công nghệ thấp, trang thiết bị và kỹ năng còn nhiều hạn chế, nên có dư địa lớn cho các can thiệp chính sách tác động tới năng suất lao động. Chưa kể, khu vực này vẫn còn một bộ phận năng động và đã áp dụng nhiều cải tiến đổi mới. Quy mô hoạt động đặc biệt thấp, nhất là trong lĩnh vực phi chính thức, một nửa số hộ cá thể phi chính thức chỉ có 1 lao động, bình quân mỗi cơ sở có khoảng 2 lao động. Hộ cá thể chính thức có quy mô lớn hơn, nhưng vẫn còn rất thấp, trung bình 2,3 lao động và khoảng 1/3 số hộ là lao động tự làm chủ. Tuy nhiên, khu vực này có phổ thu nhập rộng, có khác biệt lớn về lợi nhuận, quy mô và phương thức hoạt động. Lợi nhuận trung bình nhóm thập phân vị có lợi nhuận cao nhất cao hơn 145 lần so với lợi nhuận trung bình của nhóm thập phân vị thấp nhất. 23% hộ cá thể cho biết mức lợi nhuận của họ dưới 3 triệu đồng, trong khi 19% hộ cá thể đạt mức trên 50 triệu đồng/tháng. 3% hộ cá thể đầu tư đến trên một nửa tổng vốn đầu tư trong khu vực này.

Nghiên cứu khuyến nghị, việc đưa khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể vào trong mô hình tăng trưởng mới không chỉ đơn thuần gắn liền với việc đẩy mạnh quá trình chính thức hóa khu vực phi chính thức. Có thể cải thiện năng suất của khu vực hộ kinh doanh cá thể nhờ các chính sách tăng cường thông tin cho các hộ này về cơ hội thị trường và đổi mới sáng tạo. Cần phát triển thị trường tín dụng phù hợp với đặc điểm và tính không đồng nhất của hộ sản xuất kinh doanh cá thể, trong đó cần định hướng mục tiêu tín dụng vi mô tập trung hơn vào khu vực phi chính thức và tín dụng dài hạn để thúc đẩy đầu tư cho các hộ có tiềm năng. Các nhà hoạch định chính sách không nên bỏ qua các chính sách đào tạo kỹ năng phù hợp hơn với các cơ hội thị trường và nâng cao quản lý để tăng độ tin cậy tín dụng của các hộ cá thể, đặc biệt đối với nhóm hộ có sự phát triển hơn./.