Thu hoạch lúa mì tại Trung Quốc 
Ảnh: TTXVNN

Thành thị hóa nông thôn là sự biến đổi to lớn đang diễn ra ở nông thôn Trung Quốc; không những ảnh hưởng đến quan niệm, tư tưởng, phương thức kinh doanh, thể chế tổ chức, cấu trúc xã hội ở nông thôn, mà còn liên quan đến chế độ sở hữu. Nó làm cho kinh tế và xã hội của nông thôn phát sinh những thay đổi cơ bản về chuyển biến thể chế, địa vị nông dân, quan niệm, tập quán. Do xử lý những vấn đề này không thỏa đáng, một số địa phương xuất hiện "hình thức" là thành thị, nhưng "thực chất" vẫn là nông thôn với phát sinh sự biến đổi lớn...

Hiện tượng giảm sút thu nhập

Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, thu nhập của nông dân giảm mạnh. Theo thống kê, từ năm 1997 - 2003, thu nhập bình quân đầu người của nông dân Trung Quốc chỉ tăng 695,9 NDT, không bằng 1/5 lượng tăng thu nhập của cư dân thành thị. Khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa cư dân thành thị với nông thôn khá rõ (từ 1,8:1 giữa thập kỷ 80, 2,5:1 ở cuối thập kỷ 90, 3,2:1 năm 2003 và 3,43:1 năm 2008). Bởi, một mặt, cư dân thành thị được hưởng phụ cấp của Nhà nước ở các phương diện: nhà ở, bảo đảm xã hội, vệ sinh và giáo dục công cộng v.v..; mặt khác, theo thống kê hiện hành, thu nhập của gia đình nông dân phải chi cả tiền thuế phải giao nộp và đầu tư mua sắm tư liệu sản xuất, khoảng cách chênh lệch thực tế ước khoảng 5:1 - 6:1.
 
Theo điều tra của Cục Thống kê nhà nước, từ năm 2000 đến 2008, số nông hộ có thu nhập tăng chiếm 54,4%, số nông hộ thu nhập trung bình chiếm 1,6%, số nông hộ thu nhập giảm chiếm 44% tổng số nông hộ. Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được vấn đề lương thực cho gần 30 triệu người dân ở nông thôn. Hiện ở Trung Quốc có 60 triệu người có đời sống ở mức thấp và không ổn định (con số thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều). GDP bình quân đầu người giữa khu vực nông nghiệp với khu vực phi nông nghiệp từ 1:3,9 (năm 1990) mở rộng đến 1:7,2 (năm 2007). Tỷ lệ nông dân lớn, kinh doanh quy mô nhỏ, năng suất lao động nông nghiệp thấp, nông dân rất khó tăng thêm thu nhập.

Biến đổi phương thức kinh doanh từ việc mất ruộng đất

Ở nông thôn Trung Quốc, tình trạng dân đông, diện tích đất canh tác thu hẹp dần, sản lượng lương thực sụt giảm, mâu thuẫn xã hội gay gắt, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Với chế độ ruộng đất hiện hành, từ việc chuyển nhượng quyền tài sản ruộng đất, người nông dân rất khó có được sự bồi thường hợp lý. Một bộ phận nông dân bị mất đất không có cơ hội tìm được việc làm mới, trong khi ấy, nếu ở lại nông thôn cuộc sống của họ sẽ không được bảo đảm. Đó là vấn đề cần được giải quyết. Để tránh sự bất ổn và chấn động, phòng ngừa số đông nông dân bị mất đất trở thành người lưu lạc, không nghề nghiệp, bị đẩy ra bên lề của xã hội bình thường, nên tuyệt đại bộ phận tổ chức kinh tế tập thể đã chuyển sang chế độ cổ phần. Các hình thức vốn có như hợp tác xã, liên xã hợp tác được thay thế bằng công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn theo chế độ xí nghiệp hiện đại.

Nông dân tách khỏi ruộng đất, hình thức lao động của họ cũng thay đổi: của cải từ ruộng đất đã biến thành tiền; trải qua tích lũy vốn nhất định, họ bắt đầu mở rộng các hoạt động kinh tế khác. Nông dân ở một số vùng giàu có đã tích lũy được số tiền tương đối lớn, trình độ văn hóa tương đối cao, thanh niên nông dân có đầu óc linh hoạt đã nắm vững kỹ thuật. Hình thức đầu tư, kinh doanh và phân phối thu nhập cũng có những thay đổi tương ứng.

Trước đây, vấn đề “tam nông” chủ yếu là vấn đề lương thực. Nay, vấn đề chủ yếu là hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, thông qua “tam hóa” - công nghiệp hóa, thành thị hóa, thị trường hóa; thúc đẩy giải quyết vấn đề “tam nông”. Đó là, dùng kỹ thuật tiên tiến để cải tạo căn bản nông nghiệp và toàn bộ kinh tế nông thôn; thông qua công nghiệp hóa và thành thị hóa, thực hiện chuyển dịch số lượng lớn dân số nông nghiệp sang sản xuất phi nông nghiệp; thông qua cải cách đưa kinh tế nông thôn vào quỹ đạo thị trường hóa và xã hội hóa thống nhất. Đó là quá trình chuyển biến từng bước từ cơ cấu kinh tế thành thị - nông thôn sang cơ cấu kinh tế xã hội hiện đại.

Hiện nay, trình độ công nghiệp hóa của Trung Quốc không cao, muốn giải quyết vấn đề phát triển nhịp nhàng cần phải đẩy nhanh phát triển công nghiệp nông thôn. Muốn đưa một nước nông nghiệp có lịch sử mấy nghìn năm trở thành nước công nghiệp, vấn đề then chốt là công nghiệp hóa nông thôn.

Thành thị hóa và hiện tượng thiếu việc làm

Từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cùng với việc tăng nhanh công nghiệp hóa, tiến trình thành thị hóa cũng gia tăng, từ 18% thời kỳ đầu cải cách mở cửa, tăng lên đến 43,5% năm 2007. Tuy nhiên, so với mức độ bình quân của thế giới vẫn thấp hơn khoảng 8%. Khảo sát từ các chỉ tiêu: trình độ khoa học - kỹ thuật, trình độ ngành chế tạo, tỷ trọng công nghiệp trong giá trị gia tăng của công - nông nghiệp, v.v.. thì hiện nay, Trung Quốc đã vượt qua thời kỳ cơ bản thực hiện công nghiệp hóa của các nước kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, mức độ thành thị hóa hiện nay của Trung Quốc chỉ tương đương với năm 1850 của Anh (37%), năm 1910 của Bắc Mỹ (41%), năm 1950 của Nhật Bản (38%).
 
Tiến trình công nghiệp hóa và thành thị hóa có tính tương quan rất lớn, nhưng lại có sự khác biệt: công nghiệp hóa dẫn đến sự chuyển dịch sản nghiệp của nông dân, còn thành thị hóa lại là những thay đổi trong sự phân bố dân số ở thành thị và nông thôn. Trong 21 năm, từ năm 1957 đến 1978, tỷ trọng nông nghiệp trong kinh tế quốc dân từ 40,3% giảm xuống 28,1%; mức độ thành thị hóa từ 15,4% lên đến 17,9%. Theo tiến độ đó, thành thị hóa đạt đến trình độ hiện nay phải cần khoảng 200 năm nữa. Tuy nhiên, trong 30 năm cải cách mở cửa, tiến trình công nghiệp hóa tăng nhanh: Năm 1978 đến năm 2006, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP từ 28,1% giảm xuống còn 13,4%; tỷ trọng lao động nông nghiệp từ trên 70% giảm xuống còn 47,2%; tỷ trọng sản phẩm sơ chế như nông sản phẩm xuất khẩu trong tổng mức hàng hóa xuất khẩu từ 50% giảm xuống còn dưới 10%; năng lực ngành chế tạo được tăng cường rõ rệt, ngành sản xuất kỹ thuật cao và mới phát triển nhanh chóng.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc đã tiến vào giai đoạn giữa của quá trình công nghiệp hóa. Nếu thành thị hóa tiến triển thuận lợi, năm 2020 dân số thành thị có khoảng 870 triệu người, năm 2050 khoảng 1 tỉ người, thì thực lực kinh tế và khoa học - kỹ thuật của Trung Quốc sẽ được nâng cao, ảnh hưởng quốc tế sẽ tăng cường rõ rệt. Song, cho dù công nghiệp hóa và thành thị hóa tiến triển thuận lợi, đến năm 2020, dân số nông thôn vẫn có khoảng 700 triệu người do vậy vấn đề “tam nông” vẫn là vấn đề lớn.
Dân số Trung Quốc hơn 1,3 tỉ người, trong đó có gần 750 triệu người có khả năng lao động, nhiều hơn 230 triệu người so với số người có việc làm của tất cả các nước phát triển cộng lại. Mỗi năm, sức lao động mới tăng thêm trên 13 triệu người, trong đó 90 triệu người được xác nhận chính thức thất nghiệp (theo đánh giá không chính thức, con số này là hơn 200 triệu người). Quá trình thành thị hóa và công nghiệp hóa nông thôn phải thực hành các chính sách có lợi cho tăng việc làm, thúc đẩy sức lao động nông thôn chuyển dịch sang sản xuất phi nông nghiệp.
 
Vấn đề tăng thu nhập của nông dân khó khăn và sự nghèo khổ của thành thị, ở một mức độ rất lớn, là do thiếu việc làm. Hiện nay, sức lao động nông nghiệp dư thừa nghiêm trọng, giải quyết vấn đề việc làm chủ yếu dựa vào việc phát triển các ngành sản xuất phi nông nghiệp và thúc đẩy thành thị hóa, để mấy trăm triệu nông dân được hưởng những thành quả và cơ hội phát triển từ đó mang lại. Do vậy, Trung Quốc đã cải thiện tiền lương trung bình là gần 0,6 USD/giờ đối với ngành công nghiệp dệt, 0,9 USD/giờ đối với ngành sản xuất kỹ thuật dân dụng và 1,1 USD - 1,3 USD/giờ trong các xí nghiệp lắp ráp điện tử.

Do tổng số nhân khẩu Trung Quốc quá lớn, không thể mô phỏng theo con đường công nghiệp hóa thành thị mà các nước phát triển đã trải qua. Cần kết hợp chấn hưng công nghiệp thành thị với phát triển công nghiệp nông thôn. Công nghiệp thành thị và nông thôn được coi là những bộ phận cấu thành của toàn bộ hệ thống lớn của công nghiệp, không chỉ là tiến hành chuyển đổi vật chất và năng lượng với thế giới bên ngoài, mà còn đòi hỏi sự hợp tác và liên hợp sản xuất. Đối với sự phát triển của nông thôn, việc tiến hành phân công hợp tác với công nghiệp thành thị có thể nhanh chóng nâng cao tố chất tổng hợp và đưa vào quỹ đạo sản xuất lớn xã hội hóa, từ đó đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa loại hình mới của Trung Quốc.

Những biến đổi về quản lý hành chính và các vấn đề xã hội phát sinh

Sự đan xen giữa phương thức canh tác cũ của nông nghiệp và công nghiệp tạo ra sự phức tạp trong quản lý hành chính. Chính quyền không chỉ có vai trò điều hành kinh tế nông nghiệp, mà còn phải quản lý cả kinh tế thủ công, thương nghiệp và công nghiệp; không chỉ quản lý các thôn xóm mà còn quản lý các mô hình đô thị. Nhân tố con người trong hệ thống hành chính ở các vùng nông thôn, nhất là cấp hương trấn và cấp thôn trước yêu cầu phải tăng về chất lượng nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Tình trạng “người địa phương nào quản lý người địa phương đó” vẫn phổ biến từ cấp huyện trở xuống. Bộ máy và phương thức quản lý ở các vùng nông thôn đang công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Trung Quốc hiện nay thực sự là một trong những vấn đề nhức nhối nhất.

Bên cạnh đó, thành thị hóa không phải là quá trình di chuyển dân số nông thôn đến các thành phố một cách đơn giản, mà là sự chuyển biến căn bản về phương thức sản xuất và phương thức sinh hoạt của mấy trăm triệu người. Sự chuyển đổi xã hội có tính căn bản đó sẽ làm cho trình độ văn minh của Trung Quốc được nâng lên rõ rệt. Tuy vậy, mấy năm gần đây, trong tiến trình thành thị hóa, một vấn đề đáng được chú ý là mức tăng dân số thành thị chậm hơn tốc độ mở rộng quy mô đô thị. Đằng sau các quy định của chế độ hộ tịch là những áp lực ở các mặt: những hiện tượng tiêu cực xã hội, sự khủng hoảng do giao thoa văn hóa thành thị - nông thôn, chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm dưỡng lão, bảo đảm sinh hoạt thấp nhất, vệ sinh khám chữa bệnh, giáo dục và các công trình hạ tầng đô thị, xây dựng nhà ở và giao thông công cộng v.v.., cũng đặt ra cấp thiết, đòi hỏi phải thích ứng với yêu cầu của tiến trình thành thị hóa.

Những đối sách chủ yếu thúc đẩy phát triển

Đại hội XV của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: Để thực hiện những nhiệm vụ hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cần phải "ít nhất là 100 năm" và "sự nỗ lực không mệt mỏi của vài, thậm chí là vài chục thế hệ". Nhiệm vụ đó tiếp tục được Đại hội XVII đặt ra như một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là một thách thức của thời kỳ mới. Giải quyết vấn đề "Tam nông" là việc liên quan đến đại cục xây dựng toàn diện xã hội khá giả, phải luôn coi đây là nhiệm vụ trọng điểm của trọng điểm trong công tác của nhiệm kỳ mới. Mục tiêu cơ bản là hình thành cơ chế phát triển tác động nhịp nhàng giữa thành thị và nông thôn với 5 nhóm giải pháp cơ bản:

Một là, đổi mới thể chế thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hóa nông thôn.

Hai là, tích cực đẩy mạnh việc chuyển dịch và mở rộng công nghiệp thành thị ra nông thôn.

Ba là, thực hiện sự phân công hiệp tác hợp lý giữa công nghiệp thành thị và nông thôn, lôi kéo công nghiệp nông thôn vào quỹ đạo sản xuất lớn xã hội hóa.

Bốn là, trong tiến trình công nghiệp hóa nông thôn, đẩy nhanh sự phát triển của thành phố (thị trấn).

Năm là, đẩy mạnh xây dựng luật pháp, pháp quy có liên quan./.