Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và quản lý của nhà nước trong quá trình phát triển Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Chúng ta biết, tư duy lý luận trước đây coi sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường là đối lập tuyệt đối với chủ nghĩa xã hội như "nước với lửa", chúng không thể dung hợp với nhau được. Theo tư duy đó, kinh tế thị trường đồng nhất với chủ nghĩa tư bản; còn kinh tế kế hoạch hóa tập trung được đồng nhất với chủ nghĩa xã hội và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội cũng được coi là bắt nguồn từ đó.
Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới mấy thập niên gần đây đã chứng minh tư duy đó không phù hợp với thực tế. Trong chủ nghĩa xã hội, vẫn tồn tại sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, cả sản xuất, lưu thông phân phối đều phải thông qua thị trường, đều phải chịu sự tác động của quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, tức những quy luật của kinh tế thị trường. Sai lầm của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây là, trong một thời gian tương đối dài, đã phủ nhận kinh tế thị trường, thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp.
Ở Việt Nam, cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp đã tồn tại tương đối dài, từ khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954) cho đến cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Tình trạng đó do 3 nguyên nhân chủ yếu sau đây:
- Thứ nhất, do theo nhận thức lý luận cũ;
- Thứ hai, do ảnh hưởng của mô hình cũ về chủ nghĩa xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa;
- Thứ ba, do yêu cầu của thực tiễn kháng chiến chống ngoại xâm.
Phải nhấn mạnh là, cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp ở Việt Nam đã phát huy tác dụng tích cực trong việc huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tuy nhiên, sau khi đất nước thống nhất (1975), sự tiếp tục tồn tại quá mức của cơ chế tập trung bao cấp đã trở thành cơ chế kìm hãm, cản trở sự phát triển của sản xuất, đời sống, đưa đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm sau đó. Đúng như V.I.Lê-nin nói, ưu điểm của ngày hôm qua kéo dài quá mức đã trở thành khuyết điểm của ngày hôm nay.
Mặc dù chịu sự tác động của cơ chế đó nhưng nhiều nhân tố mới không ngừng xuất hiện trong phong trào quần chúng trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, phân phối lưu thông v.v.. để tìm cách thoát khỏi sự kìm hãm. Những hiện tượng "xé rào" chính là sự thể hiện quá trình trăn trở tìm tòi đó, thể hiện nhu cầu tất yếu của cuộc sống được Đảng ta đón nhận, từng bước và thận trọng nghiên cứu, sơ kết nhằm chuẩn bị cho sự đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội.
Đại hội VI (1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, là một bước ngoặt cách mạng trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội VII (1991) và VIII (1996) của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục đường lối đó và tiến những bước mới trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua khẳng định: "Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước"(1). Văn kiện Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh: "Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng"(2). Đến Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc đưa ra khái niệm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã đánh dấu một bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng. Nó thể hiện thái độ rõ ràng, dứt khoát của Đảng trong việc từ bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, trong việc chấp nhận kinh tế thị trường, trong việc thừa nhận chủ nghĩa xã hội có thể dung hợp với kinh tế thị trường, có thể sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bước đi phù hợp với giai đoạn lịch sử mà đất nước hiện nay đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khác về bản chất giai cấp xã hội, về mục đích... với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, song cũng chưa hoàn toàn là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và "Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa" là những khái niệm cùng bản chất nhưng khác nhau về cấp độ, trình độ.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một kiểu tổ chức nền kinh tế vừa dựa trên những nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên những nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Nó là một kiểu tổ chức kinh tế - xã hội, trong đó quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng gắn với thị trường, được thực hiện thông qua thị trường dưới sự quản lý, điều tiết của Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, kinh tế thị trường không chỉ là công nghệ, là kỹ thuật mà còn là quan hệ xã hội, không chỉ bao hàm yếu tố lực lượng sản xuất mà còn cả quan hệ sản xuất. Nó gồm nhiều hình thức sở hữu mà trong đó nó phụ thuộc vào chế độ sở hữu Nhà nước xã hội chủ nghĩa thống trị.
Điều đó cho thấy, không có kinh tế thị trường chung chung, thuần túy, trừu tượng, tách khỏi các hình thái kinh tế - xã hội, tách rời chế độ xã hội. Trong các chế độ xã hội khác nhau, kinh tế thị trường mang tính chất xã hội khác nhau, có những hậu quả xã hội khác nhau. Tác động tích cực và tiêu cực của kinh tế thị trường đến đâu còn phụ thuộc vào chế độ xã hội, vào đường lối của đảng cầm quyền, vào chính sách và pháp luật của nhà nước.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có hai đặc điểm cơ bản: Một là, đây là nền kinh tế thị trường mới bước đầu hình thành, còn sơ khai, còn ở trình độ thấp, các loại thị trường chưa hình thành đầy đủ, đồng bộ. Và hai là, kinh tế thị trường mang tính định hướng xã hội chủ nghĩa, nó khác với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nó do Đảng Cộng sản lãnh đạo và Nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý.
Điều cần nhấn mạnh là, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và vai trò quản lý của Nhà nước đối với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là tất yếu, bởi vì:
- Đây là một đặc điểm bản chất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được chi phối bởi bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Không có Đảng Cộng sản lãnh đạo và Nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý thì không thể có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà đó sẽ chỉ là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.
- Kinh tế thị trường vốn có xu hướng tự phát tư bản chủ nghĩa. Chỉ có Đảng Cộng sản lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương đúng đắn, phù hợp và sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa bằng chính sách, pháp luật, bằng các công cụ quản lý vĩ mô (tài chính, tín dụng, kế hoạch, quy hoạch...) mới hạn chế tính tự phát tư bản chủ nghĩa, đảm bảo được định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, thực hiện được sự kết hợp giữa kế hoạch và thị trường, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong mỗi bước phát triển.
- Kinh tế thị trường vốn có hai mặt: mặt thuận (tích cực) như thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, chú trọng lợi ích và hiệu quả kinh tế... và mặt nghịch (tiêu cực) như thúc đẩy phân hóa giàu - nghèo, khuyến khích lối sống thực dụng vị kỷ, chạy theo đồng tiền, hạ thấp giá trị đạo đức... Mặt nghịch của kinh tế thị trường mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ phát huy được mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường.
- Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa là những lực lượng lãnh đạo và quản lý xã hội. Những lực lượng này có khả năng nhận thức và vận dụng các quy luật kinh tế khách quan, chuyển hóa chúng thành đường lối, chính sách, pháp luật, kế hoạch... để tổ chức thực hiện, đưa vào cuộc sống, nâng cao đời sống của quần chúng nhân dân đông đảo nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa là những thành tố cơ bản của hệ thống chính trị, của kiến trúc thượng tầng chính trị. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước chính là tăng cường sự tác động của chính trị xã hội chủ nghĩa đối với kinh tế thị trường để thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa; ngược lại, sự phát triển của kinh tế thị trường sẽ buộc Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo, còn Nhà nước phải đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, phải cải cách hành chính cho phù hợp với yêu cầu, quy luật của kinh tế thị trường.
Như vậy, trong quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam và thực tiễn "phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam vừa qua đã phản ánh sinh động tư tưởng biện chứng rất quan trọng của V.I.Lê-nin - tư tưởng về sự tự giác kết hợp các mặt đối lập biện chứng: chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường, những mặt đối lập tưởng chừng không thể kết hợp được như "đất với trời", như "nước với lửa", như người cộng sản với người buôn xỉ. Vấn đề còn lại là ở chỗ, kết hợp như thế nào để tạo ra những "âm thanh du dương êm tai" chứ không phải những "điệu nhạc chói tai", như V.I.Lê-nin từng ví von một cách hình ảnh. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhân tố có ý nghĩa quyết định của sự kết hợp đó.
2
Thực chất của quá trình đổi mới kinh tế vừa qua ở Việt Nam chính là thừa nhận sự tồn tại khách quan của quan hệ hàng hóa - tiền tệ và cơ chế thị trường dựa trên tư duy lý luận mới về quan hệ giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội. Theo đó, vai trò của Nhà nước đối với kinh tế cũng có sự thay đổi căn bản. Đó là quá trình chuyển Nhà nước từ độc quyền sang quan hệ mới giữa Nhà nước và thị trường ("bàn tay hữu hình" - "bàn tay vô hình"), giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa Nhà nước và nhân dân trong các hoạt động của toàn bộ nền kinh tế. Nếu trước đây Nhà nước là chủ thể của chế độ sở hữu, thì hiện nay đang giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống đa sở hữu; nếu trước đây là trực tiếp sản xuất kinh doanh thì hiện nay là thiết kế "luật chơi", hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; và nếu trước đây thực hiện kế hoạch hóa trực tiếp thì hiện nay chuyển sang điều tiết bằng hệ thống công cụ quản lý kinh tế vĩ mô. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chức năng cơ bản của Nhà nước về kinh tế bao gồm:
- Định hướng phát triển nền kinh tế thông qua chiến lược, chính sách, kế hoạch, quy hoạch và các công cụ quản lý vĩ mô.
- Phát triển tất cả các thành phần kinh tế trên cơ sở đa dạng hóa các quan hệ sở hữu, lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo; thực hiện chế độ phân phối lợi ích một cách hợp lý thông qua việc sử dụng các công cụ quản lý kinh tế (ngân sách, thuế, tín dụng...), tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế.
- Tạo lập môi trường pháp lý lành mạnh về kinh tế để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chủ thể kinh tế hoạt động bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
- Thực hiện tốt chức năng kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh tế theo đúng pháp luật và chính sách. Nghiêm trị các tệ nạn buôn lậu, gian lận, trốn thuế, tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu, phiền hà...
Sau gần 17 năm đổi mới, nhất là 5 năm gần đây nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từng bước được hình thành. Qua đó, sự quản lý của Nhà nước về kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là bước đầu, nhất là sự quản lý của Nhà nước về kinh tế còn nhiều yếu kém, hiệu lực và hiệu quả quản lý còn thấp. Hệ thống luật pháp, chính sách chưa đồng bộ và chưa nhất quán, kỷ cương pháp luật chưa nghiêm. Công tác tài chính, ngân hàng, giá cả, kế hoạch, quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai... còn nhiều yếu kém, sơ hở; thủ tục hành chính vẫn rườm rà, cải cách hành chính còn chậm và chưa kiên quyết. Do đó, việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với kinh tế thị trường ở Việt Nam vẫn đang là một yêu cầu khách quan và cấp bách. Để thực hiện yêu cầu này, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
a - Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy cao nhất mặt tích cực và hạn chế tối đa những khuyết tật của kinh tế thị trường. Hệ thống pháp luật này là công cụ chủ yếu để Nhà nước quản lý nền kinh tế.
Trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu đổi mới kinh tế. Tuy nhiên, đến nay hệ thống pháp luật kinh tế của Việt Nam còn thiếu và chưa đồng bộ, thường phải sửa đổi, điều chỉnh và bổ sung. Vì vậy, trước mắt phải tiếp tục khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế theo Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh hiện hành và ban hành các luật mới phù hợp với thực tiễn vận động nhanh chóng của nền kinh tế quốc dân (như luật cạnh tranh, luật chống độc quyền, luật chứng khoán và thị trường chứng khoán, luật bảo hộ quyền sở hữu tư nhân...). Cần cải tiến công tác làm luật, tăng cường vai trò của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách trong tiến trình xây dựng, đưa ra và phê chuẩn các dự án luật.
b - Hình thành đồng bộ cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Tiếp tục tạo lập đồng bộ các yếu tố cấu thành thị trường chung bao gồm thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường lao động, thị trường khoa học và công nghệ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, v.v..
Nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh và hợp tác để phát triển. Thông qua chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phù hợp nhằm sử dụng hiệu quả lực lượng vật chất của Nhà nước để định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo chủ động cân đối vĩ mô nền kinh tế, điều tiết phân phối và thu nhập.
Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước theo quy định của pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống các tệ buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại, tham nhũng, lãng phí...; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh. Phân định rõ chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh; từ đó, thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chức năng sở hữu tài sản công của Nhà nước.
c - Tiếp tục đổi mới các công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với kinh tế
Đổi mới công tác kế hoạch hóa theo hướng xuất phát và gắn chặt với thị trường. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác thông tin kinh tế, công tác kế toán, thống kê.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa thu và chi ngân sách. Bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong chi ngân sách nhà nước. Tiếp tục cải cách hệ thống thuế phù hợp với tình hình đất nước và các cam kết quốc tế. Nâng cao hiệu quả đầu tư vốn và sử dụng vốn, chống lãng phí, thất thoát vốn. Gắn cải cách ngân hàng với cải cách doanh nghiệp nhà nước.
d - Đẩy mạnh cải cách hành chính
Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến hành một bước cải cách nền hành chính, nhưng phải thừa nhận rằng, "Cải cách hành chính tiến hành chậm, thiếu kiên quyết, hiệu quả thấp. Tổ chức bộ máy nhà nước cồng kềnh, trùng lắp chức năng với nhiều tầng nấc trung gian và những thủ tục hành chính phiền hà, không ít trường hợp trên và dưới, trung ương và địa phương hành động không thống nhất, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội và làm giảm động lực phát triển"(3).
Vì vậy, trong những năm tới phải nỗ lực hơn nữa theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 do Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cải cách tổ chức bộ máy các cấp từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, có hiệu lực, hiệu quả, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.
Cải cách công cụ và chế độ công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, tinh nhuệ.
Cải cách thủ tục hành chính theo hướng thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, kiên quyết xóa bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà, sách nhiễu cho nhân dân và các doanh nghiệp.
Tất cả nỗ lực đó nhằm xây dựng một nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả theo hướng xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một công việc mới mẻ, đầy khó khăn, phức tạp, vì chưa có tiền lệ trong lịch sử. Vì vậy, trong quá trình này, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa làm vừa học, vừa tổng kết thực tiễn vừa tham khảo kinh nghiệm của các đồng chí Trung Quốc, không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao trình độ tổ chức thực tiễn, kiên quyết đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đi đến thành công.
Tạo việc làm cho lao động nữ ở nước ta hiện nay  (22/01/2007)
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân và phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế  (22/01/2007)
Kế hoạch hóa trong nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta  (22/01/2007)
Nguyên nhân trì trệ, kém hiệu quả của cải cách hành chính  (22/01/2007)
Bước chuyển trong cải cách hành chính ở Kiên Giang  (22/01/2007)
Cải cách hành chính - những vấn đề cần quan tâm  (22/01/2007)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên