Tạo việc làm cho lao động nữ ở nước ta hiện nay
Việc làm, thiếu việc làm và thất nghiệp là những vấn đề kinh tế - xã hội mà mọi người lao động, mọi tổ chức xã hội, mọi quốc gia rất quan tâm. Đối với nước ta, vấn đề tạo việc làm đang bị cản trở bởi tốc độ tăng dân số còn cao, mức tăng trưởng kinh tế còn hạn chế. Do đó, khả năng cung về vốn, tư liệu sản xuất còn dưới mức thỏa mãn của nhu cầu kết hợp với sức lao động. Bởi vậy, tạo việc làm cho người lao động nói chung và cho lao động nữ nói riêng là vấn đề vừa lâu dài vừa cấp bách, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế rất quan trọng mà còn mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc.
1. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tạo việc làm cho người lao động :
Trước hết, những nhân tố về điều kiện tự nhiên
Đây là điều kiện đầu tiên, quan trọng, có khả năng tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Chẳng hạn, độ mầu mỡ tự nhiên của đất đai ; diện tích canh tác bình quân đầu người ; điều kiện khí hậu, thủy văn thuận lợi hoặc bất lợi cho phát triển các loại cây trồng và con vật nuôi ; trữ lượng của hầm mỏ ; tài nguyên rừng và biển...
Nhưng thực tế, sự giàu có về tài nguyên không tỷ lệ thuận với khả năng phát triển ổn định của đất nước, dự trữ kinh tế của quốc gia cũng như sự phát triển ở mức cao trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị. Trong thực tế, có những nước rất nghèo tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản, Xin-ga-po, nhưng với công nghệ hiện đại, máy móc tiên tiến, và phương pháp quản lý khoa học đã tạo ra được nhiều việc làm cho xã hội, trong đó có lao động nữ. Vì vậy, điều kiện tự nhiên của mỗi nước chỉ là cơ sở quan trọng ban đầu cho phát triển sản xuất. Việc tiếp theo của mỗi nước là phát huy mặt thuận, hạn chế mặt không thuận của điều kiện tự nhiên chi phối nền sản xuất, trên cơ sở đó hoạch định chính sách phát triển đúng đắn, bền vững nhằm mục tiêu quan trọng là phát triển con người - chủ thể và động lực chủ yếu của nền sản xuất và mọi hoạt động xã hội.
Thứ đến, nhân tố thuộc về sức lao động nữ
Nhân tố này bao gồm những đòi hỏi mà lao động nữ cần có để đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động. Nói rộng hơn, chỉ có từ việc nghiên cứu và hiểu thấu những đặc điểm của lao động nữ thì Nhà nước, mà cụ thể là các nhà hoạch định chính sách mới có thể đề xuất những biện pháp thích ứng tạo việc làm phù hợp cho họ.
Trong bối cảnh nước ta hiện nay, cung về số lượng lao động nữ đang dư nên vấn đề này trở nên đơn giản. Nhưng điều rất quan trọng ở đây là những yêu cầu về chất lượng sức lao động nữ. Do đó, lao động nữ muốn tìm được việc làm, nhất là việc làm có thu nhập cao, phù hợp với năng lực, trình độ, thì đặc biệt phải đầu tư cho sức lao động của mình, cả về thể lực và trí lực. Bên cạnh đó, vấn đề không kém phần quan trọng là phải có các thông tin về thị trường lao động, biết các cơ hội việc làm. Do đó, việc thông tin về thị trường lao động giúp cho phụ nữ lựa chọn được ngành nghề mà thị trường lao động đang cần và sẽ cần trong tương lai để thực hiện sự đầu tư có hiệu quả, chủ động tìm kiếm việc làm và nắm bắt các cơ hội tìm việc làm trở nên hết sức cần thiết. Mỗi phụ nữ cần tùy thuộc vào điều kiện và khả năng cụ thể của mình, tranh thủ các nguồn tài trợ (từ gia đình và các tổ chức xã hội) để tự định hướng kỹ năng, phát triển sức lao động nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm. Đó cũng chính là điều kiện cần thiết để họ duy trì việc làm, tạo cơ hội tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập cao ; và qua đó, nâng cao vị thế của lao động nữ.
Xét về phương diện giới, phụ nữ có thiên chức mang thai, sinh con và nuôi con : Trong điều kiện kinh tế thị trường, vấn đề này luôn được coi là "hạn chế của phụ nữ" với tư cách người đi tìm việc. Trong thực tế, do nhiều vấn đề phức tạp khác chi phối, làm cho các chủ sử dụng lao động phải cân nhắc, lựa chọn, và nếu không quán triệt quan điểm bình đẳng giới thì hầu hết các chủ sử dụng lao động chỉ muốn tuyển chọn lao động nam.
Mặt khác, về đặc điểm sức khỏe sinh lý, phụ nữ thường hạn chế về thể lực so với nam giới, nên không thích hợp với công việc nặng nhọc, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe, như những công việc trên độ cao lớn, những nghề làm việc dưới nước, những công việc tiếp xúc với hóa chất, hay những công việc đòi hỏi cường độ lao động cao. Như vậy, do đặc điểm sức khỏe sinh lý mà phạm vi lựa chọn công việc của phụ nữ vô hình trung đã bị thu hẹp so với nam giới.
Ngoài ra, xét về những đặc điểm xã hội, so với nam giới, điều kiện sinh hoạt của lao động nữ thường phức tạp hơn. Cũng do nhiều nguyên nhân khác chi phối, lao động nữ thường có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn thấp hơn lao động nam. Bên cạnh đó, tính rụt rè, kém tự tin vào chính bản thân mình đang là những trở ngại dẫn đến khó tìm kiếm việc làm trên thị trường lao động.
2. Những giải pháp chính yếu.
Một là, đổi mới chính sách kinh tế vĩ mô.
Bước chuyển từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần... đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế. Do đó, cơ cấu lao động trong từng ngành kinh tế, từng lĩnh vực cũng như các vùng sẽ có sự thay đổi không chỉ về số lượng, mà đặc biệt là về chất lượng lao động.
Quá trình chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang tạo ra những cơ sở pháp lý tương ứng cho thị trường lao động Việt Nam phát triển, tạo điều kiện cho lao động nữ tìm được việc làm. Tiếp tục phát triển mạnh mẽ nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó chú trọng thích đáng các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vì chúng đã và đang thu hút một số lượng lớn lao động, chủ yếu là lao động nữ. Đặc biệt, không ngừng phát triển các khu vực và thành phần kinh tế khác, nhiều ngành nghề từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ, để thu hút số lượng lao động nữ lớn hơn nữa do họ bị mất việc từ các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, sắp xếp lại doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp... Nhà nước tiếp tục ban hành các chính sách kinh tế - xã hội khác, nhất là hướng mạnh vào việc phát triển khu vực ngoài quốc doanh vì đây đang là "van an toàn" cho khu vực quốc doanh trong mục tiêu giảm thất nghiệp. Thực tế từ các nước khu vực cho thấy, các loại hình này đã và đang hỗ trợ lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ có việc làm, đóng góp sức lực của mình vào tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống và trong chừng mực nhất định tạo cơ hội cho lao động nữ nâng cao vị thế của mình trong gia đình, ngoài xã hội và vươn lên bình đẳng với nam giới.
Đẩy nhanh tốc độ thực hiện Chương trình quốc gia về việc làm. Thời gian qua, Chương trình này đã và đang thực sự mở ra triển vọng lớn cho lao động nữ trong việc tìm cơ hội kiếm việc làm, tham gia xuất khẩu lao động ; vay tín dụng để sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, để cho các chính sách trên thực sự đi vào cuộc sống, có hiệu quả trong tạo dựng, duy trì và mở rộng việc làm cho lao động nữ, Nhà nước cần chủ động hơn nữa trong việc điều chỉnh, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách của người sử dụng lao động đối với lao động nữ.
Hai là, thực thi mạnh mẽ và ngang tầm chính sách bình đẳng giới.
Lý thuyết về bình đẳng giới đã và đang được các nhà khoa học, chính phủ các nước nghiên cứu và lồng ghép trong các chương trình phát triển. Bình đẳng giới không có nghĩa là sự chia nhau bình quân về việc làm, sự hưởng thụ, địa vị theo kiểu số học giữa nam và nữ. Vì có sự khác biệt về thể chất và thiên chức cho nên nam và nữ đóng vai trò khác nhau trong xã hội và có những nhu cầu khác nhau. Vấn đề là những sự khác biệt này cần được xem xét để thúc đẩy việc thực hiện công bằng, có hiệu quả thế mạnh của cả hai giới, đồng thời xóa bỏ những định kiến cổ hủ về giới gây thiệt thòi cho phụ nữ.
Trên bình diện này, bình đẳng giới trước hết là bình đẳng về cơ hội việc làm, cơ hội tiếp cận với đào tạo và phát triển, bình đẳng trong đối xử như trả công lao động, các chế độ trợ cấp, phúc lợi, vị thế trong gia đình và trong xã hội... Do đó, tiếp tục phát triển các ngành nghề, các lĩnh vực phù hợp với năng lực sở trường của lao động nữ ; tạo cơ hội để phụ nữ được tham gia đào tạo ; đặt phụ nữ trong quan hệ so sánh với nam giới khi phân tích thực tiễn, tiếp tục đề ra và thực hiện hiệu quả các chính sách về việc làm, tuyển chọn, biên chế lao động, thăng cấp đối với lao động nữ. Đồng thời đẩy mạnh việc thể chế hóa vấn đề bình đẳng giới trong các bộ luật, các quy định của Chính phủ theo hướng lồng ghép vấn đề giới trong chính sách kinh tế, chính sách xã hội, việc làm, đào tạo và phát triển... Về phía mình, bản thân lao động nữ cũng phải chủ động vươn lên để nâng cao trình độ, năng lực đảm nhận các công việc được giao, tổ chức công việc gia đình một cách khoa học để hoàn thành công việc của mình.
Vấn đề còn lại là, người chủ sử dụng lao động cần có nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm túc những chính sách đã ban hành nhất định sẽ tạo cơ hội việc làm cho lao động nữ vươn lên bình đẳng với nam giới.
Ba là, thực thi mạnh mẽ chính sách phát triển công nghiệp.
Vấn đề này gồm hai mặt : thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu chế xuất ; mặt khác, đẩy nhanh tiến độ với bước đi phù hợp của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Với phương thức này, trong những năm qua, chúng ta đã làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế. Theo đó, đã thu hút và tập trung một lượng khá lớn lao động nữ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhất là phụ nữ ở các khu công nghiệp, các khu vực nông thôn vệ tinh, các khu chế xuất, dịch vụ...
Kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á cho thấy, quá trình theo đuổi tích cực việc phát triển sản xuất xuất khẩu từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX, không chỉ đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa mà còn làm tăng nhanh sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động chính thức và thay đổi cơ bản trình độ nhận thức, học vấn của phụ nữ. Tại các nước đang phát triển, sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động công nghiệp đã tăng từ 21% năm 1960 lên 26,5% năm 1980. Công nghiệp hóa tại các nước này bao hàm sự phát triển hướng vào phụ nữ và xuất khẩu như công nghiệp điện tử, giày dép, may mặc. Đây là một gợi ý tốt đối với chúng ta trong việc tạo việc làm cho lao động nữ trong tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Cuối cùng, rõ ràng Nhà nước chính là nhân tố quyết định tạo ra cơ hội tham dự vào sự phát triển xã hội của phụ nữ, thông qua các chủ trương, chính sách. Đồng thời, Nhà nước cũng là nhân tố kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách, kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc đảm bảo thực hiện đúng định hướng trước vấn đề lao động nữ. Đó chính là thể hiện sự ưu việt của chế độ ta trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội vì con người - mục tiêu và động lực của chủ nghĩa xã hội.
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân và phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế  (22/01/2007)
Kế hoạch hóa trong nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta  (22/01/2007)
Nguyên nhân trì trệ, kém hiệu quả của cải cách hành chính  (22/01/2007)
Bước chuyển trong cải cách hành chính ở Kiên Giang  (22/01/2007)
Cải cách hành chính - những vấn đề cần quan tâm  (22/01/2007)
Cải cách hành chính ở thành phố Hồ Chí Minh - những bài học kinh nghiệm  (22/01/2007)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay