Tái cấu trúc nền kinh tế - nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2012
- Ngày 09-01-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.
- Ngày 24-02-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/CP, về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;
- Ngày 16-3-2011, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 02-KL/TW về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011.
Các văn bản này đều coi nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo là tập trung, ưu tiên hàng đầu cho kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
|
Những bất ổn đã chuyển biến theo hướng tích cực
Mặc dù nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 5,8% - 6% (theo báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1-10-2011 về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011-2012 và kế hoạch 2011-2015 thì năm 2011, tốc độ tăng GDP ước đạt khoảng 5,8%-6%), nhưng những bất ổn kinh tế vĩ mô bộc lộ trong những tháng đầu năm 2011 đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại, nhất là khi thực tế thị trường bị cuốn vào cơn lốc của những biến động bất thường trên thị trường vàng, thị trường ngoại hối, rồi khi lãi suất ngân hàng khiến các doanh nghiệp lao đao... Tuy nhiên, chỉ sau gần 10 tháng kiên trì và quyết liệt triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, những bất ổn đã dần chuyển biến theo hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng và lãi suất ngân hàng đã có xu hướng giảm dần; thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện; thu ngân sách vượt so với dự toán, nhờ tăng thu nên khả năng bội chi ngân sách đạt dưới 4,9%GDP, giảm 0,4% so với kế hoạch. Một thành công được đánh giá khá cao là trong bối cảnh khó khăn, không những chúng ta vẫn bảo đảm được an sinh xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn mà đồng thời còn bảo đảm được an ninh lương thực quốc gia khi khả năng xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm nay là hoàn toàn trong tầm tay.
Những giải pháp bảo đảm an sinh xã hội được ban hành và thực hiện trong năm nay cũng được đánh giá là rất cụ thể, thiết thực và đã góp phần quan trọng ổn định xã hội và đời sống của những đối tượng còn nhiều khó khăn. Công tác chăm sóc sức khỏe có bước tiến bộ, các chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội về chăm sóc sức khỏe, dân số như: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em; số giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý; chỉ tiêu giảm sinh đều đạt kế hoạch đề ra. Quy mô và mạng lưới giáo dục tiếp tục được mở rộng. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được quan tâm, thị trường khoa học, công nghệ có bước phát triển. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, bước đầu đã tạo không khí phấn khởi trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới tiếp tục được tăng cường. Các vấn đề biên giới, lãnh thổ trên đất liền, trên biển và hải đảo được giải quyết phù hợp theo pháp luật quốc tế.
Những kết quả nêu trên không chỉ thể hiện tầm nhìn, khả năng, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ mà còn cho thấy trong những thời kỳ khó khăn, sự đồng thuận, cùng chia sẻ của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân là hết sức quan trọng.
Hai tháng cuối năm còn nhiều khó khăn
Những kết quả đạt được là rất quan trọng nhưng như nhiều chuyên gia đã nhận định, đó mới chỉ là những thành công bước đầu, chưa bảo đảm tính ổn định và bền vững, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và kinh tế trong nước bộc lộ khó khăn ngày càng sâu sắc hơn. Đó là chưa kể những hạn chế, yếu kém mang tính cơ cấu, tích tụ từ những năm trước, những khó khăn mới phát sinh do tác động mặt trái của việc thực thi các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, những hạn chế trong chỉ đạo, điều hành cần phải được tập trung khắc phục sớm trong 2 tháng cuối năm.
Trong số 6/22 chỉ tiêu dự báo không đạt theo Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2010 và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội và mục tiêu điều hành của Chính phủ. Lạm phát cao ngoài nguyên nhân là tác động của giá cả thế giới tăng còn có nguyên nhân do việc tăng giá nhiều mặt hàng trong nước cùng một lúc như điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, than và điều chỉnh tỷ giá. Theo nhiều chuyên gia, khi một nền kinh tế có dấu hiệu giảm điện năng tiêu thụ, tăng lượng hàng tồn kho là phải cảnh báo về ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc và những tác động xấu đến tăng trưởng.
Từ những kết quả đạt được và qua đánh giá, phân tích về những hạn chế, yếu kém của kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2011, dự báo tình hình những tháng cuối năm, đề nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ được xem là đúng đắn. Trong đó, đặc biệt là các giải pháp để: xử lý tốt mối quan hệ giữa lạm phát, tỷ giá và lãi suất, kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức thấp và điều chỉnh cơ cấu tín dụng phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát tính an toàn hệ thống tổ chức tín dụng; sử dụng nguồn tăng thu ngân sách năm nay chủ yếu để giảm bội chi ngân sách, dự phòng tăng chi bảo đảm an sinh xã hội và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, dịch bệnh phát sinh ngoài dự toán; giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tiếp tục các biện pháp kiểm soát để giảm nhập siêu, tăng xuất khẩu.
Kinh tế - xã hội năm 2012 - bức tranh nhiều chiều
Điểm chung những dự báo của các chuyên gia cả trong và ngoài nước về kinh tế Việt Nam năm 2012 là chỉ số giá tiêu dùng đều được dự kiến tăng dưới 10%. Về các chỉ tiêu kinh tế, các chuyên gia dự báo hai xu hướng có thể xảy ra: Thứ nhất, tình hình sẽ được cải thiện, những khó khăn trong nước từng bước được giải quyết, lạm phát giảm mạnh, kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định. GDP được dự báo tăng khoảng 6,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 101,7 tỉ USD, tăng 13% so với năm 2011, nhập siêu khoảng 13%. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 740,5 nghìn đồng, tỷ lệ bội chi bằng 4,8% GDP. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 34% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%. Thứ hai, dự báo GDP tăng khoảng 6%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100,8 tỉ USD, tăng 12%, nhập siêu khoảng 13,5%. Tỷ lệ bội chi vẫn là 4,8%, trong khi thu ngân sách thấp hơn với 736,4 nghìn tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển ở xu hướng dự báo này chiếm khoảng 33,5% GDP.
Dự kiến một số cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2012, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu theo xu hướng 1 thì cán cân vãng lai được dự báo thâm hụt khoảng 4.370 triệu USD, cán cân tổng thể năm 2012 có thể thặng dư khoảng 3.160 triệu USD. Ở xu hướng 2, cán cân vãng lai dự báo thâm hụt khoảng 3.670 triệu USD, cán cân tổng thể năm 2012 có thể thặng dư khoảng 2.630 triệu USD.
Trong một báo cáo nghiên cứu vừa được công bố ngày 15-9-2011, chuyên gia phân tích Santitarn Sathirathai tại Credit Suisse (một ngân hàng chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, trụ sở tại Zürich, Thụy Sĩ) nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2012 sẽ đạt 5,9%, tăng so với 5,8% trong năm 2011, lại giảm so với mức dự báo trước đó của tổ chức này là 6,2%.
Chuyên gia cũng cho rằng, các nhân tố suy giảm kinh tế toàn cầu và các chính sách thắt chặt đã và sẽ tiếp tục được Chính phủ áp dụng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2012. Khuyến cáo của Ngân hàng ANZ thì cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong ngắn và trung hạn để ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm tới. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong khi hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2011 từ 6,1% xuống 5,8%, lại dự báo mức tăng 6,5% trong năm 2012.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong năm 2012
Để thực hiện nhiệm vụ tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế trong năm 2012 cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tái cấu trúc đầu tư công, giảm tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, khuyến khích hình thức công tư kết hợp, nâng cao chất lượng và tính bền vững của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tái cấu trúc thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tái cấu trúc doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động, trong đó cần tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn để có kỹ năng cần thiết khi chuyển sang làm việc ở khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Hai là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đề nghị quan tâm đến: chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách xuất - nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu.
Ba là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược. Cụ thể, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với cải cách thể chế kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có chất lượng cao; từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng các đô thị lớn gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư.
Bốn là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội: Rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, trọng tâm là củng cố mạng lưới an sinh xã hội với 3 nội dung: an sinh về việc làm, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.
Năm là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về môi trường. Tăng cường cơ chế, chính sách, biện pháp nhất là trồng, bảo vệ rừng. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các tài nguyên khác. Sớm công bố Chương trình quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Sáu là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quốc phòng - an ninh, đối ngoại: ưu tiên nguồn lực bảo đảm tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Bảy là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng. Áp dụng đồng bộ các biện pháp mạnh để phòng, chống quan liêu, xử lý nghiêm khắc tham nhũng, góp phần tăng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước./.
Phó Chủ tịch nước tiếp đón đoàn Quỹ Rockefeller  (01/11/2011)
Thủ tướng thăm khu vực ảnh hưởng thảm họa ở Nhật  (01/11/2011)
Tiếp tục tăng quan hệ đối tác chiến lược với Nhật  (01/11/2011)
Tuyên bố chung Việt Nam - Kazakhstan  (01/11/2011)
Palestin trở thành thành viên đầy đủ của UNESCO  (01/11/2011)
Thủ tướng Estonia sắp thăm chính thức Việt Nam  (01/11/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay