Nợ công Hy Lạp - phần nổi của tảng băng chìm
Hy Lạp gia nhập Cộng đồng châu Âu năm 1981 và tham gia khu vực sử dụng đồng tiền chung ơ-rô (Eurozone) vào tháng 1-2001. Tuy nhiên, sự nôn nóng và tham vọng muốn được sánh vai cùng các quốc gia giàu mạnh khác trong khi thực lực kinh tế chưa đủ mạnh đã đẩy Hy Lạp chìm đắm trong những khoản nợ kếch xù. Giờ đây, quốc gia này vẫn đang “loay hoay” tìm lối thoát cho mình.
Nợ công Hy Lạp vẫn khó kiềm chế
Để che giấu tình hình tài chính không mấy khả quan, nhiều năm qua, những số liệu kinh tế không trung thực tại quốc gia này vẫn được công bố, đặc biệt là về thâm hụt ngân sách. Việc Hy Lạp tiếp tục vay nợ nước ngoài để dùng cho chi tiêu công đã đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế này lên mức 4.2%/năm. Tính đến thời điểm các số liệu kinh tế giả mạo bị phát hiện và khả năng mất thanh toán của Chính phủ Hy Lạp tăng cao, các nhà đầu tư đã vội vã rút vốn khỏi nước này. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp chủ chốt của Hy Lạp. Doanh thu của ngành du lịch và vận tải biển sụt giảm mạnh, kinh tế lâm vào khó khăn, nguồn thu tài trợ cho ngân sách bị co hẹp, trong khi vẫn phải tăng cường chi tiêu công để kích thích kinh tế đã đẩy nợ công của Hy Lạp lên con số khổng lồ.
Mặc dù hơn một năm qua, Hy Lạp đã thông qua hàng loạt các chương trình thắt lưng buộc bụng, sau đó là các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh nhưng điều đó không đủ sức cứu vãn Hy Lạp trong bối cảnh nền kinh tế nước này ngày càng trì trệ và kiệt quệ. Những thách thức trên càng làm gia tăng lo ngại về khả năng Chính phủ Hy Lạp không đáp ứng được các chỉ tiêu tài chính cũng như đưa mức trần nợ công về ngưỡng cho phép của châu Âu. IMF dự báo, với thực tế này kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng âm 5% trong năm 2011 và âm 2% trong năm 2012, dù trước đó, IMF đã dự báo rằng kinh tế Hy Lạp có thể tăng trưởng trở lại vào năm 2012. Nợ/GDP của Hy Lạp sẽ lên mức 172% trong năm 2012.
Hiện nay, để bù đắp những lỗ hổng thâm hụt ngân sách lên đến 500 tỉ USD, chính phủ Hy Lạp đã đề xuất một chính sách thuế đặc biệt vào lĩnh vực bất động sản, theo đó sẽ thu thuế khu vực này trong hai năm để có được 2 tỉ ơ-rô và giảm lương công chức 7%. Trong tương lai, người dân Hy Lạp sẽ phải đối mặt với việc cắt giảm lương hưu, tăng thuế (kể từ năm 2012, tất cả các khoản thu nhập trên 5.000 ơ-rô sẽ bị đánh thuế).
Ngày 21-9, Hy Lạp đã công bố gói biện pháp "khắc khổ" mới nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công đang đẩy quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung ơ-rô này tới bên bờ vực vỡ nợ. Gói chính sách "khắc khổ" này sẽ được áp dụng trong vòng 4 năm tới và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10-2011. Cùng với đó, từ nay đến cuối năm, Hy Lạp buộc phải sa thải 30.000 công chức nhà nước nhằm giảm những chi phí công. Tuy nhiên, nếu các biện pháp thắt lưng buộc bụng cũng như các biện pháp thu thuế không thực hiện được hoặc thực hiện không có hiệu quả thì nước này sẽ phải ngưng trả nợ đáo hạn. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trong khu vực đồng ơ-rô, nơi hội tụ các quốc gia giàu mạnh nhất của thế giới.
Phần nổi của tảng băng chìm
Tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính châu Âu diễn ra vào ngày 16-9 ở thành phố Vrô-xláp (Wroclaw) của Ba Lan vừa qua, các nhà hoạch định chính sách tài chính châu Âu đã họp bàn về việc cải cách khu vực đồng ơ-rô và kế hoạch hỗ trợ cho Hy Lạp. Với 15% dân số ở tuổi lao động nhưng không có việc làm, Hy Lạp không phải là ở “tình trạng bất thường” duy nhất của EU. Các nước Nam Âu khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và I-ta-li-a cũng bị nợ “ngập đầu” nhưng không nước nào gặp cảnh ngặt nghèo như Hy Lạp. Các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại, nếu không giải cứu Hy Lạp mà buộc nước này phải rời khỏi khu vực đồng ơ-rô thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Các nước châu Âu đã nhóm họp nhiều phiên, nhưng cho đến nay, châu Âu vẫn chưa thống nhất được các biện pháp để cứu nguy Hy Lạp. Ngày càng có nhiều nước ở châu Âu cho rằng, cứ để mặc cho Hy Lạp bị phá sản còn hơn là đổ tiền vào “cái thùng không đáy”. Đức, quốc gia có nền kinh tế lớn và mạnh nhất châu Âu, cũng còn nhiều tranh cãi khi tiếp tục cứu vớt Hy Lạp. Pháp lúc đầu cho rằng cần phải cứu nguy Hy Lạp ngay, nhưng giờ đây nhiều người Pháp cũng đã bắt đầu hoài nghi, không biết bao giờ Hy Lạp trả được các khoản tiền trợ giúp của các nước. Áo đưa ra quan điểm rằng, lối thoát duy nhất là để cho Hy Lạp bị vỡ nợ. Thậm chí, Hà Lan còn nghĩ tới việc trục xuất Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng ơ-rô.
Trên thực tế, chính phủ nhiều nước châu Âu sẽ phải chịu thiệt hại từ khủng hoảng Hy Lạp hơn chính người dân nước này. Điều đáng sợ nhất đối với nhiều chính phủ châu Âu không phải là khả năng vỡ nợ của Hy Lạp mà là khả năng nước này sẽ rời khỏi khu vực đồng ơ-rô và tuyên bố vỡ nợ cùng lúc đó. Là thành viên của khối tiền tệ chung Eurozone, việc vỡ nợ của Hy Lạp không những mang lại chi phí rất đắt đỏ cho quốc gia này mà sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến toàn “lục địa già”, thậm chí được cảnh báo sẽ khơi mào cho một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu tiếp theo. Nếu điều này xảy ra, Hy Lạp sẽ mất khả năng tiếp cận thị trường tài chính quốc tế hoặc những điều kiện ưu đãi đi kèm khoản vay. Cùng với đó, Hy Lạp sẽ phải đối mặt với rủi ro bị hạ bậc tín nhiệm và hệ quả là chi phí vay mượn sẽ tăng cao hơn.
Các nước trong EU (không phải chỉ với những nước thuộc Eurozone) sẽ phải trả một khoản phí cực kỳ tốn kém cho việc tổ chức lại cả một hệ thống kỹ thuật như: máy điện tử, máy rút tiền tự động, hệ thống trang bị tân tiến trong các ngân hàng để phục vụ cho vấn đề thanh khoản. Không chỉ như vậy, khi Hy Lạp ra khỏi Eurozone, có thể kéo theo một loạt các cuộc đổ vỡ khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, I-ta-li-a… vì các nước này cũng đang gặp cảnh nợ công chồng chất. Rõ ràng, vấn đề nợ công Hy Lạp không còn là vấn đề riêng của Hy Lạp mà đã là vấn đề chung của cả châu Âu.
Có thể, các nhà hoạch định chính sách châu Âu sẽ không dám mạo hiểm để Hy Lạp vỡ nợ khi chưa tìm ra được các giải pháp để kiểm soát được hậu quả của nó. Giải cứu Hy Lạp đang là vấn đề cấp bách hiện nay, nhưng cũng không có nghĩa là các gói giải cứu sẽ được thông qua một cách nhanh chóng và dễ dàng./.
Kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta  (30/09/2011)
Một tín hiệu tốt cho hai nền kinh tế  (30/09/2011)
Đồng chí Tô Huy Rứa: Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ vừa cần thiết trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài  (30/09/2011)
Nghị viện châu Âu ủng hộ Pa-le-xtin gia nhập Liên hợp quốc  (30/09/2011)
Hội thảo về lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội tại Pháp  (30/09/2011)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên