Phát triển đô thị biển, đô thị di sản bền vững thành phố Hạ Long

TS Hà Huy Ngọc
Viện Kinh tế Việt Nam
10:03, ngày 06-12-2024

Thành phố Hạ Long, với vị thế là một đô thị biển, đô thị di sản, đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn trong quá trình phát triển bền vững. Trong những năm qua, Hạ Long đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng du lịch, và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, vẫn còn một số hạn chế cần được quan tâm và giải quyết để bảo đảm sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.

Việc thiết lập một hệ thống hành động và quản lý bảo tồn cộng sinh phát triển hiệu quả là bắt buộc đối với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long, gắn kết mật thiết với thành phố Hạ Long. Và liệu trong tương lai gần thành phố Hạ Long sẽ phát triển theo đặc thù của Thành phố bên cạnh di sản, hay sẽ trở thành một Thành phố du lịch gắn những đặc thù di sản bản địa (chỉ riêng nó bao chứa). Khi những mâu thuẫn hiển hiện về bảo tồn nhưng vẫn đẩy mạnh sự phát triển của các ngành kinh tế biển: dịch vụ nuôi trồng biển, cảng biển, công nghiệp và du lịch..., do sự phức tạp của nó làm cho các chiến lược hành động và thiết lập cơ chế quản lý tích hợp trở nên thách thức (theo các Điều 108 đến 118 trong Chỉ dẫn hành động của UNESCO - 2008).

Các yếu tố nói chung của một hệ thống quản lý, không giới hạn, bao gồm sự hiểu biết kỹ càng về di sản thế giới Vịnh Hạ Long, lịch sử dân cư và các ngành nghề liên quan; chu kỳ lập kế hoạch, thực hiện, giám sát, đánh giá và phản hồi; sự tham gia của các đối tác và các bên liên quan; phân bổ nguồn lực cần thiết; xây dựng năng lực; và một mô tả minh bạch, có trách nhiệm về cách thức hoạt động của hệ thống quản lý, cần được đưa vào hệ thống đầu não của Thành phố Hạ Long - Thủ phủ tỉnh Quảng Ninh. Cần nhấn mạnh rằng kế hoạch quản lý di sản thế giới ở đây không chỉ tính đến việc đề xuất các hoạt động đáp ứng nhu cầu kinh tế-xã hội của cộng đồng tại địa điểm di sản, mà còn là việc duy trì bảo tồn di sản. Các yếu tố kinh tế-xã hội này không phải là yếu tố ưu tiên, mà chính là các yếu tố được nêu trong hồ sơ đề cử di sản đã có.

Điều quan trọng là xác định vùng lõi khu vực di sản, khu vực đô thị vốn đang bao quanh sát vào mặt Vịnh Hạ Long (chủ yếu xây nhà nghỉ và dịch vụ du lịch), các ngành nghề thiết yếu với các hướng dẫn rõ ràng về công tác bảo tồn và phát triển khu vực này. Cùng với nó là các hướng dẫn theo quy mô vùng đệm, được thiết lập để ngăn chặn việc phát triển thiếu kiểm soát của vùng lân cận, có khả năng ảnh hưởng không tốt đến tính nguyên trạng của địa điểm và sự chồng lấn các hoạt động kinh tế biển.

Một số vấn đề còn hạn chế trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long

Hạ Long đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế xã hội và phát triển đô thị. Thành phố đã phát huy được vị trí địa kinh tế đặc biệt - nằm trên hành lang kinh tế quan trọng của tỉnh (Hạ Long - Đông Triều, hướng tới Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội; Hạ Long - Móng Cái, hướng tới thị trường Đông Bắc Á; cao tốc Hạ Long - Hải Phòng), là trọng tâm trong chiến lược “1 tâm, 2 tuyến” của tỉnh Quảng Ninh, kết nối thuận lợi với quốc tế thông qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Sân bay Vân Đồn, Sân bay Cát Bi và hệ thống đường biển. Trong 20 năm qua, kinh tế thành phố luôn duy trì mức tăng trưởng cao, đóng góp gần 50% tổng thu mỗi năm của tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14.000 USD, tăng gần 10 lần so với năm 2002. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành khai thác than và tăng tỷ trọng dịch vụ - du lịch, đến năm 2023, cơ cấu dịch vụ chiếm 52,8% trong tổng cơ cấu kinh tế của thành phố. Hạ Long đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh năm 2012 và đang hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 87%, cao gấp 2 lần bình quân chung của cả nước. Hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình giao thông trọng điểm, không gian đô thị được cải thiện với nhiều công viên, quảng trường, khu vui chơi giải trí. Thành phố đã khai thác được tài nguyên phong phú và độc đáo của mình, di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, và nhiều tài nguyên khoáng sản, cảnh quan sinh thái hấp dẫn. Hạ Long được vinh danh là "Thành phố du lịch sạch ASEAN" năm 2022. Thành phố đã trở thành trung tâm dịch vụ tổng hợp chất lượng cao của vùng, thu hút sự quan tâm đầu tư của quốc tế và các nhà đầu tư chiến lược lớn của đất nước.

Tuy nhiên, vẫn có các vấn đề còn tồn tại, cần tiếp tục giải quyết, cụ thể hóa từ những khuyến nghị trong các quy hoạch đã có, để có thể đảm bảo phát triển đô thị bền vững.

Quỹ đất phát triển hạn chế và không gian đô thị bị chia cắt

Với phần lớn diện tích là đồi núi, có độ dốc không thuận lợi cho xây dựng, Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng đã gặp những khó khăn trong việc bố trí mặt bằng cho các hoạt động phát triển đô thị, phát triển kinh tế. Trong quá trình phát triển và mở rộng đô thị, nhiều diện tích từng là đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, mỏ khai thác than lại chiếm một diện tích đáng kể nằm trong đô thị, gây chia cắt, phân mảnh về mặt không gian, không phù hợp về chức năng và giảm sức hấp dẫn của đô thị. Bài toán quỹ đất về lâu dài vẫn là vấn đề cần giải quyết ở Hạ Long, làm sao để kiểm soát tốt hơn hành lang ven biển, tạo sự kết nối các dự án riêng lẻ bị chia cắt do địa hình đặc trưng và do các loại đất công nghiệp cũ kể trên, tạo ra không gian đô thị liền mạch, hài hòa.

Nguy cơ thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại Hạ Long và các nguy cơ biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ ngập lụt, không chỉ ở những khu vực thấp trũng mà cả ở những khu vực cao nhưng bê tông hóa quá mức. Hệ thống thoát nước truyền thống thường quá tải khi mưa lớn, gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế. Sự thay đổi về cảnh quan, địa hình, địa mạo đã góp phần làm tăng nguy cơ thiệt hại trước những diễn biến khó lường của khí hậu và thiên tai. Các đợt bão lịch sử như năm 2015, 2020, 2024 đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, cho thấy tính dễ tổn thương ngày càng tăng của thành phố biển. Điển hình là cơn bão năm 2015, đã gây thiệt hại nặng nề với 1.700 hộ dân bị ngập lụt, 12 người chết, 02 người mất tích. Năm 2024, cơn bão số 3 (bão Yagi) gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 9.686 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở đất tại các bãi thải khai thác than và ngập úng cục bộ do triều cường và lũ lụt đã trở thành những thách thức thường xuyên của thành phố.

Giao thông đô thị chưa hiệu quả, giao thông đa phương thức chưa
đồng bộ

Việc phân bố và sử dụng không gian kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh không đều tại cả các khu vực đô thị trong Tỉnh. Hiện nay trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện các điểm ùn tắc cục bộ tại khu vực trung tâm do các phương tiện di chuyển, dừng đỗ không đúng nơi quy định dẫn đến giao thông hỗn loạn và ách tắc tại các tuyến đường kết nối các điểm du lịch trọng điểm của thành phỐ(1). Đặc biệt tại các điểm nút chính trên các tuyến đường thuộc Khu du lịch Bãi Cháy, đường rẽ vào Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và đầu đường Vườn Đào vào mùa cao điểm du lịch khi luồng xe ô tô từ ngoài tỉnh gia tăng đột biến.

Trong khi phương tiện cá nhân gia tăng, hệ thống giao thông công cộng, giao thông xanh còn thiếu hụt. Năm 2024 toàn Thành phố có khoảng 32.000 phương tiện xe ô tô các loại. Riêng tại cầu Bãi Cháy, lưu lượng trung bình ngày đêm lên tới 30.400 xe, vượt quá 103% so với lưu lượng thiết kế.

Phát triển không gian đô thị biển chưa đủ tính hấp dẫn, đặc sắc,
tôn vinh di sản

Còn thiếu sự kết nối hài hòa giữa đô thị và di sản, ví dụ khu vực Bãi Cháy sở hữu bãi biển đẹp và vị trí đắc địa nhưng tầm nhìn ra vịnh đã bị che khuất nhiều và thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan chưa được đầu tư đúng mức, nên còn tạo ra sự tách biệt, thiếu gắn kết giữa không gian đô thị và di sản thiên nhiên.

Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long cũng đang tích cực giải quyết sự mất cân bằng trong phát triển không gian và sản phẩm du lịch, khắc phục tình trạng vịnh Hạ Long thường xuyên quá tải, trong khi các “vệ tinh” du lịch văn hóa, lịch sử trong thành phố chưa phát huy được tiềm năng, các sản phẩm du lịch mới còn manh mún, chưa cân bằng được giữa bảo tồn và phát triển, tăng giá trị cho các điểm đến di sản, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mở rộng và kết nối không gian du lịch, hướng tới phát triển du lịch di sản bền vững.

Còn thiếu các không gian công cộng hấp dẫn, đặc sắc, một số không gian công cộng đã có còn thiếu điểm nhấn. Kiến trúc công trình thường mang phong cách hiện đại, đơn giản, chưa có sự kết nối với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa địa phương.

Một số giải pháp nhằm phát triển đô thị biển, đô thị di sản thành phố Hạ Long

Phát huy hiệu quả hơn các nguồn lực nội tại độc đáo của thành phố Hạ Long để phát triển kinh tế

Có thể nói, xét về điều kiện không gian phát triển, thành phố Hạ Long có hai nguồn nội lực đặc sắc, nổi trội. Một là, tài nguyên biển hiếm có với Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và năm 2000. Nhờ vậy, trên thực tế, từ lâu Hạ Long đã được mệnh danh là thành phố du lịch, trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và có sức hấp dẫn mang tầm quốc tế. Hai là, việc mở rộng diện tích hành chính sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long làm cho Hạ Long là thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, lớn hơn cả diện tích của một số tỉnh nhỏ nhất đất nước, đã đánh dấu bước ngoặt mang tính lịch sử, tạo ra không gian mới với thế và lực mới cho sự phát triển.

Hai đặc điểm độc đáo này tạo cơ sở rất thuận lợi cho tư duy phát triển mới với những tính toán hợp lý hơn để phát huy những thế mạnh hiện có của mình, phát triển kinh tế xanh, bền vững. Trụ cột chính trong phát triển kinh tế của thành phố sẽ là tiếp tục xoay quanh trục kinh tế du lịch với tầm cao mới. Bên cạnh vẻ đẹp huyền thoại và quyến rũ của Vịnh Hạ Long, thành phố còn có gần 100 di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh; hệ thống hạ tầng và hậu cần du lịch (khoảng 670 cơ sở lưu trú các loại với hơn 20.000 phòng, trong đó có 12 khách sạn 5 sao, 20 khách sạn 4 sao, 22 khách sạn 3 sao và hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ, căn hộ du lịch, homestay, hơn 2.000 phòng ngủ trên hơn 180 tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long); hạ tầng giao thông kết nối thành phố với các trung tâm du lịch khác đã được nâng cấp và hệ thống kinh doanh du lịch cùng đội ngũ lao động ngành du lịch có tính chuyên nghiệp khá cao. Nhờ mở rộng diện tích thành phố, quỹ đất xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng phục vụ du lịch rộng mở hơn, dễ dàng quy hoạch hơn. Trong xu hướng phát triển du lịch xanh, việc bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long nhờ mở rộng quy mô diện tích sẽ tạo thuận lợi cho thành phố có thể kiểm soát tốt hơn nguồn ô nhiễm từ các dòng sông đổ về vịnh Cửa Lục chảy ra vịnh Hạ Long và ô nhiễm không khí từ nguồn khói bụi của các nhà máy từ bên trong.

Các chiến lược để phát triển đô thị xanh, thịnh vượng, bản sắc

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chung thành phố, Hạ Long phải từng bước dừng hoặc chuyển đổi các nhà máy điện, xi măng, vôi, vật liệu xây dựng, khu công nghiệp Cái Lân sang công nghiệp sạch, công nghệ cao, chức năng đô thị, dịch vụ phù hợp, về dài hạn có thể chuyển đổi khu công nghiệp Cái Lân thành khu vực phức hợp dịch vụ đô thị và dịch vụ cảng; di dời, chuyển đổi các cụm công nghiệp Hà Khánh, Hoành Bồ, các nhà máy xi măng Hạ Long, xi măng Thăng Long, nhiệt điện Thăng Long thành công nghệ cao, công nghệ sạch theo lộ trình; và hoàn nguyên môi trường các khu khai trường mỏ lộ thiên, chuyển đổi thành các khu công viên cây xanh, khu du lịch, đô thị sinh thái. 

Hạ Long cần tiên phong trong việc chuyển đổi không gian nâu sang không gian xanh, đây là một xu hướng phát triển đô thị bền vững: chuyển đổi công năng linh hoạt các loại đất brownfield, những khu vực đã qua sử dụng, thường bị ô nhiễm hoặc xuống cấp, thành các không gian đa chức năng trong đô thị, cũng như chuyển đổi hạ tầng xám sang kết hợp với hạ tầng xanh. Càng có quỹ đất hạn chế, càng cần khả năng sáng tạo trong việc quản lý và sử dụng đất đai, kết hợp khéo léo giữa bảo tồn và tái sử dụng. Như ở Singapore, có trường hợp là giữ lại các công trình có giá trị kiến trúc, có trường hợp là tích hợp yếu tố di sản công nghiệp vào không gian mới, ví dụ, các ống khói cũ của nhà máy điện Pasir Panjang được giữ lại và trở thành điểm nhấn kiến trúc trong công viên Labrador.

Tầm nhìn vùng trong phát triển kinh tế thành phố và phát huy vai trò động lực phát triển vùng

Trong những năm gần đây, vấn đề phát triển vùng và liên kết vùng rất được các nhà quản lý và các nhà khoa học quan tâm vì nhiều lý do: nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi vùng. Hạ Long là thành phố du lịch, một lĩnh vực hoạt động kinh tế luôn gắn liền với liên kết vùng vì sự phát triển trước hết của chính mình, và sau đó là thực hiện vai trò kiến tạo, dẫn dắt các địa phương/vùng xung quanh cùng phát triển. Kinh nghiệm phát triển của các thành phố du lịch lớn trên thế giới cho thấy, họ không chỉ tập trung khai thác các nguồn lực và nhân tố phát triển từ bên trong, mà còn tìm kiếm các cơ hội hợp tác, các nhân tố từ bên ngoài. Và để phát triển bền vững thì cần có cơ chế hợp tác để cùng phát triển, cùng nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau để gia tăng quy mô thị trường và duy trì, nuôi dưỡng các nhân tố phát triển. Một cơ may rất thuận lợi là mới đây, ngày 16-9-2023, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Đây là lần đầu tiên, hai Di sản thiên nhiên thế giới được công nhận trở thành Di sản thế giới thuộc địa bàn hai tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trước đây, Quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2004) và được Chính phủ xếp hạng Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2013). Hơn thế nữa, sắp tới đây, thành phố Hạ Long còn được cộng hưởng bởi sự kết nối giao thông của hai tuyến hành lang - một vành đai ven biển giữa Việt Nam và Trung Quốc với tư cách là một trong những mắt xích quan trọng cũng như sự cộng hưởng bởi sự phát triển mạnh mẽ của thành phố cảng Hải Phòng, đường ven biển vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh xung quanh.

Như vậy, cùng với việc khai thác các thế mạnh đặc thù của thành phố và tỉnh, Hạ Long có điều kiện phát triển một nền kinh tế khá toàn diện, có khả năng dẫn dắt tăng trưởng và phát triển kinh tế vùng, trước hết là Vùng đô thị Hạ Long (bao gồm chuỗi đô thị Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều), trong đó thành phố Hạ Long là trung tâm vùng, thị xã Quảng Yên là động lực tăng trưởng mới của tỉnh.

Gắn liền với chức năng động lực phát triển của tỉnh Quảng Ninh và vùng Đông Bắc, Hạ Long cũng cần thúc đẩy liên kết lao động - việc làm, sản xuất công nghiệp - kinh tế đô thị, công nghiệp - cảng biển, logistics; nâng cấp các cơ sở đào tạo một số ngành nghề, đặc biệt là du lịch. Trong những năm trước mắt, cần tăng cường liên kết vùng đô thị với Hải Phòng, tạo thành cụm đô thị có khả năng từng bước hướng tới gia nhập hệ thống thành phố toàn cầu.

Định hướng kết nối thành phố Di sản UNESCO Hạ Long

Khi nói đến Hạ Long, khách du lịch trong và ngoài nước nghĩ ngay đến Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, một cảnh quan Karst ngập nước điển hình của thế giới. Cảnh quan này tạo nên giá trị thẩm mỹ toàn cầu để UNESCO vinh danh vào năm 1994. Không những vậy, những dấu tích để lại trên vách đá ngoài các đảo trên Vịnh hạ Long còn là bằng chứng địa chất-địa mạo rõ ràng về quá trình biển tiến biển lùi diễn ra liên tục kể từ thế Toàn Tân (Holocene), tức là từ khoảng gần 12 nghìn năm trở lại đây. Đây cũng chính là lý do quan trọng mà Hạ Long được vinh danh lần thứ hai vào năm 2000.

Thành phố Hạ Long đã và đang tập trung phát triển, quy hoạch đô thị du lịch thông minh, lấy trọng tâm là vịnh Hạ Long. Hình ảnh vịnh Hạ Long là hình ảnh quan trọng nhất của TP. Lấy hình ảnh vịnh Hạ Long là trọng điểm du lịch trong phát triển hạ tầng du lịch, là trọng điểm trong kết nối du lịch của TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, các hoạt động du lịch, phát triển hạ tầng không thể tách rời Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, mọi công trình xây dựng, hoạt động du lịch cần được nghiên cứu xây dựng gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản.

Thứ nhất, định hướng kết nối với Di sản và các điểm du lịch nổi tiếng trong thành phố Hạ Long.

Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, năm 2023 có khoảng gần 3 triệu khách du lịch đến tham quan vịnh Hạ Long. Thông thường khách tham quan vịnh khoảng 1 đến 2 ngày, thậm chí họ có thể chỉ tham quan trong ½ ngày. Khi nói về TP Hạ Long, đa số khách du lịch chỉ nghĩ đến Vịnh Hạ Long, Tuần Châu, Khu vui chơi giải trí Vinpearl, cầu Bãi Cháy, một số ít có thể biết đến núi Bài Thơ, Chợ Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh… Không nhiều người biết rằng, ở đây còn có rất nhiều điểm đến có giá trị như Hồ Yên Lập, chùa Lôi Âm, phố cổ Hạ Long và đặc biệt là các điểm đến thuộc vùng Hoành Bồ cũ như Danh thắng Núi Mằn, Đình Trới, Khu BTTN Đồng Sơn Kỳ Thượng, Núi đá Chồng và các làng bản người dân tộc như bản Văn hóa người Dao Thanh Y xã Bằng Cả, bản người Dao thôn Khe Phương xã Kỳ Thượng, thôn Đồng Đạng xã Sơn Dương,…

Với vị trí trung tâm thu hút khách, Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long sẽ là nguồn cung cấp khách cho các điểm đến khác trong thành phố, góp phần lưu giữ khách ở lại Hạ Long lâu hơn, có trải nghiệm phong phú và mới mẻ hơn như các trải nghiệm với núi rừng, trải nghiệm văn hóa dân tộc ít người.

Như vậy khách đến Di sản vịnh Hạ Long còn có thể thực hiện các tour đi các điểm tham quan du lịch khác như trung tâm TP Hạ Long - Hồ Yên Lập - Chùa Lôi Âm, trung tâm TP Hạ Long- Hoành Bồ- Sơn Dương - Bằng Cả - Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Thứ hai, định hướng kết nối Di sản thế giới với các di sản trong tỉnh Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 4 thành phố, 2 thị xã và 7 huyện với 177 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 72 phường, 7 thị trấn và 98 . Toàn tỉnh có 635 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, trong đó có 6 di tích quốc gia đặc biệt, 57 di tích quốc gia; 89 di tích cấp tỉnh, 480 di tích kiểm kê. Bên cạnh đó là 362 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 07 di sản đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Việc đưa khách du lịch tham quan Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đến các di sản tự nhiên và văn hóa Quảng Ninh được coi là sứ mạng và trách nhiệm của điểm du lịch đầu tàu của tỉnh.

- Kết nối di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long với các di sản, các điểm đến khác trong tỉnh Quảng Ninh. Lấy vịnh Hạ Long làm trung tâm kết nối với các cực du lịch khác trong tỉnh như Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô, Uông Bí, Bình Liêu, Ba Chẽ,…

- Xây dựng các chương trình du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn có tính liên kết cao với trọng tâm là di sản vịnh Hạ Long, khai thác và phát huy các giá trị của Di sản một cách hiệu quả, bền vững, đồng thời lan tỏa giá trị của các điểm đến trong tỉnh. Bên cạnh đó cần liên kết với các địa phương trong tỉnh như TP Móng Cái, TP Uông Bí, huyện Vân Đồn, huyện Bình Liêu,… trong xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng có tính liên kết cao, giảm thiểu tính mùa vụ trong du lịch.

- Phát huy vai trò của TP Hạ Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Ninh, trung tâm của vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thành phố dịch vụ, du lịch biển quốc tế, bên bờ kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long./.