Những vấn đề lý luận về phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội và một số gợi ý cho tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh mới
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn lĩnh vực cần phải coi trọng ngang nhau chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Trong phát triển văn hóa nói chung, có nội dung quan trọng về phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì mục tiêu phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thiết thực chấn hưng văn hóa, xây dựng đất nước văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
Đảng ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước. Di sản văn hóa được xem là một nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
1. Một số vấn đề lý luận về phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội
Di sản văn hóa là một trong những yếu tố góp phần làm đa dạng, phong phú nét đẹp văn hóa của nhân loại. Di sản văn hóa là tài sản quý báu mang đậm nét đặc trưng của từng quốc gia, dân tộc. Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, là sự biểu hiện lối sống của cộng đồng, do các cộng đồng sáng tạo nên và được truyền từ đời này sang đời khác.
Di sản văn hóa bao gồm các thành tố mang tính phi vật thể như phong tục, nghi lễ, lễ hội, tri thức địa phương, niềm tin, hệ giá trị, nghệ thuật,... và các thành tố mang tính vật thể như đình, đền, miếu, di tích lịch sử, di tích và danh lam thắng cảnh thiên nhiên… Di sản văn hóa thường được nhấn mạnh ở khía cạnh giá trị là tài sản văn hóa, thể hiện bản sắc và sự kế tục.
Nếu di sản văn hóa được xem là sản phẩm của quá khứ, phản ánh và thể hiện các giá trị, niềm tin, tri thức,... mang tính truyền thống, thì sẽ bỏ qua nhiều giá trị kinh tế - xã hội của di sản văn hóa. Di sản văn hóa phải được hiểu không chỉ là giá trị của quá khứ cần được bảo tồn, mà là nguồn lực vô giá (bao gồm cả vật thể và phi vật thể) có vai trò quan trọng trong phát triển của các quốc gia, dân tộc. Sự thay đổi trong nhận thức này được chính UNESCO ghi nhận từ những năm 80 thế kỷ XX trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, văn hóa được coi là trụ cột thứ tư của phát triển bền vững (cùng với các trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường).
Vai trò của di sản văn hóa không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, mà còn trong phát triển xã hội, hình thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội mang đậm tính bản sắc dân tộc. Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, của giao lưu văn hóa và là cơ sở để sáng tạo ra những giá trị mới; giữ vai trò là nguồn lực đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Đồng thời, di sản văn hóa là nền tảng tinh thần, yếu tố nội sinh làm nên cốt cách, bản lĩnh của con người Việt Nam, là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Ngày 24-11-2021 tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kếp hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”.
Di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, tạo động lực, nguồn lực to lớn thúc đẩy phát triển ngành du lịch, đem lại nhiều lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương, đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội.
- Di sản văn hóa là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của thế hệ cha ông, các danh lam thắng cảnh thiên nhiên ban tặng... tạo tiền đề để các thế hệ sau lưu giữ, tái tạo và phát triển và là nền tảng để tiếp cận với những nền văn hóa trên toàn thế giới mà không bị mất đi bản sắc dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan.
- Di sản văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc tham gia, thể hiện sự đa dạng, phong phú của văn hóa nhân loại. Di sản văn hóa luôn có sự đa dạng sinh thái, đa dạng tộc người và đa dạng cách biểu đạt văn hóa. Sự đa dạng ấy làm nên sức sống và sự giàu có cho văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc và của cả thế giới.
- Di sản văn hóa là động lực, nguồn lực nội sinh to lớn và là sức mạnh mềm để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển ngành du lịch (ngành công nghiệp không khói) nói riêng. Di sản văn hóa góp phần tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng cho du lịch Việt Nam; kết nối và đa dạng hóa các tuyến du lịch xuyên khu vực và quốc tế.
- Giá trị kinh tế của di sản văn hóa không phải như một hàng hóa thông thường trên thị trường, mà nó là một dạng hàng hóa đặc biệt, thể hiện gián tiếp thông qua các giá trị khác. Giá trị kinh tế của di sản văn hóa phải được lồng ghép vào giá trị các loại hàng hóa khác để mang lại giá trị cho xã hội. Bản thân các di sản văn hóa là vô giá, khó có thể đo, đếm, định lương được, nhưng những hoạt động liên quan đến di sản sẽ chuyển hóa thành những giá trị kinh tế - xã hội như bán vé tham quan du lịch, các dịch vụ hàng hóa đi kèm… đã sản sinh ra giá trị kinh tế, bên cạnh những giá trị về văn hóa, xã hội...
- Kinh tế di sản luôn có hai mục tiêu kép là phát triển kinh tế và bảo tồn giá trị văn hóa. Nếu bỏ đi một trong hai mục tiêu này thì đều ảnh hưởng không tốt đến di sản và sự tồn tại của nó.
- Việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong phát triển kinh tế di sản là một vấn đề quan trọng và vô cùng phức tạp. Vì khi kinh tế di sản càng phát triển thì lợi ích kinh tế càng gia tăng và kèm theo đó là những xung đột lợi ích. Điều này nhận thấy rõ nhất ở các di sản văn hóa sau vinh danh, xếp hạng.
Để phát triển kinh tế di sản cần quan tâm đến cộng đồng sở hữu di sản cùng các bên liên quan để bảo đảm hài hòa lợi ích, cũng như có chiến lược, mục tiêu bài bản, có sự đóng góp, tham vấn từ các chuyên gia đến từ các lĩnh vực chuyên ngành kinh tế và văn hóa để từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đất nước.
Theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam (văn bản hợp nhất năm 2013), di sản văn hóa “bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử , văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa; giữ vai trò là nguồn lực đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Đồng thời, di sản văn hóa là nền tảng tinh thần, yếu tố nội sinh làm nên cốt cách, bản lĩnh của con người Việt Nam, là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương”.
Di sản văn hóa vật thể gồm có các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thiên nhiên, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia... Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác. Do đó, các di sản văn hóa là các sản phẩm vật chất và tinh thần không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, nghệ thuật, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng, dân tộc, mà còn có giá trị cao về kinh tế, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, di sản văn hóa hình thành trong quá khứ và truyền lại đến ngày hôm nay. Thế hệ này qua thế khác không chỉ giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa, mà phải tiếp tục phát triển nó, làm cho nó tiếp tục vận hành trong đời sống thực tiễn, tham gia quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn cho thấy, những di sản nào được phục dựng, bảo tồn tốt sẽ trở thành nguồn lực quý giá, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, Việt Nam có một kho tàng vô cùng phong phú các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Kho tàng đó là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để các thế hệ hôm nay và mai sau kế thừa, khai thác, phát huy phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam được biết đến là một quốc gia có nguồn tài nguyên di sản đa dạng và phong phú. Đến nay, Việt Nam có trên 40.000 di tích; trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.581 di tích quốc gia; 119 di tích quốc gia đặc biệt, gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 433 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể (13 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và 02 được ghi danh di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, gồm nhã nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca quan họ; ca trù; Hội Gióng; hát xoan Phú Thọ; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đàn ca tài tử Nam Bộ; hát ví giặm Nghệ Tĩnh; nghệ thuật bài chòi Trung Bộ; nghi lễ và trò chơi kéo co; thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ; thực hành then Tày, Nùng, Thái; nghệ thuật xòe Thái; nghề làm gốm của người Chăm);. 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO ghi danh, bao gồm cả di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên: (2 di sản thiên nhiên thế giới (vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng); 1 di sản hỗn hợp: Quần thể danh thắng Tràng An; 5 di sản văn hóa vật thể thế giới (quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ)); 3 công viên địa chất toàn cầu (Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông); 9 di sản tư liệu thế giới (mộc bản Triều Nguyễn; bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám; mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm; châu bản triều Nguyễn; thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; mộc bản trường học Phúc Giang; hoàng hoa sứ trình đồ; bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh). Đến năm 2023, Việt Nam có 194 bảo tàng, với 128 bảo tàng công lập và 66 bảo tàng ngoài công lập. Nhà nước công nhận 237 hiện vật và nhóm hiện vật được là bảo vật quốc gia. Những di sản này không chỉ được coi là dấu ấn của quốc gia mà còn được coi là bản sắc văn hóa dân tộc và là động lực, nguồn lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn tài nguyên vô giá cho quá trình phát triển bền vững đất nước.
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hợp lý để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế cũng như đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giữ vai trò quan trọng, thiết yếu. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa, phục vụ giáo dục truyền thống dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội; gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch… nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước.
Di sản văn hóa của Việt Nam đa dạng, phong phú với nhiều loại hình được UNESCO ghi danh, có giá trị và chức năng to lớn trong đời sống tinh thần của cộng động các dân tộc, là nguồn tài nguyên vô giá trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, có những giá trị mà di sản văn hóa mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội thật khó mà đo đếm cho đủ. Điều này được thể hiện trong nhiều khía cạnh của đời sống xã hội:
Một là, khai thác nguồn lực di sản văn hóa kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố như hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch, mở rộng giao lưu trong nước và quốc tế, kích thích các ngành nghề khác phát triển, gia tăng dòng lưu thông hàng hóa, mở rộng xuất khẩu (tại chỗ)... Như vậy, di sản văn hóa như một cú huých kích thích các lĩnh vực khác cùng vận động, phát triển để tạo nên tính đồng bộ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, di sản văn hóa tạo nguồn cảm hứng cho các lĩnh vực khác như kiến trúc, trang trí nội thất, thời trang, điện ảnh, âm nhạc... Rất nhiều các khu nghỉ dưỡng tạo cảnh quan dựa trên nét đặc thù của di sản văn hóa, tạo nên sức hấp dẫn riêng. Lĩnh vực thiết kế cũng lấy nguồn cảm hứng từ di sản văn hóa để tạo nên những thiết kế độc đáo, hấp dẫn khách hàng. Các thiết kế trang phục hiện đại cũng tìm cảm hứng từ những hoa văn, chất liệu truyền thống để tìm lối đi riêng...
Ba là, di sản văn hóa tạo nên thương hiệu quốc gia, bản lĩnh quốc gia, định hình bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế. Thương hiệu quốc gia, bản lĩnh quốc gia chính là lực hấp dẫn đối với các đối tác quốc tế.
Bốn là, di sản văn hóa củng cố thêm tình yêu quê hương, đất nước, yêu lịch sử di sản, củng cố thêm tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng. Tình yêu đó, tình cảm đó là động lực to lớn để mỗi người và cộng đồng cùng phấn đấu, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước. Hợp lực đó sẽ tạo ra sức mạnh to lớn thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững ở mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Điều này đã được Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Trong quá trình khai thác di sản cần bảo đảm cân đối, hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội, cân bằng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa. Kinh tế và văn hóa là hai yếu tố tương tác, phụ thuộc, bổ sung cho nhau. Hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh kinh tế của di sản văn hóa để tạo động lực cho phát triển và di sản văn hóa cần được nhìn nhận như một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng không thể vì mục tiêu kinh tế, mục tiêu lợi nhuận mà không đếm xỉa đến các mục tiêu văn hóa, giữ gìn các giá trị văn hóa. Không thể “hy sinh” di sản, “hy sinh” văn hóa vì mục tiêu kinh tế.
Cần chống hai khuynh hướng: bảo tồn di sản tốt, nhưng không khai thác được giá trị kinh tế - xã hội của di sản hoặc khai thác giá trị kinh tế - xã hội tốt, nhưng bảo tồn di sản kém. Cần bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa hai quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Những ví dụ thất bại về giải quyết mối quan hệ này trong đại đa số trường hợp đều là do quá coi trọng vế khai thác, lạm dụng quá mức di sản mà không quan tâm đến công tác bảo vệ, bảo tồn. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã rất chú trọng đến việc tính toán khả năng, sức chứa của di sản để khai thác đúng mức, “tới hạn”, điều tiết lượng du khách đến tham quan. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng không nên quá thận trọng, chỉ chăm lo bảo tồn, giữ gìn mà không biết khai thác, phát huy giá trị di sản. Như vậy, vô hình chung lại rơi vào cực trì trệ, thụ động, để lãng phí một nguồn tài nguyên nhân văn có thể phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội.
2. Một số khuyến nghị cho tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới
Chủ trương vừa bảo tồn, gìn giữ vừa phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Quảng Ninh. Trên cơ sở xác định rõ lợi thế so sánh, tỉnh Quảng Ninh đã và đang có nhiều nỗ lực để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với phát triển kinh tế, phát triển du lịch, bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa bảo tồn di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tạo động lực, nguồn lực đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một trong những di sản nổi tiếng thế giới của Việt Nam là vịnh Hạ Long, đây là di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới, bởi giá trị đặc biệt về địa chất - địa mạo, giá trị đa dạng sinh học, giá trị văn hóa - lịch sử,....Không chỉ vậy, vịnh Hạ Long còn được bầu chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Với những điều kiện tự nhiên ưu đãi và những danh hiệu của mình, ngày nay, vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch thu hút lượng khách trong nước và quốc tế đông đảo hàng đầu tại nước ta.
Cùng với vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh còn có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị khác.
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền để các cấp ủy, chính quyền, mọi người dân nhận thức được đầy đủ nội dung, giá trị của di sản văn hóa; pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; về ý nghĩa, lợi ích của di sản văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực tiễn cho thấy, báo chí và các cơ quan truyền thông là một kênh vừa tuyên truyền, quảng bá vừa giám sát các hoạt động bảo tồn và khai thác giá trị di sản rất hữu hiệu, sâu sát. Với lực lượng thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế, các cơ quan quản lý khó có thể bao quát hết các hoạt động trong lĩnh vực di sản diễn ra trên địa bàn tỉnh. Chính các nhà báo và dư luận xã hội là đội ngũ tuyên truyền, quảng bá và kiểm soát đắc lực cho công cuộc này. Rất nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc, các hiện tượng tiêu cực trong ứng xử với di sản được báo, đài đưa tin hay người dân phản ánh thông qua mạng xã hội, đã kịp thời cung cấp thông tin đến các cơ quan quản lý, người có trách nhiệm để xử lý.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền các cấp của tỉnh cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện đặc thù của Quảng Ninh . Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực thi các văn bản quản lý các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm. Cần có chế tài xử phạt phù hợp, nghiêm khắc, đủ sức răn đe để hạn chế các tái phạm.
Tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian di sản, hài hòa giữa không gian văn hóa, bản sắc kiến trúc, cảnh quan môi trường, tạo nên giá trị tổng hòa và đặc trưng của các di sản. Hoàn thiện quy hoạch các điểm du lịch tham quan di sản, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, ẩm thực... để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương trong tỉnh.
Các dự án phát triển kinh tế cần phải được đánh giá kỹ lưỡng về tác động đến di sản và có các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Hoàn thiện chính sách về công tác trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn di sản linh hoạt, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức tốt các lễ hội quy mô lớn.
Thứ ba, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đưa những di sản văn hóa này trở lại với cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng phát huy vai trò vừa là chủ thể sáng tạo, tham gia bảo vệ di sản, vừa là chủ thể thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa. Thực hiện tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép lại các dạng thức văn hóa phi vật thể, tổng kiểm kê, phân loại để xác định giá trị, sức sống của di sản, lập hồ sơ bảo tồn; nghiên cứu phục dựng các lễ hội truyền thống, hoạt động sinh hoạt văn hóa có giá trị. Có cơ chế khuyến khích hoạt động trao truyền di sản phi vật thể, nhất là các hình thức diễn xướng dân gian, tri thức dân gian, trang phục, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số...; phát huy vai trò của nhà trường trong việc trao truyền, phổ biến; đặc biệt, quan tâm đến các chính sách phong tặng danh hiệu, vinh danh các nghệ nhân...
Thứ tư, xây dựng, phát triển, hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh gắn với các loại hình du lịch làng nghề, du lịch di sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực... bảo đảm nguyên tắc sản phẩm du lịch phải có yếu tố đặc sắc, mang được văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình và tính chuyên đề của một gói sản phẩm du lịch văn hóa; khai thác sự độc đáo, lợi thế về di sản văn hóa của từng địa phương, cộng đồng. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài nước. Nghiên cứu mở rộng thị trường, xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, từng điểm đến di sản văn hóa...
Thứ năm, ứng dụng công nghệ số trong việc phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp giữa công nghệ số và văn hóa truyền thống phát triển thành sản phẩm di sản văn hóa số, được định danh số trên nền tảng blockchain và truyền tải thông tin qua chip NFC…Bằng công nghệ số, các không gian di sản, hiện vật, bối cảnh lịch sử… đều được tái hiện sống động trong một hình thái sản phẩm mới – sản phẩm số, phù hợp với công cuộc chuyển đổi số, đưa hình ảnh di sản văn hóa của tỉnh đến gần hơn với người dân Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế.
Thứ sáu, phát huy vai trò của cộng đồng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh không chỉ là nhiệm vụ của riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay một cơ quan, tổ chức nào, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng dân cư, chủ thể của di sản văn hóa. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể hoàn thành được mục tiêu kép, đó là vừa bảo tồn được các giá trị di sản văn hóa quý báu, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững nhất.
Phát huy vai trò tự quản, tự giác và chủ động của cộng đồng trong công cuộc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích cộng đồng tự nguyện tham gia giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Trao quyền cho cộng đồng trong quản lý di tích, danh lam thắng cảnh, tổ chức lễ hội, thực hành di sản văn hóa phi vật thể…Muốn vậy phải xử lý hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa chính quyền địa phương và cộng đồng trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ di sản. Phân định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi từ cả hai phía. Cần bảo đảm các hoạt động kinh tế lâu dài, cung cấp những lợi ích kinh tế và xã hội tới tất cả những người được hưởng lợi từ di sản văn hóa, từ đó kích thích họ tự nguyện, tự giác bảo vệ di sản, tạo nên chất keo gắn kết cộng đồng với di sản. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác nhau trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, cũng cần tránh xu hướng “hành chính hóa”, “Nhà nước hóa” di sản, chính quyền “lấn sân”, làm thay người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội. Việc làm này vô hình trung sẽ đẩy người dân rời xa bản chất của di sản và tách di sản ra khỏi môi trường sống đích thực của nó. Chỉ khi người dân có hiểu biết sâu sắc và có sự tham gia chủ động vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, thì khi đó hiệu quả mới bền vững, lâu dài.
Hiện nay phát triển dựa vào cộng đồng đang là một xu thế của thế giới và là một trong các giải pháp hữu hiệu để khai thác bền vững di sản văn hóa. Các công ước của UNESCO cũng luôn đề cao vai trò của cộng đồng - những chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo, duy trì và trao truyền di sản văn hóa...
Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển toàn diện, bền vững đời sống văn hóa ở cơ sở; góp phần tu bổ, gia cố, tôn tạo, phục dựng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị ảnh hưởng do thời gian, thời tiết và các yếu tố tác động khác; góp phần tuyên truyền, tổ chức các hoạt động giới thiệu về những cái hay, cái đẹp của di sản văn hóa, làm giàu cả về vật chất và tinh thần cho địa phương; thực hiện các chương trình văn hóa trọng điểm của địa phương, như xây dựng các điển hình tiên tiến, xây dựng các mô hình phát triển văn hóa, mở rộng giao lưu văn hóa giữa nông thôn và thành thị, giữa các dân tộc với nhau; hỗ trợ, giúp đỡ, khuyến khích các nghệ nhân dân gian trong việc kiến tạo, trao truyền, thực hành di sản...
Thứ bảy, đầu tư nguồn lực con người và nguồn lực tài chính cho bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, năng lực tốt về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Phân bổ hợp lý và quản lý tốt các nguồn lực đầu tư trong công tác bảo vệ, bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường đầu tư từ các nguồn vốn, trong đó chú trọng xã hội hóa nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo di sản; chủ động phân cấp quản lý di sản cho chính quyền và cộng đồng dân cư phù hợp với thực tiễn. Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật thương mại, du lịch, dịch vụ, cảnh quan môi trường theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm... Khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng dân cư làm du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án trọng điểm về du lịch, di sản văn hóa.
Thứ tám, phát huy vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia, phản biện xã hội trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Để công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững đạt được hiệu quả cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội từ nhiều phía: nhà quản lý, cộng đồng, các cơ quan truyền thông, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản. Cần tranh thủ ý kiến đóng góp, tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản, nhất là đối với những trường hợp phức tạp, nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi.
Cần tận dụng sự hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật của các chuyên gia UNESCO (đang làm việc trong các Dự án của UNESCO tại Việt Nam hay ở Văn phòng UNESCO tại Hà Nội).
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, kiểm kê, xây dựng hồ sơ khoa học cho các di sản, làm căn cứ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Một dân tộc, một tỉnh như Quảng Ninh muốn phát triển đi lên không thể không giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị quý giá của các di sản văn hóa. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, sự chủ động linh hoạt vận dụng các nguyên tắc khoa học để lựa chọn phương án bảo tồn tối ưu, làm sao vừa khai thác được tiềm năng kinh tế của di sản, vừa giữ gìn được các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của chúng, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững của di sản./.
Tỉnh Quảng Ninh: Chú trọng công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân  (08/12/2024)
Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển kinh tế di sản  (07/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm