Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long theo Công ước Di sản thế giới - Thực trạng và giải pháp
1. Đặt vấn đề
Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là những tài sản vô giá, không thể thay thế, là tài sản không chỉ của một dân tộc mà là của cả nhân loại. Bất kỳ một di sản nào trong số đó nếu biến mất do xuống cấp hoặc thất thoát cũng sẽ làm nghèo đi kho tàng di sản của tất cả các dân tộc trên thế giới. Trong số đó, có những di sản với tính chất vô cùng đặc biệt được coi là có “Giá trị nổi bật toàn cầu”, vì vậy xứng đáng được bảo vệ đặc biệt để chống lại những nguy cơ ngày càng lớn mà chúng đang phải đối mặt.
Để đảm bảo tối đa việc nhận diện, bảo vệ và bảo tồn các di sản thế giới, ngày 16/11/1972, tại kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Công ước có hiệu lực từ ngày 17/12/1975, được thực thi và điều hành bởi Ủy ban Di sản thế giới. Nội dung Công ước Di sản thế giới bao gồm các điều khoản quy định về bối cảnh để hiểu Công ước, các điều khoản quy định về cam kết của các bên tham gia, các điều khoản về thể chế và các điều khoản về thủ tục đảm bảo tuân thủ khi tham gia Công ước. Mục tiêu của Công ước là nhận diện, bảo vệ, bảo tồn, giới thiệu và truyền lại cho đời sau những di sản văn hóa và thiên nhiên có giá trị nổi bật toàn cầu.
Công ước Di sản thế giới của UNESCO mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Công ước giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược, quy hoạch phát triển địa phương, bảo vệ bền vững không chỉ di sản thế giới mà còn bảo vệ các di sản văn hóa của mỗi quốc gia.
Kể từ khi Công ước được thông qua vào năm 1972, cộng đồng quốc tế luôn đề cao khái niệm “phát triển bền vững”, trong đó việc bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên là một nội dung quan trọng.
Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành quốc gia thành viên của Công ước Di sản thế giới 1972 từ ngày 19/10/1987. Việc Việt Nam tham gia Công ước 1972 đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản tại Việt Nam. Các cơ sở pháp lý, chính sách, thể chế, bộ máy quản lý, bảo vệ di sản của Việt Nam đã và đang được xây dựng, không ngừng hoàn thiện, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển chung của đất nước, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ninh - địa phương được thiên nhiên ưu ái ban tặng di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
2. Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào năm 1994 về giá trị cảnh quan tự nhiên và mở rộng tiêu chí địa chất - địa mạo vào năm 2000. Năm 2009, vịnh Hạ Long cùng với 9 địa danh khác được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2011, vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Năm 2023, tại kỳ họp thường niên lần thứ 45, Ủy ban Di sản thế giới đã ban hành Quyết định số 45 COM 8B.3 phê duyệt mở rộng ranh giới di sản thế giới vịnh Hạ Long bao gồm cả Quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng. Năm 2024, Di sản vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được Liên hiệp khoa học địa chất quốc tế (IUGS) trao tặng bằng công nhận Di sản địa chất quốc tế vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Với việc sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định Vịnh Hạ Long là báu vật được thiên nhiên ban tặng cho nhân loại, là động lực quan trọng để tỉnh phát triển ngành du lịch và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Trong quá trình phát triển, cùng với thành phố thủ phủ Hạ Long, Quảng Ninh luôn lấy vịnh Hạ Long là trung tâm của các định hướng, xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược và quy hoạch. Điển hình: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh... gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững đã định hướng xây dựng thành phố Hạ Long nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, là điểm đến của các sự kiện quốc gia và quốc tế; thành phố của Di sản, Kỳ quan… Điều này cho thấy Vịnh Hạ Long được xác định là mục tiêu trọng tâm trong các định hướng dài hạn, có vai trò quan trọng bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh của tỉnh, là động lực quan trọng để Quảng Ninh đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
3. Những nỗ lực và thành tựu của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai thực hiện các giải pháp để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long theo Công ước Di sản thế giới
Theo Điều 5 Công ước Di sản thế giới, để đảm bảo các biện pháp hiệu quả và tích cực được thực hiện nhằm bảo vệ, bảo tồn và thuyết minh về di sản văn hóa và thiên nhiên nằm trên lãnh thổ của mình, mỗi quốc gia tham gia Công ước này sẽ nỗ lực trong khả năng có thể và phù hợp với từng quốc gia để:
(1) Áp dụng chính sách chung nhằm mục đích trao cho di sản văn hóa và thiên nhiên một chức năng trong đời sống cộng đồng và lồng ghép việc bảo vệ di sản đó vào các chương trình quy hoạch toàn diện;
(2) Thành lập trên lãnh thổ của mình (trong trường hợp chưa có) một hoặc nhiều cơ quan bảo vệ, bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa và tự nhiên với đội ngũ nhân viên thích hợp và có đủ phương tiện thực hiện các nhiệm vụ được giao;
(3). Triển khai các nghiên cứu, khảo sát khoa học và kỹ thuật, đưa ra các phương pháp hoạt động giúp quốc gia thành viên có năng lực bảo vệ di sản trước các mối nguy hiểm đe dọa;
(4). Triển khai các giải pháp về pháp lý, khoa học, kỹ thuật, hành chính và tài chính thích hợp cần thiết cho việc xác định, bảo vệ, bảo tồn, thuyết minh và phục hồi di sản này;
(5) Thúc đẩy việc thành lập hoặc phát triển các trung tâm đào tạo cấp quốc gia hoặc khu vực về bảo vệ, bảo tồn và thuyết minh di sản văn hóa và thiên nhiên cũng như khuyến khích nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này.
Bám sát tinh thần của Công ước, những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn nỗ lực và trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các giải pháp để quản lý, bảo vệ hiệu quả tính toàn vẹn và phát huy bền vững khu di sản vịnh Hạ Long đảm bảo phù hợp với Công ước Di sản thế giới và Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới. Với mục tiêu phát triển bền vững, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng và không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tổng hợp nhằm bảo vệ, bảo tồn và phát huy các Giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản: Trên cơ sở Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu và tính toàn vẹn của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ban hành các quy hoạch, quy chế, kế hoạch để quản lý tổng thể di sản như: Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long; Kế hoạch quản lý di sản vịnh Hạ Long; Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long…, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hạn chế các tác động tiêu cực từ hoạt động kinh tế - xã hội đến các giá trị di sản. Cùng với đó, nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan cũng được tỉnh Quảng Ninh ban hành, triển khai nhằm tăng cường các hoạt động bảo vệ di sản, như: di dời toàn bộ các làng chài trên vịnh Hạ Long lên đất liền sinh sống; quy định không đánh bắt thủy sản trong khu vực bảo vệ tuyệt đối của Di sản; chủ trương quy hoạch nuôi trồng thủy sản ngoài khu vực Di sản; giảm số lượng, tăng chất lượng, an toàn và hiệu suất khai thác tàu du lịch trên vịnh Hạ Long; quyết định thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long. Các quy chế phối hợp liên ngành trong Tỉnh và liên địa phương với thành phố Hải Phòng được ký kết và triển khai thực hiện(1). Toàn bộ các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long đều phải ký hợp đồng với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, qua đó tăng cường vai trò, thẩm quyền của cơ quan quản lý Di sản.
Thứ hai, tăng cường nguồn lực để triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu nhằm bổ sung dữ liệu khoa học về các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, là cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ Di sản: Một số hoạt động điển hình, như: tổ chức giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn di sản vịnh Hạ Long nhằm kiểm đếm, kiểm soát, đánh giá, phát hiện kịp thời những nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị của khu di sản và có các hành động quản lý, ứng phó kịp thời; triển khai dự án thành lập khu bảo tồn vịnh Hạ Long nhằm bảo tồn giá trị đa dạng sinh học khu vực di sản; khoanh vùng toàn bộ diện tích rừng trên núi đá vôi và rừng ngập mặn thuộc khu di sản thế giới vịnh Hạ Long được công nhận là khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến các lĩnh vực địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa - lịch sử, du lịch(2). Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản như: lập hồ sơ khoa học về các giá trị của vịnh Hạ Long; lắp đặt các biển cảnh báo và triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, đổ lở trên vịnh Hạ Long; phục dựng một số nét văn hóa tiêu biểu của ngư dân làng chài trên vịnh Hạ Long, khai quật, trưng bày các di chỉ khảo cổ nhằm bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa - lịch sử và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; thực hiện điều chỉnh hệ thống chiếu sáng trong hang động nhằm ức chế sự phát triển của thực vật; xây dựng Đề cương Kế hoạch quản lý du lịch vịnh Hạ Long bền vững, phù hợp với sức tải đã xác định…
Thứ ba, chú trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường di sản theo hướng xanh, bền vững: Nhằm giảm thiểu tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên và ven bờ Vịnh đến tài nguyên, môi trường Di sản, nhiều chủ trương, định hướng được tỉnh Quảng Ninh đưa ra để tăng cường các hoạt động bảo vệ Di sản, như: quy định không đánh bắt thủy sản trong khu vực bảo vệ tuyệt đối của Di sản; quy hoạch nuôi trồng thủy sản ngoài khu vực Di sản; thay thế phao xốp trên các công trình nổi trên vịnh Hạ Long bằng các vật liệu bền vững, thân thiện môi trường; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực vùng đệm; không cấp phép hoạt động các nhà máy có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường vịnh Hạ Long; thực hiện lộ trình đóng cửa các mỏ than khai thác lộ thiên....
Chất thải phát sinh từ các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long được tập trung quản lý, kiểm soát: toàn bộ tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long có hệ thống xử lý nước thải lẫn dầu; các tàu du lịch đóng mới hoạt động trên vịnh Hạ Long phải lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn; hệ thống xử lý nước thải tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long được đầu tư nâng cấp, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý, đảm bảo đạt tiêu chuẩn (công nghệ Jokaso, Uniship).
Hiện nay, các chủ trương, định hướng bảo vệ môi trường trên và ven bờ Vịnh, các khu vực có mối liên hệ mật thiết với Di sản như vịnh Cửa Lục, Bái Tử Long tiếp tục được cụ thể hóa trong các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long, các nghị quyết chuyên đề về môi trường với yêu cầu lồng ghép chính sách về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội(3).
Nhằm lan tỏa thông điệp về một vịnh Hạ Long xanh và huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế xanh tại khu vực di sản, từ năm 2019 phong trào ‟Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” được phát động, tập trung tuyên truyền các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ký cam kết không bán các sản phẩm từ nhựa dùng một lần; tuyên truyền, vận động khách du lịch không mang các sản phẩm nhựa dùng một lần khi tham quan vịnh Hạ Long. Tiến hành phân loại rác thải tại nguồn, tái chế và sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long; hình thành không gian trưng bày, giới thiệu các giải pháp, ý tưởng sáng tạo giảm thiểu rác thải nhựa và bán các sản phẩm được tái chế từ sản phẩm nhựa, trong đó có sự tham gia tích cực của hội phụ nữ, hội nông dân.., góp phần nâng cao năng lực cho người dân, học sinh, hộ kinh doanh, cộng đồng về các kiến thức và biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, để hiện thực hóa “phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”, tỉnh Quảng Ninh đã sớm triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, chuyển dịch theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nhiều dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực vịnh Hạ Long; thực hiện gắn nhãn sinh thái Cánh Buồm Xanh cho tàu du lịch có đủ điều kiện để khuyến khích các tàu du lịch thực hiện theo các tiêu chí phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; xây dựng sách trắng về tăng trưởng xanh cho khu vực vịnh Hạ Long…
Thứ tư, tăng cường các giải pháp để quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long: Các vụ vi phạm trên vịnh Hạ Long được tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời. Hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản tiếp tục được rà soát, có biện pháp xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép tại khu vực bảo vệ tuyệt đối và vùng đệm, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, sử dụng ngư cụ cấm tại khu vực giáp ranh vịnh Hạ Long - Cát Bà. Các tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long được quản lý theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, hiệu suất khai thác và giám sát thông qua các thiết bị hiện đại như GPS, camera... Việc ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý từng bước được chú trọng triển khai (đầu tư hệ thống truyền dẫn tín hiệu bằng sóng viba, camera giám sát tại một số điểm tham quan trên vịnh Hạ Long…). Các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long đã được kiểm soát chặt chẽ, từng loại hình dịch vụ du lịch được quy định khu vực hoạt động và xây dựng phương án tổ chức quản lý. Cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác quản lý Di sản được tăng cường. Tỉnh đã giao cho cơ quan quản lý di sản ký kết và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ di sản vịnh Hạ Long với các đơn vị liên quan của tỉnh và thành phố Hải Phòng.
Thứ năm, chú trọng quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long và phát triển các sản phẩm mới để tạo sự khác biệt, có tính trải nghiệm cao: Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp gia tăng giá trị Di sản thông qua phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách: hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng của vịnh Hạ Long: du lịch nghỉ đêm trên Vịnh; du thuyền khám phá; tham quan, trải nghiệm giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng ngư dân trên vịnh Hạ Long và các di tích khảo cổ; trải nghiệm đò chèo tay, kayak; trải nghiệm vịnh Hạ Long từ trên cao với thủy phi cơ, trực thăng; sản phẩm phố đêm du thuyền…Chỉ đạo cơ quan quản lý di sản và các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục khảo sát, nghiên cứu và lựa chọn những khu vực có tiềm năng để phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, có tính cạnh tranh cao để hướng đến thị trường khách du lịch cao cấp, như: trải nghiệm tắm biển và các dịch vụ thư giãn tại các bãi cát nhỏ có cảnh quan hoang sơ, không gian riêng tư trên vịnh Hạ Long; biểu diễn nhạc nhẹ dân tộc; khám phá hệ sinh thái Tùng - Áng kết hợp câu cá thư giãn…; triển khai đánh giá sức tải du lịch khu di sản vịnh Hạ Long; xây dựng phương án giãn tuyến, phân tải khách tại các điểm tham quan phục vụ quản lý, điều tiết sức tải các điểm tham quan, giảm tải cho khu vực Di sản. Công bố 08 hành trình tham quan trên vịnh Hạ Long… Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các điểm tham quan, điểm lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long được chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo có trọng tâm, trọng điểm theo Quy hoạch và các quy định liên quan nhằm đảm bảo an toàn, mỹ quan, mang lại sự hài lòng cho khách du lịch. Cơ sở vật chất phục vụ kết nối các điểm tham quan với luồng đường thủy nội địa trên vịnh Hạ Long đảm bảo thuận lợi, an toàn. Các lực lượng chức năng của thành phố Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long bố trí lực lượng trực, đảm bảo đủ lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn 24/24, đặc biệt là Đội liên ngành thường trực cứu nạn cứu hộ trên vịnh Hạ Long… góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện, hiếu khách và khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn cho khách du lịch.
Thứ sáu, từng bước đổi mới công tác tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng, giá trị của di sản và công tác quảng bá, xúc tiến các hoạt động dịch vụ du lịch vịnh Hạ Long: Tăng cường tuyên truyền, thông tin cho khách du lịch thông qua đội ngũ hướng dẫn viên, video thuyết minh về vịnh Hạ Long trên tàu du lịch(4); chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du của trên vịnh Hạ Long trên các mạng xã hội (Youtube, Facebook, Twitter, Zalo,...); tích cực hợp tác truyền thông với các đài phát thanh, báo, tạp chí để đăng tải các chuyên đề, viết bài chuyên sâu về Di sản vịnh Hạ Long; tăng cường liên kết với Câu lạc bộ các di sản thế giới ở Việt Nam kết nối thông tin, quảng bá về các giá trị, tiềm năng di sản vịnh Hạ Long, trong đó xuất bản ấn phẩm “Di sản thế giới tại Việt Nam - giá trị nổi bật toàn cầu”; mở rộng phạm vi hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vịnh Hạ Long đến các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế thông qua nhiều sự kiện như: Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, VITM Hà Nội, Triển lãm thế giới EXPO Dubai, Chương trình “Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn”, sự kiện Sea Games 31, sự kiện Diễn đàn du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF)..., góp phần quảng bá di sản vịnh Hạ Long, tạo lan tỏa hình ảnh “vịnh Hạ Long - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.
Thứ bảy, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản: Định kỳ hằng năm, chỉ đạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng tham gia nhiệm vụ quản lý, bảo tồn di sản. Giai đoạn từ năm 2020 đến hết tháng 9/2024, cơ quan quản lý di sản đã tổ chức cho 1.319 lượt VC-LĐ và cử 1.084 lượt VC-LĐ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tham dự các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế do Tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức(5).
Thứ tám, tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản: duy trì mối quan hệ mật thiết với Trung tâm Di sản thế giới, Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Mạng lưới các nhà quản lý Di sản thế giới biển, Văn phòng UNESCO Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế. Phát huy tốt vai trò tại các tổ chức, câu lạc bộ, diễn đàn mà vịnh Hạ Long tham gia và là thành viên như: Mạng lưới các nhà quản lý di sản thế giới biển, Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới, Mạng lưới G20 các quốc gia có kỳ quan được công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thế giới (New7Wonders)... Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cơ hội để trao đổi, đề xuất hỗ trợ kinh nghiệm, tài chính, kỹ thuật phục vụ công tác quản lý di sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý di sản, như: xây dựng hệ thống tuần hoàn tài nguyên trên Vịnh Hạ Long có sự tham gia của người dân địa phương; Thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải trên vịnh Hạ Long về bờ xử lý sử dụng nhiên liệu sinh học và xây dựng mô hình giáo dục môi trường , nâng cao nhận thức cho cộng đồng bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; xây dựng bộ tiêu chí “Cánh buồm xanh”; xây dựng các bộ tiêu chí giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị Di sản; lắp đặt bổ sung hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ Jokaso tại đảo Đầu Gỗ; tổ chức các đợt trồng rừng ngập mặn, ra quân thu gom rác thải ven bờ và ở các chân đảo, …
Thứ chín, công tác quản lý tài chính, thu phí tham quan vịnh Hạ Long ngày càng được quản lý chặt chẽ: Phương thức bán, kiểm soát vé tham quan vịnh Hạ Long được thay đổi theo hướng tập trung, chuyên nghiệp nhằm quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa thất thoát như áp dụng hình thức bán vé tham quan chung, tham quan điểm một lần tại Cảng tàu du lịch; điều chỉnh cơ cấu thu phí tham quan danh lam thắng cảnh theo tuyến tham quan; triển khai thu phí tham quan tích hợp thu dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch chuyển đổi theo hóa đơn điện tử. Việc miễn giảm vé, hoàn trả vé tham quan được thực hiện đúng đối tượng, đúng quy trình, quy định, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, góp phần tăng thu ngân sách, tránh thất thu phí, tăng nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác tu bổ, tôn tạo và công tác bảo tồn các giá trị của vịnh Hạ Long. Giai đoạn từ năm 2020 đến hết tháng 9 năm 2024, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, di sản Hạ Long đã tổ chức đón tiếp, phục vụ trên 8,6 triệu lượt khách, trong đó khách Việt Nam đạt trên 5,3 triệu lượt, khách nước ngoài đạt trên 3,3 triệu lượt. Kết quả thu phí tham quan đạt hơn 2.193 tỷ đồng, góp phần tăng thu ngân sách và tăng nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn các giá trị của vịnh Hạ Long.
Với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản theo Công ước Di sản thế giới, vịnh Hạ Long đã và đang trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực. Những năm gần đây, vịnh Hạ Long luôn có mặt trong các bảng xếp hạng, bình chọn về điểm du lịch hấp dẫn do nhiều tổ chức quốc tế, hãng truyền thông, trang web uy tín trên thế giới bình chọn: Khu du lịch hàng đầu Việt Nam; Điểm đến hàng đầu Việt Nam, 1 trong 10 di sản UNESCO ấn tượng nhất châu Á, 1 trong 10 điểm tham quan du lịch lý tưởng nhất khu vực Đông Nam Á, 1 trong 24 điểm du lịch đáng đến trong năm 2024; mới đây nhất, năm 2024 vịnh Hạ Long được Liên hiệp khoa học địa chất quốc tế (IUGS) công nhận danh hiệu Di sản địa chất toàn cầu. Tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới được tổ chức tại tại Ả-rập Xê-út vào tháng 9 năm 2023, Ủy ban Di sản thế giới đã ghi nhận và biểu dương Quốc gia thành viên Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh vì những nỗ lực và trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả để quản lý, bảo vệ tính toàn vẹn và bền vững khu di sản vịnh Hạ Long phù hợp với Công ước Di sản thế giới, trong đó Ủy ban di sản thế giới đánh giá cao đối với một số giải pháp điển hình mà tỉnh Quảng Ninh đã triển khai như: xây dựng Kế hoạch quản lý di sản; triển khai đánh giá sức tải du lịch khu di sản; tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường; xây dựng đề cương chiến lược quản lý bền vững du lịch vịnh Hạ Long; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi kinh tế “xanh”…
4. Một số vấn đề đặt ra và định hướng giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long theo Công ước Di sản thế giới
Về một số vấn đề đặt ra: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản theo tinh thần Công ước Di sản thế giới và tuân thủ luật pháp của Việt Nam luôn là bài toán khó. Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, mở ra những triển vọng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, vinh dự này cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy một cách hài hòa, có hiệu quả những Giá trị nổi bật toàn cầu của vịnh Hạ Long đã và đang là những thách thức không nhỏ đối với tỉnh Quảng Ninh, cụ thể:
Thứ nhất, vịnh Hạ Long là một di sản đặc thù, địa bàn trải rộng trên môi trường biển, chế độ hải văn phức tạp. Trên vịnh là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đan xen phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như: du lịch; nuôi trồng, khai thác thủy sản; giao thông cảng biển… Khu vực ven bờ Vịnh tiếp giáp với nhiều địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ… luôn tạo ra nhiều sức ép đa chiều đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn các Giá trị nổi bật toàn cầu của di sản vịnh Hạ Long.
Thứ hai, một số thể chế, cơ sở pháp lý liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản còn thiếu hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể, nhất là từ tháng 9/2023, di sản vịnh Hạ Long được Ủy ban di sản thế giới phê chuẩn điều chỉnh mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) trở thành di sản liên tỉnh, tuy nhiên các văn bản pháp luật về quản lý di sản tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, bảo vệ di sản thế giới liên tỉnh; chưa có quy định cụ thể về việc lập Quy hoạch chung cho di sản liên tỉnh; chưa “nội luật hóa” quy trình thực hiện Đánh giá tác động di sản (HIA) đối với các đề xuất dự án liên quan đến vịnh Hạ Long...
Thứ ba, nhận thức về bảo vệ, bảo tồn các giá trị của Di sản và ý thức bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long của một bộ phận cộng đồng tham gia hoạt động kinh tế - xã hội khu vực trên và ven bờ vịnh Hạ Long chưa đầy đủ, chưa có chuyển biến tích cực.
Thứ tư, lượng khách du lịch tăng mạnh tại một số khu vực, điểm du lịch trên vịnh Hạ Long kéo theo nhu cầu tăng cường dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và làm suy giảm nguồn tài nguyên du lịch, đồng thời làm giảm chất lượng trải nghiệm của du khách.
Về định hướng giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long theo Công ước Di sản thế giới
Để đảm bảo sự cân bằng thích hợp giữa bảo tồn và phát triển bền vững, để các giá trị của Di sản thế giới được bảo vệ thông qua các hoạt động thích hợp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, trong thời gian tới Ban Quản lý vịnh Hạ Long tiếp tục tham mưu tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan quản lý di sản và các ngành chức năng của Tỉnh tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả quản trị: hoàn thiện các quy chế, cơ chế quản lý Di sản đảm bảo thẩm quyền theo quy định: Hoàn thiện và triển khai Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai Quyết định số 45 COM 8B.3 của Ủy ban Di sản thế giới phê duyệt điều chỉnh lớn ranh giới Di sản thế giới vịnh Hạ Long, bao gồm cả Quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) theo tiêu chí (vii) và (viii)”; thực hiện điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long; tổng kết, đánh giá việc triển khai Kế hoạch quản lý di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long giai đoạn 2021- 2025, dự thảo Kế hoạch quản lý di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long giai đoạn 2026 - 2030; xây dựng Kế hoạch phát triển bền vững du lịch vịnh Hạ Long; xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; Xây dựng chiến lược dài hạn về quảng bá, xúc tiến du lịch di sản vịnh Hạ Long và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, tập trung đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, môi trường, văn hóa du lịch, chuyển đổi số; hoàn thiện các cơ sở pháp lý về giao khu vực biển, đất, giao rừng tại khu vực di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long…
Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng địa phương, khách du lịch và các tổ chức cá nhân có hoạt động kinh tế - xã hội trên và ven vịnh Hạ Long trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị của Di sản vịnh Hạ Long.
Thứ ba, tăng cường quản lý, bảo vệ bền vững tài nguyên, môi trường di sản: Thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu số về nguồn tài nguyên và các giá trị của di sản vịnh Hạ Long; tăng cường triển khai các nhiệm vụ giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn di sản; quản lý, giảm thiểu rác thải, nước thải; chú trọng giám sát chất lượng nước, cảnh báo và có các biện pháp quản lý, ứng phó với những nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường vịnh Hạ Long; sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch; khuyến khích các tổ chức cá nhân sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động du lịch; quản lý các rủi ro về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, phát triển du lịch bền vững: triển khai ứng dụng kết quả nhiệm vụ khoa học đánh giá sức tải du lịch khu di sản vịnh Hạ Long; xây dựng Kế hoạch quản lý du lịch vịnh Hạ Long bền vững, phù hợp với sức tải đã xác định. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng phát triển du lịch chất lượng cao, phân khúc thị thị trường khách du lịch cao cấp…
Thứ năm, thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý di sản thông qua việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu số cho các giá trị tài nguyên di sản; ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực du lịch, bán, kiểm soát vé tham quan, thuyết minh, quảng bá di sản,…đảm bảo tính tiện ích, hấp dẫn du lịch.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về di sản, nhằm thu hút hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật và nguồn lực kinh tế trong quản lý di sản nhất là trong các lĩnh vực bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
5. Lời kết
Đối với một di sản thế giới, nhiệm vụ quan trọng và cốt lõi là phải bảo vệ, bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu. Mặt khác, các giá trị này cũng cần phải được phát huy để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương nơi có di sản.
Tuy nhiên, Công ước Di sản thế giới lưu ý rằng “Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên ngày càng bị đe dọa phá hủy không chỉ bởi các nguyên nhân truyền thống gây ra sự suy thoái, mà còn bởi các điều kiện xã hội và kinh tế thay đổi, làm trầm trọng thêm tình hình với hiện tượng thiệt hại hoặc phá hủy, thậm chí còn nghiêm trọng hơn”. Vì vậy, trước bối cảnh du lịch được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất, đặc biệt du lịch di sản được xác định có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong phạm vi toàn cầu thì trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn giá trị nổi bật toàn cầu của di sản để truyền lại cho các thế hệ tương lai trước hết thuộc về quốc gia thành viên và địa phương nơi có di sản.
Thực tiễn kết quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản vịnh Hạ Long 30 năm qua đã khẳng định tỉnh Quảng Ninh luôn bám sát mục tiêu phát triển bền vững mà Công ước Di sản thế giới đề ra nhằm đạt được sự cân bằng giữa bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản với phát triển du lịch bền vững. Quyết định của Ủy ban Di sản thế giới về phê duyệt mở rộng tiêu chí địa chất - địa mạo của vịnh Hạ Long vào năm 2000 và Quyết định về phê duyệt mở rộng ranh giới di sản vịnh Hạ Long, bao gồm cả Quần đảo Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng năm 2023 cũng đồng thời khẳng định những nỗ lực và trách nhiệm của quốc gia thành viên và của tỉnh Quảng Ninh những năm qua đã chú trọng triển khai hiệu quả Công ước Di sản thế giới, hợp tác hiệu quả với Trung tâm Di sản thế giới và các cơ quan tư vấn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với đề cao công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản thế giới vịnh Hạ Long.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long tin tưởng rằng trong thời gian tới, với sự hợp tác chặt chẽ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị và địa phương liên quan, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới, đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của Quảng Ninh./.
-----------------------
(1) Kế hoạch số 98/KHHT-QN-HP, ngày 29/4/2021, của UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Hải Phòng về hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025; Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BQLVHL-UBNDHCH, ngày 09/4/2021, giữa Ban Quản lý vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
(2) Nghiên cứu quá trình địa chất, địa động lực hiện đại phục vụ quan trắc biến động các hang động và đảo trên vịnh Hạ Long; nghiên cứu, đánh giá hiện trạng sạt lở, đổ lở và xói lở hệ thống đảo làm cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý giá trị di sản phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long; ứng dụng công nghệ thông tin địa lý GIS trong quản lý Di sản; nghiên cứu đa dạng sinh học vịnh Hạ Long phục vụ cho việc quản lý, phát huy giá trị đa dạng sinh học của Di sản; nghiên cứu, đánh giá tác động của chiếu sáng nhân tạo đến sự phát triển, xâm lấn của thực vật trong hang động trên vịnh Hạ Long, thử nghiệm xử lý và đề xuất biện pháp hiệu quả để xử lý, hạn chế ảnh hưởng của thực vật trong hang động; nghiên cứu, đánh giá, xác định sức tải du lịch khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long phục vụ quản lý và phát triển du lịch bền vững….
(3) Nghị quyết số 10 - NQ/TU, ngày 26/9/2022, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó vói biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030
(4) Tổ chức hướng dẫn, thuyết minh 3.321 đoàn khách với 86.873 lượt khách; cung cấp thông tin cho 47.602 lượt khách
(5) Kỹ năng chuyển đổi số, nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, nghiệp vụ bảo vệ; kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách tham quan; trình độ ngoại ngữ; nghiệp vụ đấu thầu…
Phát triển kinh tế di sản: Kinh nghiệm của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)  (09/12/2024)
Khai thác, phát huy nguồn lực di sản văn hóa trong phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh  (09/12/2024)
Di sản văn hóa - Một nguồn vốn đặc biệt cho phát triển bền vững  (08/12/2024)
Tỉnh Quảng Ninh: Chú trọng công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân  (08/12/2024)
Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển kinh tế di sản  (07/12/2024)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay