Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1), “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2), trong quá trình tiến hành chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Ninh, việc xây dựng, phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Ninh thời gian qua
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 9-4-2021, về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết này thể hiện ý chí quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đối với việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Kế thừa những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và bám sát Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, coi đây là “chìa khóa” quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh của tỉnh giai đoạn tới. Trong đó, xác định rõ 20 mục tiêu đến năm 2025 và 40 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Tỉnh Quảng Ninh xác định xây dựng và triển khai chuyển đổi số ở cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cụ thể như sau: 1- Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; 2- Phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của địa phương; 3- Xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột là thiên nhiên, văn hóa và con người, để hình thành công dân số, xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền số quốc gia. Việc phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được tỉnh đề ra gắn với những chỉ tiêu cụ thể như: 100% các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất bảo đảm kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; 100% công việc ở cả ba cấp từ tỉnh đến xã được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử (đặc biệt là trình ký văn bản điện tử, thực hiện các chức năng xử lý nội bộ); 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký số và trả cho người dân trên môi trường số;...
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, năm 2022, tỉnh Quảng Ninh nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số toàn quốc, chỉ sau thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, tăng 4 bậc so với năm 2021. Tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) và là địa phương đứng đầu cả nước về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, kết quả Chỉ số cải cách hành chính các tỉnh, thành phố cho thấy, tỉnh đứng vị trí thứ 2 trong chỉ số thành phần về chính quyền số.
Việc tiến hành chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Ninh đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, từ đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, một nội dung quan trọng, then chốt được tỉnh tập trung thực hiện là phát triển nguồn nhân lực số, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Nguồn nhân lực số là một bộ phận của nguồn nhân lực xã hội, mang đầy đủ những đặc trưng của nguồn nhân lực, nhưng có tính riêng biệt gắn với quá trình chuyển đổi số. Theo đó, nguồn nhân lực số là bộ phận đặc biệt của lực lượng lao động, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng tốt, có năng lực làm chủ thiết bị công nghệ số, có tư duy đột phá, sáng tạo để vận dụng tri thức, kỹ năng hoàn thành các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Có thể hiểu, nguồn nhân lực số là lực lượng lao động với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực, phẩm chất đạo đức, tác phong lao động, khả năng thích ứng... để tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Nguồn nhân lực số ở tỉnh Quảng Ninh không chỉ giới hạn nhân lực công nghệ thông tin mà còn bao gồm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, xây dựng thành công chính quyền số, việc phát triển nguồn nhân lực số, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số giữ vị trí then chốt.
Nhận thức sâu sắc những yêu cầu đặt ra, thời gian qua, nhiều giải pháp về phát triển nguồn nhân lực số, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số được các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đều chú trọng triển khai các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trình độ và năng lực thích ứng với triển khai công nghệ thông tin, chuyển đổi số của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức được tỉnh quan tâm thực hiện. Năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND, ngày 12-4-2022, thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch số 265/KH-UBND, ngày 11-11-2022, về bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh năm 2023.
Kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên toàn tỉnh có trình độ chuyên môn công nghệ thông tin là 807/37.077 người (chiếm tỷ lệ 2,17%). Tính đến ngày 31-12-2023, tổng số cán bộ, công chức công nghệ thông tin là 103/2.193 người (chiếm tỷ lệ 4,7%); trong đó, trình độ thạc sĩ trở lên là 8 người (chiếm tỷ lệ 7,76%), đại học là 70 người (chiếm tỷ lệ 67,96%), cao đẳng là 15 người (chiếm tỷ lệ 14,56%), trung cấp là 10 người (chiếm tỷ lệ 9,72%); số lượng cán bộ, công chức có chứng chỉ về công nghệ thông tin là 2.090 người(3). Trong 3 năm (2021 - 2023), tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng được 16.104 lượt học viên, với tổng kinh phí 31 tỷ đồng (năm 2021: 6.695 lượt học viên, kinh phí 13,8 tỷ đồng; năm 2022: 5.333 lượt học viên, kinh phí 9,46 tỷ đồng; năm 2023: 4.076 lượt học viên, kinh phí 7,7 tỷ đồng)(4).
Các chuyên đề về chuyển đổi số cũng được cập nhật vào chương trình giảng dạy lý luận chính trị tại Trường đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ. Cùng với đó, tỉnh còn xây dựng mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.500 tổ công nghệ số cộng đồng, với trên 11.000 thành viên. Đây là lực lượng nòng cốt được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn về nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số để thúc đẩy chuyển đổi số đến từng thôn, bản, khu phố, hộ gia đình và người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số ở tỉnh Quảng Ninh thời gian qua cũng tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc. Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin của tỉnh vẫn còn thiếu, trình độ năng lực không đều, chủ yếu tập trung ở những đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của tỉnh và các sở, ngành. Một số đơn vị, địa phương chưa bố trí được cán bộ chuyên trách tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thiếu nhân lực về an toàn thông tin. Hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng chưa cao…
Một số giải pháp góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Ninh thời gian tới
Đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đề ra mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; trên 60% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng thành thạo các dịch vụ đô thị thông minh; 100% người dân có định danh số… Đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã xử lý công việc trên nền tảng số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ số đạt trên 90%...
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực và có các giải pháp cụ thể, khả thi để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Theo đó, nên tập trung làm tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục bám sát và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về “Đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đổi mới tư duy, nhận thức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Theo đó, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi số cần được giao trực tiếp cho thủ trưởng các sở ngành, địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn với công tác đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, tăng cường nguồn nhân lực công nghệ thông tin có kiến thức sâu về chuyển đổi số. Để làm được điều này, cần xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tăng cường, giữ chân cán bộ có trình độ chuyên môn cao về công nghệ thông tin, an toàn thông tin phục vụ chuyển đổi số của tỉnh. Thu hút, tạo nguồn cán bộ trẻ, dành khoảng 50% chỉ tiêu tuyển dụng mới để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 5-12-2017, của Chính phủ… Cùng với đó, cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ công nghệ số cộng đồng để giúp lan tỏa công nghệ số trong cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội diễn ra mạnh mẽ hơn…
Ba là, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về công nghệ, về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trong đó, trọng tâm là tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ điều hành, quản lý trên nền tảng chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các địa phương, cơ quan, đơn vị cần chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về chuyển đổi số gắn với yêu cầu của vị trí việc làm và nhu cầu thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Các cơ sở đào tạo cần chú trọng nâng cao nội dung, chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt là phải gắn chặt với thực tiễn triển khai công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Đồng thời, không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, như trực tiếp, trực tuyến, đào tạo theo đơn đặt hàng để thiết kế nội dung đặc thù với từng địa phương, cơ quan, đơn vị…
Bốn là, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng, những nội dung của chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, từ đó động viên, thúc đẩy họ chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí - truyền thông, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của tỉnh trong việc thông tin, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia các tiện ích của chuyển đổi số, tạo sự lan tỏa, thống nhất, ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa” các cấp, các tổ công nghệ số cộng đồng và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số gắn với cuộc sống của người dân đến từng hộ gia đình, từng người dân. Thúc đẩy, tạo lập hành vi, thói quen cho người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số, trước mắt tập trung hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đăng ký sử dụng tài khoản VNelD..../.
--------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 309
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 280
(3) Xem: Báo cáo số 368-BC/BCSĐ, ngày 21-4-2024, của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, về tình hình, kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
(4) Xem: Báo cáo số 280-BC/BCSĐ, ngày 28-3-2024, của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 9-4-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  (05/12/2024)
Phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh - Qua thực tiễn tại tỉnh Quảng Ninh  (01/12/2024)
Quảng Ninh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số  (30/11/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay