Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về điều tra dân số

Hà Sơn Thái TS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
13:51, ngày 13-05-2019

TCCSĐT - Trong không khí sôi nổi của cuộc Tổng Điều tra về dân số và nhà ở với quy mô toàn quốc bắt đầu vào lúc 0h00 ngày 01-4-2019 đến hết ngày 24-4-2019, chúng ta lại nhớ và càng trân quý những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về điều tra dân số và vận dụng tư tưởng của Người trong cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở hiện nay.

Sự cần thiết của điều tra dân số

Từ rất sớm, ngay từ khi bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân ở nước ngoài, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp - Chương XII - Mục III - Ở XYRI, xuất bản tại Pa-ri năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn: “Còn về nguyện vọng của chúng tôi, thì có thể nêu lên như sau: “a) Công nhận nền độc lập thật sự và sự thống nhất của Xyri. “b) Sau khi làm xong cuộc điều tra dân số đang tiến hành thì sẽ tổ chức phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ ban hành Hiến pháp và quyết định chính thể”(1) để nói về sự cần thiết của việc điều tra dân số là nhằm thu thập thông tin dân cư, cử tri để chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra ngay sau đó.

Sau khi đất nước ta giành được độc lập dân tộc (năm 1945) và sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, cách mạng nước ta đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, đó là: Xây dựng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Lạng Sơn, ngày 23-02-1960, chỉ ra mục đích việc điều tra dân số: “Vì sao toàn thể đồng bào cần phải giúp Chính phủ làm cho tốt việc điều tra dân số? Vì Chính phủ phải biết rõ miền Bắc ta có bao nhiêu người, mỗi tỉnh có bao nhiêu đàn ông, đàn bà, cụ già, trẻ em, thì mới rõ cần bao nhiêu lương thực, vải vóc, thuốc men, giấy bút, v.v., để cung cấp cho nhân dân; cần xây dựng bao nhiêu nhà thương, trường học, v.v., để phục vụ nhân dân. Nói tóm lại: Việc điều tra dân số là nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân”(2).

Tiếp tục tinh thần ấy, trong bài viết Vì sao cần phải điều tra dân số, đăng trên báo Nhân dân, số 2173, ngày 29-02-1960, Người giải thích cặn kẽ hơn: “Đảng và Chính phủ đang lãnh đạo miền Bắc nước ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, đang ra sức phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm mục đích nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân. Muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì phải biết rõ có bao nhiêu người để đặt kế hoạch cho đúng. Thí dụ: Về ăn mặc - thì cần chuẩn bị bao nhiêu vải, gạo, đường, thịt, v.v.. Về văn hóa - thì phải chuẩn bị bao nhiêu sách vở, báo chí, phim ảnh, v.v.. Về bảo vệ sức khỏe - thì phải biết rõ cần bao nhiêu thuốc men, nhà thương, thầy thuốc, v.v.. Về lao động - thì phải biết rõ ai có nghề gì để phân phối công ăn việc làm cho đúng với tài năng của mỗi người...”(3).

Để tăng tính thuyết phục, Người dẫn chứng những thành công trong điều tra dân số ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em để khích lệ cán bộ và đồng bào ta: “Các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa đều đã điều tra dân số và đã đạt kết quả rất tốt. Thí dụ: Từ sau Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô đã điều tra dân số ba lần: năm 1926, năm 1939 và năm 1959. Đầu năm 1959, dân số Liên Xô có 208.826.650 người, trong đó có 94.050.303 đàn ông, 114.776.347 đàn bà (đầu năm nay đã tăng thêm 4 triệu người). Gần ba phần tư người Liên Xô ra đời sau Cách mạng Tháng Mười. Số trẻ con chưa đầy 10 tuổi có 46 triệu 40 vạn em. Số người có sức lao động (từ 16 đến ngoài 50 tuổi) có 118 triệu 80 vạn người. Năm 1958, cứ 1.000 người Liên Xô thì số người chết là 7,2 người (Mỹ 9,5 người, Pháp 11,1 người, Anh 11,7 người). Trước Cách mạng, người Nga bình quân thọ được 32 tuổi. Năm 1957-1958, bình quân thọ 68 tuổi. Điểm này chứng tỏ rằng: Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, đời sống vật chất và văn hóa ngày càng nâng cao, người dân thật sự được hưởng cả Phúc, Lộc, Thọ”(4).

Về phương thức tiến hành điều tra dân số, Người cho rằng: Trước hết, đối với nhân dân, phải động viên, yêu cầu nhân dân phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trong thực hiện quyền công dân của mình, nhằm phục vụ lợi ích của chính nhân dân, của đất nước: “phải khai cho thật đúng, chớ khai thiếu, chớ khai thừa, chớ khai trùng một người nào” (5). Khuyên nhủ đồng bào ta tích cực tham gia giúp đỡ cán bộ phụ trách công tác này làm cho tốt việc điều tra dân số; đồng thời, kiên quyết đấu tranh với bọn phản động phá hoại công tác điều tra dân số của Chính phủ: “Vì vậy, toàn thể đồng bào cần phải tự nguyện, tự giác, tích cực tham gia giúp đỡ cán bộ làm cho tốt việc điều tra dân số. Đồng thời phải nâng cao cảnh giác, chống lại những lời phản tuyên truyền bậy bạ của bọn phản động”(6). Thứ hai, đối với cán bộ. Nhất quán quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ làm công tác điều tra dân số phải quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ về điều tra dân số cho chính mình và cho nhân dân, nhất là giải thích cho nhân dân thấy rõ lợi ích nhiều mặt của công tác điều tra dân số: “Cán bộ đi đúng đường lối quần chúng. Đồng bào hiểu rõ lợi ích”(7). Người còn chỉ ra khâu mấu chốt để thực hiện thắng lợi điều tra dân số là đồng bào và cán bộ phải đoàn kết, tương trợ và hợp tác chặt chẽ với nhau: “Cán bộ và đồng bào hợp tác chặt chẽ, thì việc điều tra dân số nhất định sẽ kết quả tốt, đúng, nhanh, gọn”(8).

Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tính cấp thiết, định hướng phương thức điều tra dân số và khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ và những năm tiếp theo, đó là: “Nói tóm lại: Vì lợi ích chung của nước nhà và lợi ích thiết thân của mỗi người mà cần phải điều tra dân số”(9).

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về điều tra dân số hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về điều tra dân số chẳng những có giá trị chỉ đạo thực tiễn cách mạng lúc bấy giờ, mà còn là kim chỉ nam cho 4 lần thực hiện cuộc điều tra dân số thành công trước đó và cuộc điều tra dân số lần thứ 5 hiện nay. Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về dân số.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về điều tra dân số hiện nay cần có quyết tâm chính trị lớn của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân ta; do đó cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung phương hướng, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ cơ sở đến trung ương và nhân dân, nhất là các điều tra viên thường xuyên quán triệt đầy đủ, sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tính cấp thiết và phương thức điều tra dân số theo chức trách, nhiệm vụ được giao; trong đó, thực hiện tốt khâu mấu chốt là cán bộ và từng người dân hợp tác chặt chẽ để tổng điều tra dân số và nhà ở hiện nay đạt kết quả tốt, đúng, nhanh, gọn như lời căn dặn của Bác Hồ.

Hai là, các chủ thể, nhất là các điều tra viên làm công tác điều tra tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm và có hiệu quả Quyết định số 722/QĐ-TTg, ngày 26-6-2018, của Thủ tướng Chính phủ Về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; Quyết định số 01/QĐ-BCĐTW, ngày 15-8-2018, của Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra dân số và nhà ở Trung ương Về việc ban hành Phương án Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; Kế hoạch số 05/KH-BCĐTW, ngày 04-9-2018, của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương Về công tác tuyên truyền Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019…

Ba là, các cấp, các ngành, các ban chỉ đạo, những người nhận nhiệm vụ kiểm tra, giám sát làm hết tinh thần trách nhiệm của mình để thực hiện được mục đích, yêu cầu cuộc tổng điều tra đề ra; đồng thời, chỉ đạo sát sao để kịp thời phát hiện những sai sót, những điều chưa đúng theo quy trình để kịp thời khắc phục trong quá trình điều tra dân số và nhà ở.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, nhất là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến hành Tổng Điều tra. Đồng thời, đấu tranh với những nhận thức và hành động phá hoại của các thế lực thù địch chống phá cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019./.

------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 129
(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr. 492; tr. 497; tr. 497 - 498; tr. 492; tr. 497; tr. 497; tr. 497; tr. 497