Vận dụng phương pháp giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giảng dạy và học tập
TCCSĐT - Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương châm, chiến lược, mục đích, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo con người luôn soi sáng sự nghiệp trồng người ở Việt Nam. Tư tưởng đó là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục hết sức sinh động, thiết thực và hiệu quả đối với người làm công tác giáo dục nói riêng, ngành giáo dục nói chung hiện nay.
Vận dụng phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh vào giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh ở các bậc chuyên nghiệp trong giai đoạn hiện nay là một đòi hỏi tất yếu đã được Đảng khẳng định: Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Quá trình hình thành tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh
Thời kỳ 1890 - 1911: Thời kỳ phôi thai ý tưởng tìm hiểu một số nội dung trong Nho học, Tây học, gắn với thực tế cuộc sống và giảng dạy tại trường Dục Thanh - Phan Thiết.
Từ khi còn nhỏ, Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến sự đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp đối với phong trào chống thuế của nhân dân các tỉnh miền Trung. Tại trường Tiểu học Pháp - Việt, Nguyễn Tất Thành đã tiếp xúc với văn hóa phương Tây, trăn trở với khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Người nhận thức được những điều ở sách viết, ở những bài giảng khi Người được theo học trong trường Pháp - Việt Đông Ba hay trường Quốc học đều trái ngược hoàn toàn với thực tế cuộc sống. Do đó, khi lựa chọn làm nghề dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), Nguyễn Tất Thành đã có tư tưởng và phương pháp giảng dạy mới, tiến bộ nhằm giáo dục lòng yêu nước, quý trọng các anh hùng giải phóng dân tộc, phát động hưởng ứng phong trào Duy Tân đất nước, mở mang dân trí và rèn luyện thể lực cho thanh niên.
Thời kỳ 1911 - 1920: Hình thành tư tưởng giáo dục theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Dời khỏi trường Dục Thanh - Phan Thiết, ngày 05-6-1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu cuộc hành trình quyết tâm tìm đường cứu nước. Người đã đi qua nhiều nước tư bản, đế quốc, thuộc địa, phụ thuộc và nhận thấy một thực tế là, nhân dân lao động ở đâu cũng đói khổ, mù chữ và khát khao cháy bỏng được độc lập, tự do. Từ một người yêu nước trở thành người Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc càng nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của việc giáo dục. Đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời kỳ này, tư tưởng và phương pháp giáo dục của Người là lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Tư tưởng này được phát triển qua sự kiện Người trở thành người cộng sản và tham gia hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn hoạt động của mình.
Thời kỳ 1920 - 1930: hình thành tư tưởng và phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh.
Những hoạt động giáo dục trong giai đoạn này chủ yếu thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tố cáo chế độ thực dân và chế độ giáo dục ngu dân, hình thành các quan điểm tư tưởng và phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh, đó là: Giáo dục phải gắn liền với nhiệm vụ chính trị và đời sống xã hội; Giáo dục phải đấu tranh chống chính sách ngu dân của giai cấp thống trị và tiếp thu nền giáo dục tiên tiến, cách mạng; Giáo dục phải là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người. Phương pháp giáo dục trong thời kỳ này là tiến hành phổ thông giáo dục theo công nông hóa và thực hành giáo dục toàn dân.
Thời kỳ 1930 - 1945: Phát triển phong phú và khẳng định tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng trên các mặt trận, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, tập trung vào một số điểm cơ bản: Chống giáo dục thực dân nô dịch để đòi quyền được học tập của mọi tầng lớp nhân dân; vạch ra một đường lối, chủ trương, chính sách để thực hiện giáo dục toàn dân; xác định những nguyên tắc “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng” cho văn hóa giáo dục. Người trở thành một minh chứng cho phương pháp tự học và luôn gắn liền giữa lý luận với thực tiễn.
Thời kỳ 1945 - 1969: Tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng của đất nước.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam tập trung bàn về “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” (ngày 03-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra việc diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Người khẳng định: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(1), do đó, “giáo dục là quốc sách”, nhưng phải có phương pháp phù hợp giữa điều kiện và đối tượng.
Vận dụng phương pháp giáo dục của Hồ Chí Minh trong dạy - học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố con người, với những yếu tố then chốt như hiểu biết, năng lực, đạo đức,… có vai trò quyết định đối với sự thành công của cách mạng và tiến bộ xã hội. Với tầm nhìn chiến lược của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, ngành giáo dục “vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(2). Theo Người, nền giáo dục mới và nhà trường mới phải thực hiện hoạt động dạy và học theo mục tiêu: học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Vì thế, nhiệm vụ của người giáo viên rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Thực hiện chủ trương học tập, quán triệt những quan điểm cơ bản và vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn sự nghiệp giáo dục của toàn Đảng, toàn dân ta, đồng thời góp phần tích cực vào việc giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh tại các bậc chuyên nghiệp, người giảng viên cần vận dụng phương pháp giáo dục của Người để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Thứ nhất, thực hiện nguyên lý “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội.
Người giáo viên giúp cho học sinh thấy học là quyền lợi, là trách nhiệm của mỗi người, gắn liền với mỗi cá nhân thì học là nhằm “cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào cải tạo xã hội”. Vượt trên cá nhân, là gắn liền với mục tiêu cao cả của cách mạng là: “Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hóa đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết… Để xây dựng chủ nghĩa xã hội”(3); “hành” tức là thực hành, là làm việc, là sự vận dụng những điều đã học nhằm giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Nếu coi “học” là việc tiếp thụ tri thức, kinh nghiệm thực tiễn, thì “hành” là sự vận dụng những tri thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn để giải quyết bài tập, vận dụng vào hoạt động lao động sản xuất, cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo chính bản thân mình.
Vận dụng nguyên lý “Học đi đôi với hành” trong dạy - học Tư tưởng Hồ Chí Minh là một sự chuyển hướng rất cơ bản trong phương thức đào tạo, làm cho nhà trường gắn kết với đời sống xã hội rộng lớn. Trong quá trình dạy học, người giáo viên cần liên hệ những tư tưởng của Người với thực tiễn chính trị - xã hội ở trong nước và trên thế giới, có thực tiễn minh họa thì bài giảng mới sinh động, vấn đề lý luận sẽ được cụ thể hóa, mang tính thời sự mới nhất. Từ đó sẽ giúp người học hiểu đúng bản chất khoa học của các nguyên lý, lý luận, đem lại cho bài giảng tính hiện đại, đồng thời nâng cao niềm tin của người học vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy cần tổ chức nhiều hình thức học tập ngoại khóa để nâng cao chất lượng dạy và học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh như: tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh; tổ chức các cuộc dã ngoại, tham quan di tích lịch sử cách mạng có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh, tiếp xúc nhân chứng lịch sử… để hiểu thêm về con người cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong điều kiện bùng nổ về thông tin, xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa hiện nay thì việc giảng dạy và học tập môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng cần gắn liền với cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận. Đó là đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hết sức thâm độc và nguy hiểm nhằm nâng cao ý thức chính trị, rèn luyện tư duy phản biện, giúp người học nhận thức rõ giá trị và sức sống của Tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, người dạy phải tự trang bị cho mình những kiến thức về lý luận và thực tiễn bằng nhiều hình thức.
Thứ hai, dạy và học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh phải bảo đảm tính toàn diện về đạo đức, năng lực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”(4). Chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo như thế nào trước hết phụ thuộc vào quá trình tương tác giữa giáo viên và học viên, Bác khẳng định: “Học trò tốt hay xấu đều do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu… phải luôn luôn đặt câu hỏi: Dạy ai?... Dạy để làm gì?... lúc đó mới tìm cách dạy… quần chúng công nhân, nông dân, trí thức có nhiều kinh nghiệm. Giáo viên nên khêu gợi những kinh nghiệm để tìm cách dạy tốt”(5). Theo đó, trước và trong khi giảng dạy, mỗi giáo viên, giảng viên cần nắm rõ trạng thái tâm lý, đạo đức, năng lực chung của người học, từ đó có sự lựa chọn phương pháp, nội dung, vấn đề mang tính trọng tâm, trọng điểm để trao đổi, gợi mở hướng nghiên cứu. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên cũng hết sức chú trọng việc nghiên cứu tình hình kinh tế - xã hội, cập nhật thông tin kịp thời so với những vận động, thay đổi nhanh chóng của đời sống và những sửa đổi, bổ sung không ngừng của chính sách, pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, dạy - học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cần lấy người học làm trung tâm, phát triển trí tuệ, phát huy tính độc lập, sáng tạo và tính tích cực của người học.
Sự phát triển của xã hội đang đòi hỏi các trường phải chuyển từ kiểu tập trung vai trò của giáo viên và hoạt động dạy sang kiểu tập trung vào vai trò của học sinh, sinh viên và hoạt động học. Dạy và học ở các bậc chuyên nghiệp là dạy và học phương pháp học, phương pháp tự nghiên cứu, dạy cách học sáng tạo. Nắm được phương pháp tối ưu, sinh viên không những tự học tốt khi đang ngồi trên ghế giảng đường, mà khi ra trường có thể tiến hành tự học, tự nghiên cứu suốt đời.
Dạy học cần cung cấp cho người học phương pháp luận khoa học, tư duy nhận thức mọi sự vật, hiện tượng. Đúng như Kant (Kan) đã nói: “Ta không thể học triết học, mà chỉ có thể học cách triết lý”, hay như lời của Albert Einstein (An-be Anh-xtanh): “Giá trị của một nền giáo dục không phải là dạy và học được nhiều sự kiện mà là đào luyện cho tinh thần biết tư duy”. Điều đó chỉ được thực hiện khi phát huy được vai trò chủ động, tích cực, độc lập của sinh viên. Tăng cường việc tự học, tự nghiên cứu, nêu vấn đề, thảo luận, sinh viên tự thuyết trình, làm việc theo nhóm, làm bài tập…, vừa phải hướng dẫn phương pháp học tập mới cho sinh viên để việc đổi mới phương pháp diễn ra đồng bộ và có kết quả tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải tuyệt đối tránh nhồi sọ”(6), “không nên học thuộc lòng từng câu, từng chữ”(7), “tuyệt đối không nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều”(8). Những lời căn dặn ấy có ý nghĩa quan trọng trong quá trình dạy và học: không nên đào tạo, giáo dục học sinh thành những con người thụ động, máy móc mà cần phải đào sâu suy nghĩ và nhấn mạnh khả năng tự giác học tập, việc học phải lấy tự học làm nòng cốt và phải có hướng dẫn tự học. Đây là phương pháp dạy học tích cực mang tính thời đại - dân chủ, nhân văn vì nó hướng vào người học để bảo đảm quyền lợi học tập và phát triển cho người học.
Thứ tư, vận dụng phương pháp giáo dục bằng tình cảm và việc xây dựng mối quan hệ thân ái - dân chủ.
Thực hiện phương pháp giáo dục bằng tình cảm là một nghệ thuật. Muốn giáo dục thành công học sinh thì trước hết, người giáo viên, người cán bộ quản lý giáo dục phải yêu thương, tôn trọng và quý mến học sinh. Người cũng nhấn mạnh, cần phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết chặt chẽ giữa thầy và thầy, thầy và trò. Từ chỗ thương yêu, trân trọng giá trị con người phải đi đến thực hiện nguyên tắc dân chủ đối với mọi người. Trong quá trình dạy - học, mỗi giáo viên cần xây dựng cho được mối quan hệ nhân văn, dân chủ giữa giáo viên và học sinh. Mối quan hệ dân chủ ấy không chỉ có một chiều mà phải luôn đi liền với kỷ cương, kỷ luật, dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy tôn trọng trò chứ không phải “cá đối bằng đầu”. Phương pháp giáo dục này có sự kế thừa truyền thống của nhân đạo của dân tộc ta, kế thừa tư tưởng nhân văn - dân chủ của các nhà tư tưởng lớn, các nhà sư phạm lớn trên thế giới. Đây cũng là một con đường, phương pháp hiệu quả để nâng chất lượng dạy - học trong sự nghiệp giáo dục hiện nay.
Thứ năm, thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá dạy - học phải dựa trên tinh thần dân chủ, công khai.
Kiểm tra nhằm đánh giá, khơi dậy khả năng tự bộc lộ, tự điều chỉnh những mặt còn hạn chế, đồng thời, phát triển những ưu điểm để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của học sinh. Đây là một chức năng của người quản lý nhằm thiết lập quan hệ giữa người lãnh đạo, nhà quản lý với những đối tượng quản lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy rằng: “Kiểm soát có hai cách: Một cách thì từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”(9). Đây là phương pháp kiểm tra mang tinh thần dân chủ, đổi mới theo hướng xây dựng hai chiều giữa người kiểm tra và người được kiểm tra. Nếu vận dụng phương pháp kiểm tra ấy trong nhà trường nói chung và trong môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng thì người quản lý trong quan hệ với giáo viên, người thầy trong quan hệ với học sinh cũng được quản lý, cũng được phát triển theo tinh thần dân chủ. Còn đối với học sinh sẽ là điều kiện để phát huy tính tích cực tự giác, tinh thần chủ động sáng tạo trong quá trình học tập và rèn luyện; phát huy mạnh mẽ khả năng tự quản và tự giáo dục của học sinh, đồng thời góp phần tối ưu hóa quá trình đào tạo trong nhà trường nhằm nâng cao chất lượng dạy - học./.
-------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 48
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.269
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.400
(6), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011 tr. 264
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.269
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 17 đến ngày 23-7-2017)  (25/07/2017)
Chủ tịch Quốc hội thăm và tặng quà gia đình chính sách tỉnh Hải Dương  (24/07/2017)
Phó Chủ tịch nước thăm các gia đình chính sách tại Long An  (24/07/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên