Đà Bắc: Hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Triệt để khai thác lợi thế tự nhiên
Có diện tích tự nhiên rộng nhất tỉnh Hòa Bình, Đà Bắc được đánh giá là huyện hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện cả về chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Với tổng diện tích tự nhiên khoảng 820 km² (chiếm 17,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh), Đà Bắc có nhiều loại đất rất phù hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp và dược liệu. Huyện cũng có nhiều điều kiện để phát triển ngành thủy sản vùng lòng hồ… Bám sát những đặc điểm trên, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đà Bắc đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Trước hết, Đà Bắc tập trung làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến người nông dân gắn với thực hiện có hiệu quả các mô hình điểm. Nắm vững nhu cầu của người sản xuất và trên cơ sở những mô hình kinh tế có hiệu quả, năm 2013, chỉ tính riêng trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã mở 65 lớp tập huấn kỹ thuật; triển khai 4 mô hình sản xuất; trong đó, tiêu biểu là mô hình sản xuất giống lúa Nông hộ tại xã Tu Lý, Mường Chiềng và mô hình sản xuất giống cây mỡ bản địa tại xã Tân Pheo. Cùng với đó, Hội Nông dân huyện còn mở 17 lớp bồi dưỡng và thực hiện 7 điểm mô hình sản xuất ở quy mô nhỏ. Trên cơ sở những kiến thức sản xuất được trang bị và kết quả học hỏi từ những mô hình thí điểm, nông dân Đà Bắc đã vận dụng có hiệu quả, nhờ vậy hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương có bước phát triển mạnh. Năm 2013, huyện có trên 13 nghìn ha gieo trồng cây lương thực với sản lượng đạt 43.068,9 tấn, tăng hơn 2.230 tấn so với năm 2012. Diện tích trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày của huyện cũng không ngừng được mở rộng.
Tiềm năng đất lâm nghiệp cũng được Đà Bắc tập trung khai thác có hiệu quả. Với trên 30.522 ha đất lâm nghiệp (đứng thứ hai trong tỉnh), huyện đã vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc kết hợp với trồng và bảo vệ rừng. Năm 2013, Đà Bắc đã có tổng đàn trâu, bò lên tới trên 15.400 con; huyện cũng trồng mới được hơn 1.000 ha rừng, qua đó nâng tỷ lệ che phủ rừng của địa phương lên 49%. Cùng với việc quan tâm nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, phòng trừ dịch bệnh…, phát triển chăn nuôi đại gia súc đã mở ra hướng đi mới với hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Đà Bắc, trong đó nổi bật nhất là tại các xã Tu Lý, Hào Lý, Cao Sơn, Toàn Sơn,…
Bên cạnh đó, huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh tiến hành khảo sát, nghiên cứu và bước đầu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản tại các xã thuộc vùng lòng hồ Hòa Bình, các xã ven sông Đà. Theo thống kê, đến hết năm 2013, Đà Bắc đã phát huy hiệu quả 81 ha ao, hồ và hàng ngàn ha lòng hồ nuôi cá, phát triển được 571 lồng cá với sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản lên tới 991 tấn, tăng 74 tấn so với năm 2012. Chỉ tính riêng tại xã Hiền Lương đã có 179 lồng cá với những loại cá có hiệu quả kinh tế cao như cá tầm, cá lăng…
Gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới
Xác định xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài trên cơ sở phát huy tốt sức mạnh nội lực của địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở Đà Bắc đã thực hiện tốt chủ trương gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chủ trương này không những góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp mà còn tạo điều kiện để đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống nông dân trên cơ sở hiệu quả kinh tế từ các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Thực tế, trong 3 năm 2011 - 2013, với phương châm lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ở Đà Bắc đã được quan tâm bảo đảm tốt. Riêng năm 2013, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Đà Bắc là 97.779 triệu đồng. Trong đó nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình chiếm tới 94.407 triệu đồng. Nhiều hạng mục phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như công trình thủy nông, thủy lợi cùng công tác bảo đảm nguồn giống vật nuôi, cây trồng cho nông dân trên địa bàn huyện đã được chú trọng đầu tư có hiệu quả. Trong năm 2013, huyện đã chỉ đạo đầu tư, thực hiện có hiệu quả 8 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp tại 4 xã là Hiền Lương, Toàn Sơn, Mường Chiềng và Tu Lý. Nhiều mô hình như nuôi cá lồng; nuôi trâu, bò thịt; trồng cây mỡ, bồ đề, xoan lai, keo lai… đã bước đầu mang lại những hiệu quả kinh tế rõ nét, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Là một xã điểm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của huyện Đà Bắc, Tu Lý cũng là một trong những xã đi đầu trong phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Với đặc điểm cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng chính, thu hút hơn 80% lao động trên địa bàn, những năm gần đây, Tu Lý đã chú trọng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về phát triển kinh tế như chăn nuôi trâu bò; nuôi trồng thủy sản… kết hợp với lựa chọn cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất. Từ đó, trình độ canh tác của người dân và năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Tu Lý ngày càng được nâng cao, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã Tu Lý cũng hình thành một số cơ sở sản xuất kinh doanh như chế biến gỗ, sấy ngô, đan rọ tôm, làm chổi chít, chẻ tăm mành… Kết quả phát triển sản xuất nông nghiệp đã tạo động lực để chính quyền và nhân dân Tu Lý đạt được nhiều tiến bộ trên các lĩnh vực như văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường… Kết thúc năm 2013, xã Tu Lý đã đạt được 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm, tăng 7 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 30,86%, giảm 20,24 % so với năm 2010.
Trên phạm vi toàn huyện, hiệu quả từ việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Năm 2013, kinh tế Đà Bắc tiếp tục tăng trưởng 14,6%; thu nhập bình quân đạt 14,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ gần 43% năm 2012 xuống còn 38,8%. Ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập mỗi năm tới hàng trăm triệu đồng. Trong xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và nhờ tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, đến hết năm 2013, Đà Bắc có trên 600 hộ gia đình tình nguyện hiến đất để xây dựng các hạng mục cơ sở với tổng diện tích 86.350 m²; huyện cũng đã huy động được 53.825 ngày công lao động của người dân tham gia làm đường giao thông và các công trình hạ tầng xã hội khác…
Với những chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, Đà Bắc đã thực sự thu được những bước tiến lớn trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển; tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; mở ra nhiều cơ hội để huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, từng bước “cán đích” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đại sứ Hoa Kỳ  (07/01/2015)
Trung Quốc ngang nhiên lập ban vũ trang ở Hoàng Sa của Việt Nam  (07/01/2015)
Mỹ lần đầu tham dự diễn đàn đầu tư với vai trò đối tác tại Ấn Độ  (07/01/2015)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đảng
- “Chạm thẻ JCB, vi vu Nhật Bản miễn phí” cùng VietinBank
- Tám mươi năm “Linh hồn, mạch sống của quân đội cách mạng”
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp