QE khép lại, một kỷ nguyên mới mở ra cho kinh tế Mỹ
TCCSĐT - Thời điểm hoàn tất việc mua 15 tỷ USD trái phiếu trong tháng 10-2014 cũng là lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức nói lời chia tay với chương trình mua trái phiếu còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
QE được bắt đầu bởi cựu Chủ tịch Fed, Ben Bơ-nan-ki (Ben S. Bernanke), hồi tháng 11-2008 khi Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế tồi tệ và kết thúc thành công dưới sự chèo lái của người kế nhiệm, bà Gia-net Y-ê-len (Janet Yellen), vào thời điểm nền kinh tế này phát đi những tín hiệu phục hồi vững. Sự kết thúc của gói kích thích này được kỳ vọng mở ra một chương mới cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nỗ lực của Fed được đền đáp bằng tăng trưởng và việc làm
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30-10, kinh tế Mỹ trên đà tăng trưởng vững, với mức tăng 3,5% trong quý III-2014 (kết thúc tháng Chín), vượt xa nhịp độ tăng trưởng của hầu hết các nước phát triển cũng như kỳ vọng của Nhà Trắng và các chuyên gia kinh tế. Tăng trưởng kinh tế quý III/2014 cùng với mức tăng trưởng ở mức hằng năm 4,6% trong quý II-2014 đã đánh dấu bước phục hồi lớn của kinh tế Mỹ, sau quý đầu năm tăng trưởng ảm đạm do ảnh hưởng của mùa Đông khắc nghiệt.
Như vậy, nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong sáu tháng qua đạt mức cao nhất kể từ năm 2003. Đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bước vào giai đoạn bền vững hơn, mở ra triển vọng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong năm nay và những năm tiếp theo. Những nỗ lực của Fed trong gần sáu năm qua đang được chuyển thành việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư của các doanh nghiệp (tăng 7,2% trong quý III-2014), chi tiêu quốc phòng (tăng 16% - mức tăng cao nhất trong 5 năm qua) và chi tiêu của người tiêu dùng mạnh lên là những động lực chính mang lại đà tăng trưởng tích cực cho kinh tế Mỹ. Với kim ngạch xuất khẩu quý III-2014 tăng 11%, vượt xa mức tăng 1,7% của nhập khẩu, thâm hụt thương mại được thu hẹp và góp 1,3 điểm % vào tăng trưởng kinh tế quý III-2014. Chi tiêu của Chính phủ (tăng 10% trong quý III-2014) cũng góp thêm 0,8% vào tăng trưởng kinh tế, được coi là sự đóng góp tích cực đầu tiên trong hơn hai năm qua.
Kinh tế tăng trưởng nhanh đã góp phần cải thiện thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9-2014 giảm xuống 5,9%, so với 6,1% trong tháng 8-2014. Từ đầu năm tới nay, nền kinh tế Mỹ mỗi tháng trung bình tạo được hơn 200.000 việc làm mới. Theo Bộ Lao động Mỹ, số người xin trợ cấp thất nghiệp mới hằng tuần hiện ở quanh mức thấp kỷ lục.
Ngoài các quyết sách đúng đắn từ Fed, kinh tế Mỹ còn được lợi từ một loạt nhân tố khác. Nền kinh tế này gần như được “cách ly” khỏi những yếu kém bên ngoài, nhờ xuất khẩu chiếm chưa đầy 14% hoạt động của kinh tế Mỹ, một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới. Tại Mỹ, người tiêu dùng mới là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế, đóng góp gần 70% vào GDP của nước này. Giá khí đốt giảm cũng giúp người tiêu dùng “giải phóng” được một số tiền đáng kể để chi tiêu vào những thứ hữu ích hơn, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
So với các nền kinh tế lớn khác, kinh tế Mỹ đã có các bước đi nhanh chóng để tăng cường sức mạnh của hệ thống ngân hàng, trong khi tài chính của người dân vững hơn nhờ lãi suất xấp xỉ 0% trong gần 6 năm qua giúp gánh nợ vơi đi đáng kể. Lẽ dĩ nhiên, kinh tế Mỹ không phải miễn nhiễm hoàn toàn với những bất lợi đang diễn ra trên thế giới. Các thị trường tài chính gần đây cũng ít nhiều xáo động và đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế châu Âu và châu Á cùng với việc đồng USD mạnh lên có thể kéo chậm đà xuất khẩu của Mỹ trong những tháng tới.
“Chia tay” QE, Fed mở ra kỷ nguyên mới
Trên cơ sở tăng trưởng kinh tế cải thiện rõ nét, tại cuộc họp chính sách ngày 29-10 vừa qua, Fed đã chính thức tuyên bố kết thúc QE từ tháng 11-2014 theo lộ trình đã đề ra. Được bắt đầu tung ra hồi khủng hoảng tài chính năm 2008, QE được coi là bước đi chưa từng có và khá quyết liệt nhằm đưa kinh tế Mỹ vượt qua cuộc đại suy thoái 2007 - 2009 và kéo “đầu tàu” của kinh tế thế thế giới tăng trưởng trở lại.
Thông qua ba gói QE gồm QE1, QE2 và QE3, Fed đã bơm vào thị trường hơn 4.400 tỷ USD bằng cách mua các trái phiếu dài hạn liên quan tới thế chấp, nhằm duy trì lãi suất dài hạn ở mức thấp để thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế.
Hạ lãi suất xuống mức thấp là cách mà Fed thường sử dụng để khuyến khích đầu tư và tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Fed đã duy trì lãi suất ở mức thấp gần 0% từ năm 2008. Vì thế, Fed bắt đầu mua trái phiếu để tác động đến lãi suất dài hạn. Việc thực hiện QE1 (11-2008 - 3-2010) và QE2 (11-2010 - 6-2011) đã giúp giảm căng thẳng về thanh khoản trên các thị trường. Ước tính, hai chương trình bơm vốn này đã giúp GDP của Mỹ tăng gần 3%, tỷ lệ thất nghiệp giảm 1 điểm % nhờ tạo được hơn 2 triệu việc làm, chỉ số chứng khoán S&P tăng 129% từ năm 2008 và chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng từ 44,9 lên 94,5 điểm. Fed tiếp thêm đà phục hồi còn chậm và tạo việc làm cho nền kinh tế bằng việc tung ra gói QE3 hồi tháng 9-2012, theo đó mỗi tháng Fed bơm 85 tỷ USD vào nền kinh tế. Tháng 12-2013, Fed ra quyết định giảm dần quy mô QE3 và tiến tới kết thúc chương trình này, theo đó từ đầu năm 2014 sẽ cắt giảm gói QE3 trị giá 85 tỷ USD đi 10 tỷ USD mỗi tháng. Sau khi Fed tiến hành đợt mua 15 tỷ USD trái phiếu cuối cùng trong tháng Mười vừa qua, gói QE3 chính thức kết thúc.
Từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc ba gói QE, Fed đã nhận được không ít những nghi ngờ và chỉ trích. Không ít người lo ngại QE có thể thổi bùng lạm phát, song trên thực tế điều này không xảy ra bởi lạm phát vẫn còn cách đáng kể mục tiêu 2%. Tình trạng bong bóng giá cổ phiếu và giá nhà đất cũng không xảy ra như nhiều người lo ngại. Về hiệu quả của các gói QE, không ít người cho rằng khó phân định được rõ ràng kết quả nào là nhờ QE và kết quả nào do nền kinh tế tự phục hồi.
D. Hen-lơ (Doug Handler), nhà kinh tế chủ chốt thuộc IHS Global Insight, đánh giá rằng Fed và gói QE của ngân hàng này đã giúp đưa kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930. Nhiều nhà kinh tế cũng đồng tình với quan điểm của nhà kinh tế này là ảnh hưởng có lẽ lớn nhất là việc làm cho người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp thực sự tin rằng các quan chức Fed sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau ngày chia tay QE, Fed sẽ làm gì ?
Chủ tịch Fed, Gia-net Y-ê-len, nói rằng QE không thể kéo dài mãi và những thiệt hại đối với người gửi tiết kiệm do lãi suất ở mức thấp quá lâu sẽ được bù đắp bằng sự cải thiện của thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế. QE kết thúc không có nghĩa là các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế cũng sẽ chấm dứt.
Fed giờ đây chuyển sang chính sách trung lập, không mua cũng không bán tài sản, chưa tăng cũng chưa giảm lãi suất. Việc duy trì lập trường này sẽ dựa vào tình hình tăng trưởng kinh tế trong những quý tiếp theo. Sau khi kết thúc QE, Fed sẽ tập trung đưa lạm phát đạt mức mục tiêu 2% và tiếp tục cải thiện thị trường lao động cho tới khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 5%.
Các thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán của các nước mới nổi đã đi xuống mạnh mẽ vào đầu năm nay khi Fed bắt đầu giảm quy mô QE3, do giới đầu tư bán mạnh cổ phiếu trước mối lo ngại lãi suất ở Mỹ sẽ tăng lên. Tuy nhiên, thị trường đã dần hồi phục với việc Fed cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức thấp.
Không nằm ngoài quy luật chung là các thị trường chứng khoán đi xuống sau mỗi lần Fed kết thúc một gói QE, các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm, trong đó chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm 0,2% và chỉ số S&P 500 giảm 0,5% sau khi Fed tuyên bố ngừng QE3 hôm 29-10. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng bà Yellen đã thành công trong việc trấn an giới đầu tư rằng lãi suất sẽ ở mức thấp kỷ lục 0-2,25% (được duy trì từ tháng 12-2008) “trong một thời gian đáng kể” sau khi “chia tay” QE và bất chấp triển vọng kinh tế sáng sủa hơn. Các thị trường chứng khoán ngày 29-10 đồng loạt giảm nhẹ và sau đó nhanh chóng phục hồi.
Giới phân tích cho rằng sức ép buộc Fed phải tăng lãi suất giảm bớt do lạm phát hằng năm của Mỹ hiện ở mức 1,7% và dự báo sẽ còn giảm nữa trong ngắn hạn trong bối cảnh giá dầu đi xuống. Các nhà kinh tế hiện đưa ra những ý kiến khác nhau về thời điểm Fed sẽ ra quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 12-2008. Một số nhà phân tích cho rằng Fed sẽ giữ nguyên chính sách lãi hiện nay cho tới quý III-2015, song nhà kinh tế chủ chốt Paul Ashworth thuộc Capital Economics cho rằng Fed có thể sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự báo, có thể ngay từ tháng 3-2015.
Gói kích thích kinh tế kéo dài gần 6 năm này vừa kết thúc, song các chuyên gia kinh tế cho rằng công việc khó khăn bây giờ mới thực sự diễn ra và một chương mới thực sự thú vị sẽ bắt đầu. Lẽ dĩ nhiên, Fed sẽ tăng lãi suất. Tuy nhiên, trước mắt Fed chưa thể lấp đầy lỗ hổng tài chính mà các gói QE để lại mà mới chỉ có thể ngừng đào sâu thêm lỗ hổng này. Fed cũng chưa đưa ra kế hoạch giải phóng số trái phiếu và chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản khổng lồ mà họ đã mua từ năm 2008. Giới kinh tế cho rằng đây là vấn đề không nhỏ và mang tầm vóc lịch sử./.
Sau gần 6 năm thực hiện 3 gói QE, Fed đã bơm hơn 4.400 tỷ USD vào nền kinh tế để duy trì lãi suất thấp, qua đó khuyến khích đầu tư và tạo việc làm
Liên hợp quốc đề ra 4 mục tiêu trong Chương trình hành động năm 2015  (18/12/2014)
Binh chủng Tăng - Thiết giáp: Khánh thành và bàn giao 4 nhà tình nghĩa tại Quảng Trị  (18/12/2014)
Binh chủng Tăng - Thiết giáp: Khánh thành và bàn giao 4 nhà tình nghĩa tại Quảng Trị  (18/12/2014)
Dư luận hoan nghênh quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba  (18/12/2014)
Hoạt động trong nước kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam  (18/12/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên