Học tập và làm theo phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Triển khai sâu rộng việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó chú trọng việc học tập, quán triệt theo chủ đề hằng năm và gắn việc thực hiện Chỉ thị 03 với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là thiết thực để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong. Với ý nghĩa đó, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách quần chúng - phong cách vì dân - một trong những nội dung đặc sắc nhất của phong cách Hồ Chí Minh là góp phần để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu và kính trọng của quần chúng nhân dân.
Tấm gương đạo đức của Bác luôn chiếu sáng cho chúng ta
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn không bàn nhiều về đạo đức, song từ cuộc đời hoạt động cách mạng và những trước tác của Người, vẫn toát lên chân dung một vị lãnh tụ cách mạng "luôn luôn quan tâm tới lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo, hiến dâng cả đời mình cho nhân dân, không hề quan tâm tới bản thân. Người cư xử nhiệt tình, khiêm tốn, gần gũi, bình dị, giữ mối liên hệ thân mật không cách bức với quần chúng. Quyết tâm và dũng khí đấu tranh của Người xuất phát từ tấm lòng yêu mến nhân dân, sức mạnh và uy tín to lớn của Người cũng bắt nguồn từ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân"(1). Bởi vậy, dù Người đã đi xa, song tấm gương đạo đức cách mạng vì dân, vì nước và phong cách quần chúng của Người vẫn sâu đậm trong trái tim và khối óc mỗi người dân đất Việt và bạn bè quốc tế.
Suốt cuộc đời mình và nhất là trong gần một phần tư thế kỷ ở vị thế một nguyên thủ quốc gia, nhưng không khi nào vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đặt mình ở trên nhân dân, ở xa nhân dân và không lắng nghe ý kiến của nhân dân, dù được nhân dân suy tôn là "Cha già dân tộc". Hồ Chí Minh không chỉ nói "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(2), mà Người còn nỗ lực suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân. Hành trình sống, hoạt động đầy gian khó nhưng rất đỗi tự hào đó đã làm ngời sáng chân dung một Hồ Chí Minh luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, luôn giản dị mà trí tuệ trong cuộc đời thường cũng như khi đang tranh đấu. Thời gian càng lùi xa, sự gần gũi, khiêm nhường và sẵn sàng quên mình cho hết thảy của Người để đem lại sự giải phóng hoàn toàn và hạnh phúc cho quần chúng nhân dân càng làm lấp lánh hơn phong cách quần chúng của một vị lãnh tụ thân dân, gần dân Hồ Chí Minh. Cuộc đời Người, đạo đức cách mạng, hành động và phong cách của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng tỏa ra giản dị, hoà nhập với pháp luật và chính trị, kết hợp giữa đức trị và pháp trị, thể hiện một mẫu mực “chính trị cách mạng trong đạo đức” và “soi sáng chính trị từ bên trong” đã làm nên một phong cách quần chúng Hồ Chí Minh đặc sắc, đậm đà bản sắc Việt.
"Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ thực sự liên hệ sâu sắc với quần chúng, mà nói như vậy cũng không đủ, phải nói là một vị lãnh tụ kiệt xuất đã hòa sâu trong nhân dân Việt Nam, thực sự trở thành một thể thống nhất với nhân dân Việt Nam"(3), thể hiện rõ trong phong cách quần chúng của Người. Luôn sâu sát nhân dân, chú ý tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tin tưởng và tôn trọng nhân dân, lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Người từng căn dặn cán bộ, đảng viên không chỉ có tác phong quần chúng trong quan hệ với quần chúng nhân dân, mà còn phải thể hiện trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, với cấp dưới. Trong quan niệm của Người, hiểu quần chúng cũng chính là cơ sở để hiểu cấp dưới được chính xác hơn và ngược lại hiểu cấp dưới sẽ góp phần hiểu quần chúng nhân dân được đầy đủ, cặn kẽ hơn. Càng hiểu dân và càng hiểu cấp dưới, người cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý càng lãnh đạo tốt hơn khi có giải pháp hữu hiệu để huy động tối đa tiềm năng, sức mạnh của cấp dưới, của quần chúng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó ở cương vị lãnh đạo, quản lý thì phải luôn "từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng và làm nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó có đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành. Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt"(4).
Là người luôn có phong cách sống và làm việc sâu sát thực tiễn, gần gũi với quần chúng nhân dân, thấu hiểu và chia sẻ mọi niềm vui và nỗi vất vả của người dân, với quần chúng, Hồ Chí Minh vừa là người đồng hành vừa là người dẫn dắt; với cán bộ lãnh đạo, quản lý, Hồ Chí Minh không chỉ là một mẫu mực đi đúng đường lối quần chúng, mà luôn chỉ rõ và mong muốn họ trở thành những người lãnh đạo, quản lý thành công, được dân tin, dân yêu, dân phục, dân theo, dân ủng hộ. Theo Người, để lãnh đạo đúng và tốt, người cán bộ, đảng viên: 1-Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng, muốn thế, nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng… 2-Phải tổ chức sự thi hành cho đúng, mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. 3-Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được… Phải từ quần chúng, vì quần chúng và nhất thiết phải có sự tham gia của quần chúng, do đó Người yêu cầu, "cán bộ tỉnh phải đến các huyện, các xã. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn. Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ, để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và hỏi dân''(5). Đó là phong cách người lãnh đạo không bó mình trong văn phòng, bàn giấy; thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân và đi sâu vào cơ sở, liên hệ mật thiết với quần chúng để nắm bắt nguyện vọng, ý chí của quần chúng, dẫn dắt họ, giúp họ thực hiện khát vọng, ý chí của mình.
Mong muốn cán bộ, đảng viên vừa phải xứng đáng là người lãnh đạo, vừa phải là “người đầy tớ thật trung thành của dân” và phê phán mạnh mẽ bệnh quan liêu - xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: những người mắc bệnh quan liêu không hiểu được rằng “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì thế, họ làm bất cứ việc gì, lẽ ra phải xét rõ và làm cho hợp tình hình thiết thực của quần chúng, thì lại chỉ làm theo ý muốn chủ quan của mình, rồi dùng mệnh lệnh, ép quần chúng làm theo. Cách làm việc như vậy sẽ không tránh khỏi thất bại, vì quần chúng không tin cậy, không đồng tình, không ủng hộ, thậm chí còn oán giận.
Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ luôn gần dân, hết mực yêu thương nhân dân. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước đắm chìm trong đêm trường nô lệ, đau cùng nỗi đau nước mất nhà tan với quần chúng lao khổ, Hồ Chí Minh nung nấu một lòng yêu nước nồng nàn, một khát vọng giải phóng đồng bào khỏi những năm tháng bị đọa đầy đau khổ. Với Hồ Chí Minh, không có gì là của riêng, tất cả đều là của nhân dân. Người “tượng trưng cho cuộc đấu tranh cách mạng, cho sức mạnh cách mạng của nhân dân", nên trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm đều gương mẫu thực hành và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải hàng ngày tự xem xét lại mình, xem cái gì đúng, cái gì sai, nguyên nhân vì đâu và suy nghĩ, tìm cách sửa chữa để làm việc tốt hơn, sống đẹp hơn, để được nhân dân tin tưởng và làm theo. Không chỉ yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; phải thực hiện phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; phải là người “miệng nói, tay làm” - thống nhất lời nói với việc làm…, Người còn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần khiêm tốn lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí, đồng nghiệp, của quần chúng, của cấp dưới, từ đó chuyển thành nhận thức và hành động tự giác. Đó chính là rèn luyện phong cách quần chúng người cán bộ cách mạng trong thực tiễn, là cơ sở để hoạt động, đặc biệt là hoạt động lãnh đạo, quản lý của người cán bộ ngày càng hiệu quả, và là tấm gương đối với quần chúng nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của họ vào sự lãnh đạo của Đảng.
Chúng ta sẽ trưởng thành khi làm theo tấm gương đạo đức của Bác
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, rèn luyện người cán bộ, đảng viên có đủ đức và đủ tài, vừa hồng và vừa chuyên, bồi dưỡng tác phong làm việc khoa học, quần chúng, tránh quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, bè phái, địa phương chủ nghĩa, tránh tư túng, tham lam, luôn vì Đảng vì Dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc,... là nhiệm vụ nhất quán trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm lịch sử. Thời chiến cũng như thời bình, nơi chiến trường hay tại hậu phương, trong học tập, lao động sản xuất hay khi chiến đấu, Người luôn quan tâm, động viên và dìu dắt đội ngũ cán bộ, đảng viên để họ thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, trở thành những người công bộc mẫu mực. Vì vậy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học và làm theo phong cách quần chúng của Người là một việc làm rất quan trọng và cần thiết; là trách nhiệm, đồng thời cũng là vinh dự của người cán bộ, đảng viên. Song để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó có học tập và làm theo phong cách quần chúng của Người đạt kết quả, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải chú trọng rèn luyện theo những nội dung sau:
Thứ nhất, luôn thể hiện vai trò tiền phong gương mẫu trong công tác cũng như trong sinh hoạt hằng ngày trước quần chúng. Cán bộ, đảng viên với tư cách là những người lãnh đạo, quản lý phải là người tiên phong, gương mẫu trong mọi hoàn cảnh. Tiên phong, gương mẫu đòi hỏi phải miệng nói, tay làm, thống nhất lời nói với hành động, thực hiện lý luận gắn với thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở, trước dân chúng, không phải chúng ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” là được người ta tôn trọng, mà muốn lãnh đạo nhân dân “phải làm mực thước cho nhân dân bắt chước”. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải luôn phát huy vai trò độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy lợi ích của Đảng, của nhân dân làm cơ sở cho hoạt động của mình. Phải sống giản dị, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân để công tâm, sâu sát, gắn bó mật thiết và quy tụ, lãnh đạo được quần chúng nhân dân.
Luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, mỗi người cán bộ, đảng viên phải làm gương về đạo đức cách mạng. Đối với mình, phải không kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, thường xuyên tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, trong hoàn cảnh nào cũng phải thực hành nguyên tắc để việc công lên trên, lên trước việc tư, không sợ khó khăn, gian khổ, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
Thứ hai, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của quần chúng, luôn gần gũi quần chúng, sâu sát và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Đảng ta là đảng cầm quyền, một bộ phận cán bộ, đảng viên là những người lãnh đạo, quản lý, song "nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân” và “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”…, do vậy, đội ngũ cán bộ phải luôn sâu sát quần chúng, xuất phát từ quần chúng để rèn luyện, điều chỉnh tác phong, phương pháp làm việc sao cho phương pháp lãnh đạo, phong cách quản lý, cách tổ chức, cách đặt kế hoạch phải phù hợp với quần chúng. Điều đó có nghĩa là, muốn hấp dẫn quần chúng, đem lại lợi ích thiết thân cho quần chúng, luôn phải học và làm theo lời Người dặn: “Bất kỳ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”(6). Hơn nữa, càng phải thấm nhuần sâu sắc rằng, “bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”(7)… Với ý nghĩa đó, một người cán bộ, đảng viên nhất là lãnh đạo, quản lý giỏi, không chỉ biết dựa vào quần chúng để xây dựng kế hoạch cho sát, cho đúng, mà còn phải biết dựa vào quần chúng để tổ chức, động viên, huy động được tiềm năng, sức mạnh của quần chúng, thực hiện thắng lợi kế hoạch. Đồng thời cũng phải luôn luôn chống thói làm việc tùy tiện, chủ quan, coi thường quần chúng, vì “nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào khoét chân cho vừa giày”(8).
Thứ ba, phải biết phát huy tiềm năng, sức mạnh của quần chúng để làm lợi cho quần chúng. Khẳng định vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh từng nói: Là cầu nối giữa Đảng với quần chúng, đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến với quần chúng và tổ chức quần chúng thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa phải quán triệt sâu sắc, vừa phải làm cho quần chúng hiểu đúng và tổ chức cho quần chúng thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách đó. Theo đó, trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tiếp xúc với quần chúng nên nói và viết phù hợp với trình độ, đặc điểm tâm lý, văn hoá của quần chúng là rất quan trọng, giúp cho việc triển khai thực hiện đạt được kết quả thiết thực. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải chống kiểu làm việc "sa-lông", bàn giấy, chống bệnh hình thức, khuôn sáo, chống thói ba hoa, chủ quan. Vì theo Người, cách nói, cách viết ba hoa, sáo rỗng là hệ quả của tác phong quan liêu, thái độ làm việc chủ quan, phương pháp làm việc tuỳ tiện... là những tác nhân phá hoại mối quan hệ cán bộ với quần chúng, làm cho quần chúng mất lòng tin, chán ghét cán bộ.
Cán bộ là người tổ chức quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước thông qua các chương trình hành động và kế hoạch. Hiệu quả của việc thực hiện quá trình này tùy thuộc rất nhiều vào phương pháp, cách thức xây dựng và tổ chức thực hiện của họ. Vì vậy, theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh thì cán bộ, đảng viên thực sự sâu sát quần chúng, thực sự hiểu và yêu quần chúng, phải nói, phải viết sao cho “sát quần chúng, hợp quần chúng” - nghĩa là "cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo,... của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”(9). Cùng đó, trong lãnh đạo “phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng, của Nhà nước”(10) và nhất là “phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho thực tế”(11).
Một trong những yêu cầu để người cán bộ, đảng viên nhất là người lãnh đạo, quản lý thành công trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện là phải thành tâm học hỏi quần chúng, kiên trì trong việc giáo dục, giác ngộ, lãnh đạo quần chúng như Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Muốn cho dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ dân chúng, mà cũng vừa nâng cao kinh nghiệm của mình”(12) và "Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành”(13).
Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thấm sâu, lan rộng trong thực tiễn, để tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách làm việc quần chúng của Người trở thành công việc thường xuyên, hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi đó là bổn phận, danh dự của chính mình. Đó còn là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng và rèn luyện người cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên, tâm huyết với Đảng, với dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ./.
------------------------------------
(1) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội,1990, tr.120.
(2) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.1, tr. 94
(3) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội,1971, t.3, tr.217
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.290-291
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.771
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.248
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.246
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.248
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.248
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.315
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, , t.10, tr.315
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.295
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.698
Hàn Quốc trong cấu trúc an ninh khu vực  (25/11/2013)
Công tác bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam  (25/11/2013)
Phải đổi mới tư duy để đổi mới giáo dục  (24/11/2013)
Tiến tới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái  (24/11/2013)
COP 19 đã đạt được thỏa hiệp để hướng tới một Hiệp ước toàn cầu  (24/11/2013)
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay