Tư tưởng và việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đền ơn đáp nghĩa
Theo thống kê, trong các bài viết giai đoạn 1945 - 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 59 lần đề cập đến “thương binh, bệnh binh”, “thương binh tử sĩ”, “đền ơn đáp nghĩa”. Chính lòng nhân ái, tình yêu thương con người bao la và thực tiễn trải nghiệm đấu tranh cách mạng đã góp phần hình thành ở Chủ tịch Hồ Chí Minh tư tưởng toàn diện, sâu sắc về công tác đền ơn đáp nghĩa.
Thứ nhất, theo Người, đền ơn đáp nghĩa là việc làm chí nghĩa chí tình, xuất phát từ tình cảm biết ơn, thành kính.
Năm 1947, theo chỉ thị của Người, ngày 27-7 được chọn làm “Ngày thương binh toàn quốc” (từ năm 1955 đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ). “Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày thương binh toàn quốc” lần thứ nhất (27-7-1947) thể hiện rõ tư tưởng của Người về quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ: “Thương binh là những người ưu tú hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí ấy đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy” (1).
Và để phong trào đền ơn đáp nghĩa ngày càng có hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đền ơn đáp nghĩa là “nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc làm phúc” (2). Vì “thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hi sinh cho đồng bào” (3) cho nên “bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Bác kêu gọi mọi người, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa phải xuất phát từ tình cảm chân thành và lòng biết ơn đối với những hy sinh to lớn của thương binh, tử sĩ: “Các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, bộ đội, công an trên các mặt trận, những đồng bào đang đau yếu thì không nên nhịn, còn tất cả mọi người khác đều nhịn ăn một bữa một cách tự động, tuyệt đối không cưỡng bức, làm sao cho mọi người hăng hái tham gia đền ơn đáp nghĩa”(4).
Thứ hai, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đền ơn đáp nghĩa là sự nghiệp lâu dài, là trách nhiệm của mọi người, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc và phải gắn với từng đối tượng cụ thể.
Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống của nhân dân, những anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh đã hy sinh tính mạng, xương máu của mình, vậy nên đền ơn đáp nghĩa phải được thực hiện thường xuyên, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, cả khi đất nước có chiến tranh cũng như trong hòa bình, lúc đấu tranh gian khổ cũng như khi chiến thắng khải hoàn. Đền ơn đáp nghĩa phải vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm của toàn dân. Trong đó, theo Bác: “Ngày 27 tháng 7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình liệt sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp phần xương máu trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc ta...” (5).
Cảm thông và sẻ chia những hy sinh, mất mát với thân nhân liệt sĩ, anh em thương binh, bệnh binh, trước lúc đi xa, Bác đã căn dặn chúng ta, công tác đền ơn đáp nghĩa rất quan trọng song cần phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Trong bản “Di chúc” thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đối với những người dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn… Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn ổn định, quyết không để họ bị đói rét” (6).
Thứ ba, trong công tác đền ơn đáp nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh việc quan tâm, động viên thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Trân trọng, đánh giá cao lòng dũng cảm, sự hy sinh của thương binh, tử sĩ, đồng thời Bác cũng luôn coi trọng việc động viên thương binh, bệnh binh cố gắng vươn lên khắc phục khó khăn. Kỷ niệm 1 năm “Ngày Thương binh toàn quốc” (27-7-1948), trong "Thư gửi anh em thương và bệnh binh", Người chân thành động viên: “các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non song” (7). Cùng với việc động viên, chia sẻ, Bác cũng ân cần nhắc nhở, mong muốn anh em thương binh, bệnh binh không nên dựa dẫm, ỷ lại, bi quan, chán nản mà phải cố gắng vươn lên để trở thành “người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận” (8). Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong cả hai cuộc kháng chiến của dân tộc và sự nghiệp đổi mới hiện nay, đã có rất nhiều thương binh, bệnh binh hăng hái tích cực thi đua lao động, sản xuất xứng đáng với lời Bác dạy: “thương binh tàn nhưng không phế”.
Không dừng lại ở tư tưởng, vượt lên trên những bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn là tấm gương mẫu mực trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa với những hành động, việc làm cụ thể, bình dị mà giàu ý nghĩa nhân văn.
Từ sau cách mạng Tháng 8-1945, trong suốt hơn 20 năm trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Bác đã luôn dành cho anh em thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ những tình cảm yêu thương chân thành nhất. Khi được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ hy sinh (tháng 01-1947), Bác đã viết trong thư chia buồn: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột… Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc…Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài, và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng” (9).
Với sự quan tâm chân thành, sâu sắc, tháng 02-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20 về chế độ “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Đặc biệt, Người luôn nêu gương trong quan tâm, chăm sóc, sẻ chia cùng gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Trong “Ngày thương binh toàn quốc” đầu tiên, 27-7-1947, không chỉ kêu gọi mọi người mà Bác đã tình nguyện ủng hộ những món quà thấm đẫm ân tình: "Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (10).
Từ đó cho đến trước khi đi xa vào năm 1969, hằng năm vào tháng 7, dù bận nhiều việc song năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi thư thăm hỏi, tặng quà động viên thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ như một việc làm tri ân những người có công với Tổ quốc. Những món quà của Bác mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa vì ẩn chứa trong đó chính là sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Những món quà đó đã thực sự “làm ấm lòng người chiến sĩ”, là nguồn động viên tinh thần to lớn, cổ vũ họ không ngừng nỗ lực vươn lên.
Tháng 8-1948, khi biết tin cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định có 6 người con tham gia kháng chiến, trong đó 4 người hy sinh oanh liệt vì Tổ quốc, Bác đã viết thư chia sẻ, động viên gia đình cụ Yên với những tình cảm thực sự chân thành, cảm động: “Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi và tặng Cụ mấy chữ: “Một nhà trung hiếu, Muôn thuở thơm danh”. Nhân dịp này tôi xin biếu cụ một cái áo mà đồng bào đã biếu tôi”(11). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, trong niềm vui chung của cả dân tộc nhưng trái tim đầy tình yêu thương của Bác vẫn không quên sự hy sinh lớn lao của những anh hùng liệt sĩ, anh em thương binh, bệnh binh. Sáng 31-12-1954, khi cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ (Quảng trường Ba Đình). Trong lời điếu, Người viết: “Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Bác thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội, kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ” (12).
Không chỉ quan tâm, sẻ chia, tặng quà những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người khởi xướng nhiều mô hình hoạt động đền ơn đáp nghĩa hiệu quả như: phong trào “Đón thương binh về làng”, phong trào thành lập “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội ủng hộ thương binh”… với những việc làm thiết thực, thắt chặt tình quân dân, tỏ rõ tình đoàn kết và tấm lòng nhân ái. Từ những phong trào này, đền ơn đáp nghĩa đã thực sự trở thành hoạt động xã hội rộng khắp mang lại những hiệu quả to lớn.
Học tập và làm theo tư tưởng, việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đền ơn đáp nghĩa, những năm qua nhất là từ sau ngày đất nước thống nhất, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã ra sức đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa. Cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống vật chất, tinh thần của thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã và đang được nâng lên rõ rệt. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công, tạo điều kiện về việc làm, thu nhập sao cho các đối tượng này có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công” (13).
Kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2013), thấm nhuần lời dạy của Bác, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta nguyện tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa trên cơ sở động viên mọi nguồn lực, xã hội hóa sâu rộng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa… chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống người có công với cách mạng, thiết thực củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh./.
-------------------------------------------------
Chú thích:
(1), (2), (5): Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 194; 513; 194;
(3), (9), (10), (11): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 570; 40; 194; 175;
(4): Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 1425;
(6): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 610;
(7), (8): Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, t. 1, tr. 266;
(12): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 503;
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 229; 230.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama  (26/07/2013)
Hội nghị về bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN  (25/07/2013)
Tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ, người có công với cách mạng  (25/07/2013)
Báo "Bưu điện Washington" đăng thông điệp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hoa Kỳ  (25/07/2013)
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 15,6 tỷ USD  (25/07/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên