TCCS - Trong 2 ngày (30-9 – 1-10-2024), tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024”. Với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, sự kiện là một trong những hoạt động quan trọng chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959 - 2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (1954 - 2024).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Lễ khai mạc “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024”_Ảnh: Khánh Nguyên

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động ngày một sâu rộng. Trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo ra được sản phẩm, dịch vụ có đặc tính cạnh tranh vượt trội, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Thêm vào đó, cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây dẫn đến sự gia tăng những biện pháp tăng cường bảo hộ, cạnh tranh quyết liệt về công nghệ cùng với những đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững là các nhân tố thực tiễn đang đặt ra cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải có các giải pháp cốt yếu về hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ để vượt qua những thách thức.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại; đồng thời, tại Hội nghị lTrung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục khẳng định: “Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Quan điểm này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò của khoa học - công nghệ trong tiến trình phát triển đất nước. Trong đó, lấy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu là hướng chủ đạo, chuyển dần từ việc gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang tăng năng suất, chất lượng lao động, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Với chủ trương lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương đánh giá trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp với một số ngành chủ lực, mũi nhọn; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua triển khai thực hiện các chương trình khoa học - công nghệ quốc gia; hoạt động xác định nhu cầu tìm kiếm chuyển giao công nghệ nước ngoài từ của các địa phương, doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu, kết nối với nguồn cung công nghệ nước ngoài. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiết lập và tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp ở trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông qua việc tổ chức các sự kiện giới thiệu, trình diễn và kết nối công nghệ.

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang đóng góp vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và nhà khoa học trên cả nước, dành nguồn lực, các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ. Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xác định sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng sáng tạo để tạo môi trường cho hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển hơn nữa.

Techconnect and Innovation VietNam 2024 kế thừa thành công của các chương trình Techdemo (2011 - 2019) và Techconnect and Innovation Vietnam (2020 - 2023), trở thành sự kiện thường niên để các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trình diễn, giới thiệu các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được ứng dụng, chuyển giao, làm chủ. Năm 2024, Techconnect and Innovation VietNam được tổ chức với quy mô quốc gia, bao gồm nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung vào các lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của xã hội và doanh nghiệp, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

Tại sự kiện, những thành tựu công nghệ mới trong và ngoài nước được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực được giới thiệu và trình diễn. Đặc biệt, các thảo luận đã tập trung vào việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước; kết nối giải pháp, công nghệ và tài chính cho các doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng, chuyển giao, phát triển và làm chủ công nghệ.

Đại sứ Julien Guerrier, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho rằng, Techconnect and Innovation Vietnam 2024 là một nền tảng tuyệt vời cho sự hợp tác, tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách giữa cung ứng và nhu cầu trong công nghệ. Sự kiện này nêu bật quá trình tiến bộ công nghệ của Việt Nam. Ông Julien Guerrier cũng cho biết, trong nhiều năm qua, châu Âu đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong một số sáng kiến công nghệ. Ví dụ, theo chương trình chủ lực Horizon Europe và chương trình tiền nhiệm, các trường và viện nghiên cứu Việt Nam đã tham gia 48 dự án với tổng số tiền tài trợ gần 4 triệu euro. Liên minh châu Âu và các nước thành viên sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu Việt Nam trong việc ứng dụng các công nghệ mới nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm môi trường bền vững và công bằng xã hội.

Còn ông Choi Youngsam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc - Việt Nam trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang hiệu quả trên nhiều khía cạnh: nghiên cứu ứng dụng, phát triển và thương mại hóa công nghệ, bồi dưỡng nhân tài... Ông khẳng định, các công ty Hàn Quốc, như Samsung và LG sẽ tăng cường hợp tác công nghệ với các công ty Việt Nam và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa sản xuất - nghiên cứu với các trường đại học và viện nghiên cứu địa phương…

Sự kiện gồm 5 diễn đàn kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo (Diễn đàn Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Diễn đàn Công nghệ ngành xây dựng; Diễn đàn công nghệ ngành y tế; Diễn đàn Công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ cao); Tọa đàm vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp của Thủ đô; Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ năm 2024, kết nối cung - cầu công nghệ; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024; Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ quy mô 200 doanh nghiệp.

Một trong các hoạt động ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Lễ khai mạc sự kiện “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024”_Ảnh: Khánh Nguyên

Techconnect and Innovation VietNam 2024 góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thông qua ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tại đây, đã diễn ra biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) với Trung tâm Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (CDTI); Cục Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) với Văn phòng Sản xuất thông minh Hàn Quốc (KOSSOM)./.


Năm 2011, sự kiện Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ (Techdemo) lần đầu tiên được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức và từ năm 2020, được triển khai với tên gọi Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo (Techconnect and Innovation).

Theo thống kê, đến nay, đã có khoảng 3.500 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của trên 1.000 viện, trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức khoa học - công nghệ, nhà sáng chế không chuyên giới thiệu, trình diễn tại sự kiện. Hỗ trợ kết nối ký kết gần 200 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp. Từ năm 2015, đã thực hiện tư vấn kỹ thuật và tư vấn chuyên sâu cho khoảng 500 doanh nghiệp.

Việc vận hành, khai thác 13 điểm kết nối cung - cầu công nghệ phân bố trên 5 vùng, tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước đã giúp triển khai hiệu quả hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tiễn.