Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Phấn đấu đưa Học viện Quốc phòng trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học quốc phòng ngang tầm khu vực và thế giới
TCCS - Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, ngày 12-9-2024, Học viện Quốc phòng tổ chức lễ khai giảng năm học 2024 - 2025. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự buổi lễ có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Lâm Thị Phương Thanh, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; Thượng tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Trải qua hơn 47 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Học viện Quốc phòng đóng vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tham mưu chiến lược về quốc phòng, an ninh, quân sự, xây dựng quân đội, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt của cách mạng nước ta, trong đó bảo vệ Tổ quốc là điều kiện, tiền đề quan trọng tạo môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, Tổ quốc ta được bảo vệ vững chắc từ sớm, từ xa theo phương châm “giữ nước từ khi nước chưa nguy".
Chúc mừng và biểu dương những thành tích và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Học viện Quốc phòng trong những năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, những kết quả to lớn trong bảo vệ Tổ quốc có sự đóng góp quan trọng của Học viện Quốc phòng. Trong nhiều năm qua, thực hiện vai trò trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế hàng đầu của quân đội và quốc gia, học viện luôn nghiêm túc quán triệt, triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, làm tốt công tác tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, an ninh, xây dựng quân đội.
Chỉ rõ thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, trong nước có những yếu tố có thể gây đột biến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh bối cảnh đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi nhận thức đúng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa đối tác, đối tượng. Đồng thời nhận thức đúng về chủ trương, giải pháp chiến lược để đẩy lùi thách thức, nắm bắt thời cơ, tiến tới làm chủ không gian vũ trụ, tiến sâu nghiên cứu làm chủ mặt nước, đại dương, đáy biển, nghiên cứu phát triển phòng không - không quân, làm chủ vùng trời, xử lý tốt thiết bị bay không người lái trên không, trên biển, robot đáy biển, robot phòng thủ khu vực rừng núi... Cùng với đó là phát triển nghệ thuật quân sự không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy mà cao hơn, phải tranh thủ tối đa thời cơ, biển thách thức thành cơ hội, không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, gia tăng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng quân đội tinh, gọn, mạnh, đến năm 2030 chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị học viện quán triệt, thực hiện có hiệu quả chủ trương, quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo gắn với bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang thời kỳ mới. Trong đó, học viện phải thể hiện rõ nét là đơn vị đi đầu thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về đổi mới giáo dục, đào tạo và quân sự, quốc phòng, an ninh; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện - đào tạo, quản trị nhà trường theo hướng khoa học, hiện đại. Nội dung huấn luyện - đào tạo phải sát với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước, sự phát triển của quân đội; sâu sắc về lý luận, phong phú về thực tiễn, cập nhật, bổ sung kiến thức lý luận, thông tin mới về khoa học quân sự hiện đại, nhất là lý luận và thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phù hợp với đối tượng tác chiến và thực tiễn các phương thức tiến hành chiến tranh trên thế giới hiện nay. Đồng thời, chú trọng chuyển đổi số, quản lý, khai thác dữ liệu lớn, phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, sáng tạo, thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, xây dựng học viện số, học viện thông minh. Phấn đấu xây dựng học viện trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự hàng đầu khu vực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình bên trong, bên ngoài có nhiều thách thức mới đối với bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, giải đáp kịp thời những vấn đề mới, khó đặt ra cấp thiết. Để đạt được mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vững chắc từ sớm, từ xa, từ các không gian mới, củng cố tiềm lực quốc phòng, gia tăng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, lý luận cách mạng là kết quả nghiên cứu của học viện có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, cần không ngừng mở rộng đối ngoại quân sự, hợp tác quốc tế của học viện với học viện, đại học quốc phòng, quân sự, viện nghiên cứu quốc phòng, an ninh các nước trên thế giới để tiếp thu kinh nghiệm, trí tuệ nhân loại trong hoàn thiện nghệ thuật quân sự thời đại mới.
Cùng với đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu học viện cần làm tốt công tác xây dựng Đảng bộ Học viện thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học đầu ngành là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có tư duy chiến lược sâu sắc, trí tuệ và năng lực thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, sư phạm tiên tiến, mẫu mực, kiên quyết không để những biểu hiện tiêu cực xâm nhập vào học viện. Tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đối với các đồng chí học viên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị cần nhận thức thật rõ yêu cầu ngày càng cao về tư duy, tầm nhìn, bản lĩnh, phẩm chất, năng lực của người cán bộ của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; thấy rõ vinh dự, tự hào và trách nhiệm lớn khi được học tập, nghiên cứu, rèn luyện tại Học viện Quốc phòng. Từ đó tranh thủ tối đa khoảng thời gian quý giá để không ngừng tích lũy, phát triển phẩm chất, năng lực; sau khi ra trường phát huy, vận dụng sáng tạo những kiến thức đã học vào từng cương vị công tác để đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để học viện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ cao cấp; đầu tư xây dựng Học viện Quốc phòng trở thành trung tâm huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học quốc phòng, quân sự hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Với truyền thống vẻ vang 47 năm xây dựng, phát triển và trường thành, với đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi, bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm và quyết tâm cao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, Học viện Quốc phòng sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.
Trung Duy (tổng hợp)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Tổng cục Kỹ thuật  (11/09/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3  (10/09/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đón, hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith  (10/09/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển