Báo cáo của Ủy ban Kinh tế- Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể tiếp tục giảm xuống còn 4% trong năm 2009.

Theo báo cáo điều tra tình hình kinh tế và xã hội Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) vừa công bố sáng nay (26-3), cuộc khủng hoảng tài chính gia tăng nhanh chóng, các cú sốc về giá lương thực, nhiên liệu và thách thức về biến đổi khí hậu chính là ba mối đe doạ đối với phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với tiêu đề “Giải quyết ba mối đe dọa đồng thời đối với phát triển”, báo cáo trình bày kết quả đánh giá chung từ góc độ khu vực cũng như kết quả phân tích riêng ở mỗi nước, và đề ra cách thức làm thế nào để các nền kinh tế trong khu vực cùng đồng loạt tiến bước theo hướng phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng dân cư hơn.

Đề cập tới Việt Nam, báo cáo này cho rằng, mặc dù giá gạo tăng cao ở mức kỷ lục có tác dụng làm dịu bớt phần nào tình hình khó khăn của nền kinh tế, song tốc độ tăng trưởng GDP có thể tiếp tục giảm xuống còn 4% trong năm 2009.

Cũng theo báo cáo này, cùng với giá gạo tăng cao 150% từ tháng 1 đến tháng 5-2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý 2 và quý 3 năm 2008 tăng thêm 45% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khi giá gạo giảm đi và tình trạng suy thoái ở Mỹ và các nước công nghiệp khác trở nên nghiêm trọng hơn, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm xuống còn 6,5% trong quý 4 năm 2008 và -3,7% trong tháng 1 và 2 năm 2009.

Tuy có ảnh hưởng tích cực tới kim ngạch xuất khẩu, song giá gạo cũng như các mặt hàng lương thực khác và dầu thô tăng vọt đã đẩy tỷ lệ lạm phát trung bình từ 8,9% năm 2007 lên 24,4% trong quý 2 năm 2008, và đạt tới đỉnh điểm là 29% trong tháng 10-2008. Để kiểm soát tình trạng lạm phát gia tăng, Chính phủ đã đưa ra một loạt các giải pháp: cắt giảm chi tiêu công, điều chỉnh lãi suất, tỷ giá, giá xăng dầu. Chính sách này cùng với việc giá hàng hóa giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm đã dần dần hạ được tỷ lệ lạm phát xuống còn 14,8% vào tháng 2-2009.

Đề cập tới những gói kích cầu mà Chính phủ đưa ra nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, báo cáo của ESCAP nhấn mạnh, cần sử dụng công quỹ một cách có chọn lọc. Đặc biệt, việc chi tiêu cho các chính sách tăng cường tính bền vững dài hạn của các thị trường năng lượng và lương thực, cũng như cho mục đích khắc phục sự suy giảm của các hệ thống bảo trợ xã hội hiện nay là những khoản đầu tư có giá trị cho tương lai, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu ngắn hạn trong nước.

Tại cuộc họp báo, TS Mia Mikic, Phòng Chính sách Thương mại, Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay. “Doanh nghiệp là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nhưng cũng là lực lượng chủ lực đưa nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng, vì thế, gói kích cầu cần chú trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả hơn; cần có những chính sách giúp doanh nghiệp giảm được thời gian họ bỏ ra để làm các thủ tục hành chính” - TS Mia Mikic nói./.