Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Samsung cần coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng, chiến lược toàn cầu
TCCS - Ngày 23-12-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ và thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) của Tập đoàn Samsung tại Hà Nội.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn...
Về phía Hàn Quốc có Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Oh Young Ju; Chủ tịch Liên hiệp Hội người Hàn Quốc tại Việt Nam Chang Eun Sook; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Han Yong; Chủ tịch Tập đoàn Samsung Điện tử Lee Jae Yong; Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử Roh Tae Moon; Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Display Choi Joo Sun; Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho…
Trung tâm R&D mới của Samsung tại Hà Nội được khởi công xây dựng tháng 3-2020, trên khu đất rộng 11.603 m2, gồm tòa nhà 16 tầng nổi và 3 tầng hầm, với tổng diện tích 79.522 m2, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD. Trung tâm R&D tại Hà Nội là Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á và là 1 trong 18 Trung tâm R&D của Samsung trên khắp thế giới.
Tại Trung tâm R&D Hà Nội, Samsung dự kiến sẽ tiến hành nghiên cứu và phát triển điện thoại thông minh, máy tính bảng, phần cứng và phần mềm, thu hút khoảng 3.000 người vào làm việc.
Samsung có kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu. Đến thời điểm hiện tại, 50% tổng sản lượng điện thoại di động cung cấp trên toàn thế giới của Samsung đang được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Samsung cũng đang tiến hành phát triển và kiểm định phần mềm (S/W) của thiết bị di động và network tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 30 năm thiết lập, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam và Hàn Quốc trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau và hình mẫu thành công dựa trên sự chân thành, tin cậy về chính trị; sự năng động, linh hoạt, bền vững trong hợp tác kinh tế và sự gắn bó sâu sắc trong giao lưu nhân dân.
Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn Hàn Quốc đã đầu tư thành công, hoạt động hiệu quả và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Samsung là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 20 tỷ USD. Hoạt động hiệu quả của Samsung thời gian qua có đóng góp quan trọng cho Việt Nam về doanh thu xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và đóng góp các loại thuế cho ngân sách nhà nước.
Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của Samsung trên toàn cầu. Việc Samsung triển khai dự án đầu tư Trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội là minh chứng cho định hướng và cam kết của Tập đoàn hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng, Trung tâm R&D Samsung đi vào hoạt động là tiền đề để Samsung hiện thực hóa các mục tiêu phát triển; là minh chứng cho những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao; là một trong những thành quả của quá trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Hàn Quốc trong 30 năm qua để đến ngày nay là Đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tại Việt Nam, phát triển khoa học - công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội với quan điểm “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".
Để Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội nói riêng và Tập đoàn Samsung nói chung hoạt động hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương tiếp tục phương châm “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, thực hiện thì phải có hiệu quả”, “Hiệu quả là phải bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và tất cả các bên cùng thắng”; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn Samsung đầu tư kinh doanh hiệu quả, nâng cao nội địa hóa và lâu dài tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Samsung tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh; coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng, chiến lược toàn cầu, toàn diện hơn nữa về sản xuất, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế. Đồng thời thúc đẩy các hợp tác cụ thể trong nghiên cứu, liên kết mạng lưới các chuyên gia, trí thức Việt Nam tại các viện, trường, doanh nghiệp công nghệ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam để cùng thúc đẩy các dự án công nghệ phù hợp theo nhu cầu của Samsung và mang lại những tác động tích cực cho Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong muốn Tập đoàn khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7-2023 tại Nhà máy Samsung tại Thái Nguyên. Đây sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu khép kín “chuỗi sản xuất” trong lĩnh vực điện, điện tử của Tập đoàn tại Việt Nam; khẳng định, Việt Nam tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án của Tập đoàn đầu tư, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Thủ tướng chúc Tập đoàn Samsung tiếp tục phát triển và thành công, hướng đến những mục tiêu mới, thành tựu mới. Việc hình thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Việt Nam sẽ là ngọn lửa truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo, dẫn đầu các công nghệ trong tương lai, tạo ra giá trị mới thông qua kiến thức và sự đổi mới không ngừng.
* Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lee Jae Yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Điện tử từ Hàn Quốc sang dự sự kiện.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Samsung trong việc hoàn thành Trung tâm R&D, cảm ơn những đóng góp của Samsung với vai trò là doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội, phòng, chống dịch COVID-19; bày tỏ cảm thông với Samsung về những khó khăn trong thời gian dịch COVID-19, chúc Samsung thành công toàn diện hơn nữa tại Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị Samsung tăng tỷ lệ nội địa hóa, giá trị sản xuất nội địa tại Việt Nam, giảm nhập khẩu từ nước ngoài. Với tỷ trọng tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung hiện cao hơn so với giá trị thu về, Việt Nam mong muốn tỷ trọng này thay đổi nhanh hơn theo hướng hai bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; đồng thời có nhiều hơn nữa người Việt tham gia ban lãnh đạo Samsung tại Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn Samsung Điện tử cảm ơn sự nhiệt thành, hỗ trợ của phía Việt Nam, trong đó có sự quan tâm của Thủ tướng đối với các hoạt động hợp tác, đầu tư của Samsung tại Việt Nam; khẳng định sẽ tích cực triển khai các nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu.
Ông Lee Jae Yong cũng cho biết cùng với việc làm tốt các hoạt động R&D tại Việt Nam, Samsung sẽ đẩy mạnh đào tạo, phát triển nhân lực có thể đáp ứng môi trường làm việc toàn cầu và phối hợp với phía Việt Nam để nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa cả phần cứng và phần mềm; tuyển dụng ngày càng nhiều hơn người Việt Nam vào làm việc tại Samsung./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Vương quốc Hà Lan  (13/12/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Thành phố Hồ Chí Minh  (28/11/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ xuất khẩu lô xe ô tô điện đầu tiên của VinFast  (25/11/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên